Ông chủ SoftBank đang 'tỉnh' ra?

14/04/2020 14:11 PM | Kinh doanh

Masayoshi Son, tỷ phú từng được ví như "con bạc trên sông Mississippi", nhiều khả năng sẽ phải tham gia cuộc chơi vung tiền vào các startup một cách thận trọng hơn, sau những thất bại gần đây.

“Hoàn toàn điên rồ”, đó là cách chủ một quỹ đầu tư tư nhân mô tả số tiền khổng lồ 1,7 tỷ đôla mà đại gia viễn thông Nhật Softbank đồng ý trả cho Adam Neumann, như là một phần của gói cứu trợ dành cho startup WeWork để Neumann thoát khỏi con tàu đắm mà anh ta là đồng sáng lập.

Sau đó, SoftBank dường như bắt đầu tỉnh ngộ. Ngày 2/4, họ tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mua tối đa 3 tỷ đôla cổ phiếu WeWork, khiến Neumann mất cơ hội trở thành tỷ phú. SoftBank viện dẫn việc chính phủ Mỹ đang điều tra WeWork do lo ngại về cơ chế quản trị, đồng nghĩa với việc Softbank không có nghĩa vụ phải mua lại startup về co-working space này. Trước đó, WeWork cũng thất bại khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Hai cổ đông của WeWork, những người đáng lẽ hưởng lợi từ thỏa thuận này, đang kiện SoftBank ra tòa. Còn Neumann vẫn chưa đưa ra thông báo nào.

Cắt đứt quan hệ với Neumann chỉ là một ví dụ về một Masayoshi Son mới, tỉnh táo hơn. Vào tháng 3, ông chủ tỷ phú của SoftBank đã quyết định hành động để giảm rủi ro cho công ty: bán 41 tỷ USD tài sản trong 12 tháng để có vốn mua lại 18 tỷ USD cổ phần Softbank và trả hết 23 tỷ USD nợ. Ông có thể từ bỏ một phần trong số 26% cổ phần có giá trị cao tại Alibaba, một công ty thương mại điện tử của Trung Quốc. Ông thậm chí còn để một startup yêu quý phá sản. OneWeb đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 27/3. Trước đó công ty này có tham vọng khai thác băng thông rộng từ vệ tinh, một phần quan trọng trong ao ước tạo ra kết nối đồng thời ở khắp mọi nơi của ông Son.

Masayoshi Son đang chịu áp lực phải nhượng bộ. Trong vài năm qua, SoftBank đã mượn thêm nợ. Ông Son đã chi 52 tỷ đô la để mua Sprint, một tập đoàn viễn thông Mỹ và Arm Holdings, một nhà thiết kế chip của Anh (SoftBank vừa bán Sprint cho T-Mobile, một đối thủ viễn thông). Sau đó, ông đã thiết lập một quỹ đầu tư công nghệ trị giá 100 tỷ đôla với tiền mặt từ SoftBank, và số còn lại đến từ các quốc gia giàu có như Arab Saudi, UAE và một vài nhà đầu tư tư nhân khác. Sau đó ông đã vung 75 tỷ đôla từ quỹ này để mua cổ phần trong 88 startup công nghệ lớn (bao gồm cả WeWork).

Khi nhà đầu tư lo sợ về các công ty ôm nợ lớn trong bối cảnh thị trường đang chứng kiến những vụ bán tháo liên quan đến tình hình dịch bệnh, dấu hiệu sinh tồn của SoftBank suy yếu dần. Trong tháng hai và tháng ba, chi phí bảo hiểm khoản nợ của họ để chống lại phá sản tăng 2,72 điểm phần trăm. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã cắt giảm triển vọng của SoftBank xuống mức “tiêu cực”. Khoảng cách giữa giá trị thị trường của SoftBank, và giá trị tài sản cơ bản chính của họ, chẳng hạn như cổ phần của Alibaba, đã nới rộng tới 66%. Điều đó đẩy ông Son tới quyết định bán hàng chục tỷ USD tài sản nêu trên. Sau đó, Moody’s, một hãng xếp hạng khác, cũng đã hạ tín nhiệm của SoftBank thêm hai bậc, xuống tình trạng rủi ro cao nhất: vô giá trị (junk). Có lẽ, việc bán tài sản có giá trị trong bối cảnh thị trường hỗn loạn ngụ ý về một sự tuyệt vọng.

Chừng nào ông Son có thể xoay xở việc bán tài sản và cắt giảm nợ, Mary Pollock của CreditSights, một công ty nghiên cứu, nói rằng bảng cân đối kế toán của SoftBank có thể trở lại cân bằng hơn. Cổ phần của Alibaba vẫn là một thứ có thể giúp SoftBank thoát ra khỏi những tình huống éo le nhất mà không gặp vấn đề gì. Hiện tại, ông Sơn có lẽ đã xoa dịu nỗi sợ hãi toàn bộ đế chế của mình sụp đổ dưới sức nặng của nợ nần.

Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng. Nếu các công ty của Vision Fund gặp rắc rối trong đại dịch, họ lo sợ SoftBank sẽ giải cứu những công ty này, như những gì đã xảy ra với WeWork, công ty đã nhận được thêm 1,5 tỷ đôla ngoài việc mua lại đống cổ phiếu đã bị huỷ bỏ. Quỹ còn lại 15 tỷ đôla cho các khoản đầu tư tiếp theo, đủ cho một vài năm. SoftBank đã đầu tư 27 tỷ đôla và cam kết thêm 6 tỷ đôla. Nhiều khả năng họ sẽ phải miễn cưỡng đầu tư thêm tiền vào đó.

“Masa là người nhìn xa trông rộng, yêu thích các dự án lớn và những người sáng lập startup bị ông mê hoặc”, một nhà đầu tư thân thiết với SoftBank đánh giá. “Việc này cần phải được làm nguội bớt lại để phát triển bền vững”. Ông Son thường gạt các đồng sự sang một bên và không đếm xỉa khi họ đặt ra câu hỏi về dòng tiền và lợi nhuận tại các công ty trong danh mục vốn đầu tư. Bây giờ mọi thứ đang thay đổi tại quỹ Vision Fund. Nó trở nên thực tế hơn. Các công ty được yêu cầu tìm các nguồn vốn bổ sung khác. Lợi nhuận, không phải tăng trưởng bằng mọi giá, đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Sự điều hành tại một số công ty đang được xem xét kỹ lưỡng, đôi khi là theo yêu cầu của hai nhà đầu tư lớn ở vùng Vịnh, một nguồn tin có mối liên hệ với SoftBank cho biết.

Quỹ Vision Fund có thể tiếp tục khiến SoftBank mất rất nhiều tiền trong một khoảng thời gian nữa. Trong quý cuối cùng của năm 2019, khoản lỗ 2 tỷ đôla của Vision Fund đã xóa sạch tất cả lợi nhuận chung của cả nhóm. Khi thị trường sụt giảm, các startup chưa niêm yết sẽ mất giá trị giống như trường hợp các công ty đã niêm yết. Nhưng một số công ty của Vision Fund, đáng chú ý là thương mại điện tử và chăm sóc sức khỏe, đang phát triển mạnh và làm ăn phát đạt. Việc kinh doanh của Coupang, một công ty thương mại điện tử của Hàn Quốc, đã tăng trưởng nhảy vọt. Giám đốc điều hành của Vision Fund coi Bytedance, công ty mẹ của TikTok, như cơ hội để trở thành một Alibaba khác.

Các nhà đầu tư mạo hiểm từng ví ông Son là một con bạc trên sông Mississippi. Phong cách yêu thích rủi ro của ông sẽ không biến mất. Nhưng chuỗi trận thua gần đây sẽ buộc ông phải tham gia cuộc chơi theo cách an toàn hơn, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Theo Chu Quang

Cùng chuyên mục
XEM