Ông tổ phát minh ra mì ăn liền: Phải vào tù vì trốn thuế, nảy ra ý tưởng nhờ nấu cơm cho vợ

28/03/2022 14:38 PM | Kinh doanh

Ít ai biết rằng khi mới ra đời, những gói mì ăn liền là hàng xa xỉ khi đắt gấp 6 lần bát mì ngoài quán.

Mỳ tôm vốn là một món ăn khá phổ biến với người Việt Nam và trên thế giới. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, từ những khu nhà nghỉ giá rẻ cho đến các nơi cao cấp như resort hay sân bay.

Báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền quốc tế (WINA) cho thấy lượng mỗi năm thế giới tiêu thụ tới 104 tỷ gói mì ăn liền. Riêng Việt Nam là một trong 15 quốc gia đang tiêu thụ mì gói nhiều nhất, xếp vị trí thứ 5, sau Ấn Độ và ngay trước Mỹ. Hiện nay, bình quân một người Việt Nam tiêu thụ 53,5 gói mì ăn liền mỗi năm và khách hàng bao gồm đủ thành phần, từ bình dân đến những doanh nhân nổi tiếng.

Tuy nhiên, nói về lịch sử mì ăn liền, có lẽ không nhiều người biết rằng chúng được phát minh bởi một doanh nhân Trung Quốc từng vào tù vì tội trốn thuế, sau đó nhờ một lần tình cờ giúp vợ nấu ăn tại Nhật Bản mà tạo nên được sản phẩm để đời.

Ông tổ phát minh ra mì ăn liền: Phải vào tù vì trốn thuế, nảy ra ý tưởng nhờ nấu cơm cho vợ - Ảnh 1.

Vào tù

Ông Momofuku Ando, cha đẻ của mì ăn liền sinh ra tại Đài Loan vào năm 1910 với tên khai sinh Go Pek Hok. Gia đình ông thuộc tầng lớp thương nhân khá giàu có, thậm chí ngay cả khi cha mẹ qua đời và Go Pek Hok phải chuyển qua sống cùng ông bà thì họ vẫn sở hữu cả một nhà máy dệt.

Nhờ ảnh hưởng của gia đình, ông Go thành lập công ty may mặc khi mới tròn 22 tuổi và chuyển đến Nhật Bản vào năm 1933, lấy tên là Momofuku Ando.

Vậy nhưng vào năm 1948, Ando bị buộc tội trốn thuế và đi tù 2 năm. Theo hồi ký của Ando, công ty của ông khi đó cung cấp học bổng cho sinh viên và bị hiểu lầm. Bất kể thực hư thế nào, doanh nghiệp của Ando cũng phải đóng cửa do hệ lụy của Thế chiến II khi Nhật Bản thua trận. Sau khi ra tù, Ando tiếp tục sáng lập ra hãng Nissin ở Osaka chuyên kinh doanh sản xuất muối.

Thế nhưng cũng chính nhờ sự điêu tàn của Nhật Bản sau chiến tranh mà Ando đã tìm kiếm được cơ hội đổi đời cho mình. Sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Osaka, nơi đây trở thành khu vực hoang tàn, đổ nát, người dân mất nhà cửa và phải xếp hàng chờ đợi cứu trợ.

Bản thân ông Ando đã phải chứng kiến hàng dài người xếp hàng chờ đợi tại các cửa hàng để được ăn một bát mì. Ngay lập tức, ông Ando hiểu rằng hòa bình sẽ chỉ đến với đất nước ông nếu tất cả mọi người đều có đủ thức ăn.

Bộ y tế Nhật Bản khi đó đã kêu gọi người dân chuyển sang ăn bánh mì từ viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên loại thực phẩm này không thông dụng do người dân quen với các món ăn như cơm, mì hơn. Mặc dù vậy, Bộ y tế Nhật cho biết không có công ty sản xuất mì nào đủ sức duy trì sản lượng cần thiết để cung ứng cho nhân dân. Các sản phẩm mì thời này chủ yếu vẫn là dạng thô cho các quán ăn.

Kể từ đây, Ando bắt đầu trăn trở về một sản phẩm mới có thể giúp người dân Nhật Bản chống đói. Tất nhiên Ando chưa thể thành công ngay bởi ông vẫn còn một công ty kinh doanh muối. Phải mãi đến năm 1957 khi doanh nghiệp này phá sản thì ông Ando mới có thời gian rảnh thử nghiệm nhiều ý tưởng mới.

Ông tổ phát minh ra mì ăn liền: Phải vào tù vì trốn thuế, nảy ra ý tưởng nhờ nấu cơm cho vợ - Ảnh 2.

Thành công nhờ nấu cơm cho vợ

Ban đầu, ông Ando đặt mục tiêu sản xuất loại thực phẩm ăn liền ngon, nấu nhanh, kinh tế, an toàn cho sức khỏe và bảo quản được lâu. Do đó, món mì được lựa chọn thành hướng nghiên cứu chính, vốn được người dân nước này ưa chuộng, thích hợp cho những người lao động Nhật thời kỳ hậu chiến.

Tuy nhiên, khâu khó khăn nhất là rút nước khỏi mì, hay làm khô mì vẫn chưa được ông Ando hoàn thiện cho đến một ngày nấu cơm cho vợ.

Khi đó ông Ando đổ mì vào chảo để làm mì xào cho bữa tối, rồi ông nhận ra rằng mì trộn mỡ không chỉ mất nước nhanh hơn ở nhiệt độ cao mà còn chín nhanh hơn. Kể từ đây, món mì ăn liền chính thức ra đời.

Nghĩ lại về thời gian đó, ông tổ của món mì ăn liền này cho biết chính những thất bại trước đây đã tiếp thêm sức mạnh cho Ando. Đồng thời, việc chứng kiến người dân phải đau khổ vì thiếu lương thực đã thôi thúc ông liên tục thử nghiệm cho đến khi tìm được sản phẩm cứu đói cho mọi người.

Thế nhưng theo nhiều chuyên gia lịch sử, món mì ăn liền khi mới ra đời khá đắt và chẳng có ý nghĩa gì cho việc giải quyết nạn đói.

Vào năm 1958, sản phẩm mì ăn liền Chikin Ramen lần đầu tiên ra đời nhưng phần lớn công chúng coi loại thực phẩm này là hàng xa xỉ do chúng đắt hơn mì thường. Tại thời điểm đó, mỗi gói mì có giá 35 Yên, tương đương 608 Yên (5,69 USD) tính theo lạm phát năm 2019, tức là đắt gấp 6 lần so với những bát mì thông thường.

Ông tổ phát minh ra mì ăn liền: Phải vào tù vì trốn thuế, nảy ra ý tưởng nhờ nấu cơm cho vợ - Ảnh 3.

Dẫu vậy, sự tiện lợi của loại mì này cùng khả năng bảo quản được lâu dần thu hút được sự chú ý của chính phủ. Sau khi được hỗ trợ vốn và cải thiện công nghệ, giảm chi phí và giá thành, mì ăn liền dần chiếm lĩnh được thị trường và góp phần giúp người Nhật chống lại khủng hoảng thiếu lương thực hậu Thế chiến II.

Không dừng lại ở đó, ông Ando muốn mở rộng sản phẩm này ra thị trường thế giới, đặc biệt là Phương Tây khi họ không quen dùng đũa. Ý tưởng dùng dĩa nhựa được hình thành nhằm giúp sản phẩm mì ăn liền tiếp cận thị trường này.

Vào năm 1966, trong một lần thăm Mỹ, ông Ando lại tiếp tục nảy ra ý tưởng mì cốc khi nhìn thấy một số khách hàng sử dụng cốc cà phê để ăn mì gói. Sau 5 năm phát triển, sản phẩm mì cốc được đưa ra thị trường vào năm 1971.

Ông Ando mất vào năm 2007 nhưng những gì ông để lại cho xã hội là vô cùng to lớn. Năm 2008, tổng số mì gói tiêu thụ trên toàn thế giới đạt 94 tỷ gói, tương đương mỗi người trưởng thành trên trái đất tiêu thụ 14 gói mỗi năm.

Đến năm 2015, con số này đã đạt 97,7 tỷ gói, tương đương 270 triệu gói mì được người dân sử dụng mỗi ngày. Trong đó Việt Nam đứng thứ 2 nếu xét về mức tiêu thụ mì gói bình quân đầu người với 51,9 gói/người/năm.

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM