Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện

02/01/2020 11:20 AM | Xã hội

"Những trang trại và nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc diệt chủng toàn diện. Nếu chúng ta mất đi bản sắc đồng quê vốn có, nước Mỹ sẽ thua thiệt rất nhiều", cựu thống đốc bang Nebraska, ông Al Davis nói.

Trong gần 200 năm, gia đình nhà Rieckman vùng Wisconsin đã chăn nuôi bò sữa suốt nhiều thế hệ. Họ đã chứng kiến vô vàn thách thức, từ ngập lụt đến quá tải nguồn cung khiến giá giữa đi xuống. Tuy nhiên, chưa bao giờ gia đình Rieckman chứng kiến một cuộc khủng hoảng tồi tệ như hiện nay.

Gia đình Rieckman đang ngập trong khoản nợ 300.000 USD và đang bị các chủ nợ thúc đòi. Tuy nhiên phần lớn số tiền đi vay là để trang trải cho hoạt động sản xuất và hiện gia đình này chưa có đủ nguồn thu để thanh toán chúng. Với mỗi 100 Pound (45,4 lít) sữa, gia đình Rieckman thu được 16 USD, mức giảm 40% so với 6 năm trước đây. Có những tuần toàn bộ nguồn thu từ việc bán sữa của họ chỉ dành để trả nợ.

"Bạn sẽ làm gì khi đâm đầu vào tường mà chẳng biết đường rẽ ở nơi nào?", bà Mary Rieckman ngậm ngùi nói.

Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện - Ảnh 1.

Gia đình Rieckman

Câu chuyện của gia đình Rieckman là hiện trạng chung của nhiều nông trại Mỹ, khi biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và vô vàn khó khăn khác khiến họ nản lòng. Hàng chục nghìn nông dân Mỹ đã ngừng canh tác trong khi số lượng nông trại nộp đơn phá sản ngày càng tăng. Câu chuyện ở đây không chỉ có phá sản mà là người nông dân Mỹ không nhìn thấy tương lai, sự nghiệp của mình nữa trong bối cảnh nông sản mất giá.

Trong khoảng 2011-2018, Mỹ đã mất hơn 100.000 nông trại do phá sản. Riêng trong khoảng 2017-2018, con số này là 12.000 nông trại. Tổng mức nợ của các nông trại Mỹ hiện đã lên 416 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành nông nghiệp Mỹ. Hơn 50% số nông dân Mỹ thua lỗ hàng năm kể từ năm 2013. Trong năm nay, hơn một nửa số nông dân Mỹ đã thua lỗ hơn 1.644 USD và mức vay nợ của các nông trại vẫn ngày một tăng lên.

Hệ quả của tình trạng trên là tỷ lệ tự tử trong cộng đồng nông dân Mỹ ngày một nhiều. Mặc dù nông dân Mỹ không phải nạn nhân duy nhất của chiến tranh thương mại cũng như sự thay thế của cách mạng công nghệ nhưng khi họ mất việc làm, điều này đồng nghĩa với việc mất nhà cửa, trang trại và mảnh đất đã gắn bó nhiều thế hệ.

"Chúng tồi tệ đến mức bạn cảm thấy như mình đã đánh mất cả một di sản mà cha ông để lại", anh nông dân Randy Roecker ở Wiaconsin đang gặp khó khăn về tài chính nói về những người hàng xóm tự tử của mình.

Hiện anh Roecker đang thua lỗ 30.000 USD mỗi tháng và hiện chưa biết làm gì để giải quyết tình hình và để giữ gìn di sản mà cha ông để lại.

Bác sĩ tâm lý Mike Rosmann ở iowa cho biết tỷ lệ nông dân cần tư vấn ngày càng tăng do gặp khó khăn về tài chính. Nhiều người bị mất trắng nông sản sau khi đã thu hoạch do các trận lũ, nhưng công ty bảo hiểm không chịu bồi thường còn ngân hàng thì ép trả nợ. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân nói chuyện với Mike qua điện thoại nhưng trong tay đang cầm súng đã lên đạn để chuẩn bị tự tử.

Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện - Ảnh 2.

Ngay cả những tập đoàn nông nghiệp lớn cũng lâm vào vũng lầy khó khăn. Hãng Dean Foods, doanh nghiệp sữa đa quốc gia của Mỹ mới đây đã phải nộp đơn phá sản, qua đó ảnh hưởng đến hàng nghìn nông trại cung ứng cho hãng này.

Theo giới truyền thông Mỹ, ngành nông nghiệp nước này đang bước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện dài hạn khi hàng loạt trang trại phá sản và nông dân bỏ nghề. Năm 1991, những trang trại nhỏ ở Mỹ đóng góp gần 50% sản lượng lương thực cho cả nước thì nay chỉ còn chưa đến ¼. Việc nhiều trang trại sụp đổ cho thấy sự suy giảm rõ ràng của cả một xã hội nông thôn Mỹ vốn đã tồn tại hàng thập niên. Lượng nông sản giá rẻ nhập khẩu từ các nước đang phát triển khiến rất nhiều nông dân Mỹ phải từ bỏ di sản cha ông để lại bởi không thể cạnh tranh nổi.

"Những trang trại và nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc diệt chủng toàn diện. Nếu chúng ta mất đi bản sắc đồng quê vốn có, nước Mỹ sẽ thua thiệt rất nhiều", cựu thống đốc bang Nebraska, ông Al Davis nói.

Năm "hạn" của nông dân Mỹ

Năm 2019 được đánh giá là một trong những năm thiếu may mắn của nông dân Mỹ. Họ không chỉ phải đối mặt với tình trạng thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường mà còn phải giải quyết khó khăn trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung.

Trong năm nay, vài đợt lũ lụt đã khiến miền Đông Nam và Tây Mỹ ngập nặng, qua đó làm giảm sản lượng thu hoạch vụ mùa, đặc biệt là những mặt hàng nông sản như ngô. Báo cáo của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) cho thấy tính theo khoảng thời gian 12 tháng đến tháng 5/2019 thì đây là quãng thời gian ẩm ướt nhất trong lịch sử Mỹ.

Thậm chí trận lụt năm nay ở vùng sống Mississippi được coi là thiên tai ngập lụt lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Vùng bắc sông Mississippi năm nay có lượng mưa và tuyết nhiều hơn 200% so với bình quân.

Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện - Ảnh 3.

Suy giảm sản lượng đậu nành tại các bang ở Mỹ (%)

Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện - Ảnh 4.

Suy giảm sản lượng ngô tại các bang của Mỹ (%)

Vào tháng 8/2019, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã báo cáo rằng nông dân nước này không thể canh tác tại hơn 19,4 triệu Acres (7,9 triệu ha) trong năm 2019 do những biến đổi về khí hậu. Đây là con số kỷ lục kể từ năm 2007, khi đó chỉ có khoảng 2 triệu Acres đất nông nghiệp bị đình trệ.

Việc chậm giao cấy khiến các cây trồng bị đông lạnh trong mùa giá rét mà không kịp lớn để thu hoạch. Những đợt mưa nặng hạt mùa thu và các trận lụt khiến nhiều vùng nông nghiệp như Minnesota và Bắc Dakota phải bỏ hoang hàng chục nghìn Acres đất nông nghiệp mà không thể canh tác tiếp.

Tồi tệ hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung khiến doanh số nông sản của Mỹ suy giảm. Kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc với Mỹ đã giảm 20% và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải tung gói cứu trợ 28 tỷ USD cho những người nông dân Mỹ đang chịu thiệt hại vì chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang vô tư nhập khẩu nông sản từ những nước khác với giá rẻ hơn.

Số liệu cho thấy xuất khẩu nông sản của Mỹ từ đầu năm tính đến tháng 8/2019 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo USDA, người nông dân Mỹ sẽ khó lòng khôi phục sản xuất lại được ở nhiều vùng do thay đổi thời tiết cũng như việc chậm trễ gieo trồng làm lỡ vụ mùa. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân Mỹ sẽ phải vay nợ nhiều hơn từ ngân hàng và phải chờ đợi lâu hơn nữa mới có thể canh tác trả nợ.

Bên cạnh đó, suy giảm sản lượng nông sản có thể ảnh hưởng đến giá lương thực. May mắn thay, chiến tranh thương mại đồng nghĩa với việc nông sản Mỹ bị hạn chế nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và còn tồn đọng khá nhiều cho thị trường nội địa. Dẫu vậy về dài hạn, thị trường lương thực Mỹ có thể chịu tác động lớn, từ người nông dân cho đến người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt từ ảnh hưởng môi trường và suy giảm sản lượng.

Báo cáo biến đổi khí hậu quốc gia (NCA) của Mỹ năm 2018 cho thấy người nông dân nước này đang ngày càng chịu thiệt khi mảng sản xuất của họ phụ thuộc quá lớn vào nhiệt độ, thời tiết và nguồn vốn ngân hàng. Bất chấp những nỗ lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng rất nhiều vùng nông nghiệp của Mỹ có sự suy giảm sản lượng do nhiệt độ bình quân ngày một cao, chưa kể đến những trận cháy rừng, thiên tai, bão lũ… Với tình hình trên, nhiều khả năng vị thế của Mỹ trong mảng nông nghiệp sẽ bị lung lay mạnh mẽ trước những cường quốc mới nổi khác.

Trên thực tế kể từ năm 2013, giá các mặt hàng nông sản tại Mỹ đã rớt thảm hại bởi 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên, sự phát triển công nghệ khiến nông dân Mỹ canh tác năng suất hơn, qua đó giảm giá thành nông sản. Tuy nhiên lợi ích này phần lớn được người tiêu dùng hưởng thụ chứ các nông dân lại là người chịu thiệt.

Trong khoảng 1948-2015, hơn 4 triệu nông trại Mỹ đã biến mất nhưng tổng sản lượng nông sản lại tăng hơn 100%.

Nông dân Mỹ đang đối mặt với một cuộc hủy diệt toàn diện - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa khiến thị trường ngập những nông sản nhập khẩu, rẻ hơn đến từ nước ngoài. Không riêng gì Mỹ, sản lượng nông sản thế giới cũng tăng 30% trong 10 năm qua và hệ quả là những người nông dân Mỹ với chi phí sản xuất cao phải chịu thiệt.

Ngoài ra, sự đô thị hóa quá nhanh cũng khiến nông dân Mỹ mất dần cơ hội. Trong khoảng 2008-2017, những thành phố lớn tại Mỹ chiếm tới 99% lượng việc làm cũng như tăng trưởng dân số. Trong khoảng 2011-2015, khoảng 4.400 trường học ở vùng nông thôn phải đóng cửa nhưng khu vực thành thị Mỹ lại có đến 4.000 trường mở mới. Ước tính vào năm 2040, khoảng 70% dân số Mỹ sẽ sống ở 15/50 bang.

Quay trở lại câu chuyện của gia đình Rieckman, họ mới bán 2 con bò với giá lần lượt là 20 USD, 30 USD mỗi con. Con số này vốn vào khoảng 300-400 USD cách đây 2 năm.

"Nếu ai đó nói với tôi cách đây 20 năm trước rằng tình hình sẽ tồi tệ như bây giờ, tôi chắc đã chửi hắn là đồ lừa đảo", ông John Rieckman ngậm ngùi nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM