Núi quặng "khủng" top 3 thế giới ở Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, nước nào cũng khao khát

03/12/2021 15:48 PM | Xã hội

Việt Nam có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực khai thác bauxit và sản xuất các sản phẩm liên quan.

Việt Nam có một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, bao gồm than, phốt phát, đất hiếm, bauxit, cromat, đồng, vàng, sắt, mangan, bạc, kẽm, mỏ dầu khí ngoài khơi, gỗ, thủy điện,...

Reuters từng đưa tin: "Các nhà địa chất cho biết Việt Nam có một lượng lớn đồng, vàng, thiếc, chì, kẽm, đá quý, niken, kim loại công nghiệp và màu, đất sét và phốt phát".

 Núi quặng khủng top 3 thế giới ở Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, nước nào cũng khao khát - Ảnh 1.

Việt Nam có nguồn khoáng sản và tài nguyên lớn.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam được ước tính là nước có trữ lượng quặng bauxit lớn thứ 3 thế giới, sau Guinea và Australia. Phần lớn trữ lượng bauxit của Việt Nam nằm ở Tây Nguyên, thường được khai thác theo dải và được sử dụng để sản xuất nhôm. Theo ước tính của Bộ Công Thương Việt Nam, trữ lượng của Việt Nam ở Tây Nguyên lên tới 5,4 tỷ tấn.

Bauxit là một loại đá trầm tích có hàm lượng nhôm cao. Do đó, nó là nguồn chính để sản xuất nhôm thành phẩm và các sản phẩm liên quan khác. Nhu cầu về nhôm ngày càng tăng do các đặc tính ưu việt khác nhau của nó như tính chất không độc, dẫn nhiệt cao, điện trở suất ăn mòn tốt và khả năng dễ dàng đúc, gia công và tạo hình.

Nhu cầu lớn về bauxit

Theo khảo sát của USGS, nguồn tài nguyên bauxit toàn cầu ước tính vào khoảng từ 55 tỷ đến 75 tỷ tấn và đủ để đáp ứng nhu cầu kim loại của thế giới trong tương lai.

Giá nhôm đã đạt mức cao nhất trong 13 năm qua do cuộc khủng hoảng năng lượng, làm giảm nguồn cung kim loại này. Nhôm tăng 2,8% lên 3.049 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London vào tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, dẫn đến mức tăng chung giữa các kim loại cơ bản.

Ngoài ra, nhu cầu về bauxit đang tăng lên do nó được sử dụng làm nguyên liệu thô trong sản xuất các sản phẩm chịu lửa, vì nó có nhiệt độ nóng chảy cao. Bauxit chịu lửa được dùng để sản xuất gạch để lót mái các lò luyện thép hồ quang điện và lò cao.

Bauxit cũng được sử dụng để sản xuất xi măng bằng cách trộn với đá vôi. Xi măng được sản xuất có hàm lượng alumin cao có thời gian khô nhanh và chịu lực tốt dẫn đến nhu cầu về bauxit trên thế giới ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng tăng của xe điện có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu về hợp kim nhôm. Đặc biệt, Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất hơn 10 triệu xe điện vào năm 2022, điều này có thể làm tăng nhu cầu nhôm để sản xuất các bộ phận thân xe trọng lượng nhẹ, do đó, kích thích thị trường bauxit trong khu vực.

 Núi quặng khủng top 3 thế giới ở Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, nước nào cũng khao khát - Ảnh 2.

Nhôm sản xuất từ bauxit được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng.

Sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng 400% trong 15 năm qua. Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu một lượng lớn nhôm để cung cấp cho ngành công nghiệp luyện kim đang mở rộng nhanh chóng.

Ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc đã phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Từ năm 2002, Trung Quốc đã phát triển năng lực tinh luyện nhôm với công suất hơn 50 triệu tấn. Chế biến quặng trong nước với công suất tinh luyện mới đã dẫn đến nhu cầu và nhập khẩu bauxit tăng kỷ lục của Trung Quốc.

Sự suy giảm chất lượng bauxit nội địa ở Trung Quốc và giảm trữ lượng quặng chất lượng cao trên toàn cầu là động lực thúc đẩy các nhà máy tinh luyện và mỏ khai thác để đảm bảo nguồn cung quặng dài hạn.

Năng lực sản xuất bauxit của Việt Nam

Theo Báo Chính phủ, sau 5 năm (2017-2021) Nhà máy Alumin Nhân Cơ - thuộc ngành công nghiệp khai thác chế biến quặng bauxit để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm - đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2017, dự án đã có lợi nhuận trên 13,6 tỷ đồng, sớm hơn so với thời gian dự kiến.

Năm 2018, sản xuất 650.000 tấn alumin quy đổi đạt công suất thiết kế. Năm 2019, sản lượng alumin quy đổi đạt 686.568 tấn, đạt 105% công suất thiết kế. Đạt 110% công suất thiết kế với sản lượng 715.268 tấn năm 2020. Và trong quý I/2021, sản lượng alumin của Công ty là 186.840 tấn, đạt 115% công suất thiết kế.

Sản phẩm đầu ra của Nhà máy chất lượng tốt, bảo đảm yêu cầu của khách hàng, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đều thấp hơn với yêu cầu của thiết kế.

Đến nay, Nhà máy Alumin Nhân Cơ không chỉ làm chủ được công nghệ, mà còn chủ động nghiên cứu các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất.

 Núi quặng khủng top 3 thế giới ở Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, nước nào cũng khao khát - Ảnh 3.

Sau 5 năm (2017-2021) Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Ảnh: TKV

Sản phẩm alumin do Công ty sản xuất ra chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thụy Sĩ... Các sản phẩm xuất bán được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, nên sản phẩm alumin của Nhôm Đắk Nông được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng, tin dùng.

Sau 5 năm đi vào vận hành, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng các nguồn thu cho ngân sách, góp phần tạo đà phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đăk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2017 đến hết quý I/2021, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đóng góp ngân sách Nhà nước trên 1.446 tỷ đồng. Sự ra đời của ngành công nghiệp bauxit-alumin cũng đã tạo điều kiện kích cầu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ… cũng như các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trên cả nước.

 Núi quặng khủng top 3 thế giới ở Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, nước nào cũng khao khát - Ảnh 4.

Sản phẩm alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng và xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn. Ảnh: TKV

Theo Thanh niên, trong hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) thông báo 2 nhà máy bauxit Tây Nguyên gồm Nhà máy alumin Tân Rai và Nhà máy alumin Nhân Cơ đều đã chạy vượt công suất thiết kế 9%.

Nhờ đó, tổng sản lượng sản xuất đạt 1,42 triệu tấn alumin quy đổi và cán bộ, công nhân 2 nhà máy đã hoàn toàn làm chủ về công nghệ . Đặc biệt, sản xuất tới đâu bán với đó (1,42 triệu tấn), đạt 109% so với kế hoạch và tăng 1% so với năm 2019.

Kế hoạch của năm 2021 đặt ra cho 2 nhà máy là 1,3 triệu tấn (mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin quy đổi).

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, việc sản xuất alumin quy đổi đạt 1,4 triệu tấn năm, là năm đạt cao nhất từ trước đến nay là thành tích rất đáng ghi nhận bởi đây là ngành cần phát triển, là tiềm năng to lớn của đất nước.

Đáng nói nữa là TKV đã khai thác, chế biến và đảm bảo những yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

"Đây là yêu cầu quan trọng để phát triển bền vững. Không thể vì sản xuất alumin mà chúng ta lại làm ảnh hưởng đến môi trường", Phó thủ tướng nói đồng thời chia sẻ thêm, ông đã đến thị sát nhà máy, tận mắt chứng kiến công tác bảo vệ môi trường, phục hồi lại những cơ sở khai thác được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của Tây Nguyên, vùng đang còn nhiều khó khăn.

Những kết quả bước đầu đã và đang định hình cho một ngành công nghiệp mới, đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM