Nửa tỷ game thủ - động lực thúc đẩy ngành thể thao điện tử 14 tỷ USD của Trung Quốc

08/12/2019 10:20 AM | Kinh doanh

Trung Quốc hiện có hơn 500 triệu game thủ. Doanh thu liên quan thể thao điện tử tại Trung Quốc đang trên đường cán mốc 100 tỷ CNY, tức hơn 14 tỷ USD, trong năm nay.

Một năm trước, Zen Guohao đã vượt khoảng 1.000 km từ quê nhà Hồ Bắc đến Thượng Hải để theo đuổi giấc mơ của anh: chơi điện tử. Zen, lúc đó 18 tuổi, chuyển đến một tòa nhà hai tầng, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Anh trở thành một trong hàng chục game thủ chuyên nghiệp sống trong tòa nhà - gaming house - được điều hành bởi Bilibili, công ty khởi nghiệp phát video trực tuyến Trung Quốc.

Zen chuyên về Liên minh Huyền thoại, một trong số những trò chơi trực tuyến lớn nhất thế giới. Trò chơi được phát triển bởi Riot Games, một bộ phận của tập đoàn internet Trung Quốc Tencent Holdings và được chơi bởi hàng chục triệu người trên khắp thế giới.

Cha anh, người đã từng kịch liệt phản đối quyết định trở thành game thủ chuyên nghiệp, đã dần bị thuyết phục. "Bây giờ, tất cả những gì ông nói là, 'Con tăng cân rồi đấy. Hãy chú ý hơn tới thực đơn hàng ngày'", Zen nói với một nụ cười.

Nửa tỷ game thủ - động lực thúc đẩy ngành thể thao điện tử 14 tỷ USD của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc có số lượng game thủ lên đến hàng trăm triệu người. Ảnh: Nikkei.

Trung Quốc hiện tự hào có "dân số chơi game" hơn 500 triệu người và chơi game đối kháng đã trở thành hoạt động kinh doanh lớn. Doanh thu liên quan đến Esports tại Trung Quốc đạt 51,3 tỷ CNY (7,3 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2019 và đang trên đường cán mốc 100 tỷ CNY trong năm, theo Gamma Data, một công ty nghiên cứu Trung Quốc chuyên về trò chơi điện tử, phim ảnh và chương trình truyền hình.

Có hơn 5.000 đội chơi game và khoảng 440.000 game thủ đang hoạt động trong ngành.

Điều này cho thấy sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Zen và khoảng 60 game thủ khác trong nhà Bilibili phải luyện tập hàng giờ mỗi ngày. Họ được chia thành ba nhóm: đội thứ nhất, đội thứ hai và thực tập sinh.

Tùy vào hợp đồng, các thực tập sinh được trả khoảng 10.000 CNY mỗi tháng, trong khi các game thủ từ trung đến cao cấp kiếm được khoảng 50.000 USD hàng năm, theo Li Xinyuan, quản lý nhóm.

Những game thủ hàng đầu như Zen kiếm được hơn 91.000 USD.

Con số này cho thấy ngay cả các thực tập sinh cũng kiếm được nhiều hơn mức trung bình của một công nhân nhà máy ở Thượng Hải, với lương hàng tháng thường vào khoảng 4.000-5.000 CNY.

Trò chơi điện tử được chính phủ Trung Quốc công nhận là môn thể thao vào năm 2003. Khi chơi game được Bộ Giáo dục coi là một nghề vào năm 2016, các game thủ Trung Quốc đã bắt đầu con đường chơi game kiếm tiền.

Chơi game chuyên nghiệp là động lực cho sự phát triển nhanh chóng của thị trường trò chơi điện tử, mà chính phủ Trung Quốc coi là nơi ươm mầm cho nhiều gã khổng lồ công nghệ thông tin như Tencent, công ty đứng sau Liên minh Huyền thoại.

Công ty này là một đế chế tài chính với vốn hóa thị trường đạt 411 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử là nguồn thu lợi nhuận chính của công ty, với doanh thu hàng năm lên tới 18 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu.

Khi trò chơi điện tử phát triển từ một sở thích đến ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, nó đồng thời nhận được dòng đầu tư ổn định từ các doanh nghiệp. Nhiều công ty tài trợ cho các đội, như Bilibili. Các game thủ thường sống cùng nhau để tăng mối liên kết với đồng đội.

Top Sports, một nhà tài trợ khác, điều hành hơn 8.000 cửa hàng bán đồ thể thao trên khắp Trung Quốc, bán sản phẩm từ các thương hiệu toàn cầu như Nike và Adidas. Họ có kế hoạch chi 18 triệu USD trong 5 năm tới để phát triển đội chơi game của riêng mình và đã thành lập một nhà chơi game ở phía đông Thượng Hải.

"Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển một đội gồm 100 game thủ chuyên nghiệp," Guo Hao, người quản lý nói.

Nửa tỷ game thủ - động lực thúc đẩy ngành thể thao điện tử 14 tỷ USD của Trung Quốc - Ảnh 2.

Những game thủ hàng đầu như Zen kiếm được hơn 91.000 USD. Ảnh: Nikkei.

Trong nhà Bilibili, Zen trải qua chế độ luyện tập khắc nghiệt. Có hai buổi tập theo đội, kéo dài từ 14h đến tối và từ 19h đến 22h. Các game thủ sau đó tiếp tục luyện tập và thi đấu đến tận đêm khuya.

Zen bước vào thế giới chơi game chuyên nghiệp 4 năm trước, khi mới 15 tuổi, sau khi từ bỏ tham vọng trở thành một vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp. Anh đã chơi bóng bàn từ năm 6 tuổi với sự dẫn dắt của cha.

Cha anh, một người với kỷ luật nghiêm khắc, không bao giờ cho phép Zen nghỉ tay. Một phần nhờ vào sự chăm chỉ đó, Zen đã trở thành một tay vợt hàng đầu và được chọn là ứng cử viên cho đội bóng bàn quốc gia.

"Tôi nghĩ mình cũng có chút tài năng", anh nói.

Nhưng anh bắt đầu cảm thấy lo lắng về việc cạnh tranh với những người chơi ưu tú khác của Trung Quốc. "Vài người thực sự tận hưởng sự luyện tập khắc nghiệt ấy," anh nói. Anh không chắc mình cũng cảm thấy như vậy.

Cũng trong thời gian đó anh biết đến Warcraft, trò chơi trực tuyến nổi tiếng lúc bấy giờ và bị cuốn hút. Anh đạt tới đỉnh cao nhờ phản xạ nhanh nhạy của mình. Anh rất thích cảm giác được chìm đắm trong game, điều anh không tìm thấy trong môn bóng bàn.

Zen nắm lấy cơ hội khi được mời làm game thủ chuyên nghiệp ở Thượng Hải. Anh hiện thuộc một trong 5 đội Liên minh Huyền thoại hàng đầu tại Trung Quốc, có nhiều khả năng lọt vào top 10 toàn cầu

Nhưng chơi game là một ngành công nghiệp đầy thách thức. Điều hành một đội Liên minh Huyền thoại chuyên nghiệp tốn kém từ 20 đến 40 triệu CNY mỗi năm.

Lối sống cũng là một thách thức với các game thủ. Li, người quản lý nhóm, cho biết 20% đến 30% đội chơi của công ty được thay thế hàng năm. Một số người chơi trở thành huấn luyện viên, bình luận viên hoặc người quản lý sau khi từ bỏ vị trí game thủ chuyên nghiệp, nhưng hầu hết phải quay lại trường đại học hoặc chuyển sang các ngành công nghiệp khác.

Nhiều game thủ chuyên nghiệp gặp phải các vấn đề về thể chất hoặc tinh thần. Cả Bilibili và Top Sports đều hỗ trợ tư vấn tâm lý thường xuyên tại các nhà chơi game của họ.

Nghiện trò chơi điện tử hay còn gọi là "rối loạn chơi game" đã được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công nhận là một bệnh tâm thần. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Bắc Kinh, nơi trước đây đã thúc đẩy thị trường game trong nước. Vào tháng 11, chính phủ đã ban hành các hạn chế chơi game trực tuyến đối với trẻ vị thành niên.

Các game thủ từ 18 tuổi trở xuống bị cấm chơi trực tuyến trong khoảng 22h đến và 8h ngày kế tiếp, và vào các ngày trong tuần, họ chỉ được phép chơi trong 90 phút. Các quy định cũng giới hạn số tiền mà người vị thành niên có thể chuyển vào tài khoản chơi trò chơi trực tuyến.

Biện pháp này có thể ngăn cản nhiều người trẻ tuổi đi theo con đường của Zen trở thành người chơi chuyên nghiệp cho các đội thể thao điện tử. Điều này có thể kìm hãm sự tăng trưởng của các công ty game như Tencent và giáng một đòn mạnh vào toàn bộ ngành công nghiệp thể thao điện tử của đất nước.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM