Ông Vũ Vinh Phú: Ở Việt Nam đoàn kiểm tra đi, người bán có thể bỏ thuốc độc vào ngay

23/08/2016 19:13 PM | Kinh doanh

Tại Nhật Bản, một mớ rau mùi nhỏ xíu cũng có mã vạch. Tại Thái Lan, nếu bán bát phở với giá quá cao sẽ cho ngừng hoạt động hay như Singapore, đơn vị nào vi phạm thì dán giấy đen tức khắc người ta bỏ đi và doanh nghiệp phá sản. Thế nhưng, ở Việt Nam, mọi thứ vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đáp.

Thực phẩm sạch và làm thế nào phân biệt với thực phẩm bẩn là một vấn đề nóng bỏng trong mọi cuộc họp bàn trong vài năm gần đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng, họ đã “bất lực” với cuộc đấu tranh thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn khi mọi thứ trở nên rối tung, thậm chí ngay đến một khái niệm, một cách làm vẫn chưa minh bạch.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhập nhèm giữa thực phẩm sạch, bẩn là kỷ luật thị trường tại Việt Nam rất kém.

Ở Nhật Bản, chúng ta phải khâm phục họ khi một mớ rau mùi nhỏ xíu nhưng cũng có mã vạch. Ở Thái Lan, nếu bán bát phở với giá quá cao – vài trăm nghìn sẽ bị yêu cầu dừng bán hàng. Ở Singapore, nếu điểm nào bị dán giấy đỏ thì người ta có thể vào ăn và nếu dán giấy đen thì chắc chắn người tiêu dùng bỏ, doanh nghiệp phải phá sản. Và đây là điều họ sợ nhất.

Thế nhưng, ở Việt Nam, đoàn kiểm tra đi, người bán có thể bỏ thuốc độc vào ngay là thực tế”, ông Phú chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ở Việt Nam, con người tùy tiện từ trong sản xuất đến phân phối. Tại sao thực phẩm sạch không ra được thị trường và cũng chẳng xuất nổi ra nước ngoài là vì chi phí sản xuất sạch cao. Đối tượng mua 1 kg xà lách với giá mấy trăm nghìn không nhiều nên người nghèo chấp nhận ăn bẩn. Họ đành chấp nhận ung thư sau 10 năm.

Đại diện cho các siêu thị ở Hà Nội, tuy nhiên, ông Phú thẳng thắn chia sẻ, khi hàng sạch đưa vào siêu thị vẫn có hiện tượng bị ép chiết khấu, chi phí tạo mã, chiếm dụng vốn…. Bên cạnh đó, chúng ta chưa phân biệt doanh nghiệp làm ăn chân chính và không chân chính.

Do đó, đừng nói người tiêu dùng thông thái mà các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Ngay cả bà Bộ trưởng Bộ Y tế ra chợ có khi cũng mua phải thịt cũng có tăng trọng.

Hiện nay, con lợn nuôi 4 tháng, con vịt nhà ông Vươn phải đến 70 ngày mới được thu, nhưng khi ra chợ chỉ chưa đầy 2 tiếng là vào bếp nhà cô Mỹ Linh. Trong khi quản lý đang đi kiểm tra thì thực phẩm bẩn nó đã tuồn ra chợ Bình Điền hết rồi. Thực tế này cho thấy, chúng ta đang quản lý từ ngọn chứ không phải từ gốc”, ông Phú cho hay.

Quan điểm ông Phú đưa ra là Việt Nam lực còn ít, thì chỉ làm một số sản phẩm chính như gạo, rau, thịt, cá…. Chứ hiện nay chúng ta cứ chạy theo giá đỗ, nước tương,… thì một vài tháng nữa, thực phẩm bẩn nó còn hoành hành quá đáng hơn.

Cũng theo ông Phú, việc kiểm tra, kiểm nghiệm cần sát sao hơn nữa. Trong đó, không chỉ bôi tên kẻ xấu mà còn biết tuyên dương người tốt.

Theo ông, với mức phạt 5 triệu đồng với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn còn quá nhẹ và chưa có tính răn đe. Do đó, cần quy trách nhiệm trực tiếp cho đơn vị đứng ra ký đảm bảo thực phẩm sạch nhưng lại sai phạm mới trị được tận gốc vấn đề.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM