Oracle muốn đẩy mạnh đám mây, nhắm tới các DN vừa và nhỏ Đông Nam Á, không bỏ qua Việt Nam

30/03/2016 13:00 PM | Công nghệ

Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ đám mây đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu truyền thống, như Oracle, phải chuyển đổi mô hình của mình.

Tính đến năm 2015, hơn 90% phần mềm của Oracle đều có thể tích hợp với điện toán đám mây. Việc chuyển đổi không hề là điều dễ dàng cho một DN chuyên xây dựng hệ thống cố định (on-premise) như Oracle. Tuy nhiên, như Neeraj Shaabi, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oracle cho rằng: “Thế giới đang thay đổi rất khác so với quá khứ “.

Sự thay đổi ở đây đó là đáp ứng nhiều hơn, nhanh hơn những nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

“Nếu như cách đây khoảng 10 năm, Oracle có thể đi trước một bước và cung cấp cho khách hàng những giải pháp có lợi nhất, thì hiện tại, chúng tôi phải chạy theo các nhu cầu của họ. Vòng đời ra mắt các sản phẩm mới vì thế cũng phải nhanh hơn trước”, Shaabi cho biết.

Báo cáo Quý tài chính 3 vừa kết thúc ngày 29/2 của Oracle cho biết, tổng doanh thu từ mảng điện toán đám mây của công ty đã tăng 40%, đạt 735 triệu USD (tương đương tăng 44% tính theo giá trị ở thời điểm hiện tại). Đặc biệt, doanh thu của mảng Phần mềm như một dịch vụ (SaaS) và Nền tảng như một dịch vụ (PaaS) trên điện toán đám mây của Oracle đã tăng những 61% tính theo giá trị ở thời điểm hiện tại. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy những tín hiệu khả quan.

Hướng tới DN vừa và nhỏ

Ngày nay, tất cả các DN trong ngành công nghệ đều đồng tình rằng, không sớm thì muộn, tất cả các dịch vụ và dữ liệu doanh nghiệp sẽ sớm được chuyển hết lên nền tảng đám mây.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở thì tương lai. Hiện tại, đa phần các DN trên thế giới vẫn đang áp dụng việc kết hợp cả 2 nền tảng: đám mây và hệ thống lưu trữ cố định.

Riêng tại Việt Nam, đám mây thậm chí vẫn còn là một khái niệm trừu tượng. Kể cả với những DN đã biết tới lợi ích của đám mây, họ cũng rất dè chừng trong việc chuyển đổi hệ thống.

Một đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây tại địa phương cho biết, các chủ DN từ chối không nâng cấp lên nền tảng đám mấy vì lý do hết sức đơn giản đó là… đám mây không nhìn thấy được, không thề sờ hay cầm nắm được như một hệ thống cố định.

Sự “vô hình” tưởng chừng là ưu thế tinh gọn của đám mây, bất ngờ lại là một rào cản khiến các DN Việt Nam ngại tiếp cận nền tảng mới này.

Mặc dù vậy, cũng giống như bất kỳ một lần đổi mới nào, các DN cung cấp dịch vụ đám mây đều chuẩn bị sẵn để đối phó với những thách thức này. Một trong những mục tiêu quan trọng của Oracle tại thị trường châu Á Thái Bình Dương nói chung và thị trường Đông Nam Á nói riêng lần này, đó là các DN vừa và nhỏ. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu mới của Oracle. Trước đây, Oracle chủ yếu đánh vào nhóm khách hàng là DN lớn.

“Trong quá khứ, chúng tôi thường hướng tới những giải pháp cho doanh nghiệp lớn, nhưng với dịch vụ đám mây, chúng tôi có thể chia nhỏ những gói dịch vụ để hướng tới những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn”, Adrian Johnston, Phó chủ tịch mảng ứng dụng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Oracle cho biết.

Hiện tại, Oracle chia nhóm khách hàng mục tiêu của mình ra làm 2. Đầu tiên, đó là nhóm khách hàng truyền thống sẽ sớm được thuyết phục để chuyển đổi sang nền tảng đám mây. Và thứ hai, đó là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn đang cần tới những giải pháp toàn cầu.

“Hãy làm cho khách hàng cảm thấy hạnh phúc”

RedMart của Singapore là một ví dụ. Startup siêu thị này đã quyết định sử dụng dịch vụ ERP Cloud của Oracle. Việc thuê dịch vụ của Oracle giúp RedMart tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc xây dựng cơ sở hạ tầng để lắp đặt một hệ thống cố định, thuê nhân viên vận hành và tự mình quản lý/phân tích dữ liệu.

Với Oracle, RedMart là có thể là cột mốc quan trọng mở ra tập khách hàng mới cho công ty này. Ở khu vực Đông Nam Á, các DN vừa và nhỏ thường chiếm đa số và đóng góp vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế.

Với tỉ lệ DN vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số DN, và những DN có nhu cầu quản lý dữ liệu của mình không hề nhỏ, Việt Nam có thể coi một thị trường tiềm năng.

Vấn đề quan trọng nhất còn lại, đó là làm sao để thuyết phục được các DN này thay đổi.

Shaabi cho rằng, sẽ cần có thời gian để thay đổi tư duy thị trường.

“Mục tiêu cuối cùng của tất cả các chủ DN đều là tăng trưởng, không phải đầu tư vào hạ tầng công nghệ hay máy tính. Vì vậy, chúng tôi phải cho họ thấy được đầu tư vào đám mây có phải cách tăng trưởng nhanh nhất hay không”, ông chia sẻ.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM