img

Nước da đen sạm, mái tóc bạc, những nếp nhăn dọc theo khóe mắt, những vết tích của thời gian như ấn chứng cho 40 năm làm việc vất vả của ông Samy tại Canada. Tuy nhiên, vừa về tới Việt Nam, kế hoạch nghỉ ngơi của ông lại tạm gác lại, thay vào đó, ông lên một chiếc xe máy cũ kỹ rong ruổi khắp các con đường ở Tiền Giang để xem cách làm của bà con nông dân, học hỏi cách làm socola, tìm đầu ra cho cây ca cao.


Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 1.

Cuối năm 2016, hàng loạt các tờ báo nổi tiếng thế giới như New York Times, Bloomberg, Nikkei lên tiếng ca ngợi Việt Nam là nơi sản xuất ra loại socola ngon nhất thế giới. Đó là socola có thương hiệu Marou được sáng lập bởi hai người chủ là Samuel Maruta và Vincent Mourou. 

"Đây là loại socola ngon nhất mà bạn chưa từng nếm thử" – tờ New York Times bình luận. Và để tạo ra những thanh kẹo socola thơm ngon đấy, những hạt ca cao chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Ca cao Việt Nam, theo như đánh giá từ những nhà sáng lập Marou, không hề thua kém so với ca cao trồng tại Brazil, Nga hay Bờ Biển Ngà. 

Khi Marou mang socola Tiền Giang đi thi đã giành được huy chương Bạc ở hạng mục "loại soccola đen bean-to-bar (được sản xuất từ lúc còn là hạt ca cao cho tới khi trở thành thanh socola) ngon nhất", còn socola Bến Tre 78% của Marou cũng được huy chương đồng. Nói như vậy để thấy, những vùng có thể trồng ra hạt ca cao chất lượng cao tại Việt Nam không phải hiếm. Bản thân Marou cũng đặt tên 5 loạt socola của mình theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt ca cao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 2.

Mặc dù vậy, câu chuyện thần kỳ của Marou trên thực tế, vẫn chưa thể giúp nhiều người nông dân trồng ca cao Việt Nam đổi đời. Dù được công nhận là một trong những nơi thích hợp trồng ca cao nhất thế giới, nhưng hạt ca cao ở nước ta vẫn không hề phổ biến, với sản lượng chỉ chiếm 0,1% sản lượng ca cao toàn cầu. Cây ca cao cũng được người nông dân lựa chọn sau rất nhiều những loại cây nông nghiệp khác như cà phê, tiêu hay hạt điều.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 3.

Năm 2015, cách nơi thu mua ca cao của Marou không xa, cũng trên tỉnh Tiền Giang, hợp tác xã tiêu thụ ca cao Chợ Gạo từng là niềm hy vọng của người nông dân về đầu ra cho hạt ca cao. Tuy nhiên, những cánh cửa sắt, những ổ khóa hoen rỉ, những chiếc máy lên men ca cao chưa một lần được sử dụng cho thấy một sự thực đáng buồn: Nghề trồng ca cao ở đây đang chết.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 4.

Những người nông dân ở đây chia sẻ, ca cao ở đây có giá trị rất bấp bênh. Giá hạt ca cao tươi khoảng 2.200 đồng/kg, nhưng cũng có lúc tụt xuống chỉ còn 800 đồng/kg. Nản lòng vì giá vừa rẻ vừa khó tiêu thụ, người nông dân đành mang những cây ca cao nhiều năm tuổi đi chặt làm củi đốt. Dần dần, hợp tác xã Chợ Gạo có quy mô lớn từng có 500 hội viên, chỉ còn lại 15 thành viên bám trụ lay lắt.

 Chứng kiến cảnh từng gốc ca cao bị chặt bỏ, ông Bùi Durassamy (Samy), một Việt kiều Canada mang hai dòng máu Việt Nam - Ấn Độ rất suy tư. Ông Samy mang họ Bùi của mẹ, cha gốc Ấn, sinh quán ở Sài Gòn năm 1951. Trở về Việt Nam ở tuổi 65, ông Samy mua một mảnh đất ở Tiền Giang với dự tính nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, khi đến thăm khu vực trồng ca cao, ông Samy cảm thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ những người nông dân tại đây.

"Vừa về nước, tôi đã chứng kiến cảnh người nông dân quá cực khổ. Họ trồng nhưng không bán được, bị ép giá rất nhiều. Nhìn họ như vậy, tôi cũng không hứa hẹn gì mà chỉ nói, nếu mọi việc thuận lợi, tôi sẽ thu mua ca cao đúng với giá trị vốn có của nó", ông Samy chia sẻ bằng một thứ tiếng Việt rất sõi. 

Nước da đen sạm, mái tóc bạc, những nếp nhăn dọc theo khóe mắt, những vết tích của thời gian như ấn chứng cho 40 năm làm việc vất vả của ông Samy tại Canada. Tuy nhiên, vừa về tới Việt Nam, kế hoạch nghỉ ngơi của ông lại tạm gác lại, thay vào đó, ông lên một chiếc xe máy cũ kỹ rong ruổi khắp các con đường ở Tiền Giang để xem cách làm của bà con nông dân, tìm đầu ra cho cây ca cao. 

Đang trăn trở suy nghĩ thì ông Samy rất bất ngờ khi thấy báo chí quốc tế ca ngợi loại socola ngon nhất thế giới được tạo ra từ những hạt ca cao do chính người nông dân Việt Nam làm ra. Ông càng bất ngờ hơn khi nghe những người nông dân trồng ca cao đã ngót nghét 70, 80 tuổi nói rằng họ chưa từng được nếm hương vị của socola bao giờ.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 5.

Từng học đại học chuyên ngành chế biến thực phẩm và sở hữu công ty cơ khí, ông Samy nắm được cơ bản quy trình để biến ca cao thành socola. Nghĩ vậy, ông dự định sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất socola, một đầu mối thu mua hạt ca cao của bà con nông dân và tạo ra socola "made in Vietnam" của chính người Việt. Với vốn liếng chỉ vỏn vẹn 7 tỉ đồng là tiền định dùng để dưỡng già, hành trình khởi nghiệp ở tuổi lục tuần của "ông già socola" chính thức bắt đầu.


Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 6.

Bài toán đầu tiên của ông Samy, cũng giống như bất kỳ một người khởi nghiệp nào khác, đó là bài toán về kiến thức. Nói là đã biết cơ bản quy trình biến ca cao thành socola, nhưng ông Samy vẫn phải trải qua quá trình thử nghiệm rất gian khổ để có được thành quả như ý. 

Quy trình sản xuất socola có thể tạm gói gọn trong 12 bước cơ bản: thu hoạch trái ca cao, lên men hạt, phơi khô và dự trữ hạt, thử nghiệm và làm sạch hạt, rang hạt, cán bể và đãi vỏ, lấy nhân hạt, xay nhân hạt thành ca cao nhão. Sau đó, nếu làm socola, cần phối trộn, nghiền mịn tối đa, ổn định nhiệt, đổ khuôn, cuối cùng là đóng gói. Còn nếu sản xuất bột ca cao, từ ca cao nhão ép thành bánh, sau đó xay mịn, sàng lọc thành bột ca cao và đóng gói. 

Trong đó, quá trình làm socola đòi hỏi hai công đoạn rất quan trọng. Thứ nhất, người nông dân phải biết lên men hạt ca cao đúng cách, đúng ngày, đúng giờ, đúng nhiệt độ để ca cao đạt chất lượng. Thứ hai, khâu nghiền tại xưởng đòi hỏi máy móc chuyên biệt.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 7.

Những ngày đầu khảo sát hạt ca cao, việc tìm kiếm, thu mua ca cao tại các nhà vườn của ông Samy không khó vì nguyên liệu khá dồi dào, nhưng để tạo ra những hạt ca cao đủ chất lượng lại là vấn đề khác. Thông thường, hạt ca cao sẽ được phơi lên men tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời. Quá trình lên men khi hạt chuyển dần từ màu tươi sang màu nâu. 

"Tác động lớn nhất trong quá trình lên men là thời tiết. Có những thời điểm trong mùa thu hoạch trời mưa dầm dề nhiều ngày liền, ngày nào cũng mưa trong khi hạt ca cao trong vòng 6 ngày sau khi thu hoạch bắt buộc phải mang ra phơi nắng. Nếu mưa như vậy hạt sẽ lên men và không còn đủ phẩm chất để làm socola nữa", ông Samy cho biết. 

Sau giai đoạn lên men là giai đoạn nghiền nhân ca cao được thực hiện ở nhà máy. Theo ông Samy, đây là khâu phức tạp nhất, khiến ông bao đêm không ngủ. Những chiếc máy sản xuất socola tại Việt Nam không phổ biến vì hiếm người sử dụng. Ông phải lặn lội từ Bắc vào Nam, tới Bình Dương, Thủ Đức để tìm máy móc nhưng không tìm được những chiếc ưng ý.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 8.

Hết cách, với vốn kiến thức của một thợ cơ khí đã từng làm việc cho Boeing, ông Samy đành tự mày mò nghiên cứu nguyên lý của các loại máy sản xuất socola, tự tạo ra bản thiết kế rồi tìm đến các xưởng cơ khí, mua máy hoặc bộ phận về lắp ráp, chế tạo ra những chiếc máy sản xuất socola của riêng mình. Theo chia sẻ của ông, có tới 80% số máy móc trong xưởng sản xuất socola hiện tại là do ông tự chế tạo ra. 

Tuy nhiên, quá trình thiết kế và chế tạo máy rất mất thời gian, bởi các xưởng cơ khí trong nước còn quá thô sơ, không thể tiện hay khoan những lỗ chính xác, hoặc từ chối làm những bộ phận đặc biệt mà không sản xuất đại trà tại Việt Nam.  

Chỉ riêng chiếc máy chuyên dụng để bóc tách vỏ và hạt socola đã tiêu tốn của ông mất gần 4 tháng làm việc. Có lần ông đã đập máy vì tháo ra lắp vào, điều chỉnh lượng gió hàng vài chục lần vẫn không được như ý muốn.

Khó khăn chồng chất tưởng chừng như cản bước khát khao làm socola của người đàn ông mang hai dòng máu Việt Ấn. Thậm chí, có những lần… bí quá, ông chẳng biết làm gì mà chỉ chạy ra đường la lớn.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 9.

Quá trình tự mày mò, kiên trì sản xuất và thử nghiệm cứ liên tục, liên tục cuốn ông Samy đi. Nhà xưởng của ông ở Canada cũng đã bán hết để lấy tiền làm vốn khởi nghiệp. Phải mất gần 2 năm ròng rã phát triển tại Tiền Giang, ông mới cho ra đời mẻ socola thành công đầu tiên. 

"Tôi nhảy lên, hét lên sung sướng khi mẻ socola đầu tiên được như ý. Tôi la lên như vỡ nhà cùng những người phụ tá của tôi rằng: Chúng ta đã thành công, chúng ta đã thành công! Tôi quá sung sướng", người đàn ông tuổi ngoài lục tuần cười rất tươi khi hồi tưởng lại khoảnh khắc đáng nhớ đó.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 10.

Việc làm đầu tiên của ông sau khi mẻ socola đầu tiên thành công, đó là mang socola tặng cho bà con nông dân, những người trồng cây ca cao. 

"Người nông dân họ chưa nhận biết được giá trị của cây mà họ chặt bỏ hàng ngày. Tôi đem socola cho họ thưởng thức cũng là cách để họ hiểu được thành phẩm làm từ cây ca cao như thế nào. Tôi muốn họ hiểu cây ca cao họ trồng có thể được tinh chế thành loại socola tuyệt hảo như thế", ông nói.


Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 11.

Nghiên cứu ra socola thành công, ông Samy tập trung đẩy mạnh vào công đoạn sản xuất. Nhà máy sản xuất có diện tích hơn 1ha được khánh thành vào tháng 1/2017 tại tỉnh Tiền Giang với tên gọi Kimmy’s Chocolate. Thương hiệu Kimmy’s là tên được đặt theo tên theo bà Kim Nguyệt, vợ ông. "Ở nước ngoài, chữ Nguyệt phát âm không rõ nên người ta thường gọi là bà Kim. Khi tôi về nước làm socola, vợ tôi cũng là người phản đối nhiều nhất nên tôi muốn làm một điều gì đó để tặng cho vợ mình", ông Samy chia sẻ. 

Quan trọng hơn, Kimmy’s Chocolate sau khi ra đời đã tự nguyện gia nhập hợp tác xã Chợ Gạo như một thành viên chính thức, tổ chức thu mua ca cao của bà con làm nguyên liệu sản xuất. Tâm nguyện tìm đầu ra cho bà con trồng ca cao của ông Samy dần thành hiện thực khi hợp tác xã giữa nguy cơ giải thể, một lần nữa lại được hồi sinh mạnh mẽ. Hiện tại, mỗi ngày nhà máy ở Tiền Giang của ông làm ra khoảng 100 kg socola, mỗi tháng xuất xưởng 3 tấn thành phẩm.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 12.

Dù quy mô sản xuất mới chỉ dừng ở mức làm quen dần với thị trường nhưng trên thực tế, nguồn nguyên liệu từ Chợ Gạo hiện đã không đủ sức cung cấp khi mỗi ký hạt chỉ lấy 60-65 % nguyên liệu làm socola. Tuy nhiên, ông Samy cho biết, ông sẽ chờ người nông dân mở rộng dần vùng nguyên liệu. Điều ông mong muốn, vẫn là socola của mình phải được làm ra từ những hạt ca cao được trồng trên chính mảnh đất quê hương. 

"Tôi không lo lắng, bởi chất lượng ca cao Tiền Giang không thua kém gì hàng nhập ngoại từ các quốc gia nổi tiếng khác", ông Samy vừa nói, vừa đưa tay bẻ thanh socola và chia sẻ, socola ngon là socola không pha tạp thêm thứ gì ngoài socola, đường và sữa. Khi socola bỏ vào miệng sẽ tự động tan, không lợn cợn. Thêm nữa, khi bẻ thanh socola sẽ nghe tiếng lốc cốc. 

Để quảng bá và mở rộng kênh phân phối, Kimmy’s thông qua các Hội chợ ở Cần Thơ, TP.HCM giới thiệu các sản phẩm của mình ra thị trường tiêu dùng Việt. Hiện nay, Kimmy’s có 4 loại sản phẩm chocolate với tỷ lệ 75%, 65%, 55% và 45% tương ứng với các sản phẩm socola đắng, socola sữa và socola có nhân,… Để mở rộng thị trường, Kimmy’s cũng sắp cho ra đời thêm loại 35% hợp khẩu vị với trẻ em và những sản phẩm hỗn hợp với giá thành thấp hơn.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 13.

Thương hiệu mới ra đời, những khó khăn từ kênh phân phối hạn chế là điều khó tránh khỏi. Nhưng tiếng lành đồn xa, thương hiệu Kimmy’s của "ông già socola" đã bắt đầu được mọi người biết đến. 

"Hiện đã có nhiều đối tác đến đặt hàng socola. Thời gian tới, Kimmy’s sẽ bán sản phẩm tại một chuỗi cửa hàng Pháp tại TP HCM và Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sớm cho ra mắt các sản phẩm bột ca cao làm bánh, hay sản phẩm mỹ phẩm từ ca cao", Phạm Đình Ngãi, Phó giám đốc của Kimmy’s cho biết. 

Tuổi đời còn rất trẻ, từng là một giáo viên, Ngãi bị thu hút trước niềm đam mê mãnh liệt của ông Samy và tình nguyện trở thành trợ lý của ông, cùng nhau trải qua quãng thời gian "nằm gai nếm mật". "Sau này xuống đây không gặp được tôi nữa thì cứ tìm anh ấy", người đàn ông già vừa nói vừa chỉ về phía Ngãi, như một sự tiếp bước của thế hệ sau.

Nhìn những thanh socola tiêu chuẩn châu Âu được in dòng chữ "Proudly made in Vietnam" (Tự hào sản xuất tại Việt Nam) được những người nước ngoài nếm thử và tán thưởng trong hội chợ, ông Samy không khỏi nở nụ cười đầy tự hào. Ông chủ của thương hiệu socola Kimmy’s mong muốn, trong một tương lai không xa, những khách du lịch sẽ mua socola từ Việt Nam và mang về nước họ để làm quà.

Ông già miền Tây khởi nghiệp tuổi 65: Tôi là người Việt Nam, tôi cũng biết làm socola, mà tại sao để mất vinh dự socola ngon nhất thế giới vào tay người nước ngoài? - Ảnh 14.

Thế Trần - Trần Dũng
7pm
Theo Trí Thức Trẻ03/08/2017

Trí thức trẻ