Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Chúng tôi đang gắng nâng doanh thu trung bình của nhà thuốc An Khang lên 600 triệu đồng/tháng, tự tin có lãi vào cuối 2022

15/07/2022 15:30 PM | Kinh doanh

Hiện tại, chuỗi An Khang đã có 500 cửa hàng phủ ở cả 3 miền Bắc – Trung –Nam. Thế Giới Di Động (MWG) đang đặt kế hoạch có 800 cửa hàng trong năm 2022 và 2.000 cửa hàng vào 2023 - để có thể trở thành chuỗi dược phẩm lớn nhất nước về số lượng. Hiện doanh thu mỗi cửa hàng của An Khang trung bình khoảng 400 triệu đến 450 triệu và sẽ cố gắng lên 600 triệu đồng/cửa hàng.

Kế hoạch dẫn đầu thị trường với 2.000 nhà thuốc vào năm 2023

Sau dịch Covid-19, thị trường bán lẻ dược phẩm cho thấy sự khởi sắc và ngày càng trở nên sôi động. Từ đầu năm 2022, An Khang liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc.

Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2022, mỗi tháng hệ thống mở mới trên dưới 100 cửa hàng. Với tốc độ vũ bão, chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, chuỗi này đến nay đã cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc Bộ.

Thành lập từ năm 2002 với tên gọi Nhà thuốc Phúc An Khang, đến cuối năm 2017, chuỗi bán lẻ dược phẩm này chính thức là thành viên của Thế Giới Di Động với 14 cửa hàng tại TP.HCM. Sau đó Phúc An Khang được đổi tên thành An Khang, đánh dấu bước chuyển mình trở thành chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp.

Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, chỉ sau 3 tháng đẩy mạnh thị trường miền Tây, đến nay An Khang đã có 177 cửa hàng phủ 13 tỉnh và là chuỗi có số lượng cửa hàng nhiều nhất ở đây.

Còn tại TP.HCM, An Khang sẽ tấn công vào những khu vực còn ít cửa hàng dược phẩm hoặc những khu vực có mật độ dân cư cao nhưng không quá đông đúc. 

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Chúng tôi đang gắng nâng doanh thu trung bình của nhà thuốc An Khang lên 600 triệu đồng/tháng, tự tin có lãi vào cuối 2022 - Ảnh 1.

Ảnh: Dân Trí

"Ví dụ như ở Tân Bình, An Khang sẽ không ra đường Cộng Hòa quá ồn ào hay Thép Mới quá hẻo lánh để mở mà sẽ mở ở đường sôi động vừa phải như Hoàng Hoa Thám. Tại Hà Nội, An Khang hiện có khoảng 5 cửa hàng và dự kiến trong tháng 7 và 8 này sẽ có 50 đến 70 cửa hàng nữa.

Việc mở rộng thần tốc là quá trình tất yếu sau thời gian thăm dò thị trường. Tham gia cuộc đua có phần muộn hơn trên thị trường, song An Khang chắc chắn sẽ duy trì tốc độ để rút ngắn khoảng cách với các nhà bán lẻ khác", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho hay.

Tự tin có lời vào cuối 2022

Ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ thêm: Hiện tại, tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của Ban giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. Hơn ai hết, ông cảm nhận được ‘hơi thở’ của chuỗi này như thế nào và vì thế ông có thể tin tưởng cuối năm nay An Khang sẽ có lời.

Hiện doanh thu mỗi cửa hàng của An Khang trung bình khoảng 400 triệu đến 450 triệu/tháng và họ đang gắng nâng lên mức 600 triệu đồng/cửa hàng.

Trước đó, nhà bán lẻ cũng thực hiện đồng bộ hàng loạt những thay đổi - từ nhận diện thương hiệu thống nhất sang màu xanh - trắng trẻ trung; bài trí lại cửa hàng với không gian mở trong diện tích trung bình 40m2; đảm bảo nguồn thuốc đầy đủ và đa dạng hóa các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.

Cũng theo MWG, cùng thế mạnh về bán lẻ cũng như tiềm lực tài chính dồi dào, cùng đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm hứa hẹn sẽ là nền tảng vững chắc, sẽ giúp An Khang hiện thực hóa trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu Việt Nam trong năm 2023, dự kiến khoảng 2.000 cửa hàng

Nói về việc cạnh tranh trên thị trường, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho rằng: Cạnh tranh là điều bình thường và nếu có xuất hiện thêm tay chơi mới nữa cũng không phải là điều gì đó quá đáng sợ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Chúng tôi đang gắng nâng doanh thu trung bình của nhà thuốc An Khang lên 600 triệu đồng/tháng, tự tin có lãi vào cuối 2022 - Ảnh 2.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em

"Cơ hội trên thị trường dược phẩm còn nhiều lắm! Bởi nếu tính 3 chuỗi dược lớn nhất là Pharmacity, Long Châu cùng An Khang thì mới có hơn 2.000 một chút. Bất cứ lĩnh vực nào có nhiều bạn đồng hành, sẽ làm thị trường tốt hơn – nhất là bán lẻ. Theo quan điểm của tôi là như vậy!

Hay việc Long Châu và An Khang đứng sát cạnh nhau trên một con đường là rất tốt, vì như người ta bảo ‘buôn có bạn bán có phường’. Như trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định có rất nhiều cửa hàng dược phẩm hay khu vực đầu đường Trường Chinh – Tân Bình, nơi có rất nhiều cửa hàng Long Châu và thương hiệu khác tọa lạc", ông Đoàn Văn Hiểu Em phân tích.

Vào tháng 7/2022, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu chính thức hoàn thành mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước với 700 nhà thuốc. Kế hoạch năm 2022 của họ là mở trên dưới 300 nhà thuốc để cán cột mốc 800 nhà thuốc vào cuối năm 2022.

Trên website, Pharmacity cho biết: hiện họ có 1.147 cửa hàng. Pharmacity chỉ vừa mới đạt đến cột mốc 1.000 cửa hàng trong tháng 4/2022. Chuỗi lớn nhất thị trường này đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Doanh nghiệp này mong muốn có thể hỗ trợ 50% người dân Việt Nam tiếp cận với một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển.

Theo kế hoạch mà các doanh nghiệp đề ra đầu năm, thì số lượng cửa hàng của An Khang sẽ bằng với Long Châu, nhưng vẫn thua Pharmacity vào cuối 2022. 

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM