Nước Anh thay đổi chiến lược đối phó với COVID-19: Giảm thiểu được nhiều nhưng hậu quả vẫn "rất đắt"

18/03/2020 08:40 AM | Xã hội

Theo mô hình mà các chuyên gia y tế Anh nghiên cứu, COVID-19 sẽ khiến y tế nước này chịu nhiều gánh nặng nếu dịch bùng phát trên diện rộng.

Một tuần là khoảng thời gian dài trong đợt đại dịch virus corona. Vài ngày sau khi thủ tướng Anh Boris Johnson và các cố vấn thông báo rằng bất kì ai có triệu chứng cúm nên ở nhà 7 ngày và "những người còn lại sinh hoạt như bình thường", thì mới đây, nước Anh lại chuẩn bị thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế người dân để chống dịch bệnh.

Theo Guardian, các số liệu về tình trạng y tế không thể kiểm soát tại Italy đã khiến nước Anh phải thay đổi. Về mặt cơ bản, đây là "thảm họa" về mặt y tế, với 30% số bệnh nhân nhập viện phải được chăm sóc đặc biệt. Đội ngũ nghiên cứu mô hình dịch bệnh tại Đại học Hoàng gia Anh và Trường Y tế và Y học Nhiệt đới cho rằng áp lực đối với hệ thống y tế nước này khi dịch bùng phát là "không thể chấp nhận được".

Giáo sư Neil Ferguson tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu của Đại học Hoàng gia Anh cho rằng chiến lược hạn chế dịch bệnh - mà họ gọi là viễn cảnh số 1 - mà chính phủ thông báo trước đó sẽ khiến khoảng 260.000 người tử vong. Đây không chỉ là số người tử vong do virus corona, mà còn bởi những bệnh khác mà hệ thống y tế không thể chữa trị được vì quá tải.

Mô hình của nhóm giáo sư Ferguson cùng đồng sự đã liệt kê tất cả các cách can thiệp có thể giúp giảm thiểu sự lây lan và tử vong do virus. Theo họ, có 5 cách can thiệp có hiệu quả cao nhất như dưới đây:

1. Cách ly những người ho và thân nhiệt cao tại nhà trong 7 ngày

2. Cách ly các gia đình có người có triệu chứng trong vòng 14 ngày, theo dõi liệu các thành viên khác trong gia đình có triệu chứng bệnh không.

3. Yêu cầu mọi người giữ khoảng cách, bao gồm hạn chế tiếp xúc tại nhà, trường học và nơi làm việc.

4. Yêu cầu người từ 70 tuổi trở lên ở nhà.

5. Đóng cửa trường học và các trường đại học.

Chiến lược hạn chế (viễn cảnh 1) yêu cầu những người có triệu chứng ở nhà theo dõi trong 7 ngày. Ngoài ra, việc cách ly gia đình và yêu cầu người trên 70 tuổi ở nhà cũng sẽ được áp dụng. Chiến lược này sẽ giúp giảm 2/3 mức đỉnh áp lực lên hệ thống y tế và giảm 1/2 số ca tử vong. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: "Đại dịch vẫn sẽ khiến khoảng 260.000 người tử vong và theo đó làm hệ thống y tế quá tải (chủ yếu tại các khoa chăm sóc đặc biệt)".

Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất viễn cảnh thứ 2 với chiến lược chặt chẽ hơn. Mọi hạn chế xã hội trong 5 điều nói trên sẽ được áp dụng, trừ việc đóng cửa trường học và trường đại học. Tuy nhiên, ông Ferguson cho biết, phương án đóng cửa trường học cũng cần được cân nhắc trước khi quá muộn.

Ông Ferguson và đồng nghiệp Azra Ghani nói các biện pháp mới này rất tương đồng với biện pháp chống dịch của Trung Quốc - hiện đã rất thành công và hạn chế ca nhiễm mới ở mức rất thấp. Tuy nhiên không giống như Trung Quốc, chính phủ Anh cần người dân tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng dịch nói trên.

Ngoài ra, ông Ferguson cho biết mặc dù chiến lược thứ 2 có thể giúp giảm số ca tử vong xuống mức 20.000 hoặc có thể chỉ vài nghìn ca, nhưng các biện pháp hạn chế xã hội sẽ kéo dài tới tháng 7 hoặc tháng 8. Thậm chí khi số ca nhiễm và tử vong không còn nữa, thì virus có thể vẫn chưa biến mất hoàn toàn và có khả năng quay trở lại. Chỉ một số nhỏ dân số bị nhiễm bệnh, hồi phục và có kháng thể với bệnh.

Trước đó, có quan điểm cho rằng nước Anh có thể cần tới 60% dân số nhiễm bệnh, khỏi bệnh và có kháng thể với bệnh nhằm tạo miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19 . Chiến lược này đã bị nhiều chuyên gia chỉ trích và cho rằng quá nguy hiểm.

Miễn dịch cộng đồng thông thường được tạo ra bằng cách tiêm vaccine cho trẻ em, qua đó bảo vệ những người không được tiêm chủng. Chưa có quốc gia nào từng tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách để dân số bị lây nhiễm bệnh - và hiện tại, đó vẫn là cách thức nguy hiểm đối với xã hội và sức khỏe của người dân trên thế giới.

 Nước Anh thay đổi chiến lược đối phó với COVID-19: Giảm thiểu được nhiều nhưng hậu quả vẫn rất đắt - Ảnh 1.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM