Olympic Bắc Kinh 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử con người buộc phải làm điều này

06/02/2022 09:55 AM | Xã hội

Và những gì xảy ra tại Olympic Bắc Kinh 2022 có thể chỉ là khởi đầu, vì cơn khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Có một điều đã được dự báo trước là biến đổi khí hậu sẽ không chỉ tạo ra các hiện tượng tự nhiên cực đoan với tần suất ngày một dày đặc, mà còn khiến các sự kiện thể thao buộc phải thay đổi trong tương lai. Chẳng hạn, sẽ có một ngày các lễ hội bóng đá sẽ chẳng thể diễn ra vào mùa hè nữa, hoặc phải cải tổ sân vận động để có hệ thống điều hòa vì tiết trời quá nóng. Hay Olympic mùa đông sẽ diễn ra mà chẳng có tuyết rơi.

Và tương lai ấy đã tới, ngay tại Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Theo báo cáo từ ĐH Loughborough (Anh), đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic mùa Đông nhân loại phải sử dụng toàn bộ là tuyết nhân tạo.

Olympic Bắc Kinh 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử con người buộc phải làm điều này - Ảnh 1.

Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta phải sử dụng toàn bộ là tuyết nhân tạo, vì không còn tuyết tự nhiên nữa

"Việc không có tuyết tự nhiên tại Olympic Bắc Kinh 2022 chẳng phải điều gì ngạc nhiên," - báo cáo kết luận. "Các dốc tuyết tại Bắc Kinh cho thấy một sự thật đáng buồn: chúng là kết quả của hàng trăm triệu lít nước đã qua xử lý hóa học để đóng băng thông qua máy tạo tuyết - một quá trình hao tổn rất nhiều năng lượng và có thể gây tổn hại đến các khu vực đang thiếu thốn về nguồn nước."

Trên thực tế để tạo ra đủ tuyết bao phủ được một khu vực thi đấu rộng khoảng 800.000 mét vuông, ban tổ chức phải lắp đặt 8 tháp làm lạnh, 130 quạt tạo tuyết, và 300 máy phun tuyết. Tổng cộng, giải đấu sẽ cần 1,2 triệu mét khối tuyết nhân tạo, và nó xảy ra ở một trong những thành phố đang "khát nước" nhất thế giới.

Số năng lượng được dùng để tạo ra lượng tuyết này là rất lớn, cùng với việc hao tổn một lượng tài nguyên nước khổng lồ. Điều này sẽ vẫn đúng ngay cả khi đã sử dụng đến năng lượng tái tạo. Và với việc Trung Quốc đang khởi động ngành công nghiệp du lịch thể thao mùa đông khổng lồ - nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tuyết nhân tạo - thì đây có thể mới chỉ là khởi đầu.

Olympic Bắc Kinh 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử con người buộc phải làm điều này - Ảnh 2.

Tuyết nhân tạo lạnh hơn, cứng hơn và nguy hiểm hơn cho các vận động viên

Hơn thế nữa, đây không chỉ là tin không vui với các nhà môi trường học, mà bản thân các vận động viên cũng không vui vẻ gì hơn. Bởi lẽ, tuyết nhân tạo đã được chứng minh là nguy hiểm hơn trong thi đấu thể thao.

"Tuyết nhân tạo lạnh hơn, nghĩa là tốc độ thi đấu sẽ nhanh hơn và nguy hiểm hơn," - Johanna Taliharm, vận động viên người Estonia. "Sẽ đau hơn nếu bị ngã khi không có lớp tuyết mềm mại tự nhiên, mà là một lớp tuyết rắn."

Nguyên nhân là vì tuyết nhân tạo không hẳn là tuyết. Chúng được tạo ra bởi các giọt nước đóng băng được đẩy qua máy phun với tốc độ ca. Nó không giống với tuyết rơi từ trên trời xuống, và cấu tạo cũng không giống tuyết thường - nghĩa là không có các túi khí rỗng để tạo độ xốp. Thay vào đó, mật độ nước quá lớn trong tuyết nhân tạo sẽ khiến nó lạnh và cứng hơn hẳn.

"Nó giống các hạt băng nhiều hơn là tuyết."

Zoë Gillings-Brier, vận động viên trượt ván tuyết người Anh đồng tình. "Tuyết nhân tạo sẽ tỏ ra ít thương xót hơn nếu bạn ngã," - cô nhận xét. Với hơn 2 thập kỷ kinh nghiệm trượt ván, cô chứng kiến sự phụ thuộc ngày càng lớn của con người đến tuyết nhân tạo. "So với 20 năm trước, tuyết đã rơi ít hơn, và có nhiều cuộc thi phải hoãn lại vì không có tuyết."

Olympic Bắc Kinh 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử con người buộc phải làm điều này - Ảnh 3.

Những gì xảy ra tại Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ chỉ là khởi đầu

Nếu cơn khủng hoảng khí hậu tiếp tục diễn ra theo cái cách chúng ta đang chứng kiến, sự kiện thể thao bị hủy bỏ có thể sẽ chính là Olympic mùa Đông. Báo cáo từ Loughborough cho rằng việc nhiệt độ gia tăng qua từng năm đã đẩy địa điểm tổ chức sự kiện đến "những nơi xa hơn và nhỏ bé hơn", với "ít cơ sở vật chất và phương tiện đi lại". Trong số 19 thành phố đăng cai gần nhất, tính toán cho thấy sẽ chỉ có 6 thành phố đủ tiêu chuẩn để đăng cai Olympic mùa Đông vào năm 2080 - trong đó không có Bắc Kinh.

"Tình hình này nguy hiểm hơn so với những gì chúng ta tưởng," - Philippe Marquis, vận động viên trượt tuyết người Canada cho hay. "Từ góc nhìn môi trường, lượng nước cần để tạo ra tuyết nhân tạo đủ dùng trong thi đấu là ngoài sức tưởng tượng."

"Đúng là chúng ta đã luôn cần sự hỗ trợ của tuyết nhân tạo, nhưng càng ngày càng phải phụ thuộc hơn. 5 năm, rồi 10 năm, hay 15 nữa sẽ ra sao?"

Nguồn: IFL Science

Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM