Nông dân Trung Quốc đang tung hoành trên đất Nga

03/08/2016 20:02 PM | Kinh tế vĩ mô

“Trung Quốc quá đông dân và những người như tôi chẳng có cơ hội làm giàu nào ở đó”, anh Li, một nông dân tại vùng Opytnoe Pole-Nga nói.

Tại vùng Opytnoe Pole- vùng Viễn Đông Nga, ông Li Chengbin, một nông dân 62 tuổi người Trung Quốc đang điều khiển máy kéo trên cả một vùng đất hoang rộng lớn.

Ông Li cho biết ở Trung Quốc, ông chưa bao giờ được canh tác trên một vùng ruộng rộng lớn như vậy so với cánh đồng rộng hơn 330 km2 mà ông và con trai đang canh tác tại Nga. Phần lớn những người nông dân Trung Quốc chỉ có khoảng 8km2 đất ruộng hoặc thậm chí nhỏ hơn.

“Nếu như ở Trung Quốc, số diện tích đất ruộng trên có thể biến tôi thành người nông dân có diện tích ruộng lớn nhất nước”, ông Li nói.

Ông Li và con trai ông đã đầu tư mua máy kéo với những trang thiết bị khác từ mộ trang trại tập thể cũ từ thời Liên Xô để trồng trọt, chăn nuôi trên vùng đất mới này tại Nga.

Số đất mà ông Li và con trai canh tác tại Nga là nhờ thỏa thuận với một phụ nữ địa phương, người đã thuê khu đất này từ một trang trại quốc doanh và đồng ý để cho gia đình ông Li thuê canh tác.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cực nóng trong mùa hè và băng hàn trong mùa đông tại khu vực này cũng tương tự như vùng phía Bắc Trung Quốc nên không có gì lạ với gia đình ông Li. Tuy nhiên, khu vực này có nhiều đầm lầy và khí hậu ẩm ướt hơn nên có nhiều muỗi cũng như các loại côn trùng. Thậm chí, bám ngay sau chiếc máy kéo của ông Li là một đàn ong bắp cày, bị thu hút bởi nhiệt lượng tỏa ra từ máy chạy.


Ông Li Chengbin và con trai Li Xin đang canh tác trên đất Nga

Ông Li Chengbin và con trai Li Xin đang canh tác trên đất Nga

Làm xói mòn đất đai

Việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc sang các vùng biên giới Nga kinh doanh, trồng trọt hoặc thậm chí đầu tư đang làm gia tăng nỗi lo sợ về sự xâm chiếm của dân tộc Trung Quốc đối với các dân tộc Nga.

Mặc dù quan hệ Nga-Trung đang ngày càng nồng thắm nhưng nỗi ám ảnh về sự xâm lăng từ Trung Quốc chưa bao giờ tắt trong tâm trí những người dân khu vực này.

Dẫu vậy, ở những vùng Viễn Đông như Opytnoe Pole, người dân cũng như các quan chức địa phương dù không mấy ưa người Trung Quốc cũng như thói quen làm việc của họ, nhưng những nguồn lao động từ Trung Quốc lại đang là yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự phát triển ở khu vực nghèo khó ít nhận được đầu tư từ chính quyền trung ương này.

Chủ tịch hội đồng nhân dân địa phương Lyudmilla Voron tại Opytnoe Pole và 4 ngôi làng khác cho biết người dân Nga tại những khu vực này đã bị tha hóa quá lâu.

“Đàn ông Nga nơi đây uống rượu quá nhiều và họ chẳng muốn làm việc”, bà Voron nói.

Bà Voron cũng cho biết chính quyền địa phương không có con số cụ thể về số lao động Trung Quốc bán thời gian, mùa vụ hay thậm chí những người thuê đất dài hạn canh tác ở nơi đây. Tuy nhiên bà Voron cho biết khu vực này ban đầu là vùng đất được dùng để người Do Thái tại Nga định cư theo những quy định vào thập niên 30 từ thời Stalin.

“Nói thật, chắc chắn là số người Trung Quốc ở đây nhiều hơn nhiều so với số dân Do Thái”, bà Voron bức xúc.

Số người Nga sống tại vùng này chỉ vào khoảng 1.716 người và chỉ còn 2 hộ gia đình là người Do Thái. Hầu hết người Do Thái tại đây đã chuyển đến Israel hay các vùng khác. Trong khi đó, số người Trung Quốc làm ăn tại đây đã đến hàng trăm người.

Con gái của bà Voron là cô Maria, vốn là quận trưởng của khu vực này phàn nàn rằng có quá nhiều người Trung Quốc sang đây làm việc mà không có đăng ký. Họ thậm chí ngủ vạ vật tại các cành đồng hoặc những khu vực công cộng.

Tuy nhiên, cô Maria cũng phải thừa nhận tinh thần làm việc của những lao động Trung Quốc này cao hơn người Nga rất nhiều khi họ khát khao thu lại được lợi ích sau những ngày làm việc vất vả.

“Họ làm việc như điên vậy”, cô Maria nói.

Dẫu vậy, nhiều người dân trong vùng cũng phản đối việc các nông dân Trung Quốc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học cũng như phương pháp nông canh bất hợp lý khiến đất bị xói mòn.

Mới đây, chính phủ địa phương đã gửi một đoạn video đến cơ quan công tố, trong đó cho thấy cánh đồng canh tác bởi nông dân Trung Quốc bị bao phủ bởi một chất hóa học màu xám bị nghi là dùng để kích thích cây trồng tăng trưởng như mong muốn.


Vùng Opytnoe Pole-Nga

Vùng Opytnoe Pole-Nga

Nỗi lo sợ "Trung hóa"

Hiện tượng di chuyển lao động và dòng người từ Trung Quốc qua sông Amur đến các vùng nông trại Nga đã bắt đầu từ rất lâu và đã có dấu hiệu tăng nhanh kể từ sau năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Việc nhiều người Trung Quốc sang Nga làm việc mà không có giấy tờ cũng như thiếu sự kiểm soát của chính quyền địa phương đã làm gia tăng quan điểm phản đối từ các chính trị gia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Nga.

Chính trị gia cánh hữu và là chủ tịch đảng dân tộc Nga (LPDR), ông Vladimir Zhirinovsky luôn bày tỏ quan điểm trục xuất hết những người Trung Quốc khỏi vùng Viễn Đông Nga.

Trong khi đó, đạo diễn phim nổi tiếng Stanislav Govorukhin đã thực hiện một bộ phim tài liệu cũng như viết sách về nguy cơ “Trung hóa” ở vùng Viễn Đông khi số người Trung Quốc đang ngày một tăng và có khả năng vượt số dân Nga bản địa.

Tổng thống Nga Vladimir V. Putin hiện đang cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc trước sức ép cấm vận từ Phương Tây. Trước tình hình hình đó, Tổng thống Putin đã cố gắng xoa dịu những tiếng nói phản đối từ các chính trị gia, nhưng tư tưởng bài Trung Quốc tại đây vẫn không thể dập tắt.

Năm 2015, khi các quan chức Nga khu vực dọc biên giưới Trung Quốc công bố kế hoạch cho thuê khoảng 1.200 km2 đất nông nghiệp chưa sử dụng cho một công ty Trung Quốc, hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra và kế hoạch này hiện vẫn đang bị hoãn vô thời hạn.

Kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền vào năm 1999, các nhà chức trách Nga đã thử và đạt được thành công phần nào trong việc kiểm soát các luồng di cư lao động từ Trung Quốc.

Theo đó, nhà nước thực hiện một hệ thống hạn ngạch cho các lao động từ Trung Quốc cũng như doanh nghiệp vào Nga. Tuy nhiên, hầu như hiện nay chẳng ai quan tâm đến những quy định này khi tình trạng tham nhũng lan tràn cũng như sự thiếu kiểm soát chặt chẽ tại vùng Viễn Đông.


Ông Vladimir Zhirinovsky

Ông Vladimir Zhirinovsky

Nhu cầu "đất" tăng cao

Hiện vùng Viễn Đông Nga đang là điểm đến lý tưởng của nhiều nông dân Trung Quốc khi diện tích đất tại đây tương đương đến 2/3 so với tổng diện tích của toàn nước Mỹ nhưng số dân lại vô cùng thư thớt, chỉ vào khoảng 6,1 triệu người.

Sự sụp đổ của Liên Xô và hàng loạt những trang trại quốc doanh xuống cấp đã và đang tạo điều kiện cho nhiều nông dân Trung Quốc sang đây làm căn, canh tác.

Khoảng 60% diện tích đất màu mỡ tại các vùng dọc biên giới Nga-Trung trong khoảng 1990-2006 đã bị bỏ hoang do người dân đi sang xứ khác tìm việc hoặc di cư.

Trái ngược lại, dân số tại các vùng sát biên giới Nga của Trung Quốc lại đang tăng nhanh chóng khi diện tích đất lại không tăng lên, qua đó thúc đẩy nhu cầu về đất canh tác ngày một cao ở nơi đây.

Khu vực Hắc Long Giang gần biên giới Nga của Trung Quốc có 38 triệu dân, cao gấp 200 lần so với vùng sát biên giới phía bên kia của Nga.

Con trai của ông Li, anh Li Xin hiện đã 35 tuổi đã đến Nga làm nông từ cách đây 10 năm. Anh này đã học được tiếng Nga và cùng xây dựng một trang trại lợn với một phụ nữ địa phương, chị Nelya Zarutskaya.

Hiện cả cha, chú của anh Li cùng với chị Nelya Zarutskaya và con riêng của chị đang sống chung trong một trang trại.

Cán bộ chính quyền địa phương cho biết anh Li và chị Nelya Zarutskaya đã kết hôn, một cách phổ biến để người Trung Quốc có quyền lao động và canh tác tại Nga.

Bà Voron cho biết những cuộc hôn nhân giả khá phổ biến tại đây khi người Trung Quốc muốn lao động dài hạn ở Nga.

Trang trại nuôi lợn của anh Li đã chuyển sang trồng đậu nành khi nhu cầu loại noogn sản này tăng cao ở Trung Quốc. Cha của anh Li là ông Li cũng chuyển đến đây làm cùng con trai cách đây 3 năm trước khi gặp khó ở trang trại quê nhà tại tỉnh Hắc Long Giang.

Mặc dù anh Li thừa nhận vùng Viễn Đông Nga là một nơi khó sống với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và là đất khách quê người nhưng anh cũng cho rằng khu vực này đem lại nhiều cơ hội hơn so với ở quê nhà Trung Quốc.

“Trung Quốc quá đông dân và những người như tôi chẳng có cơ hội làm giàu nào ở đó”, anh Li nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM