Ông Phan Dũng Khánh: "Khi giá lên thanh khoản giảm, giá xuống thanh khoản tăng, đây là nghịch lý cho thấy dấu hiệu dòng tiền trên thị trường đang âm"

03/07/2022 09:20 AM | Kinh doanh

"Ngày xưa nhắm mắt mua cũng thắng, nhưng nay không chỉ không được nhắm mắt, mà phải mở thật to mắt, thậm chí phải nháy mắt 80 lần mới nên đưa ra quyết định đầu tư", ông Khánh nhấn mạnh.

Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục trong xu hướng giảm điểm, thậm chí thanh khoản giảm sút mạnh dấy lên lo ngại về dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường. Câu hỏi đặt ra lúc này, liệu TTCK có cơ hội nào trong "cơn bão" này hay không? Và các nhà đầu tư nên làm gì để tồn tại cũng như có những quyết định đúng đắn thời gian tới?

"Cơ hội là có nhưng theo tôi thấy là khó, cơ hội ít hơn hồi trước rất nhiều"

Tham luận tại sự kiện Điểm đến dòng tiền giữa vùng nhiễu động, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank – cho biết: iểm yếu của nhiều NĐT hiện nay là thích "xây nhà từ nóc" thay vì bắt đầu tư cơ bản, nền tảng". Là một trong những nhà đầu tư đầu tiên trên TTCK Việt Nam, đã đi qua bao thăng trầm, ông rút kinh nghiệm từ bản thân, rằng việc đầu tư theo số đông, hành động theo cảm xúc thường sẽ chuốc lấy hậu quả xấu nếu thị trường có những biến chuyển lớn.

Đáng chú ý, với vấn đề nóng hiện nay liên quan đến việc lạm phát đang xảy ra ở nhiều quốc gia, ông Dũng Khánh giải thích lạm phát là tốt cho thị trường tài chính nếu nó nằm trong ngưỡng quy định cho phép. Khi lạm phát tăng quá nhanh, quá nóng thì buộc các ngân hàng trung ương quốc gia của các nước phải thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, và đó mới là mối đe dọa của tài chính thế giới, chứ không phải lạm phát là mối nguy của kinh tế. Như vậy, nếu duy trì lạm phát gia tăng ở mức độ vừa phải và chạm mức mục tiêu sẽ thúc đẩy sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tốt hơn, cạnh tranh hơn, và nếu lạm phát ở mức vừa phải, thấp hơn mức tang thu nhập người dân thì cũng sẽ kích thích tiêu dung của quốc gia.

Bổ sung, ông Joshua Raymond - Giám đốc thành viên HĐQT Tập Đoàn XTB UK do tổ chức FCA quản lý – cũng nhấn mạnh tình hình giá hàng hóa, trong đó đáng chú ý là giá dầu. Theo chuyên gia, dự báo từ nay đến cuối năm giá dầu nhiều khả năng vẫn dao động quanh mức 120-130USD/thùng, khó có khả năng xuống vì nhiều yếu tố: từ tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến khó lường, bất ổn chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm và nhu cầu về năng lượng tăng cao trong mùa hè cũng như phục vụ cho sự hồi phục kinh tế.

Nói về cơ hội trên TTCK hiện nay, ông Khánh bày tỏ: "Cơ hội là có nhưng theo tôi thấy là khó, cơ hội ít hơn hồi trước rất nhiều. Tại sao? Vì trước đây hầu như mua gì cũng thắng, vấn đề là thắng ít hay nhiều thôi. Còn bây giờ thì mua được mã hay ngành không bị thua lỗ thôi đã giỏi rồi.

Điều đặc biệt trong 6 tháng đầu năm nay, trong các kênh đầu tư thì kênh gửi tiết kiệm lại là kênh mang lại lợi nhuận gần như hàng đầu. Đó là một nghịch lý, vì thường các kênh như chứng khoán, vàng, ngoại hối mới mang lại được lợi nhuận cao.

Theo tôi đánh giá, cơ hội hiện nay là có. Nhưng cơ hội gọi là rõ nét để mang lại lợi nhuận tốt trong tương lai thì chưa đến. Nhà đầu tư (NĐT) cần kiên nhẫn thêm một khoảng thời gian nữa".

Còn về thanh khoản, như chúng ta biết TTCK đang chứng kiến một mức thanh khoản thấp như vậy, và nếu NĐT để ý thanh khoản hiện nay đang chuyển động theo xu hướng giảm dần đều từ tháng 11/2021 đến nay. Khi thanh khoản thấp đúng là đáng lo, nhưng lo hơn là nó giảm dần đều. Thậm chí, tháng sau còn thấp hơn nhiều so tháng trước, trong khi giá lên thanh khoản giảm, giá xuống thanh khoản tăng: Đây là nghịch lý cho thấy dấu hiệu dòng tiền trên thị trường đang âm, tức dòng tiền rút ra nhiều hơn đổ vào.

Chuyên gia khuyên tốt nhất là "lách" qua để chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn

Chúng ta có thể thấy, số lượng tài khoản mở mới vẫn rất đông nhưng TTCK không lên được. Dù TTCK có những phiên tăng, nhưng chỉ cần giảm 1 phiên đã mất hết thành quả tăng 2-3 phiên. Nhìn chung, cơ hội theo ông Khánh dù luôn có nhưng hiện thì rất ít, NĐT chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn nên đứng ngoài. Nếu đầu tư thì chỉ nên dùng một tỷ trọng nhỏ, và lượng tiền mặt phải chiếm tỷ trọng cao.

Đặc biệt, đầu tư giai đoạn này phải hạn chế tối đa vay margin, bởi vì trong một xu hướng giống như đang có cơn bão, mọi người hình dung khi bão quét qua, mang theo sóng thần thì toà nhà cao 10 tầng trên bờ biển lúc này cũng chỉ có tác dụng làm chậm lại một điều chắc chắn xảy ra. Nên TTCK hiện nay được ví như toà nhà 10 tầng đó, chỉ làm chậm chứ để chặn lại cơn sóng thần thì rất khó. Tốt nhất là "lách" qua để chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn.

Và, cơ hội rõ ràng đó là gì?, là khi chúng ta thấy được dòng tiền quay trở lại rõ ràng hơn, hoặc quay trở lại với một nhóm ngành nào đó, giải ngân sẽ an toàn hơn.

Đặc biệt, hiện nay theo ông Khánh những NĐT gặp rủi ro lớn nhất là NĐT lướt sóng, còn NĐT trung dài hạn vẫn có thể tích luỹ được. Việc tích luỹ lúc này phải chậm rãi, không cần sợ mất cơ hội. Khác với thị trường năm 2020-2021 dễ mất cơ hội là đúng, thì TTCK lúc này đi theo chiều lên thôi nên càng đợi càng mất tiền, nhưng bây giờ càng đợi thì cơ hội ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, thậm chí cơ hội tuần sau sẽ tốt hơn tuần này, nên không có gì phải vội cả. Bởi vì bây giờ những người có tiền là người có quyền cất tiếng nói trên TTCK nhất.

"Về lực lượng nhà đầu tư mới F0, đợt này độ thanh lọc trên TTCK sẽ không nhỏ. Mỗi đợt giông bão đi qua thì sự thanh lọc sẽ nhiều hơn, điều này theo tôi là cần thiết cho TTCK. Sau cơn bão thường thị trường sẽ phát triển bền vững hơn, và những người vượt qua được giông bão thường sẽ thành công, dù tỷ lệ không nhiều.

Điều quan trọng của NĐT hiện nay, theo tôi nên suy nghĩ nhiều về sự tồn tại chứ không nên tấn công, chúng ta nên suy nghĩ về đường dài nhiều hơn là kiếm lời trong ngắn hạn. Với nhóm F0, tôi nghĩ sau đợt điều chỉnh đã có bài học cho riêng mình, giai đoạn này vẫn nên giữ tiền ở tỷ trọng cao", vị này bày tỏ.

Trong bối cảnh TTCK giảm như hiện nay mà cố gắng kiếm một nhóm ngành tăng, đó đã là một rủi ro rất lớn

Còn về động lực, hiện nay vẫn là NĐT cá nhân. Lấy ví dụ 2 năm vừa qua TTCK tăng mạnh cũng chỉ nhờ cá nhân trong nước, vì khối ngoại bán ròng liên tục 2 năm qua. Khác khi so sánh với 5-7 năm về trước, tỷ lệ giao dịch thường xuyên của khối ngoại chiếm đến 15-20%, trong khi con số hiện nay chỉ khoảng 5-7%. Do đó, hiện nay, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là NĐT cá nhân.

Nhận định cho 6 tháng cuối năm, các chuyên gia đồng thuận việc TTCK có thể tăng trở lại là rất khó. Hoặc chúng ta phải suy nghĩ theo hướng tăng trở lại so với mức thấp hiện nay, không thể nào tăng vù vù về lại đỉnh năm ngoái. Tuy nhiên, kỳ vọng gọi là tốt hơn thì TTCK nên tăng theo hướng dạng tích luỹ mới tốt, khi dòng tiền thấp như hiện nay mà tăng nhanh quá sẽ không bền vững.

Trong đó, nhóm ngành hưởng lợi từ lạm phát sẽ có cơ hội 6 tháng cuối năm. Chuyên gia cũng lưu ý, khi TTCK giảm thì tất cả các ngành đều giảm, chỉ là ít hay nhiều thôi. Nên việc trong bối cảnh TTCK giảm như hiện nay mà cố gắng kiếm một nhóm ngành tăng, đó đã là một rủi ro rất lớn rồi. Để có thể đảm bảo đầu tư đúng đắn, buột chúng ta phải đi chung với TTCK. Khi thị trường giá xuống muốn sinh lợi chỉ có thể trên thị trường phái sinh mà thôi.

"Ngày xưa nhắm mắt mua cũng thắng, nhưng nay không chỉ không được nhắm mắt, mà phải mở thật to mắt, thậm chí phải nháy mắt 80 lần mới nên đưa ra quyết định đầu tư", ông Khánh nhấn mạnh.

Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM