Ông lớn ngành vàng bạc Việt Nam hồi phục sau khi phải đóng cửa 320 cửa hàng

25/10/2020 09:32 AM | Kinh doanh

PNJ đã phải đóng hơn 320 điểm bán trên tổng số 365 cửa hàng trên toàn quốc (tỉ lệ đóng cửa hơn 85%). Nhưng bằng chiến lược “bắn tỉa” nhu cầu của khách hàng và sự quyết tâm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có nhiều thay đổi tích cực trong quý 3.

Thông tin trên được ông Lê Trí Thông, CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ tại Hội nghị nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2020 với chủ đề Vượt chướng ngại vật - Mở lối riêng do Anphabe tổ chức chiều tối ngày 22/10.

Theo ông Lê Trí Thông, Covid-19 đã ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành thời trang, trang sức… Rất nhiều câu chuyện phá sản, đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh.

PNJ phải đóng cửa hơn 320 cửa hàng

Tình hình chung của ngành đi xuống vì dịch bệnh, PNJ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, hồi tháng 4/2020, khi giãn cách xã hội được thực hiện để phòng chống Covid-19, PNJ phải đóng hơn 85% số điểm bán.

Ban lãnh đạo công ty phải ngồi lại để tính toán chiến lược, cùng nhân viên công ty vượt qua bão Covid-19.

“Không thể sử dụng bài cũ trong tình hình mới. Chúng tôi phải thay đổi chiến thuật hành quân. Trước đây, chúng tôi thường mở rộng sản xuất, mạng lưới khách hàng. Với câu chuyện của Covid-19, chúng tôi phải đổi cách “đánh”, ông Lê Trí Thông ví von khi nói về chiến lược đưa PNJ vượt bão dịch.

“Cùng một hỏa lực, chúng tôi phải bắn tỉa. Thị trường co lại nhưng cũng có những khách hàng chưa bị ảnh hưởng thu nhập. Dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu khách hàng, chúng tôi nắm bắt được nhu cầu của khách và “bắn tỉa” tới các tập khách hàng này”, CEO Lê Trí Thông nói.

Lần đầu tiên được ở khách sạn 5 sao

Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thông cho biết, nhân viên công ty đã nỗ lực, chăm chỉ làm việc trong thời gian qua để vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

Bình thường, mỗi năm PNJ chạy khoảng 6 chương trình lớn nhưng từ tháng 5 đến nay, PNJ đã chạy 15 chương trình. Nghĩa là trung bình, mỗi tháng doanh nghiệp tổ chức 4 sự kiện nhưng quy mô và cách làm khác so với trước dịch. Khối lượng công việc rất lớn, cường độ làm việc cao và PNJ phải thay đổi cách làm.

“Chúng tôi cổ vũ tinh thần cho các chiến binh của chúng tôi. Chúng tôi phải nói chuyện và thảo luận với nhau hàng ngày”, ông Lê Trí Thông kể.

Một vấn đề rất quan trọng mà ông Trí Thông nhấn mạnh đó là trong khó khăn phải đồng lòng, cùng quyết tâm. Nhân viên có tính cam kết nhưng cần có mục tiêu rõ ràng để cả đoàn quân tiến về phía trước. Và vai trò của người lãnh đạo trong “thời chiến” là phải đưa ra được mục tiêu rõ ràng đó.

Ở PNJ, theo ông Thông, có hơn 5.000 nhân viên nữ trong tổng số 6.600 nhân sự, đâu đó, sự cảm tính vẫn rất nhiều. Không có công thức chung để gắn kết nhân viên, mà mỗi người trong tổ chức ấy phải tìm ra công thức riêng cho chính tổ chức của mình.

Với PNJ, sau Covid-19, cả đoàn quân hơn 4.000 nhân sự của PNJ đã “kéo nhau” đến Phú Quốc để nghỉ teambuilding. Mục đích của công ty là để cổ vũ tinh thần cho toàn bộ nhân viên. “Chúng tôi cần sự đồng lòng”, ông Lê Trí Thông nói.

Có nhân viên đã chia sẻ với lãnh đạo công ty rằng: “Đây là lần đầu tiên họ được ở khách sạn 5 sao” và họ rất vui.

“Chúng tôi đầu tư để tạo ra sự đồng lòng. Chúng tôi đầu tư để mọi người cùng nắm tay nhau vượt qua tâm bão”, ông Thông nói.

Ông Thông vui mừng thông báo rằng đến quý 3, tình hình kinh doanh của PNJ đã có những khởi sắc.

Riêng lẻ quý III với doanh thu tăng 25,6% lên 3.975 tỷ đồng. Giá vốn tăng 32% nên lãi gộp còn tăng 3%, đạt 710 tỷ đồng. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh doanh đã tăng tốc và phục hồi trở lại. Trong đó, doanh thu trang sức quý III tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu vàng miếng tăng 19,1%.

Lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lợi nhuận PNJ đã tăng trở lại sau 2 quý giảm so với cùng kỳ.

Đỗ Lan

Cùng chuyên mục
XEM