Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì?

07/04/2020 01:07 AM | Sống

Thay vì về quê tránh dịch, nữ sinh ngành Y đã tình nguyện ở lại khu cách ly hỗ trợ phần nào công việc cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ.

Giữa lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng, người người đều rủ nhau phải ở nhà thì đội ngũ y bác sĩ vẫn phải trực chiến ở tuyến đầu bệnh viện. Thay vì về quê, không ít sinh viên Y tình nguyện ở lại thành phố để giúp đỡ các cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly.

Là một cán bộ Đoàn từng tham gia nhiều chiến dịch tình nguyện của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nữ sinh Huỳnh Trần Như Quỳnh (sinh viên lớp XN16DH, khoa Xét nghiệm Y học) đã tình nguyện đến khu cách ly ở tỉnh Tây Ninh làm việc. Cô bạn đăng ký theo diện sinh viên ngành y tình nguyện hỗ trợ lực lượng y tế nếu tình hình Covid-19 phức tạp và cần điều động lực lượng sinh viên y khoa.

Hồi mới đăng ký tình nguyện, cha mẹ Như Quỳnh cũng phản đối gay gắt vì lo ngại khả năng lây nhiễm. "Nhìn các chú cán bộ trong khu cách ly làm việc cực quá nên mình cũng ái ngại, muốn đóng góp phần công sức nào đó. Hồi đầu ba mẹ không đồng ý nhưng sau nhiều lần thuyết phục thì cả nhà cũng nguôi ngoai và hiểu cho quyết định của mình".

Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì? - Ảnh 1.
Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì? - Ảnh 2.

Chân dung nữ sinh viên Y tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch trong khu cách ly.

Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì? - Ảnh 3.
Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì? - Ảnh 4.

Nhiệm vụ của nữ sinh là hỗ trợ cán bộ đo nhiệt độ 2 lần/ngày, chăm sóc bệnh nhân và tổng hợp hồ sơ những người cách ly.

Như Quỳnh chia sẻ thêm về cách cô bạn đăng ký: "Mình có một người bạn đang học tại trường Trung Cấp Y tế Tây Ninh đang hỗ trợ một khu cách ly ở tỉnh. Mình liên hệ ngay với trường thì được biết các thầy cô đồng ý và sẵn lòng chào đón mình, miễn là có kiến thức chuyên môn về ngành Y là được".

Để sẵn sàng khi được điều động, nữ sinh phải tìm hiểu thêm thông tin về dịch bệnh và các kiến thức chuyên môn khác. Nhiệm vụ chính của Như Quỳnh mỗi ngày là hỗ trợ cán bộ đo nhiệt độ 2 lần/ngày vào lúc 8 giờ sáng và 5 giờ chiều; chăm sóc bệnh nhân và tổng hợp hồ sơ những người cách ly.

Làm việc trong khu cách ly là phải ngày ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao. Nhưng nữ sinh vẫn luôn giữ vững quan điểm, chỉ mong bản thân có thể được hỗ trợ càng lâu càng tốt vì: "Người ta tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ chết làm gì? Nếu sợ thì ai ở lại chữa bệnh?"

Nữ sinh viên trường Y tình nguyện làm việc ở khu cách ly: Người tuyến đầu chống dịch còn không sợ chết thì mình sợ cái gì? - Ảnh 5.

Dù có bao nhiêu khó khăn cô bạn cũng chỉ coi đó là trải nghiệm mà nghề trong tương lai bắt buộc phải trải qua. "Mình chỉ thấy có chút khó khăn khi phải mặc đồ bảo hộ cá nhân trong thời tiết nóng bức. Nhiều khi mồ hôi chảy vào mắt, cay không thấy đường mà tay thì đang mang găng nên không thể dụi, chỉ biết chớp mắt lia lịa cho qua. Thật ra cô chú ở đây ai cũng hoàn cảnh như mình, một chút khó khăn của bản thân không thể so sánh với nỗi cực nhọc của cán bộ nơi đây được".

Có lẽ không chỉ với Như Quỳnh mà những bạn sinh viên khác tham gia tình nguyện chống dịch đều coi đây là "cơ hội để trưởng thành, thử thách bản thân và bồi dưỡng thêm lòng yêu nghề. Hơn nữa, chúng mình cũng có cơ hội để thực hành kiến thức, thêm nhiều bài học sau này làm bác sĩ".

Quãng thời gian tham gia tình nguyện giúp Như Quỳnh càng thêm hiểu được nỗi vất vả của cán bộ chiến sĩ nơi đây. "Người cách ly có bệnh lặt vặt như nào đều được bác sĩ tận tình giúp đỡ. Hơn nữa tình hình dịch bệnh phức tạp, không phải chắc 100% an toàn được. Vậy nên ai được mời đi cách ly, xin hãy thực hiện nghiêm túc. Mình cũng muốn cảm ơn đội ngũ cán bộ đã luôn tận tình giúp đỡ sinh viên Y tụi mình. Chúng mình làm từ 8h đến 5 giờ chiều nhưng nhiều cô chú làm việc không ngơi tay, hỗ trợ bệnh nhân đến tận khuya. Mọi người đã vất vả nhiều rồi, hãy cùng cố gắng chờ ngày Việt Nam quyết thắng đại dịch!".


Theo Vân Trang

Cùng chuyên mục
XEM