Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo

20/12/2017 16:12 PM | Xã hội

Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ, ông tin việc tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 6,7% ngay từ đầu năm và ví việc nghi ngờ không đạt được chỉ tiêu này là "mặc cảm tự tin của một anh học trò nghèo".

Nguyễn Hiền:

Tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo bền vững là bải toán kép đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng bền vững của năm 2017? Nếu chấm điểm, theo ông, chất lương tăng trưởng được bao nhiêu điểm, trên thang điểm 10? Năm 2018, theo ông, cần làm gì để chất lượng tăng trưởng ngày càng được nâng cao? (Câu hỏi gửi tới TS Võ Trí Thành)

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, dài hạn (tăng trưởng bền vững), tăng trưởng ấy phải dựa vào tăng năng suất, và đằng sau là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động...

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017 thì về cơ bản vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế vốn có của VN như chi phí lao động còn tương đối thấp và những lợi thế so sánh khác. Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi lại của nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ.

Mặc dù tăng năng suất lao động có nhích lên, song lưu ý là theo mục tiêu ban đầu thì để đạt được mức tăng trưởng kế hoạch ban đầu thì tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP khoảng 32%. Nay đạt được mục tiêu này nhưng tổng đầu tư xã hội là khoảng gần 34%.

Nếu thang điểm cho chất lượng tăng trưởng là 10 thì tôi cho rằng năm 2017 đạt 6.

Đằng sau những con số ấy, phần nào phản ánh khả năng mục tiêu đề ra, nhưng quan trọng chúng ta nhìn tăng trưởng mục tiêu đề ra như thế nào.

Có 3 vấn đề:

- Thứ nhất, có cái gì của nền kinh tế không? Tăng trưởng xuất khẩu của Samsung, vẫn mạnh nhưng tăng vọt, Formosa quay lại sản xuất... không phải cái kinh doanh như bình thường.

- Thứ hai, tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ thế giới và Việt Nam, sau 10 năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tích cực hơn.

- Thứ ba là vấn đề điều hành. Có mặt được và mặt cần suy nghĩ. Được là nỗ lực quyết tâm hành động của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có thể thế giới đánh giá hơi cao quá nhưng DN Việt cũng cảm nhận được.

Chưa được là cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy. Cụ thể hơn là việc lệnh cho ông này ông kia, trong "nháy nháy" để tăng.

Đôi khi cách đòi hỏi ở chính sách không đem lại nhiều về vấn đề hiệu quả mà vẫn chỉ tăng về số lượng. Ví dụ: mục tiêu chính sách tiền tệ chỉ 18% giờ đã là 21 – 22%... Chưa phải cái thật chúng ta mong muốn.

Tóm lại, còn nhiều điều phải suy nghĩ, xem mình làm được đến đâu, cải gì là ơn trời, cái gì là nỗ lực, cái gì chưa là chuẩn.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 1.

Huy Khánh:

Tăng trưởng GDP năm 2017 là một câu chuyện gây nhiều bất ngờ với việc quý 3, chỉ số tăng trưởng tăng vọt khiến cho rất nhiều dự báo trước đó trở nên lạc hậu. Thậm chí ADB trong nhiều tháng vẫn luôn khẳng định là tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, nhưng vài tuần trong quý 4 lại thay đổi. Ông nghĩ về điều này?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia:

Bản thân tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo. Học trò mơ ước điểm cao, chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Năm 2017 có nhiều dự báo nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi tin rằng GDP có thể đạt được 6,6-6,7%.

Kết quả là tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Đóng góp không chỉ mang tính định lượng mà còn có nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.

Với tính toán riêng của tôi, GDP năm nay có thể đạt từ 6,7 đến 6,72%.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 2.

thành nam:

Nếu dùng 1 từ ngắn gọn để nói về thị trường chứng khoán năm 2017, bà sẽ dùng từ nào?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

TTCK Việt Nam năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục nhưng không ngạc nhiên.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 3.

Kiều Thuật:

Chứng khoán năm 2017 tăng “nóng” và thường được so sánh với sự bùng nổ của chứng khoán 10 năm trước. Theo bà, có gì khác biệt giữa thị trường năm này với 10 năm trước?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Nếu so sánh 2007 với 2017 thì bối cảnh kinh tế toàn cầu hoàn toàn khác nhau. Năm 2017 là chu kỳ kinh tế tăng trưởng, lạm phát thấp và Việt Nam cũng được hưởng lợi cùng với xu thế toàn cầu. Các TTCK Thế giới đều vượt đỉnh. Các nền kinh tế lớn như Argentina, Brazil, Nga…đều bắt đầu vượt qua suy thoái.

Trong khi đó, 2007 là bắt đầu chu kỳ suy thoái, lạm phát toàn cầu ở mức cao và Việt Nam cũng không tránh khỏi. Năm 2007, TTCK Việt Nam mới chỉ bắt đầu công cuộc cổ phần hóa, sự quan tâm của chính phủ là có, nhưng chỉ mới giai đoạn khởi đầu nên việc điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều hạn chế và trình độ thị trường còn khá non nớt. Bên cạnh đó, quy mô thị trường khi đó còn rất nhỏ để có thể hấp thụ được dòng tiền đầu tư gián tiếp của nước ngoài, từ đó dẫn tới “bong bóng” tài sản do cầu vượt cung.

Đến năm 2017, thị trường đã được tôi luyện sau 10 năm, nhà đầu tư trở nên dày dạn kinh nghiệm hơn, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cũng đã tích lũy được nền tảng quản trị và phát triển bền vững. Ngoài ra, quy mô thị trường đã khác hẳn, xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết, nhiều thương vụ IPO/bán vốn Nhà nước như Sabeco, Vinamilk, VRE, Vietjet Air…khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài. Do đó, năm 2017 TTCK tăng điểm là điều tất yếu và tôi tin rằng đó chỉ là khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng.

Nguyễn Thu Hương:

Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. So với năm 2016 như thế nào?

Ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam

Về số liệu kinh doanh trong năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của sam sung và các công ty thành viên 40 tỷ USD. Dự đoán trong năm nay sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD. Như vậy trong năm nay Samsung đã đạt mức tăng trưởng ước tính là 25%.

Ngoài ra, trong năm 2017 Samsung có 2 bàn đạp tăng trưởng tương lai đó là nhà máy samsung ở thành phố HCM chính thức đi vào hoạt động và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên. Và dự án thứ 3 của Samsung display cũng chính thức đi vào hoạt động.

Có được kết quả đó, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính Phủ cũng như 162.000 người lao động làm việc tại Samsung và nhân dân Việt Nam.

Năm 2016 có một sự cố liên quan đến điện thoại Samsung Note 7. Doanh nghiệp đã trải qua một thời kỳ rủi ro nhưng nhờ sự quan tâm của Chính Phủ và người dân Việt Nam đã vượt qua được khó khăn này. Sau đó với sự ra đời của Galaxy S8 và Note 8, chúng tôi đã gặt hái được thành công tốt đẹp.

Năm 2017 có một thành tựu to lớn đó là sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Năm 2014 chỉ có 4 doanh nghiệp Vệt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cấp 1 cho Samsung nhưng đến năm 2017 đã lên tới 29 nhà cung ứng. Đây là một kết quả rất ấn tượng.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 4.

Hạnh:

Năm 2017, nhiều người kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt được tỷ lệ trên 20% để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng những con số ước tính thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt mức nới room là 21% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kế hoạch. Ông nghĩ gì về điều đó?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, năm 2017 này, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng là như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều. Vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường BĐS, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII vào Việt Nam tương đối lớn. Tương quan giữa tín dụng và lạm phát có nhiều nhân tố. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 5.

Duy Linh:

Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu GDP 6,7% đã trong tầm tay. Đây cũng là mức tăng được đánh giá là ngoạn mục. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại cả 1 năm 2017 vừa qua, nếu được chỉnh sửa lại 1 điểm, ông sẽ chỉnh sửa điểm nào để con số tăng trưởng không dừng lại ở 6,7%?

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Chúng ta là nước đang phát triển cần tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước có trình độ cao hơn. Tuy nhiên việc tăng trưởng đấy phải cùng tăng với chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động.

Trong bối cảnh như hiện nay, nếu muốn sửa để tăng trưởng thêm, tôi cho rằng đó chính là cách điều hành. Chúng ta đã đặt ra được vấn đề cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần nhất quán tập trung vào các vấn đề này.

Còn nếu thuần tuý chỉ là câu chuyện tăng trưởng, thì nhìn vào kết quả 6,7% trong khi tín dụng chưa cần đạt đến mức tăng 20 – 21% tăng, giải ngân đầu tư công chậm, đó là cái gì?

Ít nhiều, tôi cho rằng đó chính là năng suất lao động đã tăng. Tuy nhiên, tăng nhiều nhất ở đây là tăng vốn, được quyết định hầu hết bởi đầu tư nước ngoài và một phần nhỏ khác đến từ khu vực tư nhân. Nghĩa là khi chính sách được cải cách, niềm tin đã trở lại, theo đó, nguồn lực đã sẵn sàng bỏ ra để góp vào tăng trưởng. Như vậy, quay đi quay lại, câu chuyện cần bàn nhất, như tôi đã nói, là điều hành và cải cách.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 6.

Trần Dũng:

Sự tăng trưởng mạnh sau 1 thời gian khiến thị trường chứng khoán phải đối mặt với rủi ro nào?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Mọi thứ luôn luôn tồn tại rủi ro, nhưng theo các chuyên gia kinh tế dự báo thì Thế giới sẽ tiếp tục trong chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018, 2019. Rủi ro vĩ mô có thể đế từ việc làm thế nào để giữ được tăng trưởng tốt trong môi trường lạm phát thấp.

Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng bằng xuất khẩu nên việc thay đổi chính sách thương mại giữa các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm, gia tăng căng thẳng địa chính trị… sẽ khiến TTCK có nhiều biến động. Và thị trường sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh sẽ cần thời gian để tích lũy trở lại.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chu kỳ tăng trưởng và của dòng tiền đầu tư tài chính. Còn đối với những doanh nghiệp yếu, phát hành cổ phiếu tràn lan mà không sử dụng hiệu quả thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và thoái trào.

Nam Phong:

Trong năm 2017, cùng với kết quả kinh doanh rất tích cực của Samsung tại Việt Nam thì Samsung cũng gặp rất nhiều chỉ trích về việc được hưởng ưu đãi vượt khung: có lợi nhuận lớn nhưng lại đóng thuế không nhiều cho Việt Nam. Ông và Samsung nghĩ gì về điều này?

Ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam

Tôi biết bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có ý kiến chỉ trích rằng Samsung không đóng góp được nhiều cho Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cũng như công ty coi những ý kiến này chỉ mang tính chất cảm tính và chưa có cơ sở lý lẽ xác đáng.

Thứ nhất, đối với các ý kiến cho rằng Samsung đang nhận được quá nhiều ưu đãi. Tất cả các ưu đãi mà Samsung được hưởng đều theo quy định dành cho tất cả các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Ví dụ luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật đầu tư vào công nghệ cao có các ưu đãi bình đẳng dành cho tất cả cá doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không riêng gì Samsung. Những chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế mà Samsung được hưởng hoàn toàn căn cứ theo quy định của các luật này, chứ không dành riêng cho Samsung.

Ví dụ năm 2016, trong số 16 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao thì đại đa phần là các doanh nghiệp Việt Nam.

Do samsung có quy mô đầu tư lớn và nổi bật nên khi nói đến những ưu đãi này thì mọi người cho rằng chỉ dành cho Samsung nhưng thực ra là dành cho rất cả các doanh nghiệp thuộc diện được nhận ưu đãi này và chúng tôi chỉ được nhận giống họ mà thôi.

Những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao và quy mô lớn mà chính phủ đưa ra nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 7.

Tuấn Dũng:

Dưới góc độ một nhà kinh doanh chứng khoán, bà đánh giá thế nào về mức giá bán ở thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Tôi nghĩ Chính phủ rất thành công trong việc bán cổ phần Sabeco với mức giá lên tới 5 tỷ USD. TTCK bây giờ không chỉ thu hút được dòng tiền đầu tư gián tiếp mà còn thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn và đó là điều thành công với TTCK.

Văn Nam:

Ông có nhận xét gì về thương vụ bán hơn 50% Sabeco cho tỷ phú Thái Lan vừa hoàn thành hôm 18/12?

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Cổ phần hoá Sabeco nằm trong ý đồ cải tổ DNNN, đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn.

Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bán Sabeco theo tôi cũng rất được giá, 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). Nhưng tôi phải nói rằng bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề phải quan trọng hơn. Thứ nhất là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt ở lĩnh vực nào thì để họ làm.

Thứ hai là câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức chúng ta có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách tồi nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách tốt nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả tốt, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực.

Báo chí cũng nói nhiều là bán rất được giá, 110k tỷ, 4,8 tỷ USD. Nhưng tôi phải nói rằng .. lý do cổ phần hoá DNNN về bản chất 2 điều rất quan trọng, bên cạnh bán nhiều tiền, quan trọng hơn số 1: thay đổi trong tư duy của chúng ta về vai trò của nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt hơn thì để họ làm à để nguồn tài sản Sabeco được sử dụng hiệu quả hơn, thể hiện đó.

Thứ 2 hậu cổ phần hoá một chút: ta có tiền, sử dụng đồng tiền đấy như nào. Cách dùng tồi nhất là chén – chi tiêu thường xuyên. Cái sử dụng tốt phải là đưa vào dùng nhưng lĩnh vực tạo ra sự lan toả tốt cho kinh tế. Ví dụ như kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Ý tưởng là cách sử dụng đồng tiền.

Tôi nhấn mạnh lại rằng quan trọng nhất là làm sao nguồn lực được dùng hiệu quả nhất. Còn trong kinh tế thị trường, hôm nay người này làm ông chủ, ngày mai người khác là chuyện bình thường vì tính dịch chuyển rất cao.

Riêng vấn đề hiệu quả, chưa tính đến yếu tố lan toả còn phải chờ thời gian. Nhưng ít nhất đến giai đoạn này, giống như tiến trình hội nhập Việt Nam, quan trọng nhất là lựa chọn đối tác, đây là cuộc chơi không phải một lần mà lâu dài hơn nhiều.

Ông Trương Văn Phước: Tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo - Ảnh 8.

Tuấn Dũng:

Dưới góc độ một nhà kinh doanh chứng khoán, bà đánh giá thế nào về mức giá bán ở thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco? Việc một thương hiệu bia lớn trong nước bị công ty nước ngoài thâu tóm có phải là một vấn đề đáng lo lắng?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Hiện nay là nền kinh tế toàn cầu rồi, việc cạnh tranh, thâu tóm là điều bình thường và tất yếu mà chúng ta không tránh khỏi. Chỉ có điều các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận đây là cơ hội để mình bắt buộc phải hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn. Chúng ta sẽ vẫn có những lợi thế riêng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thị trường khu vực cũng có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp trong nước sau một thời kỳ bị thâu tóm đã phát triển vượt bậc và có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Vấn đề là chúng ta cần dũng cảm vượt qua mọi thách thức, luôn lạc quan với nền kinh tế tiêu dùng đang phát triển tại Việt Nam và có tầm nhìn khu vực và toàn cầu.

Đức Minh:

Giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo về việc nợ công sẽ đạt đỉnh trong năm và tiến sát mức 65% GDP - ngưỡng được coi là nguy hiểm. Tuy nhiên, vào cuối năm, dự báo con số về tỷ lệ nợ công lại giảm và chỉ còn 62,6% GDP (giảm 1% so với 2016). Ông có nhận xét gì về điều này?

TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Tôi cho rằng, do giữa năm 2017, rủi ro không đạt mức tăng trưởng 6,7% là một lo ngại có cơ sở. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2017, có nhiều nhân tố đột biến như ý kiến của anh Võ Trí Thành vừa rồi, giúp tăng trưởng đạt mức kế hoạch đề ra. Kéo theo đó, mức nợ công so với GDP giảm xuống. Đồng thời, đã có các chính sách quản lý và cải thiện chất lượng nợ công hiệu quả hơn trong chính sách tài khóa.

Trà Ly:

Nói về kênh đầu tư tài chính, giờ đây không chỉ có cổ phiếu mà nhiều kênh khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng đang phát triển mạnh lên và có thêm một kênh mới là Bitcoin. Bà đánh giá triển vọng của các kênh này như thế nào? Đặc biệt là Bitcoin?

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT

Nói về các kênh đầu từ tài chính thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu và có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Quan trọng là bạn phải hiểu và khai thác được cơ hội biến động của thị trường.

Như thị trường trái phiếu trước kia chỉ có nhà đầu tư tổ chức quan tâm thì nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư và kinh doanh. Mặc dù trong môi trường lãi suất rất ít biến động như năm 2017 nhưng nếu khai thác cơ hội tốt thì bạn có thể thu về lợi nhuận cao mà an toàn.

Thị trường chứng khoán mới ra đời sản phẩm phái sinh cho phép NĐT có thêm sự lựa chọn để tham gia khi thị trường điều chỉnh và cũng là công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở. Nếu bạn hiểu về sản phẩm này thì nó cũng là cơ hội hấp dẫn có mức độ sinh lợi cao. Tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro cao.

Còn với Bitcoin thì tôi không hiểu nhiều về nó lắm.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM