Ở công ty này, phỏng vấn thôi việc hiệu quả đến nỗi cả nhân viên và Giám đốc nhân sự đều phải bật khóc

05/04/2019 08:44 AM | Nghề nghiệp

Cuộc phỏng vấn như một hình thức tháo gỡ những khúc mắc của 2 bên, không hề có sự đổ lỗi. Đôi lúc, cả hai bên đều khóc vì đã bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm.

Ở một thế giới hoàn hảo, phỏng vấn thôi việc là một cơ hội để nhân viên thành thật nói ra hết những sự thật mất lòng, giải thích lý do họ muốn rời công ty. Liệu rằng có phải điều này xuất phát từ những thiếu sót của nhà tuyển dụng và nếu hiểu trước được người ta có thể ngăn chặn sự ra đi của nhân viên không?

Giống như bất kỳ quy trình nào khác, phỏng vấn thôi việc có thể dễ dàng biến thành một buổi biểu diễn, nơi cả 2 diễn viên đều có lý do riêng để diễn những quy tắc bất thành văn về việc giữ trao đổi hời hợt. Đối với những nhân viên hướng ngoại, đôi khi im lặng ra đi là cách họ lựa chọn. Bởi họ sẽ không muốn để lại một ấn tượng tiêu cực cuối cùng và những phản hồi họ đưa ra sẽ ảnh hưởng đến họ. Còn nhân viên nhân sự thực hiện cuộc phỏng vấn này có thể sẽ không thích đào sâu.

Theo giám đốc nhân sự Dean Carter, phỏng vấn thôi việc ở Patagonia lại hoàn toàn khác. Patagonia luôn tự hào về tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cực thấp, chỉ khoảng 4% một năm. Trong bài thuyết trình tại Hội nghị Quản lý cấp cao, Carter nói: "Bởi có quá ít người nghỉ nên tôi hiếm có dịp gặp một nhân viên sắp sửa thôi việc và nói ‘Chúng ta hãy nói chuyện chút đi’. Vì vậy tất cả mọi người đều biết rằng nếu họ rời công ty, họ sẽ phải đến gặp tôi."

Ở công ty này, phỏng vấn thôi việc hiệu quả đến nỗi cả nhân viên và Giám đốc nhân sự đều phải bật khóc - Ảnh 1.

Patagonia cũng thu thập dữ liệu của các nhân viên nghỉ việc nhưng họ dùng những cuộc trò chuyện để khai thác được nhiều thông tin hơn.

Carter nói: "Tôi muốn nghe câu chuyện của họ. Câu hỏi đầu tiên của tôi không phải là ‘Tại sao bạn quyết định rời công ty’, thay vào đó, tôi hỏi ‘Tại sao hồi đó bạn xin vào công ty này? Điều gì ở Patagonia khiến bạn bị thu hút, để bạn chấp nhận từ bỏ công việc lúc đó hay rời xa gia đình và tỷ tỷ thứ khác?’ Sau khi hỏi những câu đó, tôi sẽ hỏi ‘Vậy chúng tôi có đúng như những gì anh kỳ vọng không?’ ‘Chúng tôi đã đem đến cho anh trải nghiệm gì?’ ‘Đâu là điểm khác biệt?’"

Cuộc phỏng vấn như một hình thức tháo gỡ những khúc mắc của 2 bên, không hề có sự đổ lỗi. Carter nói: "Đôi lúc, cả hai bên đều khóc vì đã bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm ở Patagonia."

Trải nghiệm này rất nổi tiếng vì không phải công ty nào cũng có. Còn ở đây, các nhân viên được khuyến khích vượt qua những khó khăn, hãy đối mặt với những thử thách.

Công ty được hoan nghênh vì đã giúp phụ nữ lên vị trí lãnh đạo và hỗ trợ các bà mẹ với những chính sách chưa từng có. Ví dụ, trả tiền thuê người giữ trẻ nếu bà mẹ phải đi công tác. Vì vậy, giám đốc vừa có thể đưa con đi cùng và vừa làm việc hiệu quả. Patagonia có dịch vụ chăm sóc trẻ em tại chỗ, đây là một phúc lợi đã tồn tại ở công ty hơn 30 năm, những người đã từng làm ở bộ phận này của công ty thừa nhận rằng chính sách này đã giữ chân 100% các bà mẹ đang làm việc tại đây trong nhiều năm liền.

Trên Glassdoor, Patagonia được xếp hạng là một nhà tuyển dụng xuất sắc, thậm chí các cộng tác viên bán lẻ, những người hay phàn nàn về việc trả lương thấp cũng công nhận điều này. Một vài đánh giá tiêu cực nói rằng văn hóa không được cởi mở và tập trung vào cộng đồng. Đôi lúc có những lời phê bình nhưng nhìn chung có rất ít lời phàn nàn về công ty.

Carter tự hào rằng không phải liên tục thăm dò về mức độ hào hứng của nhân viên với công việc, bởi vì ông không cần biết liệu người ta có tích cực 97% hay 98% hay không. Ngoài những cuộc phỏng vấn thôi việc hiếm hoi thì ông còn hỏi nhân viên liệu họ có thu được những kinh nghiệm mà họ mong đợi không. Ông nói: "Và gần như những gì họ nhận được cao gấp 10 lần so với những gì họ nghĩ."

Mộc Dương

Cùng chuyên mục
XEM