Ông trùm hồi sinh thành công chuỗi siêu thị của mình sau hơn 5 năm ngồi tù

08/06/2021 09:19 AM | Kinh doanh

Sau hơn 5 năm ngồi tù, Zhang Wenzhong đưa Wumart trở thành một “tay chơi lớn” trong mảng siêu thị siêu cạnh tranh tại Trung Quốc.

Năm 2018, Zhang Wenzhong được tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc xóa tội danh về hành vi sai trái trong lĩnh vực tài chính sau khi ngồi tù hơn 5 năm. Ban đầu bị tuyên án 18 năm tù vì các tội lừa đảo, hối lộ tổ chức và tham ô nhưng ông Zhang được thả vào năm 2013 sau khi được giảm án. Ông đã dành nhiều năm sau đó để nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc trước khi Tòa án Nhân dân Tối cao lật lại các cáo buộc chống lại ông vào năm 2018. Trong quyết định cuối cùng, tòa án khẳng định rằng Wumart đã đủ điều kiện nhận vốn từ chính phủ tại thời điểm nộp đơn, rằng công ty của ông Zhang không có lợi thế bất chính trong việc mua lại và không có bằng chứng ông đã biển thủ công quỹ vì lợi ích riêng của mình.

3 năm sau đó, nhà tài phiệt người Trung Quốc này đã hồi sinh thành công chuỗi siêu thị do chính ông thành lập, thậm chí ông còn có ý định thực hiện hai đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu, một ở Hong Kong và một ở Mỹ.

Đây rõ ràng là một cú “lội ngược dòng” đáng nhớ của ông Zhang, 59 tuổi, người thành lập và điều hành chuỗi siêu thị Wumart. “Trải nghiệm này khiến tôi thực sự hiểu ra rằng cuộc sống thật ngắn ngủi. Điều gì cũng có thể bất ngờ xảy đến với bạn, và rồi mọi thứ sẽ lại trôi qua”, ông Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television. 

Ông trùm hồi sinh thành công chuỗi siêu thị của mình sau hơn 5 năm ngồi tù - Ảnh 1.

Tỷ phú Zhang Wenzhong. Ảnh: Bloomberg

Cú lội ngược dòng 

Ông Zhang ra tù và trở về với công ty vốn đã bị nhân viên, nhà cung cấp và nhà đầu tư hắt hủi từ lâu. Trong khoảng thời gian từ khi được trả tự do vào năm 2013, ông một lần nữa đưa Wumart trở thành một “tay chơi lớn” trong mảng siêu thị siêu cạnh tranh tại Trung Quốc. 

Để làm được điều này, ông phát triển các cửa hàng Wumart theo hướng đổi mới mà các “gã khổng lồ” công nghệ như Alibaba và JD.com đã đi tiên phong trên thị trường siêu thị trị giá 1.300 tỷ USD của Trung Quốc. Đó là đảm bảo giao hàng hóa tươi sống nhanh chóng, cho khách hàng lựa chọn bỏ qua quầy thanh toán và trả tiền qua điện thoại di động.

Wumart cũng tận dụng những lợi thế vốn có là chuỗi cung ứng ngoại tuyến để ra mắt các thương hiệu phụ chỉ bán cá và rau trong ngày. Công ty của ông Zhang hiện phân phối hàng hóa đến 94% khu phức hợp nằm bên trong đường vành đai 5 trong vòng 30 phút.

Ngoài ra, ông Zhang cũng tìm cách phát triển quy mô của Wumart bằng cách vay vốn để mua một lượng lớn cổ phần tại các công ty con của chuỗi bán lẻ hàng gia dụng B&Q (Anh) và tập đoàn bán buôn Metro (Đức) ở Trung Quốc.

Hiện tại, người sáng lập của Wumart đang kỳ vọng có thể huy động tới 1 tỷ USD trong thương vụ IPO tại Hong Kong của WM Tech Corp., công ty sở hữu của Wumart với 426 cửa hàng và Metro China với 97 cửa hàng.

Theo bản cáo bạch của WM Tech, doanh thu của công ty tăng vọt lên 39,1 tỷ nhân dân tệ (6,1 tỷ USD) trong năm 2020, từ mức 21,4 tỷ nhân dân tệ của năm 2018, chủ yếu nhờ thương vụ sáp nhập với Metro. Riêng với Wumart, chuỗi siêu thị ghi nhận doanh thụ tăng 6,4% và 8,1% lần lượt trong năm 2019 và 20220.

Ngoài ra, ông Zhang cũng thiết lập một nền tảng thương mại điện tử với tên gọi là Dmall, chuyên cung cấp các giải pháp bán lẻ trực tuyến, giúp các doanh nghiệp truyền thống có cửa hàng đưa dịch vụ của họ lên mạng. Dmall, được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư như Tencent Holdings, IDG Capital và quỹ công nghệ của Lenovo Group, dự kiến niêm yết tại Mỹ ngay trong 6 tháng cuối năm nay, Bloomberg từng đưa tin.

Ông Zhang cho biết công ty đang cố gắng bắt kịp xu hướng trong mảng siêu thị ở Trung Quốc. Đồng thời, WM Tech đầu tư vào các động lực tăng trưởng mới như dịch vụ mua hàng cộng đồng, tức là dịch vụ dành cho các nhóm người tiêu dùng trên mạng xã hội để đặt mua hàng với số lượng lớn cho hàng xóm hoặc bạn bè. Tháng 3, công ty cũng đồng ý đầu tư vào dịch vụ mua hàng theo nhóm của hãng gọi xe Didi Chuxing, một mảng mà các công ty công nghệ lớn như Meituan và Pinduoduo cũng đang đổ tiền vào.

Ngoài ra, Wumart cũng bắt đầu phát trực tiếp (livestream) các sự kiện bán hàng từ năm ngoái và hiện giờ thường đồng tổ chức hai lần một tuần cùng các thương hiệu khác.

“Các siêu thị của Wumart giờ rất khác so với 6 năm trước. Thế giới đã thay đổi. Nếu bạn muốn tồn tại với tư cách là nhà bán lẻ, bạn phải thích nghi”, ông Zhang nhận định.

Đối đầu với những hãng công nghệ lớn

Tuy nhiên, ông Zhang đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng của những “đứa con” trong ngành hàng tạp hóa đầy cạnh tranh và phân mảnh ở Trung Quốc.

Wumart chiếm 3,4% thị phần đại siêu thị của Trung Quốc trong năm 2020, theo số liệu của Euromonitor International. Theo đó, đây là chuỗi siêu thị lớn thứ 6 tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Con số này cao hơn mức 2% của năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều Walmart Trung Quốc (9,3%), Yonghui Superstores (11,9%) và Sun Art Retail do Alibaba chống lưng (13,7%).

Wumart đã cố gắng bắt kịp thị trường, song ngành siêu thị của Trung Quốc vẫn đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh các doanh nghiệp muốn cung cấp cho người mua sắm trải nghiệm mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến liền mạch dựa trên các ứng dụng di động, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người bỏ phương thức đi mua hàng trực tiếp do đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành.

Đây là điểm mà các “đại gia” công nghệ có lợi thế, bởi họ có sẵn hạ tầng số cũng như quyền kiểm soát dữ liệu khách hàng. Điển hình là chuỗi siêu thị Hema của Alibaba mới ra mắt từ năm 2015 mà đã ghi nhận doanh thu cao hơn cả mạng lưới của Wumart, theo số liệu năm 2019 của Hiệp hội Nhượng quyền và Cửa hàng chuỗi Trung Quốc. Alibaba thậm chí cũng kiểm soát “người dẫn đầu” thị trường siêu thị Trung Quốc hiện nay, Sun Art, và sở hữu 20% cổ phần tại Suning.com.

Sự cạnh tranh trong mảng siêu thị rất khốc liệt, với tổng thị phần của 5 nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc chỉ là 27%. “Siêu thị từ lâu là một mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp. Giờ đây, với sự tham gia của những ‘gã khổng lồ’ công nghệ, nó lại càng thêm nhiều áp lực”, Lingyi Zhao, chuyên gia phân tích về bán lẻ và thương mại điện tử tại SWS Research, nói.

WM Tech cũng đang mắc nợ rất nhiều khi phải vay tiền để “hồi sinh”, điều này khiến thời điểm IPO trở nên quan trọng với công ty này. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của WM Tech là 97% trong năm 2020, cao hơn nhiều so với những cái tên lớn trong cùng ngành như Sun Art và Yonghui (trên 60%). Nợ phải trả tăng lên 40,8 tỷ nhân dân tệ do các thương vụ sáp nhập. Chi phí tài chính tăng 33% lên 760 triệu nhân dân tệ vào năm 2020, cao hơn doanh thu thuần trong cùng kỳ.

Liệu việc vướng vào tù tội có ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của ông hay không thì vẫn còn phải xem xét. Tuy nhiên, kế hoạch niêm yết tại Mỹ của Dmall được đưa ra vào thời điểm mà chính quyền Biden đang giám sát chặt chẽ với giới doanh nghiệp Trung Quốc.

Dù vậy, từ sau khi ra tù, ông Zhang luôn đầy lạc quan về những thử thách phía trước. “Nếu bạn thực sự có một trái tim mạnh mẽ, nếu bạn thực sự sống sót sau những khó khăn đó, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn có thể tồn tại trong mọi hoàn cảnh khác nhau”, ông nói.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM