'Ở thành phố lớn làm việc 5 năm nhưng vẫn vô tích sự, tôi có nên về quê?': Thứ 'giam cầm' một người, trước giờ chưa bao giờ là môi trường hay hoàn cảnh

22/05/2020 10:16 AM | Sống

Rất nhiều người đều nói: thành phố lớn không chứa được thể xác, thành phố nhỏ lại không dung được tâm hồn. Họ đem sự tầm thường của mình quy kết về cho môi trường sở tại, và xem nhẹ tầm ảnh hưởng của năng lực và thái độ.

Trên mạng có một câu hỏi như sau: Nỗ lực ở thành phố lớn đã 5 năm, nhưng vẫn chưa nên được việc gì, có phải tôi nên quay trở về quê?

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt like như sau: Đừng đổ lỗi cho thành phố lớn, hãy nhìn lại bản thân mình. Bởi lẽ thứ hạn chế sự phát triển của một người, trước giờ chưa bao giờ là môi trường.

01

Trở về thành phố nhỏ phát triển sẽ tốt hơn? Chưa chắc

Tháng trước, một người bạn nói với tôi rằng cậu ta không thể ở thành phố thêm được nữa, muốn về quê. Đây đã là lần thứ 3 cậu ta có suy nghĩ như vậy.

Khi tôi hỏi vì sao, cậu ấy kể cho tôi nghe câu chuyện "người tài không gặp thời" của mình.

Cậu ấy tốt nghiệp đại học loại khá, mấy năm trước lên thành phố, muốn phát triển sự nghiệp, nhưng hiện thực lại không đẹp như mơ:

Học lực bình thường, sau khi vào công ty không được lãnh đạo trọng dụng; thành tích công việc cũng bình bình, không có thêm được nhiều "tài nguyên" gì từ công ty. Làm việc vài năm, trơ mắt nhìn người trẻ hơn mình trở thành lãnh đạo của mình.

Cậu ấy nghĩ rằng: có khi nào mình không thích hợp phát triển ở thành phố lớn.

"Có lẽ về quê tôi sẽ phát triển tốt hơn. Ông thấy sao?"

Tôi thấy, chưa chắc.

Cái lợi của thành phố lớn là họ không đòi hỏi xuất thân của người anh hùng, nhưng tiền đề là bạn trước tiên phải trở thành anh hùng đã.

Có câu nói rằng: Bản thân không có năng lực thì cứ bảo mình không có năng lực, sao lại có cái kiểu bạn đi tới đâu là môi trường làm việc ở đó không tốt, không lẽ bạn là kẻ chuyên làm "ô nhiễm môi trường" ư?

Rất nhiều người vì ước mơ mà tới những thành phố phát triển hạng một, cảm thấy tới được đây mình sẽ được bay nhảy, sẽ như cá gặp nước, được vùng vẫy thỏa thích. Kết quả, mỗi ngày không tăng ca thì cũng làm việc kiểu cho có tiền ăn tiền nhà qua ngày, còn luôn miệng an ủi bản thân rằng mình đang nỗ lực vì ước mơ.

Đợi tới khi không cố được nữa liền gào thét "Thành phố lớn thì khó trụ, thành phố nhỏ thì không hợp với người có lý tưởng cao xa như mình", rời khỏi chốn đô thị huyên náo để về quê, cho rằng như vậy có thể bắt đầu lại từ đầu.

Kết quả thì sao, có lẽ cũng sẽ chỉ giống như cậu bạn của tôi, từ một người bình thường ở thành phố lớn trở thành một người bình thường ở thành phố nhỏ, ngoài việc lương chỉ còn bằng một nửa ra thì cũng chẳng có gì thay đổi là mấy.

Bởi lẽ, thứ giữ chân một người, trước giờ chưa từng là môi trường hay hoàn cảnh, mà đó là thực lực nền tảng của họ.

Ở thành phố lớn làm việc 5 năm nhưng vẫn vô tích sự, tôi có nên về quê?: Thứ giam cầm một người, trước giờ chưa bao giờ là môi trường hay hoàn cảnh - Ảnh 1.

02

So với môi trường, thứ ảnh hưởng tới một người nhiều hơn chính là thái độ nhìn nhận mọi việc và năng lực tư duy của người đó.

Nước Anh có một bộ phim tài liệu mang tên "Anh nghèo, em giàu". Nhân vật chính của bộ phim là hai anh em sinh đôi.

Anh trai Ivan chính là một người thành công trong mắt mọi người, là một anh tài trong giới tài chính, và cũng là một nhân vật quan trọng của Đảng Bảo Thủ. Em trai David lại phiêu bạt bốn phương, không nhà cửa, không gia đình. Sống kiểu ăn bữa này sẽ không còn bữa sau.

Phim tài liệu này kể về quá trình hai anh em sinh đôi đổi cuộc sống cho nhau.

Ngày thứ hai sau khi đổi cuộc sống cho nhau, Ivan phát hiện ra một vài vấn đề còn tồn tại của em trai David, trong đó chủ yếu là ở chỗ thái độ không nghiêm túc, qua loa, cợt nhả của em trai.

David và Ivan hẹn nhau sáng ngày thứ hai sẽ tới quảng trường bán sách, nhưng hôm đó David không những tới muộn 1 tiếng đồng hồ, mà còn mặc bộ vest màu vàng vô cùng chói mắt và thiếu nghiêm chỉnh.

Lúc bán sách cũng không hề nghiêm túc, kết quả một cuốn cũng không bán được.

Bản thân David khi tới nhà anh trai cũng đã có một cảm giác vô cùng khác.

David luôn cho rằng anh trai là một "con quỷ hút máu" máu lạnh vô tình, bòn rút tiền của dân để sống.

Nhưng trên thực tế, anh trai mỗi ngày đều có rất nhiều việc phải làm, cần phải cân bằng rất nhiều phương diện như cuộc sống sinh hoạt, gia đình, tài chính, chính trị…

Thái độ với công việc khác nhau sẽ quyết định sự khác nhau trong các tình huống mà họ phải đối mặt ngày hôm nay.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa họ là anh trai thì nghiêm túc nỗ lực, còn em trai thì ba hoa xích thố.

Họ từ nhỏ đã tiếp thu cùng một nền giáo dục, cùng một hoàn cảnh sống, nhưng vì là em nên em trai David nhận được nhiều tình yêu hơn, cũng vì vậy mà từ nhỏ đã thích chơi bời lêu lổng, cả ngày chẳng làm gì.

Anh trai Ivan lại khá nhạy cảm với tài chính, ngay từ nhỏ đã tự giác làm thêm, đưa báo, cắt cỏ, 21 tuổi bắt đầu khởi nghiệp, rất nhanh đã kiếm được 1 triệu bảng Anh đầu tiên, rồi sau đó là 10 triệu bảng, tiếp đó thuận lợi tiến vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời: làm chính trị.

Em trai David không thi được vào đại học, sau khi học xong cấp 3 đã ra học sửa chữa, nhưng học chưa được bao lâu đã bỏ dở, sau đó cũng đi thử đủ các loại nghề, nhưng không có cái nào kiên trì được lâu.

Sinh ra trong cùng một gia đình, tiếp nhận cùng một nền giáo dục, nhưng cuối cùng lại cho ra hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta hay nói môi trường và hoàn cảnh quyết định tương lai, mà xem nhẹ một sự thật rằng: thứ quyết định tương lai của một người không phải là môi trường, mà là tư duy và thái độ khi đối mặt với mọi chuyện.

Ở thành phố lớn làm việc 5 năm nhưng vẫn vô tích sự, tôi có nên về quê?: Thứ giam cầm một người, trước giờ chưa bao giờ là môi trường hay hoàn cảnh - Ảnh 2.

03

Môi trường không cho bạn được, nhưng năng lực thì có thể

Vài ngày trước, một người bạn ở thành phố nhỏ, làm công việc bán hàng online trên nền tảng thương mại điện tử đã mua được nhà, và còn là trả một lần duy nhất.

Thực ra, cô ấy sau khi tốt nghiệp đã xác định về quê, nghiên cứu về bán hàng online. Ban đầu chúng tôi cũng đều kiểu: về quê thì khác gì bảo "tôi từ bỏ tương lai sáng lạn của tôi đây các ông ạ."

Nhưng công việc kinh doanh của cô ấy ngày càng thuận lợi, thu nhập còn gấp mấy lương của mấy đứa bám trụ lại thành phố như tôi. Suy nghĩ của chúng tôi, cũng bắt đầu có sự thay đổi.

Có thể, có một vài thứ, chúng ta không thể dựa vào môi trường để có được, nhưng dựa vào thực lực, thì lại có thể.

Tháng trước, Oracle cắt giảm nhân viên.

Nói tới Oracle có lẽ không nhiều người còn xa lạ. Bởi lẽ vị trí của nó trong thị trường cơ sở dữ liệu có thể so sánh với sự độc quyền của Microsoft trên lĩnh vực hệ điều hành. Mặc dù vậy, Oracle vẫn chọn cách sa thải nhân viên ở khu vực Trung Quốc trên diện rộng, và khoảng 1.000 người đã bị thất nghiệp.

May mắn thay, Oracle đã đề xuất một biện pháp bồi thường tốt: những người nghỉ việc trong tháng có thể nhận được khoản bồi thường n + 6 và trong tháng tới thì có thể nhận được khoản bồi thường n + 1.

Nhưng dù vậy thì vẫn có rất nhiều người không hài lòng. Bởi lẽ, "chỉ có 20 ngày thì không đủ thời gian tìm việc". Nhưng đồng thời, cũng có người vui vẻ nhận lấy n+6 tiền bồi thường đi tìm một công ty rất tốt, lương tháng thậm chí còn nhiều hơn.

Chúng ta luôn thích tới những thành phố lớn, vào doanh nghiệp lớn, bởi lẽ thành phố lớn, doanh nghiệp lớn sẽ đem tới cơ hội và môi trường tốt hơn.

Nhưng, chúng ta cũng lại quên mất một điều rằng, năng lực mới chính là bát cơm sắt.

Ở thành phố lớn, doanh nghiệp lớn làm việc, ngoài một số ít anh tài và kẻ may mắn ra, phần lớn đều đang mài mặt ra nỗ lực, rèn luyện kĩ năng và năng lực để có thể bước lên cấp bậc cao hơn.

Ở thành phố lớn làm việc 5 năm nhưng vẫn vô tích sự, tôi có nên về quê?: Thứ giam cầm một người, trước giờ chưa bao giờ là môi trường hay hoàn cảnh - Ảnh 3.

Rất nhiều người đều nói: thành phố lớn không chứa được thể xác, thành phố nhỏ lại không dung được tâm hồn. Họ đem sự tầm thường của mình quy kết về cho môi trường sở tại, và xem nhẹ tầm ảnh hưởng của năng lực và thái độ.

Cuộc sống giống như một cuộc hành trình, quyết định bạn có thể tiến lên phía trước hay không, vĩnh viễn là thực lực, thứ mà môi trường ảnh hưởng chẳng qua cũng chỉ là tốc độ tiến về phía trước và mức độ gồ ghề của con đường mà thôi.

Thế gian này không có đích nào không thể tới được, chỉ có người không dám bước những bước đi đầu tiên.

Thứ trói buộc mọi người ở vạch xuất phát, trước giờ chưa bao giờ là môi trường, mà là chính bản thân chúng ta.


Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM