Nữ điệp viên Mata Hari huyền thoại với vũ điệu thoát y khiến hơn 50.000 lính Pháp phải bỏ mạng trong thế chiến

16/12/2017 13:22 PM | Sống

Chưa bao giờ trong lịch sử tình báo thế giới lại có một nữ điệp viên hai mang với xuất thân là một vũ nữ thoát y. Điều này đã khiến cuộc đời của Mata Hari như một bản nhạc thăng trầm: Xa hoa và hưởng thụ khi ở trên đỉnh cao để rồi kết thúc với một viên đạn nơi pháp trường lạnh lẽo.

Góc nghiêng "thần thánh" lột tả tối đa vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của Mata Hari - huyền thoại vũ nữ thoát y trên đất Châu Âu đầu thế kỷ 19.

Vẻ đẹp trời ban như Nữ thần Mặt trời của nàng vũ nữ nóng bỏng nhất Tây phương

Trong văn hóa phương Tây, có một khái niệm đặc biệt về những người đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Đó là "femme fatale", có thể hiểu là một người đàn bà quyến rũ đến mức khiến đàn ông say mê mà gặp phải tai họa. Hình tượng của Mata Hari sau này luôn được xây dựng theo hướng như vậy: Đẹp nhưng nguy hiểm.

Sinh năm 1876 ở Hà Lan, Mata Hari tên thật là Margaretha Geertruida Zelle. Còn cái tên Mata Hari trong tiếng Mã Lai có nghĩa là "Con mắt của ban ngày", tức Mặt trời, nguồn gốc từ vùng Đông Ấn trước kia là thuộc địa của Hà Lan. Tại đây, Mata Hari đã trải qua cuộc hôn nhân bất hạnh đầu đời với người chồng là một tay sĩ quan quân đội.

Trở lại châu Âu trước ngày nổ ra Thế chiến, Margarethe Zelle lột xác trở thành Mata Hari, một vũ nữ nóng bỏng, đầy cám dỗ và tai tiếng của kinh đô Paris trong "kỷ nguyên tươi đẹp" (1871 - 1914). Điệu múa quyến rũ mang hồn cốt châu Á là tấm vé giúp cô bước chân vào xã hội thượng lưu thời bấy giờ.

Mata Hari là người đầu tiên đưa thoát y trở thành một điệu nhảy vô cùng thu hút, được ghi danh như một trong các hình thức nghệ thuật quyến rũ nhất hành tinh.

Với nước da bánh mật, cặp môi dày, đôi mắt to và đen láy, Mata Hari xuất hiện trên sân khấu như một thiếu nữ phương Đông bí ẩn, xinh đẹp vô ngần. Nhờ quan sát và học hỏi các vũ công truyền thống người Java, cô có được toàn bộ sự lộng lẫy hiếm ai sánh được.

Những buổi diễn có tên gọi "The Eye of the Day" (Con mắt của ban ngày), dịch từ nghệ danh Mata Hari. Người Paris bàn tán xôn xao về những vũ điệu Java nóng bỏng của cô, phấn khích với hình ảnh vũ nữ người Hà Lan trong tấm voan nửa kín nửa hở để khán giả không thể rời mắt khi cô cởi bỏ tất cả trên sân khấu.

Một trong những điệu nhảy nổi tiếng nhất của Mata chính là sử dụng chiếc khăn voan mỏng làm đạo cụ tạo nên sự quyến rũ, hờ hững và bí ẩn cho bài múa.

Chỉ trong vòng chín tháng, Mata Hari "cầm trịch" hơn 30 buổi trình diễn tại các salon sang trọng nhất Paris. Cô xuất hiện cả trong nhà Baron Henri de Rothschild, kịch gia danh giá của Pháp và Cécile Sorel, nữ diễn viên nổi tiếng đương thời. Người đàn bà đẹp đã chinh phục trái tim của biết bao gã đàn ông giàu có tại châu Âu. Mặc cho cô chỉ là một vũ nữ thoát y, Mata xuất hiện trong những dòng văn của nhà phê bình sân khấu nổi tiếng Edouard Lepage rằng: "Cô ấy cao và thanh mảnh, uyển chuyển như một con rắn đang bị tiếng sáo thôi miên".

Cuộc sống vương giả và đầy xa hoa giữa lòng Thế chiến

Trước Thế Chiến I, người dân thành phố The Hague, Hà Lan thường bắt gặp cô vũ nữ thong thả rời nhà mỗi sáng. Khoác áo lông dài, đội mũ nhung, cô từ bên bờ kênh, vào con hẻm nhỏ để tới khu phố Lange Voorhoutm, qua hàng loạt trụ sở sứ quán. Lọt thỏm giữa khu phố ngoại giao là khách sạn Des Indes, nơi Mata Hari bí mật gặp gỡ các tùy viên trong chính phủ.

Phong thái kiêu sa và đài các của Mata Hari trong thời gian cô sinh sống tại những khách sạn vương giả nhất Châu Âu.

Nằm gần tòa nghị viện và cung điện hoàng gia, khách sạn Des Indes từng tiếp đón không ít vị quốc vương, tổng thống, thủ tướng từ năm 1881. Diện mạo ngày nay của khu phố ngoại giao ấy vẫn không thay đổi quá nhiều so với những năm 1910, và Des Indes vẫn được coi như một trụ sở chính trị quan trọng. Khách sạn toát lên nét cổ điển: Lối vào uy nghi với vương miện hoàng gia bằng đồng trên đỉnh, tiền sảnh xa hoa cùng các trụ đá cẩm thạch, nội thất bọc nhung, cầu thang lớn với lan can bằng đồng.

Kiến trúc sang trọng của khách sạn Des Indes, nơi Mata Hari gắn bó trong một thời gian dài khi còn ở Hà Lan.

Từng là nhà của một quý tộc, Des Indes trong tiếng Pháp có nghĩa là "khách sạn của Đông Ấn". Đông Ấn là thuật ngữ chỉ Indonesia, viên ngọc của Đông Nam Á trải ra như chiếc vương miện của thực dân Hà Lan. Về phần Mata, nếu quay trở lại Des Indes sau 100 năm, cô hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy bức chân dung của mình được đặt trang trọng ở sảnh. Des Indes quả thực có một ý nghĩa đặc biệt với cô, bởi Indonesia cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời Mata.

Nhận án tử hình vì bị phát hiện là điệp viên hai mang

Năm 1914, khi Thế chiến I nổ ra, Mata Hari đến Đức lưu diễn. Vốn ưa mạo hiểm và luôn luôn cần tiền, cô nhanh chóng nhận lời làm gián điệp cho cục Tình báo Đức với mật hiệu H.21.

Nhiệm vụ của H.21 là thu thập tin tức hoạt động quân sự của Pháp thông báo cho cơ quan tình báo Đức. Tuy nhiên Elsa Shragmuyller, người phụ trách trực tiếp H.21 sau này cho biết toàn bộ tin tức mà H.21 cung cấp không bao giờ được sử dụng vì chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.

Tháng 8/1916, trở về Paris 2 năm sau, Mata nhanh chóng được mật vụ Pháp tiếp cận nhờ những mối tình xuyên biên giới với chính khách Đức. Nữ điệp viên sau đó được đưa tới gặp Đại úy của cục Phản gián và nhận lời hợp tác với cơ quan tình báo Pháp với nhiệm vụ là đến Bỉ, nơi đang bị quân Đức chiếm đóng, để thu thập tin tức.

Chân dung Mata Hari ngày bị chính phủ Pháp bắt bởi tội danh điệp viên hai mang.

Tuy nhiên trên đường đến Bỉ, Mata Hari bị cảnh sát Anh bắt nhầm. Sự nhầm lẫn này khiến thân thế điệp viên Đức của cô bại lộ. Anh ngay sau đó đã thả Mata nhưng đồng thời cũng cung cấp thông tin này cho phía Pháp. Cuối cùng, sau một chuyến đi xa trở về Paris, ngày 13/2/1917, Mata Hari bị nhà chức trách Pháp bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp hai mang.

Sau 4 tháng thẩm vấn, toà án quân sự Pháp tuyên án tử hình Mata Hari với tội danh cung cấp bí mật quân sự của đồng minh cho quân đội Đức, trực tiếp khiến 50.000 lính Pháp thiệt mạng, đồng thời gián tiếp khiến 17 tàu chiến của liên quân bị chìm. Tuy bị xử với tội danh như vậy, người ta cũng không đưa ra được bằng chứng quá chính xác về cách cô sát hại họ như thế nào.

Sáng ngày 15/10/1917, người đẹp lẫy lừng một thời của Paris phải tiến về phía pháp trường ngoại ô, nơi nàng bị xử bắn. Một phóng viên người Anh được đặc cách có mặt, theo những miêu tả về sau của ông, Mata Hari ra pháp trường với không chút sợ hãi, nàng từ chối buộc dải khăn đen lên mắt.

Mata Hari từ chối đeo khăn bị mắt khi được áp giải ra pháp trường để lãnh án tử hình.

Khi những người lính làm nhiệm vụ được lệnh nâng súng lên, cô vũ nữ đã thổi một nụ hôn gió về phía họ. Những gì đã thực sự xảy ra trong cuộc đời Mata Hari luôn là một bí ẩn, nhưng những gì nàng trải qua đủ khiến người ta dành phần nào sự ngưỡng mộ cho cô.

Đối với Mata Hari, người ta không bàn về sự đúng sai, chỉ đơn giản là sự ngưỡng mộ dành cho một nhan sắc, một bản lĩnh táo bạo so với nữ giới đương thời. Cô sống phóng túng và dường như không biết sợ hãi. Cứng cỏi chống lại số phận, dũng cảm thể hiện cái tôi cá nhân, sống và chết như một phụ nữ kiên cường nhất, Mata Hari chiếu sáng sân khấu thế giới bằng khí chất có 1-0-2. Cô xứng đáng được ghi nhận như một nữ nghệ sĩ đại tài thay vì biểu tượng gián điệp phản bội.

Cuộc đời của vũ nữ kiêm điệp viên Mata Hari truyền cảm hứng rất nhiều cho nghệ thuật thế giới bởi có rất nhiều mảnh đất trống để khai thác.

Ta sẽ không ngạc nhiên khi có nhiều cuốn sách, bộ phim hay những buổi triển lãm được sáng tạo ra chỉ để tôn vinh vẻ đẹp của người vũ nữ này cùng cuộc đời sóng gió mà cô đã trải qua. Dù không chính thức, nhưng chính giới văn đàn đã coi Mata Hari là "nữ điệp viên vĩ đại". Còn sự thật trong xã hội, suy cho cùng, người ta vẫn cho rằng Mata Hari chỉ là một ngôi sao giải trí không hơn không kém, có chăng cao quý hơn, là vũ công thoát y Đông Ấn đầu tiên của đất Châu Âu hoa lệ.

THEO SƠN ĐỖ

Cùng chuyên mục
XEM