Ôm cục nợ vì khẩu trang xuống giá

19/08/2020 14:35 PM | Xã hội

Thị trường khẩu trang y tế trong nước hạ nhiệt dù vẫn trong thời gian dịch COVID-19. Bỏ tiền tỷ đầu tư máy móc và ôm hàng nay cả người sản xuất và dân buôn đều mắc kẹt với khẩu trang khi giá xuống.

Sau khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2, tại Hà Nội từ chợ mạng cho đến các hiệu thuốc, đồng loạt tăng giá khẩu trang. Tuy mức giá không gây sốt như đợt 1 nhưng giá dao động ở mức cao ở mức: 160.000- 230.000 đồng/hộp khẩu trang 4 lớp.

Tuy nhiên, mức giá này duy trì chưa được bao lâu lại lập tức hạ nhiệt. Hiện, theo khảo sát hiện tại của PV, giá khẩu trang y tế trên thị trường chỉ dao động từ 45 - 70 nghìn đồng/hộp. Khẩu trang y tế có rất nhiều loại như: 3 lớp, 4 lớp, loại có kháng khuẩn, có than hoạt tính,… Tuy nhiên, giá mỗi nơi một khác, đặc biệt nguồn gốc và chất lượng ra sao ít người biết.

Chị Thu Nga, bán khẩu trang trên mạng xã hội cho biết: “Mình cứ nghĩ dân đổ xô mua khẩu trang như đợt dịch lần thứ nhất nên ôm mấy thùng khẩu trang. Lúc trước mình bán 250.000 đồng/hộp khẩu trang 4 lớp nay bán 160.000 đồng và mua 3 hộp được miễn phí vận chuyển”.

Theo chị Nga, có lúc cao điểm giá một thùng khẩu trang loại 50 hộp dao động từ 15 đến 17 triệu đồng. Song, ở thời điểm hiện tại, giá đã giảm xuống ở mức phổ biến từ 6-8 triệu đồng/thùng loại 50 hộp.

Tại các hiệu thuốc ở Hà Nội, người dân dễ dàng mua được khẩu trang y tế 4 lớp với giá khoảng 60.000- 130.000 đồng/hộp tùy loại.

Có sự sụt giảm lớn về nhu cầu như thế trong khi vẫn trong mùa dịch, theo dân buôn khẩu trang như anh M.Đ (Hà Đông, Hà Nội), từ đợt dịch, rất nhiều xưởng sản xuất và gia công khẩu trang khiến lượng cung trên thị trường tăng rất mạnh.

Theo anh M.Đ, cùng là loại khẩu trang 4 lớp, nhưng màu xanh có giá 2 triệu đồng/thùng (1 thùng 50 hộp), trong khi loại màu xám lại cao hơn 2 - 5 trăm nghìn. Bởi loại màu xanh không có lớp kháng khuẩn. Vì màu xám có thêm 1 lớp vải kháng khuẩn trên 95%. Nếu khách có nhu cầu mua hàng có lớp kháng khuẩn trên 99%, có giấy tờ thì giá dao động từ 5,5 - 6,6 triệu đồng.

Giá khẩu trang hạ nhiệt, sản lượng trên thị trường cũng tăng mạnh khiến nhiều dân buôn phải đẩy hàng sớm. Càng ôm lâu tiền lỗ càng nhiều, chưa kể, rủi ro về pháp lý hoặc không bán được hàng.

Chị M.H (Long Biên, Hà Nội) vay mượn người thân và ngân hàng để mua máy móc sản xuất khẩu trang. Chị M. H chia sẻ: “Máy sản xuất có nhiều loại, tôi đầu tư máy cũ có giá 5 tỷ đồng, cộng thêm chi phí lắp đặt ban đầu 300 triệu đồng. Lúc đầu tính toán, sản xuất 100 chiếc/phút nhưng thực tế chỉ được 30-40 chiếc/phút. Trong giai đoạn dịch vào tháng 3, cơ sở sản xuất của tôi ra thùng nào hết thùng đó. Thậm chí dân buôn còn đợi sẵn ở cửa để lấy hàng”.

Tuy nhiên, theo chị M.H hiện cơ sở chị sản xuất khẩu trang cầm chừng vì nguồn ra hạn chế. Hiện, chị H cho đại lý bán trên mạng xã hội để đẩy nhanh hàng tồn. “Tôi vẫn chưa thu hồi được vốn, cứ sản xuất cầm cự thế này trong khi lãi vay phải trả đều đặn. Giờ tiến không được lùi không xong vì khẩu trang”, chị M.H nói.

Theo chị M.H, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cũng rơi vào tình cảnh như chị bởi đa phần đều là tay ngang và không có căn bản. Khi thị trường xuống sẽ đọng hàng. Ngoài ra, khẩu trang sản xuất ra không thể xuất khẩu được vì không đủ tiêu chuẩn nên dù thị trường nước ngoài có cầu không bán được.

Ngoài thị trường trong nước kém sôi động, khẩu trang xuất khẩu cũng trong cảnh hạ nhiệt.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7 có 62 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại, với số lượng gần 154 triệu chiếc. Như vậy, sau thời gian tăng mạnh, lượng xuất khẩu khẩu trang y tế phục vụ các thị trường trong tháng 7 giảm tới 35% so với tháng 6.

Luỹ kế đến hết tháng 7, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu hơn 711 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại sang thị trường Mỹ, châu Âu, Singapore, Hàn Quốc...

Khẩu trang y tế được tháo phanh xuất khẩu từ cuối tháng 4 theo hướng không giới hạn số lượng, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất mặt hàng này khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu chững lại trong tháng 7 cũng được dự báo từ trước khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát tốt hơn ở nhiều nước. Một số doanh nghiệp trong nước cho biết, cầu về khẩu trang các loại (khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn...) bắt đầu bão hoà, giá cũng không tốt như cao điểm dịch cách đây vài tháng. Có đơn vị đã tuyên bố tạm dừng sản xuất khẩu trang để tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn.

Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM