'Nữ hoàng mỹ phẩm xanh' từng bị chê là điên rồ khi khởi nghiệp

17/08/2020 08:34 AM | Kinh doanh

Với mục tiêu xây dựng một công ty mỹ phẩm chăm sóc da, Tata Harper bắt đầu bằng việc thực hiện rất nhiều nghiên cứu, tập trung vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên, dược liệu và công nghệ sinh học. Các kế hoạch của cô gặp phải rất nhiều hoài nghi từ phía những người xung quanh. “Mọi người nói rằng tôi bị điên”, Tata chia sẻ

Sứ mệnh của Tata Harper nhằm tạo ra một dòng sản phẩm chăm sóc da có nguồn gốc tự nhiên bắt đầu sau khi cha dượng của cô được chẩn đoán mắc ung thư năm 2005.

Các bác sĩ khuyên ông ấy nên thực hiện lối sống lành mạnh hơn, giảm thiểu lượng độc tố và các chất hóa học nhân tạo hấp thụ vào cơ thể thông qua việc ăn uống hằng ngày, hoặc tiếp xúc qua da, giống như khi dùng xà phòng hoặc dầu gội.

Harper cho biết điều đó khiến cô nhận ra rằng cô và các thành viên còn lại trong gia đình bắt buộc phải thay đổi.

“Trong khi tôi đi tìm những sản phẩm thay thế cho cha dượng, tôi cũng tìm kiếm luôn cho bản thân vì tôi muốn cuộc sống của mình phải trở nên lành mạnh hơn”, người phụ nữ Colombia 44 tuổi chia sẻ.

Cô chuyển sang sử dụng thực phẩm hữu cơ bất cứ khi nào có thể, bắt đầu sử dụng những sản phẩm tẩy rửa không hóa chất trong nhà. Tuy nhiên, cô cảm thấy đôi chút miễn cưỡng khi chuyển sang sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên thay cho những loại mỹ phẩm nhân tạo đắt đỏ hiện tại.

“Tôi là một phụ nữ Latin và tôi yêu các sản phẩm làm đẹp”, cô cho biết.

“Các sản phẩm làm đẹp tự nhiên thường quá đơn giản, chúng chỉ có hai, ba nguyên liệu chính. Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ sử dụng những sản phẩm như thế để thay thế cho những sản phẩm công nghệ cao của Thụy Sĩ. Chúng quá đỗi cơ bản”.

Nữ hoàng mỹ phẩm xanh từng bị chê là điên rồ khi khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Tata Harper bắt đầu kinh doanh sản phẩm chăm sóc da nguồn gốc tự nhiên từ năm 2010. Ảnh: Garance Dore.

Chính những trăn trở về vấn đề này đã khiến cô nhận ra một lỗ hổng trên thị trường sản phẩm chăm sóc da tự nhiên cao cấp. Do đó, tuy không sở hữu nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp mỹ phẩm bởi công việc lúc đó của Tata là kỹ sư trong lĩnh vực phát triển bất động sản, cô quyết định thành lập doanh nghiệp mỹ phẩm riêng.

Công ty, được đặt trùng với tên của cô, hiện có giá trị khoảng hơn 65 triệu USD, doanh thu hàng năm ước tính ít nhất 25 triệu USD. Trong khi đó, các diễn viên như Gwyneth Paltrow, Kate Hudson và Hilary Duff là những khách hàng nổi tiếng chuyên sử dụng các sản phẩm của Tata Harper. Tạp chí Forbes mô tả gọi cô là “nữ hoàng của xu hướng mỹ phẩm xanh”.

Sinh ra và lớn lên tại Barranquilla, thành phố xinh đẹp bên bờ biển Caribbean, Colombia, ngay từ khi còn nhỏ, Tata và bà đã tự làm ra những sản phẩm chăm sóc da từ nhiều loại hoa quả họ mua từ các khu chợ địa phương.

Sau khi kết thúc chương trình học phổ thông, cô thi đỗ vào Viện Công nghệ Monterrey tại Mexico và tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghiệp. Năm 2000, cô chuyển tới sống và làm việc tại Miami, Mỹ. Tại đây, cô cùng chồng Henry, cũng đến từ Colombia, xây dựng và bán các căn hộ chung cư.

Một vài năm sau, họ bắt đầu công việc tương tự tại thành phố New York. Đó cũng là khoảng thời gian  cha dượng của Tata được chuẩn đoán mắc ung thư.

Nữ hoàng mỹ phẩm xanh từng bị chê là điên rồ khi khởi nghiệp  - Ảnh 2.

Bao bì sản phẩm Tata Harper được thiết kế thân thiện với môi trường nhất có thể. Ảnh: Michael Heeny.

Với mục tiêu xây dựng một công ty mỹ phẩm chăm sóc da, cô bắt đầu bằng việc thực hiện rất nhiều nghiên cứu, tập trung vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên, dược liệu và công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, các kế hoạch của cô gặp phải rất nhiều hoài nghi từ phía những người xung quanh. “Mọi người nói rằng tôi bị điên”, cô chia sẻ. “Quan niệm trong ngành này đó là sự xa xỉ và tính thiên nhiên không bao giờ có thể kết hợp lại được với nhau”.

Không bỏ cuộc, Tata bắt đầu làm việc với các nhà hóa học nhằm xây dựng một loạt các công thức dành cho sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên. Cô phải sử dụng tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng để trang trải  chi phí nghiên cứu và đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

“Thông thường, công việc phát triển một sản phẩm chăm sóc da có thể mất tới vài tuần. Thế nhưng quá trình phát triển của chúng tôi đã kéo dài tới 5 năm, với sự tham gia của 8 nhà hóa học”.

Năm 2010, các sản phẩm đầu tiên ra mắt, và cũng là năm doanh nghiệp mỹ phẩm của cô chính thức thành lập.

Tại thời điểm đó, Tata, Henry và 3 người con của họ đã chuyển tới một trang trại hữu cơ có diện tích gần 500 hecta tại bang Vermont, cách thành phố New York hơn 560 km về phía đông bắc. Tới hiện tại, tất cả hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra tại đây.

Các sản phẩm được sản xuất từ các loại dược liệu và nhiều loài thực vật khác trồng trên chính trang trại này, cùng với đó là từ nhiều loại nguyên liệu thiên nhiên khác được nhập khẩu từ 70 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Các sản phẩm phần lớn được chứa trong lọ thủy tinh, vì chúng có thể dễ dàng được tái chế, trong khi nhãn hiệu, vật liệu đóng gói được làm từ giấy tái chế và được nhuộm màu bằng thuốc nhuộm chiết xuất từ đậu tương.

Nữ hoàng mỹ phẩm xanh từng bị chê là điên rồ khi khởi nghiệp  - Ảnh 3.

Nhiều thành phần sản phẩm được chiết xuất từ những loại cây trồng tại trang trại của Tata. Ảnh: Tata Harper.

“Thông thường, các công ty trong ngành thường thuê các đơn vị khác sản xuất các sản phẩm cho họ, nhưng tôi lại không hề ủng hộ ý tưởng đó”, Harper cho biết. “Vì là kỹ sư công nghiệp, đồng thời cũng là khách hàng, tôi luôn kỳ vọng rằng công ty tôi sử dụng sản phẩm của họ là công ty có khả năng tự sản xuất ra chúng”.

Bược ngoặt lớn nhất của cô xuất hiện không lâu sau khi công ty được thành lập, với một bài báo 3 trang được đăng tải trên tạp chí Vogue. “Tôi không hy vọng công ty sẽ xuất hiện trên Vogue sớm như thế, nhưng điều đó tạo ra sức ảnh hưởng lớn”, cô cho biết.

Chính bài quảng cáo đó đã khiến cho nhà bán lẻ mỹ phẩm SpaceNK bắt đầu đặt mua các sản phẩm của công ty, sau đó là Bergdorf Goodman, Niemen Marcus, Nordstrom và Sephora.

Việc các ngôi sao nổi tiếng sử dụng rộng rãi các sản phẩm của công ty cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công hiện tại. “Gwyneth Paltrow là một người hâm mộ trung thành và luôn ủng hộ công ty. Đó chính là bệ phóng của chúng tôi”.

Cô luôn cho rằng sự ủng hộ từ những “khách hàng” nổi tiếng là sự phản ánh chân thực nhất đối với chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi làm gì có đủ tiền để trả tiền quảng cáo cho họ”.

Hiện tại, các sản phẩm của Tata Harper được lưu hành rộng rãi tại Mỹ, Anh, châu Âu, châu Á và Australia. Công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Công ty hiện có khoảng 150 nhân viên, với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm lên tới 50%. Harper cùng với chồng cũ nắm phần lớn cổ phần của công ty, cùng với đó là các nhà đầu tư bên ngoài, trong đó bao gồm quỹ đầu tư tư nhân ACG.

“Chúng tôi rất may mắn. Các nhà đầu tư đều tin tưởng vào công việc mà chúng tôi đang làm và hiểu được xu hướng thay đổi này”, cô cho biết.

Trong khi Tata đảm nhiệm vai trò dẫn dắt các khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm và truyền thông, Henry chịu trách nhiệm các bộ phận kinh doanh và tài chính. Hai người, đã chia tay 4 năm về trước, là đồng giám đốc điều hành của công ty.

Mortimer Singer, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, đồng thời là giám đốc công ty tư vấn quản lý Traub, cho biết Harper là một đại sứ tuyệt vời cho chính doanh nghiệp của cô ấy.

“Tata Harper là một nhà lãnh đạo kiệt xuất trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên”, ông cho biết. “Cô ấy là một tài năng tuyệt vời trong việc tạo ra nguồn cảm hứng cho khách hàng. Cô ấy sống với vô vàn hoài bão”.

“Và rất ít các công ty mỹ phẩm có thể tạo ra nguồn cung ứng nguyên, vật liệu và sản xuất các sản phẩm tại chính các nhà máy của mình”.

Trong khoảng thời gian cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, sau khi đã lo cho ba người con, 8, 10 và 11 tuổi ổn định trong các giờ học tại nhà, cô tham gia vào các cuộc họp trực tuyến và cho biết cô “sử dụng điện thoại suốt cả ngày” cho tới 18h.

Sau một thập kỷ phát triển doanh nghiệp, cô không thể mường tượng ra mình có thể làm điều gì khác. “Tôi đã đặt rất nhiều giá trị bản thân vào thương hiệu của mình. Công việc của tôi khiến tôi đã khiến tôi phải làm điều đó”.

Cũng giống như nhiều nhà sản xuất khác, cô buộc phải cho đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong suốt thời gian dịch bệnh bùng nổ. Vì công ty tạo ra nguồn thu từ hai kênh chính đó là các cửa hàng truyền thống (một vài trong số đó đã buộc phải tạm dừng kinh doanh) và thương mại điện tử, hoạt động của công ty có đôi phần bị ảnh hưởng.

Nhưng cô tin rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại sẽ giúp nhấn mạnh thêm tầm quan trong của những thương hiệu phục vụ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. “Nó sẽ khiến cho mọi người cảm nhận rõ ràng hơn được giá trị của công việc mà chúng tôi đang làm”, cô chia sẻ.

Trọng Đại

Từ khóa:  khởi nghiệp
Cùng chuyên mục
XEM