Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm

29/07/2018 14:45 PM | Sống

Vì nhiều lý do, giới lãnh đạo Liên Xô buộc phải xếp hồ sơ về cái chết của những phi hành gia vào dạng "bí mật quốc gia".

Cách đây 6 thập kỷ có lẻ, lịch sử đánh dấu ngày 4/10/1957 là ngày mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại nhân sự kiện người Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik 1 ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Ra đời vào đúng giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989), việc Sputnik 1 nặng gần 100kg "sải cánh" ngoài không gian vũ trụ rộng lớn đã khiến phương Tây và người Mỹ sửng sốt.

Sau "phát súng khai hỏa" của Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục không gian, người Mỹ sốt sắng! Lẽ dĩ nhiên... Bắt đầu từ đây, thay vì tập trung toàn lực cho các dự án phát triển vũ khí hủy diệt (vũ khí nguyên tử), Mỹ và NASA bắt đầu cuộc đua vào không gian với Liên Xô.

Trong khi Liên Xô bí mật theo đuổi Chương trình Vostok (chế tạo tàu vũ trụ đưa người đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và trở về an toàn), thì Mỹ cũng chẳng kém cạnh với Dự án Mercury tiêu tốn khoản chi phí khổng lồ là 1,5 tỷ USD thời đó.

4 năm sau ngày Liên Xô khiến Mỹ bước chân vào cuộc đua chinh phục vũ trụ, Moskva lại khiến Washington choáng váng khi công bố sự kiện phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện thành công chuyến bay dài 108 phút lần đầu tiên ra vũ trụ trên con tàu Vostok 1 (Phương Đông 1) vào ngày 12/4/1961.

Thỏa mãn ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát khỏi lực hút của Trái Đất để bay ra ngoài vũ trụ rộng lớn, chuyến bay lịch sử ra ngoài không gian của phi hành gia người Liên Xô Yuri Gagarin không chỉ khiến Mỹ ghen tỵ mà còn khiến cả thế giới ước thèm.

Chỉ gói gọn trong 4 năm mà Liên Xô thực hiện được 2 "cú hích" vĩ đại trong hành trình khai phá vũ trụ (phóng vệ tinh Sputnik 1 và đưa người bay ra ngoài không gian rồi trở về an toàn).

Ánh hào quang tuyệt vời mà Liên Xô mang lại hiển nhiên khiến người Mỹ lo lắng, còn cả thể giới thì nể phục.

Thế nhưng....

Đằng sau hào quang xứng tầm vũ trụ ấy, là cả một bí mật về sự hy sinh của những phi hành gia mà thế giới mãi về sau mới có cơ hội biết đến bởi sự che giấu tài tình của giới lãnh đạo Liên Xô.

Ước muốn tạo dựng hình ảnh hoàn hảo về một quốc gia tiên phong cho hành trình khai phá vũ trụ trong mắt quốc tế đã khiến giới lãnh đạo Liên Xô xếp những tập hồ sơ về cái chết của những phi hành gia vào dạng "bí mật quốc gia".

Đó là lý do, về sau, nhiều người gọi họ - những người hùng vũ trụ Liên Xô thầm lặng hy sinh vì tổ quốc là...

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 1.

Họ có mặt và có tên, nhưng sự hy sinh to lớn của họ cho sự nghiệp chinh phục vũ trụ của đất nước buộc phải chìm trong bí mật vì một hình ảnh tốt đẹp mà giới lãnh đạo muốn gìn giữ.

Người ta từng nói rằng, Yuri Gagarin không phải là phi hành gia Liên Xô đầu tiên bay vào không gian! Nói vậy, không phải để phủ nhận tài năng và những đóng góp tuyệt vời mà "huyền thoại vũ trụ" này cống hiến cho Liên Xô nói riêng và hành trình chinh phục không gian của nhân loại nói chung.

Nói vậy là vì, để có được một "Yuri Gagarin" đi vào lịch sử thì bên cạnh những cống hiến dũng cảm của bản thân chàng phi hành gia trẻ tuổi ấy (ngày anh lập nên kỳ tích, anh mới chỉ 27 tuổi), còn có những cống hiến âm thầm của rất nhiều đồng đội của anh trước thời khắc ngày 12/4/1961 huy hoàng đó.

Phần 1: Biệt đội phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô

Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, để tập hợp những tài năng vũ trụ tham gia vào các chương trình đưa người ra không gian, Liên Xô đã tuyển chọn được biệt đội phi hành gia 20 người đầu tiên trong lịch sử nước này từ 3.000 ứng viên trên toàn quốc, tất nhiên trong đó có Yuri Gagarin (Ảnh: người ngồi hàng dưới, thứ  4 từ trái sang).

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 2.Đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô. Nguồn: RIA Novosti

Họ gồm: Ivan Anikeyev, Pavel Belyayev, Valentin Bondarenko, Valery Bykovsky, Valentin Filatyev, Yuri Gagarin, Viktor Gorbatko, Anatoli Kartashov, Yevgeny Khrunov, Valdimir Komarov, Alexei Leonov, Grigori Nelyubov, Andrian Nikolayev, Pavel Popovich, Mars Rafikov, Georgi Shonin, Gherman Titov, Valentin Varlamov, Boris Volynov và Dmitri Zaikin.

Trong số 20 phi hành gia đầu tiên - những tài năng vũ trụ được chọn lựa kỹ càng đầu tiên của Liên Xô, có những người đã trở thành những anh hùng hy sinh trong thầm lặng trước khi các anh thực sự bay ra ngoài không gian. Cái chết của họ phần nào giúp cho cuộc viễn chinh vào vũ trụ của Yuri Gagarin thành công ngày sau.

Nhiều năm sau cái chết của họ, người Liên Xô vẫn còn nhớ mãi tấn bi kịch của hai người hùng vũ trụ thuộc biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên, đó là Valentin Bondarenko và Vladimir Komarov.

Ngọn lửa oan nghiệt thiêu cháy giấc mơ của phi hành gia trẻ tuổi

Ngày anh mất, Valentin Bondarenko mới chỉ bước sang tuổi 24!....

Thửa nhỏ, Valentin Bondarenko ấp ủ giấc mơ trở thành phi công vũ trụ. Những tháng năm xa người cha quả cảm đang chiến đấu ngoài Mặt trận phía Tây cộng với ý chí được tôi rèn ngay từ bé đã giúp Valentin Bondarenko nhanh chóng chạm đến giấc mơ của đời mình.

Năm 23 tuổi, anh được tuyển chọn vào đội 20 tài năng vũ trụ đầu tiên của đất nước, tham gia huấn luyện và sẵn sàng thực hiện các sứ mệnh bay vào không gian.

Năm 24 tuổi, giấc mơ anh sắp chạm tay vào bỗng vụt tắt vào cái ngày anh tham dự buổi huấn luyện thứ 10 trong buồng áp suất thấp.

Vì một chút sơ suất, miếng bông tẩm cồn rơi vào vật nóng khiến cho buồng áp suất vốn có nhiều vận dụng dễ cháy và nguồn oxy tinh khiết dồi dào nhanh chóng trở thành lò lửa nóng rẫy.

Chỉ một chút nữa thôi, lịch sử đã có thể gọi tên anh là người hùng Liên Xô bay vào vũ trụ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vậy mà, ngọn lửa oan nghiệt đó đã thiêu cháy tất cả.

Khoảnh khắc anh được các bác sĩ đưa ra khỏi buồng áp suất với mức độ bỏng cấp độ 3, anh vẫn không một lời oán than!

Ngày 23/3/1961, anh trút hơi thở cuối cùng sau gần 10 giờ đồng hồ tận tình cứu chữa từ các bác sĩ. Anh ra đi, bí mật và để lại người vợ trẻ và đứa con thơ chưa nhớ rõ mặt cha...

Sau cái chết của chàng phi hành gia trẻ tuối đó, Liên Xô tiếc nuối một tài năng vũ trụ thực thụ, nhưng vì đứng trước một phương Tây luôn có những đôi mắt dòm ngó tìm điểm yếu, giới lãnh đạo buộc phải giấu kín chuyện của anh.

Tròn 20 ngày sau, đồng đội cùng đội 20 của Valentin Bondarenko là Yuri Gagarin hoàn thành giấc mơ còn dang dở cho anh. Có lẽ, chỉ những người trực tiếp tham gia đội 20 và những tháng ngày huấn luyện vất vả mới có thể thấu hiểu mỗi sự hy sinh là to lớn và đáng trân trọng nhường nào. (Đọc chi tiết, tại đây ).

Vladimir Komarov - "Người hoán đổi số phận" cho Yuri Gagarin

Vladimir Komarov là bạn chí cốt và cũng là đồng đội của Yuri Gagarin trong đội 20 người. Nguồn tin mật về sau của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) tiết lộ, khi đồng ý tham gia nhiệm vụ bay trên con tàu vũ trụ Soyuz 1, Vladimir Komarov ý thức được đó là sứ mệnh tự sát nhưng anh vẫn dũng cảm chấp nhận. Bởi, nếu từ chối nhiệm vụ bay này, phi hành gia thay thế anh chính là Yuri Gagarin!

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 3.

Vladimir Komarov và người bạn chí cốt Yuri Gagarin. Ảnh: Gizmodo

Vào đầu thập niên 1960, sau khi hay tin tình báo về chương trình đưa người lên Mặt Trăng - Apollo program của Mỹ bắt đầu triển khai, Liên Xô (lúc nào đang trên đà không muốn để thua Mỹ trong bất cứ phát kiến vũ trụ nào) liền đưa ra một kế hoạch mạo hiểm chưa từng có trong lịch sử: Trao đổi phi hành gia trên hai con tàu vũ trụ ngoài không gian.

Theo kế hoạch, hai con tàu vũ trụ Soyuz 1 và Soyuz 2 sẽ lên đường thực hiện sứ mệnh có 1-0-2 này, trong đó, Soyuz 1 là tàu vũ trụ một người lái, còn Soyuz 2 được thiết kế không gian cho 3 người bay.

Bất chấp mọi ngăn cản của đội kỹ thuật tham gia chế tạo tàu Soyuz (rằng con tàu này chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ bay có người lái), giới lãnh đạo Liên Xô vẫn yêu cầu các phi hành gia trong đội 20 sẵn sàng tiếp ứng nhiệm vụ.

Cuối cùng, ngày 23/4/1967 đã đến, ngày Vladimir Komarov bất chấp mọi nguy hiểm tính mạng để lên đường thực hiện sứ mệnh cảm tử ngoài không gian.

Đau buồn thay, những lỗi kỹ thuật nêu trong bản báo cáo dày 10 trang từng bị giới lãnh đạo Liên Xô vứt vào sọt rác giờ đã trở thành hiện thực chỉ ít phút sau khi con tàu Soyuz 1 tiến vào vùng quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Hàng loạt sự cố kỹ thuật trên con tàu xảy ra liên tiếp, từ hệ thống ăng-ten đến hệ thống năng lượng và điều hướng con tàu đều gặp trục trặc. Mọi thứ đen tối đến mức khi bật dù để thoát khỏi con tàu đang lao vô định về Trái Đất, Vladimir Komarov cũng không thể làm được - tất cả là vì lỗi kỹ thuật!

Kết cục, Vladimir Komarov chết cháy trước cả khi Soyuz 1 lao như một khối sắt vô dụng xuống mặt đất với vận tốc 140km/giờ. Phần thi thể còn lại mà đồng đội tìm thấy của anh chỉ còn được tính bằng cm! 

Phần 2: Thảm kịch chết chóc nhất trong ngành tên lửa Liên Xô

Lại một lần nữa, vì những quyết định nôn nóng của giới lãnh đạo Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh mà lịch sử hàng không nước này phải chứng kiến những tấn bi kịch thảm khốc.

Để những con tàu vũ trụ sải cánh trong không gian, tất yếu cần hệ thống tên lửa đẩy. Và một lần nữa, người Liên Xô lại tiên phong trong lĩnh vực này.

Ngay trước khi Thế chiến II nổ ra, Liên Xô đã khởi xướng chương trình phát triển tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới.

Nhờ có tài năng tuyệt vời của Sergey Korolev, kỹ sư thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô, mà R-7 Semyorka, thế hệ tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới của Liên Xô ra đời năm 1957.

Hai tháng sau khi ra đời, R-7 Semyorka "nâng cánh" cho vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới của Liên Xô là Sputnik 1 bay thẳng vào quỹ đạo Trái Đất.

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 4.

Sputnik 1 - Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới của Liên Xô.

Với mong muốn phát triển hệ thống tên lửa liên lục địa mạnh hơn nữa để đáp ứng các sứ mệnh bay ra ngoài không gian của Liên Xô, giới lãnh đạo lệnh cho Nguyên soái Mitrofan Nedelin - Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô, chỉ đạo chế tạo thế hệ tên lửa mới mang tên R-16.

Vì nôn nóng trước một nước Mỹ có thừa tiềm năng vượt mặt Liên Xô mà chính phủ Liên Xô liên tiếp gây áp lực về thời gian cho Nguyên soái Mitrofan Nedelin. Điều tất yếu, tổng công trình sư Mikhail Yangel (chỉ đạo trực tiếp việc chế tạo R-16) và đội kỹ thuật của ông cũng bị hối thúc liên tục.

Kết cục, khi mọi sự chưa thể chín muồi thì trái đắng phải nhận là điều khó tránh khỏi. Ngày 24/10/1960, R-16 được đưa ra bãi Tyuratam phóng thử nghiệm. Tuy nhiên, R-16 chưa kịp phóng thì gặp phải sự cố khủng khiếp: Do lỗi kỹ thuật, động cơ tầng 2 của tên lửa phát hỏa.

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 5.

Hình ảnh một quả cầu lửa khổng lồ đường kính 120m bao trùm cả quả R-16 dài 30,4m.

 Ngọn lửa nhanh chóng lan xuống thùng nguyên liệu tầng 1 khiến cho R-16 bỗng chốc trở thành cột lửa khổng lồ. Hơn 200 người tham dự buổi phóng gặp nguy hiểm.

Những người quan sát R-16 phóng thử ở khu vực gần bãi phóng bị lửa thiêu cháy ngay lập tức. Số khác chết vì ngạt khí độc từ thùng nhiên liệu gây ra. Nhiều người khác bị thương và bị bỏng nặng. Trong số đó có Nguyên soái Mitrofan Nedelin.

Vì không muốn xuất hiện với hình ảnh "xấu" trong mắt phương Tây, lãnh đạo Liên Xô thời đó là Nikita Khrushchev hạ lệnh giấu nhẹm sự việc và coi đó là bí mật quốc gia hàng đầu.

Khi cuộc Chiến tranh Lạnh dần đi vào hồi kết, công chúng mới biết sự thật về thảm họa tên lửa kinh hoàng này, và gọi nó là Nedelin Catastrophe (tấn bi kịch mang tên Nguyên soái Mitrofan Nedelin).

Nước mắt phi hành gia vô danh: Sự thật về hồ sơ bí mật quốc gia Liên Xô che giấu nhiều năm - Ảnh 6.

Sự hy sinh âm thầm của họ phần nào giúp cho các sứ mệnh bay vào vũ trụ về sau an toàn hơn. Ảnh minh họa.

Có thể nói, trước và sau khi người Liên Xô đạt được những dấu mốc quan trọng trong hành trình khai phá vũ trụ, rất nhiều tấn bi kịch thảm khốc đã xảy ra. Vì lý do giữ gìn hình ảnh cho đất nước mà giới lãnh đạo Liên Xô quyết định đưa sự việc vào dạng tuyệt mật.

Sự hy sinh của họ về sau mới được công nhận và được đông đảo công chúng biết đến. Bởi vậy mới nói, trên chặng đường đi tìm ánh hào quang, phía sau nó vẫn có những mất mát, đau thương!

Bài viết sử dụng các nguồn: Sputniknews, Historyextra 

Theo Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM