Nội trong năm 2019, băng khu vực Greenland tan với tốc độ 1 triệu tấn/phút

21/08/2020 13:48 PM | Khoa học

Nhà khoa học dẫn dắt nghiên cứu mới cho rằng đây là thảm cảnh tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ, thậm chí là nhiều thiên niên kỷ trở lại đây.

Ta vừa nhận thấy tín hiệu đáng lo ngại trong dữ liệu quan sát được từ vệ tinh: Trong suốt năm 2019, Greenland mất đi lượng băng khổng lồ, tương đương với tốc độ 1 triệu tấn/phút. Khủng hoảng biến đổi khí hậu đã và đang khiến miền Nam khu vực Bắc Cực nóng lên nhanh chóng, băng đang tan và sẽ gây hệ lụy tất yếu là nước biển dâng.

Trong năm ngoái, dải băng Bắc Cực mất đi khoảng 532 tỷ tấn, khi mà lớp băng bề mặt tan chảy và sông băng vỡ ra thành nhiều mảnh mà rơi xuống nước; mỗi giây, lượng nước “vỡ” ra khỏi thềm băng nơi đây đủ để đổ đầy 7 bể bơi có thể tích 2,5 triệu lít/bể. Vệ tinh đã thu thập dữ liệu từ hồi 2003, các phân tích cho thấy lượng băng mất đi trong 2019 đã gấp đôi lượng băng tan thường niên là 255 tỷ tấn. Một phần rất lớn lượng băng mất đi năm ngoái đã tan chỉ nội trong tháng 7/2019.

Các nhà khoa học biết rõ rằng tốc độ băng tan trong những thập kỷ gần đây nhanh hơn nhiều, nhưng dữ liệu mới chính xác hơn trước khi tính tới cả lượng tuyết mới rơi, phép tính tìm ra lượng băng mất đi thực tế đúng hơn trước. Các nhà nghiên cứu sửng sốt trước mất mát lớn, cho rằng nhiều khả năng đây là sự kiện băng tan lớn nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí là nhiều thiên niên kỷ.

Nếu như toàn bộ dải băng Greenland mà tan, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 6 mét. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nói rằng vẫn chưa rõ liệu dải băng đã thực sự chạm mốc “không thể phục hồi”, bên cạnh đó việc giảm khí thải sẽ làm chậm quá trình băng tan vốn sẽ kéo dài tới hàng thế kỷ, xét tới lượng băng khổng lồ.

Hiện tượng thời tiết cực đoan đã giữ một lượng lớn không khí nóng tại Greenland chính là lý do khiến băng tan nhanh chóng. Và khi Trái Đất ngày một nóng lên, hiện tượng trên sẽ tiếp tục diễn ra mạnh. Gần 96% dải băng bộc lộ biểu hiện tan chảy trong năm 2019, quá cao so với con số trung bình 64% của khoảng thời gian 1981-2010.

Nhìn vào các con số, ta thấy năm 2019 quả thật tồi tệ. Nhưng chúng chẳng bất ngờ lắm, vì chúng ta đã chứng kiến hai lần băng tan mạnh vào năm 2010 và 2012, và tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sự kiện thế này nữa”, Ingo Sasgen công tác tại Viện Alfred Wegener, Đức, người dẫn dắt nghiên cứu phân tích dữ liệu vệ tinh cho hay.

Nội trong năm 2019, băng khu vực Greenland tan với tốc độ 1 triệu tấn/phút - Ảnh 1.

Sông băng Helheim hồi tháng Sáu năm 2018.

Do hiện tượng thời tiết cực đoan, lượng tuyết rơi của năm 2019 tại khu vực Greenland giảm đáng kể, khiến băng mới hình thành ít hơn, không đủ để bù đắp lượng băng tan ngày một nhanh. Hệ quả không chỉ dừng lại ở đó: nước chảy ra sẽ khiến dải băng yếu đi, dễ vỡ hơn; thời tiết nóng làm tan lớp tuyết phủ dải băng, làm lộ ra những mảng băng tối màu hấp thụ nhiều nhiệt.

Băng sẽ còn tan tiếp khi mà nhiệt độ khu vực Bắc Cực vẫn còn tăng, nên việc quan sát kỹ biến chuyển của băng khu vực này là tối quan trọng. Nhà nghiên cứu Ingo Sasgen và cộng sự đã đi đúng hướng khi liên tục để mắt tới băng Bắc Cực. Nghiên cứu mới của họ được đăng tải trên tạp chí Nature sử dụng dữ liệu từ vệ tinh Grace của NASA; Grace đo đạc khối lượng băng Greenland bằng các công cụ đo lực hấp dẫn.

Nội trong năm 2019, băng khu vực Greenland tan với tốc độ 1 triệu tấn/phút - Ảnh 2.

Vệ tinh Grace của NASA.

Vệ tinh Grace đầu tiên kết thúc sứ mệnh thu thập dữ liệu hồi tháng Sáu năm 2017. Dữ liệu từ vệ tinh thứ hai được dùng để tìm ra lượng băng bị mất giữa hai thời điểm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng băng mất đi trong năm 2017 và 2018 đặc biệt thấp, cũng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan đã nói ở trên nhưng trong khoảng 2017-2018, chỉ có không khí lạnh bị mắc kẹt ở khu vực Bắc Cực. Tuy nhiên, băng vẫn ứ tan có nghĩa rằng những khoảng thời gian lạnh lẽo không bù đắp được những năm nóng nực.

Giáo sư Stefan Rahmstorf tới từ Đại học Potsdam đưa nhận định rằng những số liệu mới là rất thuyết phục, và thời kỳ chuyển giao giữa vệ tinh cũ và mới đã diễn ra suôn sẻ. Ông nói thêm về việc lượng nước tan ra từ băng toàn là nước ngọt, đã làm nhạt vùng biển xung quanh dải băng đi nhiều lần.

Ông Rahmstorf lấy con tàu chở hàng tải trọng 52.500 tấn ra làm ví dụ: “Nếu ta muốn biến 500 tỷ tấn nước ngọt đã tan ra năm 2019 thành nước biển, ta sẽ phải dùng tới 200.000 tàu chở hàng lớp Panamax chứa đầy muối mà đổ xuống Đại Tây Dương”.

Dù tan nhanh ở mức chóng mặt, số phận dải băng Greenland vẫn chưa được định đoạt đâu. Đầu tiên, khi sông băng tan và lui sâu vào trong đất liền, chúng sẽ không còn chạm làn nước ấm và do đó, tan chậm hơn. Thứ hai, việc dải băng tan do không khí ấm diễn ra rất chậm, phải mất tới vài thế kỷ để tan được cả dải băng, trong lúc đó ta đã có thể giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu không lên quá cao.

Nếu ta giảm lượng khí CO2, chúng ta sẽ giảm lượng băng Bắc Cực tan và làm chậm quá trình nước biển dâng do băng Greenland tan mất”, nhà nghiên cứu Sasgen nói. “Vậy nên dù băng sẽ biến mất phần lớn, nó vẫn diễn ra chậm, sẽ đủ thời gian để 600 triệu người sống gần bờ biển dời đi”.

Dink

Cùng chuyên mục
XEM