img

Nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành thực phẩm chế biến sâu từ những thay đổi trong thói quen người tiêu dùng trong dịch Covid-19, đầu năm 2021, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) – một thành viên của Tập đoàn PAN, đã thành lập và đưa vào vận hành CTCP Thực phẩm Khang An (Khang An Foods) chuyên sản xuất nông sản và tôm phối chế. Doanh nghiệp được điều hành bởi bà Dương Ngọc Kim, nguyên Tổng giám đốc Sao Ta giai đoạn 2007-2009. Bản thân bà Kim là người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản.

- Lý do nào đi đến quyết định cho sự ra đời của Khang An Foods trong khi hàng chục nghìn công ty phải rời khỏi thị trường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

- Dịch Covid-19 tạo ra rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngược lại cũng mang đến nhiều cơ hội. Những doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế từ nghịch cảnh này có thể nhìn ra những cơ hội lớn như việc thu nhận lao động dễ dàng hơn, nhận diện sớm xu thế thị trường, sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, qua đó sớm có sản phẩm đáp ứng và gia tăng sức cạnh tranh.

Tình hình dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nước trên thế giới đã làm thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Giờ đây họ ít đi mua sắm hơn và ăn tại nhà nhiều hơn. KAF chuyên sâu về các mặt hàng phối chế phù hợp với người tiêu dùng ít có thời gian vào bếp.

Trong bối cảnh thị trường Việt Nam chưa có nhiều đơn vị chế biến thực phẩm sâu đáp ứng các tiêu chuẩn cao ở những thị trường khó tính, sản phẩm phối chế giữa nông sản và thuỷ sản của Khang An Foods được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Chúng tôi rất tự tin vào kinh nghiệm của đội ngũ điều hành trẻ, năng động và có sở trường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, cộng thêm năng lực đầu tư nhà xưởng phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường.

Nữ tướng hơn 40 năm làm thủy sản kể chuyện dìu dắt công ty non trẻ đương đầu dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ra đời vào làn sóng dịch thứ 3 và không lâu sau đó lại chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là mạnh nhất kể từ khi xuất hiện, doanh nghiệp làm thế nào để tồn tại?

- Những bước đi đầu tiên của Khang An Foods là hết sức thuận lợi, trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến Việt Nam. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường để phòng chống dịch Covid-19, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Công ty non trẻ bắt đầu cảm nhận được những thách thức thực sự.

Khang An Foods đã trải qua 8 tuần tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, rồi thêm 4 tuần sản xuất thu hẹp. Thời điểm đó, số lượng lao động của chúng tôi chỉ đáp ứng 30% công suất.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan. Phải nói rằng, đây là quãng thời gian với đầy đủ cung bậc cảm xúc nhưng chúng tôi cũng coi đây như một sự tập dượt, thể hiện năng lực ứng phó với khó khăn. Đến nay, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã vượt qua khoá huấn luyện đó để trở lại trạng thái bình thường mới và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm đầu tiên của mình.

Nữ tướng hơn 40 năm làm thủy sản kể chuyện dìu dắt công ty non trẻ đương đầu dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bối cảnh Covid-19 đã đẩy một doanh nghiệp non trẻ như An Khang vào những thách thức, khó khăn như thế nào?

- Dù còn non trẻ nhưng Khang An đã có được sự tín nhiệm của khách hàng và ký được những hợp đồng dài hạn.

Trong thời gian cao điểm dịch bệnh, công suất nhà máy của chúng tôi thu hẹp chỉ còn 30%, dẫn đến không thể thực hiện giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo công ty đã lường trước được vấn đề nên chủ động gửi thư đến từng khách hàng của mình để thông tin tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, trong đó nêu những vấn đề khó khăn khi sản xuất bị thu hẹp nhằm mong đối tác có sự thông cảm.

Song song với đó, chi phí logistics cũng ngày một tăng, nếu không giao hàng nhanh chóng, cước phí tàu còn tăng hơn nữa. Nhận thấy cước tàu ngày càng tăng ở đầu qúy I, KAF đã chủ động đàm phán với khách hàng chấp nhận giao hàng theo phương thức FOB (Free On Board) từ đầu quý II đối với những hợp đồng dài hạn. Do đó, thiệt hại của Khang An khi giá cước tàu tăng là rất ít.

Khách hàng của công ty cũng nhận định tình hình dịch Covid-19 là vấn đề chung trên toàn cầu, không riêng ở Việt Nam nên có sự thông cảm mặc dù kế hoạch bán hàng của họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Với sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh của KAF, khách hàng không chuyển đơn hàng đi nơi khác. Trong khi đó, KAF cũng cố gắng thực thi những cam kết về chính sách của mình nhằm tạo lòng tin cao nhất đến khách hàng.

- Cụ thể, khó khăn lớn nhất ở đây là gì?

- Lần đầu tiên Khang An phải đối mặt với tình trạng tập trung khoảng 700 người lao động ăn ngủ tại công ty, điều đó gây ra áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, rất may là từ tháng 3 đầu năm, chúng tôi đã xây dựng thêm một xưởng sản xuất để chế biến hàng giá trị cao, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 9. Thời điểm bắt đầu 3 tại chỗ, xưởng này đã hoàn thành cơ bản phần cứng, nhờ vậy chúng tôi có chỗ cho khoảng 700 công nhân ở tại chỗ với đầy đủ điều kiện sinh hoạt chung mà ít có công ty nào có được.

Nhưng đây cũng là quãng thời gian thực sự rất căng thẳng với cá nhân tôi và ban điều hành.

Người lao động từ nhiều xã, huyện, nhiều hoàn cảnh, môi trường nên rủi ro lây nhiễm không hề nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức 3 tại chỗ nhưng vẫn xuất hiện lây nhiễm, đây là điều khiến chúng tôi hết sức lo lắng.

Cho nên thời gian này, điều Khang An chú trọng hàng đầu không chỉ là chuyện sản xuất, mà còn lo an toàn cho người lao động. Quan điểm của chúng tôi là khi có an toàn mới sản xuất.

Việc kiểm tra định kỳ người lao động và kiểm tra mới cho người mới vào làm được thực thi rất kỹ lưỡng, chặt chẽ và cẩn trọng nhất có thể. Chính vì vậy, trong thời gian 3 tại chỗ, Khang An không có bất kỳ ca lây nhiễm nào.

Cũng là một điều may mắn nữa mà tôi phải nói đến, đầu năm, Khang An có nhập về thiết bị PCR với mục đích chủ yếu là để xét nghiệm cho tôm và vùng nuôi tôm. Trong thời gian này, thiết bị PCR đã được tận dụng để xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. Chi phí do Khang An tự test PCR rất rẻ so với test bên ngoài, qua đó chúng tôi tổ chức được thường xuyên và sàng lọc một cách kỹ càng.

Còn về sản xuất, do số lượng lao động ở thời điểm này quá ít, Khang An phải lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp với tay nghề của lực lượng lao động hiện có. Đội ngũ nhân viên văn phòng cũng được huy động tham gia vào sản xuất, Ban Tổng giám đốc cũng trực tiếp xuống xưởng để hướng dẫn công việc cho các bộ phận bên ngoài để cùng tham gia. Chính vì thế, chúng tôi đã giải quyết được phần nào vấn đề năng lực sản xuất tại thời điểm đó. Và cũng xin nói thêm, thời gian này, tất cả từ Ban Tổng giám đốc đến trưởng phó các phòng ban đều thực hiện 3 tại chỗ nên cũng tạo sức mạnh tinh thần cho người lao động tham gia tăng năng suất.

Nữ tướng hơn 40 năm làm thủy sản kể chuyện dìu dắt công ty non trẻ đương đầu dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện 3 tại chỗ đã cho rằng mô hình này tốn kém nhiều chi phí và không hiệu quả, Khang An Foods thấy sao?

- Tôi nghĩ điều đó là do sự tính toán của mỗi doanh nghiệp.

Đầu tiên, Khang An tự mua test kit về kiểm tra cho công nhân, điều đó giúp chi phí giảm còn 30%. Tiếp đến là thiết bị PCR, nếu chúng ta biết cách làm mẫu gộp, mỗi một mẫu chi phí không quá 50.000 đồng, so với bên ngoài là 450.000 đồng. Khang An đã tiết kiệm được rất nhiều trong thời gian này để mang lại sự an tâm cho người lao động trong thời gian thực hiện 3 tại chỗ. Đồng thời, việc test SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần cho người lao động cũng được thực hiện nghiêm ngặt kể cả những người từ bên ngoài vào như: tài xế giao hàng, người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho căng-tin... KAF xem đây là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao nên cần phải được kiểm tra chặt chẽ nhất.

Nữ tướng hơn 40 năm làm thủy sản kể chuyện dìu dắt công ty non trẻ đương đầu dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Thực tế nếu công ty đóng cửa, các chi phí như điện, nước, chạy kho, chiếu sáng vẫn phải duy trì. Nhưng khi công nhân ở lại, chúng tôi có thể tổ chức sản xuất được, dù sản lượng chỉ đạt 30% so với thông thường. Chi phí bị đẩy lên cao hơn nhưng chúng tôi vẫn vui vì duy trì được những hợp đồng đã ký với khách hàng, nâng cao hình ảnh và uy tín của công ty.

Ngoài ra, việc lo ba bữa ăn miễn phí cho người lao động, nhất là trong giai đoạn này thiếu nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung dinh dưỡng cũng được ban lãnh đạo hết sức quan tâm. Mỗi trưởng bộ phận đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tự đóng góp tiền để mua thêm trái cây, rau tươi… và tự tổ chức làm bánh, sữa chua, món ăn vặt bổ sung dinh dưỡng của mỗi phần ăn.

Một số bà con nông dân là nhà cung cấp nguyên liệu cho KAF cũng tài trợ rau củ, trái cây, hay có những nguồn tài trợ đáng trân trọng như sản phẩm sữa tươi của khách hàng Nhật Bản làm phong phú thêm thực đơn hàng ngày cho người lao động trong giai đoạn 3TC.

KAF cũng sắp xếp khu vực cho công nhân rèn luyện thể chất như đá cầu, bóng bàn, bóng chuyền, karaoke, trình chiếu những hoạt động về tuyên truyền phòng dịch cho người lao động biết thêm thông tin…

Chi phí hoạt động có tăng lên nhưng đổi lại KAF nâng cao uy tín của mình đối với khách hàng. Trong giai đoạn khó khăn nhất, Khang An vẫn duy trì được sản xuất để giao hàng cho đối tác. Uy tín không thể mua được bằng tiền. Chính vì điều này nên chúng tôi vẫn luôn nhận được sự đồng cảm từ khách hàng.

Quan điểm của chúng tôi là dù cho chi phí có tăng cũng không phải là điều lớn lao và không phải là sự mất mát cho công ty. Mặt tích cực của khó khăn mà KAF vừa trải qua là làm cho nhận thức của người lao động tăng lên và luôn có tinh thần thích nghi với mọi sự thay đổi có thể xảy ra. Trường hợp sau này dịch Covid-19 có những biến chủng mới hay bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra, người lao động sẽ không còn e dè, lo sợ và suy nghĩ cho riêng mình.

Tâm lý của người lao động như thế nào khi phải làm việc một thời gian dài trong bối cảnh: sản xuất, ăn, ngủ nghỉ tại nhà máy?

- Thực sự trong những tháng 3 tại chỗ, đêm nào tôi cũng khó ngủ, không biết công nhân của mình có bị lây nhiễm không, sức khỏe họ có đảm bảo không? Nhưng đồng thời mình cũng tin tưởng vào cách kiểm soát dịch bệnh của Khang An, nên có thể yên tâm hơn.

Tuy nhiên, công nhân của chúng tôi đa số là người trẻ, họ nhớ nhà, nhớ con, họ muốn xin về. Một số trường hợp con nhỏ quá, chúng tôi có thể dùng xe đưa họ về, còn một số phải tìm cách động viên họ.

Điều đáng mừng là với những gì Ban Tổng giám đốc đã cố gắng hết sức làm, công nhân viên cảm thấy rằng họ ở công ty "sướng hơn ở nhà". Càng về sau, những đợt 3 tại chỗ càng thu hút thêm người lao động đăng ký tham gia.

Thực sự hai tuần đầu rất khó khăn với ban Tổng giám đốc và người lao động. Ban lãnh đạo cố gắng để tạo niềm vui cho công nhân viên, giúp họ bớt nhớ nhà. Cuối năm nay, chúng tôi hứa với công nhân rằng, những ai ở 3 tại chỗ sẽ được cho đi du lịch, rồi tăng lương cho họ, điều đó kích thích tinh thần họ rất nhiều.

Một điểm nữa là Khang An không chiến đấu với dịch bệnh một mình, trong thời gian 3 tại chỗ, CEO của Tập đoàn PAN– Nguyễn Thị Trà My tài trợ cho công nhân của chúng tôi tham gia khóa "hít thở đúng", giúp mọi người rèn luyện thở đúng cách, tăng cường khả năng hô hấp và đặc biệt giảm stress rất nhiều.

Bản thân tôi sau 3 ngày học lớp này thấy kết quả rõ ràng, không còn suy nghĩ tiêu cực nữa, ngủ rất ngon và sáng hôm sau tinh thần sảng khoái.

Anh em công nhân cũng rất thích lớp học này, cứ đến 17h chiều hàng ngày là họ tập trung chờ đến giờ để học.

Vượt qua thời điểm căng thẳng, Khang An có thêm động lực to lớn để tăng công suất trả nợ hợp đồng cho khách hàng.

Nữ tướng hơn 40 năm làm thủy sản kể chuyện dìu dắt công ty non trẻ đương đầu dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Qua giai đoạn áp dụng giãn cách căng thẳng với phương án 3 tại chỗ, tình hình sản xuất kinh doanh của Khang An hiện nay thế nào?

- Chúng tôi đang tập trung tối đa cho hoạt động sản xuất để trả hàng theo hợp đồng đã ký. Công suất hiện nay của công ty đã được cải thiện hơn nhiều. Khang An đang chạy đua để về đích cuối năm, cam kết để không làm ảnh hưởng đến khách hàng. Với các thị trường Mỹ và châu Âu, tới tháng 10 là chúng tôi hoàn thành giao hàng những hợp đồng đã ký và tiếp tục nhận thêm các hợp đồng mới giao hàng từ sau tháng 10.

Dịch Covid-19 đã làm tăng chi phí và thay đổi cả cách thức tổ chức sản xuất, định hướng sản xuất có thay đổi gì không?

- Từ những thay đổi của đợt dịch này chúng tôi nhìn nhận được một việc, trước kia những nhà máy tập trung chế biến sâu chưa nhiều. Bản thân chế biến sâu cần nhiều lao động và lao động phải được đào tạo rất cẩn thận. Khi người tiêu dùng thay đổi thói quen, họ ăn ở nhà nhiều hơn, mọi thứ phải thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu.

Chiến lược của Khang An ban đầu là tập trung vào các mảng hàng phối chế và chế biến sâu, nghĩa là ăn liền, chỉ cần hâm nóng là ăn, không cần tốn nhiều thời gian vào bếp. Chính vì vậy sản phẩm của chúng tôi phù hợp với hoàn cảnh hiện nay ở tất cả thị trường và là điểm mạnh của Khang An.

- Kế hoạch cho quý cuối năm và mục tiêu trong những năm tới là gì?

- Sắp tới chúng tôi có kế hoạch hoàn thiện một nhà máy chế biến sâu nữa để sản xuất các mặt hàng phối chế từ tôm và rau củ. Theo kế hoạch ban đầu, KAF sẽ đưa vào hoạt động nhà máy mới với tên gọi nhà máy thủy sản Tam An (Tam An Seafood Factory) sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, tất cả đều ngưng trệ nên thời gian hoàn thành sẽ lùi lại vào tháng 11. Nhiều khách hàng của Khang An cũng đã biết tin này, nên chúng tôi đã nhận được một số đơn hàng khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Đầu năm nay, Khang An đưa ra kế hoạch đạt doanh thu 50 triệu USD và lợi nhuận 50 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh, Khang An đủ khả năng để hoàn thành trước kế hoạch.Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát, công ty cũng chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Tính đến hết tháng 9, chúng tôi đã đạt được 40 triệu USD doanh thu.

Chúng tôi còn 3 tháng nữa để về đích nhưng chắc chắn một điều là từ nay đến cuối năm, chúng tôi vẫn cam kết thực hiện đúng kế hoạch về doanh số và chỉ tiêu lợi nhuận khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Trường hợp tình hình có diễn biến xấu đi, KAF cũng sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ mọi phương án để ứng phó với tâm thế tốt nhất!

NDH