PGS Phan Thị Hồng Xuân cảm thấy buồn vì mạng xã hội chế giễu đề xuất "dùng lu đựng nước chống ngập"

14/07/2019 09:01 AM | Xã hội

Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân dù rất buồn nhưng bà sẽ không phản ứng lại cộng đồng mạng hay ai đó phản ứng tiêu cực với đề xuất sử dụng lu đựng nước để chống ngập.

Trao đổi với PV vào sáng 13/7, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP Hồ Chí Minh, người đề xuất mỗi nhà nên trang bị một lu đựng nước để chống ngập cho hay, bản thân bà cảm thấy rất buồn khi trên mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực, chế giễu, thóa mạ sau đề xuất của bà.

Theo bà Xuân, việc bà dùng từ "cái lu" là muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, dân gian cho dễ hiểu. Bởi thực tế, ở Việt Nam, nhất là các vùng nông thôn hầu hết nhà nào cũng có một vài cái lu để chứa nước.

"Thực ra ý của tôi là để chống ngập tạm thời thì mỗi nhà có một bể chứa nước tùy theo diện tích nhà để giúp chống ngập. Nếu mình dùng từ này hoặc "dụng cụ chứa nước" thay cho "cái lu" thì sẽ không bị phản ứng như hôm qua, hôm nay", bà Xuân nói.

Bà nhấn mạnh thêm, việc bà có phát biểu như vậy xuất phát từ việc tổ chức JICA - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã nghiên cứu và tư vấn trong một cuộc họp mà gần đây bà có dự.

Cụ thể, JICA cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Phía JICA cũng cho biết họ đã áp dụng rất thành công tại Tokyo.

Nữ PGS chia sẻ thêm, việc bà từng đến một số nước ở Đông Nam Á như Philippines và ở đó người dân của họ có một cái xe ba bánh, đặt trên đó một cái thùng nước.

Khi nhà ngập nước nội bộ người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng nước đó. Khi hết mưa, hết ngập họ lại dung chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn…

"Tôi cũng là một người dân sống trong vùng triều cường, ngập nước của TP Hồ Chí Minh, tôi chia sẻ ý kiến với tư cách đại biểu HĐND, người dân TP, gần gũi, thực tế.

Bản thân tôi không lấy mác PGS.TS ra để phát biểu mà dùng từ kinh nghiệm gốc gác của mình, tuy nhiên, nó lại bị phản ứng. Nếu nói rõ đây là ý kiến của JICA và nêu rõ cái bể thì có lẽ đã không bị phản ứng như vậy", bà Xuân chia sẻ.

Nữ PGS thông tin thêm, bên cạnh những ý kiến phản ứng, trong đêm qua và sáng nay, nhiều người đã nhắn tin động viên, bày tỏ sự đồng tình, thấu hiểu với đề xuất, việc sử dụng từ "lu" của bà.

"Nhiều người bạn, người không quen biết rồi các học trò của tôi tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nhắn tin, chia sẻ, động viên...

Họ nói rằng, họ hiểu từ "lu" tôi dùng chỉ là từ dân gian để dễ hiểu hay cách nói còn bản chất là mỗi một hộ dân cần có không gian để lưu trữ nước tránh ngập.... Thậm chí có người còn gửi cả sơ đồ bản vẽ, thiết kế tòa nhà, nhà ở có khu, hệ thống thu, chứa nước mưa...

Bản thân tôi sẽ không phản ứng lại cộng đồng mạng hay ai đó giễu cợt, phản ứng tiêu cực với mình vì sẽ có người hiểu, người không hiểu, càng giải thích, câu chuyện có thể sẽ càng đi sâu, đôi khi dẫn đến những việc không hay", bà Phan Thị Hồng Xuân nói thêm.

Trước đó, trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, bản thân ông không đồng ý với đề xuất trang bị cho mỗi hộ một cái lu hay kể cả xây bể nổi để đựng nước mưa chống ngập.

Ông nói, cách đây vài năm, ở một tỉnh phía Nam đã xảy ra tình trạng hạn hán và người dân đã dùng mọi dụng cụ, kể cả lu để chứa, đựng nước nhưng cũng chính năm đó, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát.

"Hiện nay, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên cần phải xem xét thật kỹ đề xuất này, tránh bùng phát dịch sốt xuất huyết", vị này nói thêm.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM