Ở Venezuela, người ta đánh nhau chỉ vì một cuộn giấy vệ sinh

20/05/2016 08:06 AM | Kinh tế vĩ mô

Thật không thể ngờ, chỉ vì một cuộn giấy vệ sinh, người ta có thể đánh nhau vỡ đầu chảy máu tại Venezuela.

Nền kinh tế Venezuela đang rơi tự do và đây chắc chắn là thị trường tồi tệ nhất trên thế giới hiện nay. Quốc gia này đứng cuối bảng trong xếp hạng chỉ số nghèo khổ của Bloomberg do tình trạng lạm phát phi mã và tỷ lệ thất nghiệp quá cao.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định GDP của nước này sẽ giảm 8% trong năm nay và lạm phát đạt 720%.

Trong khi đó, chính phủ Vênzuela đã buộc phải cắt điện luân phiên nhằm tiết kiệm năng lượng. Cuộc sống người dân đang ngày càng khó khăn khi thiếu các nhu yếu phẩm và lương thực, tạo nên hàng đoàn người xếp hàng trước cửa siêu thị và làm gia tăng các vụ trộm cắp, cướp bóc.

Thậm chí, chỉ vì một cuộc giấy vệ sinh, người ta có thể tranh cướp và đánh nhau. Điều này vô cùng dễ hiểu khi nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm và người dân thì không còn kiên nhẫn cũng như niềm tin vào nền kinh tế. Đã hơn 1 năm kể từ khi giá dầu giảm sâu và nền kinh tế Venezuela chưa có gì thực sự hồi phục.

Theo tờ New York Times, nhiều trẻ sơ sinh tại các bệnh viện của nước này đang chết dần do thiếu thuốc men. Rõ ràng, quốc gia Châu Mỹ Latinh này đang bên bờ vực của sự sụp đổ bất chấp việc sở hữu một tài nguyên dầu mỏ khổng lồ.

Vậy điều điên rồ gì đang thực sự diễn ra tại Venezuela?

Sai lầm về chính sách

Chính phủ Venezuela hiện đổ lỗi tình hình hiện tại cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ, cũng như những thế lực thù địch khác.

Dẫu vậy, ai cũng hiểu rằng chính cách quản lý kinh tế yếu kém đã hủy hoại năng suất cũng như hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Venezuela.

Chính phủ nước này điều hành ngành dầu mỏ, vốn chiếm hơn 50% nguồn thu ngân sách, số còn lại đến từ các loại thuế. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong dịch vụ công và các doanh nghiệp nhà nước tại đây chỉ chiếm 20% tổng lao động, một con số khả nhỏ so với nhiều nước khác.

Vì vậy, khi giá dầu giảm, ngân sách của Venezuela bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi chính phủ không thể đảm bảo việc làm cho người dân khi phần lớn lao động không làm việc trong công ty quốc doanh.

Tồi tệ hơn, chính phủ nước này có hệ thống tỷ giá cố định, nghĩa là 10 đồng Bolivar được quy định chỉ đổi được 1 USD. Dẫu vậy, nước này còn có thị trường chợ đen và tại đây, phải 1.000 đồng Bolivar mới đổi được 1 USD.

Nguyên nhân cho sự mất giá này ngoài việc giá dầu giảm còn là do đánh giá của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Nhưng nhận định tiêu cực về nền kinh tế Venezuela khi phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ khiến các dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường này, qua đó hạ giá mạnh đồng nội tệ.

Từ đây, giá các hàng hóa nhập khẩu vào Venezuela tăng đột biến do đồng nội tệ mất giá. Trước tình hình này, chính phủ quyết định kiểm soát giá bán hàng cũng như nguồn cung nhằm tiết kiệm ngoại tệ, qua đó tạo ra tình trạng khan hiếm hàng ở các siêu thị và hàng dài người chờ mua trước của các cửa hàng.


Người dân Venezuela phải chịu cảnh cắt điện luân phiên.

Người dân Venezuela phải chịu cảnh cắt điện luân phiên.

Cựu Tổng thống Hugo Chavez đã từng cho rằng giá bán lẻ các mặt hàng thiết yếu tại Venezuela quá cao và áp đặt giá trần cho các cửa hàng bán lẻ, qua đó khiến siêu thị không thể nhập đủ hàng với mức giá quy định nếu không muốn bị lỗ.

Trớ trêu thay, chính động thái này đã đẩy người dân Venezuela ra thị trường chợ đen, khiến nhu cầu đồng USD và hàng nhập khẩu tăng cao và đẩy lạm phát lên mức cao hơn nữa.

Trước tình hình này, chính quyền Caracas đổ tội cho những thế lực thù địch bên ngoài và bắt các giám đốc điều hành của những công ty bán lẻ.

Bên cạnh đó, chính phủ bán dầu mỏ và thu về bằng đồng USD, sau đó bán số ngoại tệ này ra thị trường. Tuy nhiên, người dân nước này lại tích trữ đồng USD khi đồng Bolivar mất giá quá nhanh, qua đó gia tăng tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Hơn nữa, tỷ giá cố định 10 Bolicar/1 USD khiến chính phủ thất thu ngân sách khi quy đổi ngoại tệ so với thị trường thực tế.

Cơ cấu kinh tế yếu kém

Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng khiến Venezuela chìm trong khủng hoảng là cơ cấu kinh tế nước này quá yếu. Hầu hết những ngành nghề quan trọng của đất nước được quản lý bởi nhà nước và hoạt động rất yếu kém, khiến người dân buộc phải phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu.

Năm 2011, có đến 24% lương thực và thực phẩm tiêu thụ tại Venezuela là được nhập khẩu, đây cũng là năm gần nhất có số liệu chính thức về lĩnh vực này được công bố. Trong vài năm trở lại đây, chính phủ nước này đã dừng công bố các số liệu khi lạm phát, tỷ giá và các thông số khác đều cho kết quả tiêu cực.


Một em bé trước bức ảnh cố Tổng thống Hugo Travez.

Một em bé trước bức ảnh cố Tổng thống Hugo Travez.

Một số lĩnh vực tư nhân của Venezuela thì bị quản lý bởi các quy định hà khắc, thậm chí họ bị áp đặt mức thuế đến 50%.

Chính quyền Caracas đã quốc hữu hóa các nhà máy xay gạo, vốn là nơi sản xuất lương thực chủ yếu của đất nước, đồng thời tịch thu hàng triệu hecta đất nông nghiệp.

Một số ngân hàng tại đây đã bị buộc phải đóng cửa, sung công các mỏ vàng, nhà máy thép, công ty viễn thông và nhiều hơn nữa. Nói tóm lại, chính phủ nắm quyền quản lý những mảng kinh tế trụ cột của đất nước và cuộc sống của người dân nằm trong tay những nhà lãnh đạo.

Mặc dù vậy, thay vì quản lý hiệu quả, tình trạng tham nhũng tại Venezuela lại tăng đột biến khiến các ngành kinh tế, sản xuất chính hoạt động không hiệu quả.

Theo số liệu của Viện Cato Institute, khoảng 22,5 triệu USD tiền công quỹ đã được chuyển từ Venezuela sang các tài khoản nước ngoài mà không kèm một lý do hay lời giải thích nào chính đáng.

Chính phủ hiện nay của Venezuela liên tục đổ lỗi cho thị trường tự do và biện minh rằng nếu họ dập tắt được sự tự do trên thị trường kinh tế, mọi chuyện sẽ bình ổn trở lại. Hiện không rõ chính sách này có hiệu quả hay không, nhưng cho đến hiện tại thì tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM