Nông dân trồng lúa nhỏ lẻ, khó đủ đường

14/07/2017 22:05 PM | Kinh doanh

Nông dân thu nhập ít ỏi do trồng lúa theo quy mô gia đình, manh mún; đầu ra bấp bênh.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới (năm 2016) sau Ấn Độ và Thái Lan. Vậy nhưng giá gạo của Việt Nam ra trường quốc tế vẫn thấp, thương hiệu gạo Việt vẫn còn bị hạn chế. Đời sống các hộ nông dân trồng lúa theo quy mô gia đình nhỏ lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sau khi thu hoạch lúa, nông dân bán cho thương lái hoặc các cửa hàng bán gạo, giá cả bấp bênh. Thị trường tiêu thụ lúa thì qua nhiều tầng nấc trung gian do đó khi giá lên thì các tầng nấc trung gian được hưởng lợi còn khi giá xuống thì người nông dân phải gánh chịu. Người nông dân luôn phải bán lúa thường ở thế thụ động.


Quy trình tiêu thụ gạo thông thường. Nguồn: Lộc Trời

Quy trình tiêu thụ gạo thông thường. Nguồn: Lộc Trời

Thế yếu nữa của người nông dân là không có kho bãi để có thể chứa, trữ lúa, đa số khi thu hoạch xong là bán ngay nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy không phải nông dân muốn bán lúa và bán với giá đảm bảo có lợi nhuận là bán được ngay. Có nhiều thời điểm phải bán với giá huề vốn hoặc lỗ để có tiền trang trải các chi phí sản xuất và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Do sở hữu đất canh tác manh mún kéo theo quy mô sản xuất nhỏ và giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất lúa gạo không cao nên nông dân không có tích lũy. Do đó, vốn đầu tư vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc BVTV) phục vụ sản xuất là nỗi lo của người nông dân. Rất ít nông dân sử dụng vốn tự có mà đa phần vay, mượn, mua nợ vật tư. Tổ chức sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, không tập trung như vậy làm gia tăng chi phí và không có điều kiện để cơ giới hóa được.

Cũng xuất phát từ nguyên nhân trên, công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao và không bảo đảm chất lượng. Nông dân phải tự lo máy gặt đập liên hợp (hiện nay đa số nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch), bốc xếp và phương tiện vận chuyển lúa.

Việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của nông dân thường không dễ dàng vì không có hoặc ít tài sản thế chấp.

Nắm bắt được những lý do trên, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với nông dân để thực hiện mô hình cánh đồng lớn nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thị trường.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM