Nốt ruồi trên sống mũi bỗng "hoá" thành ung thư: Cách phân biệt nốt ruồi và ung thư

03/10/2019 19:07 PM | Sống

Cách đây 2 năm, bà C mọc một nốt sùi trên sống mũi, nhưng bà chỉ nghĩ đó là mụn ruồi bình thường, khi đau nhức đi khám bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư.

Mốt mụn sùi hay chảy máu

Bệnh nhân Phạm Thị C (59 tuổi trú tại Thanh Sơn - Uông Bí - Quảng Ninh) đi khám da liễu do bị mọc mụn sùi ở sống mũi, mụn thường bị chảy máu khi rửa mặt nên bà đã tới Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám.

Kết quả khám bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư tế biểu mô tế bào đáy, khiến bà rất bất ngờ.

Bà C cho biết, nốt sùi này xuất hiện khoảng 2 năm nay, thỉnh thoảng có hơi đau nhức, nhưng nghĩ chỉ là nốt ruồi bình thường nên bà chủ quan không đi khám.

Bác sĩ Tạ Thị Chà, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay, bệnh nhân có một nốt sùi ở trên sống mũi kích thước 1x2 cm có biểu hiện sưng, đau, chảy máu khi thăm khám.

Bác sĩ Chà nghi ngờ đây là biểu hiện của ung thư da, nên đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm mô bệnh học và có kết luận là ung thư biểu mô tế bào đáy.

 Nốt ruồi trên sống mũi bỗng hoá thành ung thư: Cách phân biệt nốt ruồi và ung thư - Ảnh 1.

Bệnh nhân C.

Ung thư biểu mô tế bào đáy là một dạng phổ biến của ung thư da. Ung thư biểu mô tế bào đáy phát triển chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ. Nếu không phát hiện sớm tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của các cơ quan lân cận như mũi, miệng, mắt.

Thông thường trong quá trình phát triển bệnh sẽ không có biểu hiện rõ ràng hay bất thường vì vậy đôi khi dễ bị bỏ qua.

Những vị trí nốt ruồi cảnh báo ung thư

Ths.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, những tế bào này có nguy cơ nhất định về ung thư hóa.

Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất. Một số vị trí như: lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu,… cũng được xem là nguy hiểm vì có thể tiến triển thành ung thư.

Một số dấu hiệu của nốt ruồi có thể nghĩ tới căn bệnh ung thư. Ví dụ như: Những nốt ruồi bẩm sinh nhưng lớn nhanh hơn sự phát triển của cơ thể; Nốt ruồi thay đổi về màu sắc đang đậm màu chuyển nhạt, đang nhạt chuyển đậm hoặc chuyển loang lổ, xuất hiện thêm màu khác; Nốt ruồi đang nhẵn nhô hẳn lên.

Ngoài ra, nếu nuốt ruồi có sự thay đổi về ranh giới cũng cần hết sức chú ý như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là cảnh báo ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.

Một số triệu chứng khác viêm, chảy máu, loét ngứa,... từ nốt ruồi, cũng cần lưu ý đến nguy cơ ung thư.

Người dân cần thận trọng khi thấy xuất hiện những bất thường trên da, dù là nhỏ nhất cũng nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tránh tâm lý chủ quan khiến bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM