One Man Show hay One Brand Show?

23/05/2016 09:53 AM | Sống

Các thương hiệu thời trang đang cho thấy một cơ chế vận hành của một đội bóng hiện đại. Với họ khái niệm One Man Show đang dần bị thay thế bởi One Brand Show!

Năm 1986, Maradona – một cầu thủ bóng đá với vóc dáng khiêm tốn - đã khiến cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ với bàn thắng thực hiện theo cách thần tích - một mình rê bóng qua nửa đội Anh.

3 năm sau (năm 1989), Gianfranco Ferré – một nhà thiết kế thời trang người Ý – về với Dior và khiến toàn bộ thế giới ngạc trước yêu cầu đòi máy bay riêng chở ông qua lại giữa 02 đất nước Ý và Pháp mỗi tuần. Dior đã chấp nhận!


Gianfranco Ferré và những người mẫu của mình trong show diễn Dior Haute Couture, Passion Indienne vào năm 1996.

Gianfranco Ferré và những người mẫu của mình trong show diễn Dior Haute Couture, Passion Indienne vào năm 1996.

Không khó hiểu trước những điều này. Thế giới khi đó cần những vị “anh hùng” – những người sẽ cứu cánh cho toàn bộ ngành công nghiệp, hoặc một thương hiệu, hay ít nhất là một vài trận đấu quan trọng.

Thế giới khi đó muốn chiêm ngưỡng những điều thần tích theo cách lãng mạn kiểu cứu sống Gucci từ bờ vực phá sản và đưa nó trở thành thương hiệu đẳng cấp nhất kiểu của Tom Ford. Hay đơn giản hơn, thế giới muốn Messi!


Ảnh hưởng của Tom Ford với Gucci lớn tới mức khi Frida Giannini rời Gucci, đã có những tin đồn rằng Tom Ford sẽ quay trở lại với thương hiệu này.

Ảnh hưởng của Tom Ford với Gucci lớn tới mức khi Frida Giannini rời Gucci, đã có những tin đồn rằng Tom Ford sẽ quay trở lại với thương hiệu này.

Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang đang ngày một khác đi. Họ đang “chơi bóng” theo cách hiện đại hơn, hệ thống hơn. Nếu trước đây người ta xưng tụng Valentino, Yves Saint Laurent và Chanel thì giờ đây, sẽ thật khó để bạn có thể kịp nhớ tới những cái tên của các nhà thiết kế của các thương hiệu. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên “Đội bóng mới là quan trọng”. Thế giới giờ quan tâm tới tỷ số (với các thương hiệu thời trang là doanh thu), chứ không như trước đây khi người ta quan tâm nhiều hơn tới cách ghi bàn.

Thế nên nếu trước đây, tồn tại khái niệm những cá nhân không thể thay thế đối với các thương hiệu thì ngày nay, điều đó đã không còn. Gần như tất cả đều có thể thay thế - người duy nhất mà các thương hiệu không muốn thay thế có lẽ chỉ là khách hàng của họ. Marc Jacobs – công thần của Louis Vuitton – người đã giúp thương hiệu có được dòng sản phẩm thời trang đã bị thay thế bởi Nicolas Ghesquière. Hay chẳng hạn Hedi Slimane – người rất có công với Yves Saint Laurent (người thậm chí còn đổi tên thương hiệu từ Yves Saint Laurent thành Saint Laurent) và đưa Saint Laurent quay lại với Couture nhưng cũng vừa có quyết định ra đi.

Hay chẳng hạn cặp đôi vợ chồng Frida Gianni. Một người là CEO của thương hiệu, một người từng là “công chúa” của Gucci. Bỗng nhiên cả 2 rời công ty và trong đám cưới của 2 người, Valentino chứ không phải Gucci được lựa chọn làm váy cưới cho cô dâu. Tất cả những điều này khiến cho chúng ta phải đặt câu hỏi, phải chăng với ngành thời trang, câu chuyện của One Man Show đang được thay thế bằng One Brand Show!?

Hãy nhìn vào mặt tích cực! Hẳn nhiên khi các thương hiệu thay đổi các nhà thiết kế, chúng ta sẽ có được những luồng gió mới, mang tới những hơi thở mới cho thương hiệu như cách Olivier Rousteing với Balmain hay giống như bất kỳ cái tên nào kể trên với các nhà thời trang lớn. Và xét cho cùng, trong một sân chơi của 7 tỷ người, trong một sân chơi phẳng và ngày càng hướng tới thời gian thực (real-time) hơn, chuyện thay đổi nhà thiết kế mỗi mùa cũng chẳng khác nào cứ mỗi giải Series A hay Giải Ngoại Hạng Anh, một vài cái tên ra đi và đổi lại là một vài cái tên mới được mua về, để đội bóng thêm mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là DNA của các thương hiệu (thời trang) sẽ rất khó có thể được bảo lưu. Sự ổn định của ngay cả các cái name lớn nhất ngành cũng không thể còn chắc chắn. Cho tới nay, thương hiệu ổn định nhất, theo bản thân Vinh vẫn là Chanel. Và câu chuyện của Chanel là gì? Là câu chuyện của một người đàn ông đằng đẵng theo đuổi di sản của một người phụ nữ huyền thoại trong khoảng thời gian lên tới 1/3 thế kỷ (Karl Lagerfeld về với Chanel năm 1983).


Karl Lagerfeld đã hợp tác với Chanel trong suốt 33 năm qua.

Karl Lagerfeld đã hợp tác với Chanel trong suốt 33 năm qua.

Một mặt tiêu cực khác (nữa) của việc quản lý các thương hiệu theo cách của các đội bóng hiện đại là việc khi quá tập trung vào kết quả (ở đây là doanh số) là bạn sẽ không thể bảo lưu được sự lãng mạn của thương hiệu.

Bởi sẽ thật khó nếu bạn muốn kể một câu chuyện cổ tích cho giới mộ điệu về những chiếc váy được tạo ra theo cách nên thơ thế nào trong khi cái mà bạn quan tâm không phải là thiết kế của các đường hemline (đường chân váy) mà chỉ là các đường bottom line (lợi nhuận). Và đây chính là lúc cho các thương hiệu độc lập có được cơ hội kể cho một nhóm thiểu số khách hàng của mình nghe những câu chuyện cổ tích hiện đại về thời trang.

Đỗ Quang Vinh

Cùng chuyên mục
XEM