Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách?

12/11/2021 11:00 AM | Khoa học

Bạn có sẵn sàng hi sinh 1 con lợn để cứu sống 5 người?

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một đường ray xe lửa, có một đoàn tàu đang lao đến và phía xa là 5 công nhân đang làm việc nhưng không biết điều đó. Bạn không thể cảnh báo cho bất cứ ai, người lái tàu hay 5 công nhân này, bởi khoảng cách giữa họ và bạn quá lớn.

Mọi lời nói lúc này đều là vô ích. Nhưng chợt bạn nhìn thấy phía trước mình có một chiếc cần gạt. Bằng cách gạt nó, bạn có thể chuyển hướng đoàn tàu đi sang đường ray bên cạnh. Hành động này sẽ cứu được 5 người công nhân. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ trên chính đường ray bên cạnh ấy, bạn lại nhìn thấy có một người công nhân khác.

Bây giờ, bạn sẽ gạt chiếc cần để hi sinh 1 người nhưng cứu được 5 người khác? Hay không làm gì cả và chấp nhận 5 người sẽ mất mạng?

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 1.

Trolley Problem, tên của tình huống kể trên là một trong những câu chuyện kinh điển nhất trong triết học hiện đại. Nó được kể lần đầu bởi Judith Jarvis Thomson vào năm 1976, nhưng cho tới tận bây giờ, lời giải hợp lý về mặt đạo đức của tình huống này vẫn chưa được tìm ra.

Các dị bản của Trolley Problem cũng liên tục được sáng tạo. Trong đó có cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Never let me go" của nhà văn Nhật Bản Kazuo Ishiguro, ông đặt ra một tình huống: Liệu bạn có thể tạo ra những người nhân bản chỉ để cung cấp nội tạng cho những người khác hay không?

Đó là những người được tạo ra trong nhà tù, chỉ được sống cho tới khi cơ quan nội tạng của họ đủ trưởng thành để cấy ghép sang cho những người khác. Và rồi họ bị giết chết để "thu hoạch" tim, phổi, gan, thận, thậm chí cả dàn da và mạch máu.

Ít nhất, chúng ta chưa phải đối mặt với tương lai khủng khiếp đó. Nhưng vào ngày 25 tháng 9 vừa rồi, Robert Montgomery, một bác sĩ tại Đại học New York ở Mỹ đã tuyên bố hoàn thành một ca cấy ghép nội tạng mang tính lịch sử: Thận của một con lợn lần đầu tiên được cấy thành công sang cho con người.

Điều này sẽ khiến Trolley Problem có thêm một dị bản nữa, thứ mà chúng ta ngay lập tức phải đối mặt: Liệu bạn có nuôi một con lợn lớn lên, chỉ để cung cấp nội tạng cho con người rồi bị giết chết hay không?

Đối với 750.000 người Mỹ mắc bệnh thận giai đoạn cuối và hàng triệu người khác đang chăm sóc họ, câu trả lời có lẽ là: Có!

Một nghiên cứu gần đây cho thấy mỗi năm chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 43.000 người chết vì không được cấy ghép thận kịp thời. Cần phải nhắc lại, đó là số người chết hàng năm và nó còn nhiều hơn cả số người chết vì các vụ án mạng, HIV cũng như tai nạn xe hơi. Những quả thận lợn có thể giảm con số này về 0, nghĩa là hàng chục ngàn người sẽ được cứu sống - mỗi năm.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 2.

Đây là điểm mà chúng ta sẽ phải tạm dừng lại một chút: Khác với những người hiến một bên thận sẽ vẫn còn sống và sống khoẻ, con lợn được sử dụng trong cuộc phẫu thuật của Montgomery đã bị giết chết (theo cách nhân đạo).

Hiện có khoảng 63.000 bệnh nhân cần ghép thận mỗi năm. Giả sử tất cả những con lợn đều bị giết chết để lấy hai quả thận, sẽ phải có ít nhất 31.500 con lợn phải hi sinh mỗi năm để giúp con người kéo dài sự sống.

Công bằng mà nói, chúng sẽ chỉ là một đốm sáng nhỏ nếu đặt cạnh 131 triệu con lợn bị giết mổ ở Mỹ mỗi năm cho nhu cầu lấy thịt. Tuy nhiên, bước đột phá của Montgomery vẫn khiến các nhà triết học đặt ra không chỉ một mà tới 2 câu hỏi:

Liệu việc giết hàng ngàn con lợn mỗi năm để giữ con người được sống có hợp lý về mặt đạo đức không? Và trong so sánh với các phương pháp khác cũng có thể chấm dứt tình trạng thiếu thận, phương pháp nào sẽ đạo đức hơn: Một người hiến một quả thận và sẽ sống tiếp, hay một con lợn hiến cùng lúc 2 quả thận và sẽ chết?

Nếu bạn thực sự cảm thấy câu chuyện này quá xa vời, hãy nghĩ đến những trường hợp, nơi mà ranh giới đạo đức sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Một nhà sư, hay một người theo Đạo Phật bị suy tim và ông ấy cần quả tim từ một con lợn. Bởi Đạo Phật coi sinh mạng chúng sinh là bình đẳng, ông ấy sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào?

Và cấy ghép dị chủng có thể cũng sẽ không dừng lại ở đó. Chó biến đổi gen cũng có thể trở thành một loài vật tiềm năng để sử dụng nội tạng cho con người. Sẽ ra sao nếu một ngày bạn biết lá gan trong cơ thể thú cưng của mình là cơ hội sống sót duy nhất và cuối cùng của bạn?

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 3.

Cấy ghép các mô và cơ quan nội tạng của loài khác sang cho con người là một lĩnh vực khoa học có tên là "xenotransplant", hay cấy ghép dị chủng. Ý tưởng này đã xuất hiện trong y văn ít nhất 300 năm. Một thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành vào năm 1667, trong đó, một bác sĩ người Pháp tên là Jean-Baptiste Denys đã truyền máu cừu sang cho một cậu bé 15 tuổi.

Bằng một cách kỳ diệu (có lẽ lượng máu truyền không quá lớn), cậu bé này đã sống sót sau thủ thuật mà ngày nay chúng biết là hết sức nguy hiểm đó. Nó khiến Denys tiếp tục tin vào xenotransplant và thực hiện truyền máu cừu sang cho hai bệnh nhân nữa. Nhưng khác với lần trước, lượng máu truyền nhiều hơn đã khiến cả hai bệnh nhân này tử vong và thủ thuật truyền máu động vật sau đó đã bị cấm.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 4.

Khi truyền máu động vật sang cho con người trở nên bất khả thi, các bác sĩ ở thế kỷ 19 bắt đầu thử nghiệm một hình thức xenotransplant mà họ cho là dễ tương thích hơn với con người: ghép da. Lần lượt da thỏ, chó thậm chí cả chim bồ câu đã được ghép sang cho những bệnh nhân bỏng hoặc có vết loét không lành.

Nhưng cũng giống như việc truyền máu, ghép da tiếp tục đánh dấu sự thất bại của ý tưởng xenotransplant.

Đầu thế kỷ 20, nền y khoa của con người chứng kiến bước đột phá khi Alexis Carrel, một bác sĩ người Pháp, phát triển thành công kỹ thuật khâu nối mạch máu. Đây là điều kiện tiên quyết cho phép các ca cấy ghép nội tạng có thể được tiến hành và nó cũng mang lại cho Carrel một giải Nobel Y học năm 1912.

Nhưng phải mãi tới năm 1954, lần đầu tiên bác sĩ người Mỹ Joeseph E. Murray mới tiến hành thành công một ca cấy ghép nội tạng từ người sang người. Bệnh nhân là một người đàn ông bị viêm thận mạn tính, đã nhận được một quả thận từ người anh em song sinh của mình và nó đã giúp ông ấy sống thêm 8 năm.

Sau đó, bởi nguồn nội tạng hiến tặng rất khan hiếm, các nhà khoa học lại bắt đầu quay trở lại với ý tưởng cũ về xenotransplant: Họ tự hỏi liệu chúng ta có thể ghép nội tạng động vật sang cho con người được hay không?

Keith Reemtsma, một giáo sư y khoa tại Đại học Tulane, là người đầu tiên tiên phong thử nghiệm ý tưởng này. Vào những năm 1963-64, ông đã tuyển dụng 13 bệnh nhân suy thận và ghép cho họ những quả thận từ tinh tinh. Nhưng kết quả chỉ có 1 bệnh nhân sống sót được tới 9 tháng, còn lại đa số các ca cấy ghép khác đã thất bại chỉ sau 2 tuần.

Cùng khoảng thời gian đó, Thomas E. Starzl, một bác sĩ người Mỹ khác đã thử ghép gan tinh tinh sang cho các bệnh nhân trẻ tuổi mà ông nghĩ là họ có thể dung hòa tốt hơn các cơ quan nội tạng dị biệt. Nhưng kết quả mà ông nhận được cũng tàn khốc không kém. Không có bất cứ bệnh nhân nào có thể sống sót, bất chấp ở thời điểm đó thuốc chống thải ghép cyclosporine đã được phát minh ra.

Năm 1983, một ca cấy ghép dị chủng nổi tiếng khác đã được tiến hành trên một bé gái sơ sinh mắc hội chứng tim trái giảm sản. Bé gái được đặt tên là Baby Fae đã nhận được một trái tim từ khỉ đầu chó. Ca cấy ghép ban đầu được đánh giá là thành công nhưng Baby Fae cuối cùng đã chết 21 ngày sau đó.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 5.

Đến cuối những năm 1980, David Cooper, một bác sĩ người Anh bắt đầu thoát ra khỏi ý tưởng cho rằng các loài linh trưởng là động vật hiến tặng tốt nhất cho con người. Theo ông, một trái tim khỉ là quá nhỏ để thể bơm máu cho toàn bộ cơ thể người trưởng thành.

Dựa trên kích thước, lợn mới là loài có tiềm năng lớn nhất trở thành nguồn cung nội tạng cho người. Mặc dù Cooper sau đó cũng đã thất bại trong việc thử cấy ghép nội tạng lợn sang cho con người. Nhưng vào những năm 1990, ông đã có một khám phá mới đem lại hi vọng mở ra nút thắt. Nó có thể sẽ giải bài toán hóc búa: Tại sao cấy ghép dị chủng thất bại?

Một vấn đề chính trong tất cả những ca cấy ghép dị chủng là sự từ chối hay còn gọi là thải ghép. Hệ thống miễn dịch của chúng ta coi cơ quan được cấy vào người mình như một vật thể lạ và tấn công nó như thể đó là một kẻ thù, một mầm bệnh.

Ngay cả các ca cấy ghép từ người sang người cũng gặp phải vấn đề này. Để giải quyết, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại thuốc được gọi là thuốc chống thải ghép như cyclosporine. Nó có tác dụng ức chế hay làm suy yếu hệ miễn dịch, ngăn các cuộc tấn công nhắm vào cơ quan nội tạng được cấy ghép. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống thải ghép đến suốt đời.

Cooper phát hiện việc hệ miễn dịch của con người đào thải nội tạng lợn là do sự có mặt của alpha-1,3-galactose, một phân tử đường trên bề mặt tế bào của chúng cũng như tất cả các động vật có vú khác trừ linh trưởng và con người.

Ý tưởng là hãy tìm cách tạo ra những con lợn biến đổi gen không có alpha-1,3-galactose, và nội tạng của chúng sẽ có thể được ghép sang cho con người. Novartis, hãng dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ đã chi hơn 1 tỷ USD cho các cơ sở phát triển lợn thu hoạch nội tạng của mình theo hướng này. Các công ty công nghệ sinh học của Anh như Genzyme và PPL Therapeutics cũng tham gia vào cuộc đua.

Nhưng vì nhiều lý do, họ đã đóng cửa chương trình nghiên cứu của mình vào đầu những năm 2000. Chỉ có Revivicor, một công ty con của United Therapeutics tiếp tục theo đuổi chương trình này và đạt tới thành công vào năm 2020. GalSafe - những con lợn biến đổi gen để không mang alpha-1,3-galactose của họ lần đầu tiên đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 6.

Cũng phải nói rằng FDA không cấp phép cho GalSafe như một loại giống lợn để thu hoạch nội tạng, mà chỉ phê duyệt nó như một loại thực phẩm dành cho những người bị dị ứng với alpha-1,3-galactose. Nhưng Revivicor đã không giấu tham vọng của họ về việc biến lợn GalSafe thành một nguồn cung nội tạng cho con người.

Vào tháng 9, họ đã gửi một con lợn này tới Đại học New York để thực hiện một ca ghép thận thử nghiệm mang tính bước ngoặt. Trong đó, như bạn đã biết, bác sĩ Montgomery đã ghép một quả thận lợn GalSafe sang cho một nữ bệnh nhân, mặc dù người này đã được khẳng định là chết não.

Trong quá trình sống thực vật với máy thở, bệnh nhân tiếp tục thể hiện các dấu hiệu suy thận. Người thân của bà đã quyết định để cho bà ra đi thanh thản, và đồng ý với đề xuất của bác sĩ Montgomery rằng, sự ra đi của bà có thể có ý nghĩa cho cả nhân loại nếu họ đồng ý cho ông thực hiện thử nghiệm.

Montgomery sau đó đã ghép một quả thận lợn GalSafe vào mạch máu bên đùi của bệnh nhân. Mặc dù quả thận được treo ngoài cơ thể, nhưng nó đã thực hiện toàn bộ các chức năng của mình mà không hề bị cơ thể bệnh nhân đào thải.

Trong 54 tiếng đồng hồ, quả thận lợn GalSafe đã tạo ra nước tiểu và đưa mức creatinine của bệnh nhân về mức bình thường – một chỉ số cho thấy quả thận lợn đã khắc phục được tình trạng suy thận cho bệnh nhân.

"Dường như không có bất kỳ sự không tương thích nào giữa thận lợn và thận người khiến nó không hoạt động. Quả thận không bị đào thải ngay lập tức", bác sĩ Montgomery nói sau ca phẫu thuật.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 7.

Mặc dù thử nghiệm này chưa được báo cáo trên tạp chí chuyên ngành và bình duyệt, nhưng Montgomery dự đoán các ca cấy ghép thận lợn sang cho người sống sẽ được tiến hành chỉ trong vòng 1-2 năm tới sau thí nghiệm rất khả quan này.

"Nếu các cơ quan nội tạng của con người được hình dung như nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực nội tạng, thì thận lợn chính là năng lượng gió và mặt trời: chúng bền vững và không giới hạn", ông nói.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 8.

Khả năng ghép thận lợn vào người chắc chắn sẽ cứu được nhiều mạng người, tất nhiên, đó là một điều tốt. Nhưng chúng ta nên xem xét nghiêm túc hậu quả đạo đức của một hành động như vậy, đặc biệt là nếu chúng ta bắt đầu thực hiện nó một cách đại trà.

Nói về mặt lợi ích, một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Thận học Hoa Kỳ ước tính cả thế giới đang có từ 5 đến 10 triệu người bị suy thận đến mức phải chạy thận hoặc cấy ghép. Trong đó, chạy thận hay lọc máu nhân tạo là một phương pháp điều trị chỉ mang tính chất cầm chừng.

Nó gây tiêu hao rất nhiều về thể chất, tài chính cũng như tinh thần của người bệnh. Chi phí chạy thận lớn, nguy cơ gặp biến chứng cao, và việc bệnh nhân phải nằm một chỗ đang khiến tỷ lệ trầm cảm trong nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo cao gấp đôi so với mặt bằng chung của dân số.

Những bệnh nhân may mắn hơn đã có thận ghép chỉ chiếm một con số rất nhỏ, khoảng hơn 100.000 người mỗi năm. Trong khi đó, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ đã có gần 5.000 người chết vì không chờ được một quả thận hiến tặng. Con số đó tương đương với khoảng 13 người chết mỗi ngày.

Trong nhiều trường hợp, hy vọng duy nhất mà những bệnh nhân này có được lại đến từ bi kịch của một người khác. Chẳng hạn như phải có ai đó gặp tai nạn giao thông và chết, sau đó, nội tạng của họ mới được thu lại để cứu sống những bệnh nhân đang chờ đợi.

Nguồn thận ghép từ người hiến tặng còn sống là rất nhỏ. Thống kê tại Mỹ năm 2020 cho thấy chỉ có 5.234 ca hiến tặng thận từ người còn sống, một con số nhỏ hơn rất nhiều so với 17.583 ca ghép thận từ người hiến tặng đã qua đời.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 9.

Trên thế giới chỉ có duy nhất một quốc gia có nguồn thận hiến tặng từ người sống đủ đáp ứng cho nhu cầu cấy ghép, đó là Iran. Bí quyết của họ là gì? Iran cho phép người dân hiến tặng thận và nhận về một khoản tiền.

Ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, điều này được cho là bất hợp pháp. Lý do vì các nhà làm luật lo ngại rằng chỉ cần họ mở ra cánh cửa đó, một thị trường mua bán nội tạng trái phép sẽ xuất hiện và những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người nghèo, có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, mặt trái của việc cấm người hiến tặng thận nhận tiền, đó là chúng ta đang yêu cầu những nhà hảo tầm này cứu một mạng người với giá 0 đồng, thậm chí họ còn phải nghỉ không lương trong những ngày phẫu thuật, phải nằm viện và phải trả tiền cho hành động cứu một mạng người của họ.

Thống kê cho thấy chỉ cần 0,014% người dân ở Mỹ hiến thận mỗi năm, toàn nước Mỹ sẽ có đủ thận để cấy ghép cho tất cả bệnh nhân của mình. Nhưng điều đó đã và vẫn sẽ không xảy ra khiến các nhà khoa học chuyển hướng sang trông đợi vào các tiến bộ trong lĩnh vực xenotransplant hay cụ thể là cấy ghép thận lợn.

Bây giờ khi xem xét đến những con lợn, chúng ta biết lợn là một loài vật rất thông minh. Trong tự nhiên, chúng có thể sống một cuộc đời đẹp, đầy ý nghĩa. Lợn thích chơi đùa, khám phá chúng cũng có một cuộc sống xã hội tinh vi. Nhà khoa học động vật Candace Croney thậm chí còn dạy lợn chơi trò chơi điện tử (Những con lợn rất thích nó).

Vì vậy, hãy tưởng tượng lợn là một con vật giống như chó cưng của bạn, có lẽ còn thông minh hơn, lại bị giết để lấy nội tạng cứu sống một người. Bạn có sẵn sàng giết chó cưng của mình trong trường hợp đó không? Câu hỏi đó có khiến bạn phải chững lại để suy nghĩ?

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 10.

Trong trường hợp bạn nghĩ rằng mình vẫn có thể giữ cho những con lợn sống bằng cách lấy đi một quả thận. Câu hỏi là ai sẽ chăm sóc cho những con lợn hiến tặng sống sót và ai sẽ trả tiền cho điều đó? Khi được hỏi tại sao nhóm nghiên cứu của ông lại cho con lợn GalSafe chết nhân đạo, bác sĩ Montgomery nói:

"Liệu có nhân đạo hơn không khi cắt bỏ cả hai quả thận từ một con lợn để cấy ghép hai lần, hay cắt bỏ một quả thận và để con lợn trải qua thời gian phục hồi, ở đó đau đớn và đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng?".

Câu hỏi thậm chí còn khó hơn khi chúng ta tiến đến cấy ghép các cơ quan như tim, phổi và tuyến tụy từ lợn sang người, những thứ không thể được cung cấp bởi một con vật hiến tặng còn sống. Ngay cả Peter Singer, một nhà triết học đạo đức tại Đại học Princeton, người ủng hộ quyền động vật cũng hết sức băn khoăn về việc giữ lại tính mạng cho động vật hiến tạng.

"Tôi sẽ không khăng khăng đòi một con lợn hiến tạng phải sống sót sau cuộc phẫu thuật, bởi vì đó là một lợi ích không chắc chắn và sẽ cần gấp đôi số lượng lợn được sử dụng", Singer viết.

"Điều tôi muốn thấy là tất cả những con lợn tham gia vào quy trình - bao gồm cả ở giai đoạn nghiên cứu, sẽ được sống ít nhất một vài năm tháng bên cạnh bố mẹ của chúng- được nuôi trong những điều kiện không chỉ đáp ứng nhu cầu thể chất mà còn cả nhu cầu tâm lý và xã hội - chứ không phải ở trong một trang trại của nhà máy. Đó có lẽ phải là một nguyên tắc tối thiểu vì lợi ích mà loài lợn mang lại cho con người".

Về một mặt nào đó, Singer vẫn là một người thực dụng. Ông tin rằng đạo đức là sự tối đa hóa lợi ích cho cả con người và động vật. Vì vậy, Singer ủng hộ ý tưởng cấy ghép nội tạng từ lợn sang người chỉ cần những con lợn có được quyền sống tốt nhất cho tới khi chúng buộc phải chết để đổi lấy sự sống của một ai đó.

Christine Korsgaard, một giáo sư triết học tại Harvard, không đồng ý với điều đó. Cô ấy hiện là một trong những nhà triết học theo trường phái Kant lỗi lạc nhất ở thời điểm hiện tại. Immanuel Kant từ thế kỷ 18 đã lập luận rằng con người phải đối xử với những người khác (hay cả các sinh vật có lý trí) vì mục đích nhân văn sau cùng, chứ không phải chỉ như một phương tiện cho mục đích của riêng họ.

Lấy ví dụ, nếu bạn muốn ăn khoai tây chiên và bạn lái xe đến cửa hàng đồ ăn nhanh để mua một gói, việc lái xe và mua hàng là phương tiện còn ăn khoai tây chiên là mục đích cuối cùng. Nhưng nếu bạn muốn ăn khoai tây chiên chỉ vì bạn gái bạn nói thích ăn khoai tây chiên thì việc cả hai đến nhà hàng và bản thân việc ăn khoai tây chiên của bạn chỉ là phương tiện, mục đích cuối cùng của bạn là làm cho bạn gái mình vui.

Nhưng nếu việc làm cho bạn gái bạn vui chỉ để bạn được quan hệ tình dục với cô ấy thì bản thân toàn bộ chuỗi hành động của bạn đều là phương tiện. Tất cả chỉ đang phục vụ cho mục đích cuối cùng của bạn là thỏa mãn nhu cầu tình dục của chính mình.

Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách? - Ảnh 11.

Tư tưởng của Kant đến đây đã có vẻ đã dễ nắm bắt hơn, nhưng điều bạn cần biết là Kant coi các loài động vật cũng là các sinh vật có lý trí giống như con người và bạn cần đối xử với chúng như với con người.

Khi đó, điều quan trọng cần biết là tư tưởng đạo đức của Kant đặt ra giới hạn về mức độ tổn hại mà bạn có thể gây ra cho ai đó, hay một sinh vật nào đó khác, để tạo ra một điều gì đó tốt đẹp hơn. Bạn phải tôn trọng nhân tính hoặc phẩm giá của tất cả những sinh vật có lý trí bao gồm cả động vật.

Korsgaard phản đối việc cấy ghép nội tạng từ lợn sang người về cơ bản là trên những cơ sở đó. "Tôi không nghĩ rằng việc giết một con vật để lấy nội tạng của nó cho con người là chính đáng. Nó cũng không có gì chính đáng hơn việc giết một người để lấy nội tạng của anh ta cho một người khác" Korsgaard cho biết.

"Tôi nghĩ rằng con lợn có quyền định đoạt mạng sống và nội tạng của chính nó. Nếu bạn giết một con lợn để lấy nội tạng của nó, bạn đang đối xử với nó như thể mạng sống của nó là của chúng ta, một nguồn tài nguyên đơn thuần để sử dụng cho con người, như thể nó tồn tại vì chúng ta chứ không phải vì chính nó".

Korsgaard cũng cho rằng chỉ riêng việc biến đổi gen lợn cũng đã vi phạm nguyên tắc đạo đức của Kant vì con người đã thay đổi cấu trúc sinh học của con lợn để nó có thể phục vụ mục đích của con người tốt hơn.

"Phụ nữ không sống để làm xây dựng gia đình cho đàn ông; người da màu không tồn tại để cung cấp lao động giá rẻ cho người da trắng; động vật không tồn tại để cung cấp thức ăn, sức lao động và nội tạng cho con người", cô khẳng định.

Cũng giống như các nhà máy nuôi lợn lấy thịt, việc nuôi lợn để lấy nội tạng rõ ràng đã biến chúng thành một loại hàng hóa công nghiệp cho con người, chứ không phải là những sinh vật đáng được sống một cuộc sống đầy đủ và tuyệt vời. Vẫn luôn có một vết gợn trong hành động của con người, ngay cả khi lợi ích của việc lấy nội tạng lợn ghép sang và cứu sống cho 1 hay thậm chí 5 người khác dường như là hiển nhiên.

Liệu chúng ta có thể có những cách giải quyết nó tốt hơn không? Các cơ chế khuyến khích người khỏe mạnh hiến tặng thận, và trả cho họ một khoản chi phí bù đắp cho tổn thất mà họ gặp phải? Giữa tất cả các thủ thuật hiến tạng, hiến tặng một quả thận được coi là thủ thuật thường xuyên, an toàn và chúng ta sẵn sàng thực hiện nhất.

Đó có thể là một giải pháp thay thế cho việc giết hàng ngàn con lợn mỗi năm chỉ để lấy thận của chúng. Nếu người hiến tặng là người khỏe mạnh, sẽ không có một con vật hay một người nào phải chết. Đó là cho tới khi, khoa học giúp chúng ta có được lời giải triệt để hơn: "trồng" từng quả thận và nội tạng người trong ống nghiệm, từ mô lấy từ chính cơ thể mình chứ không phải trong cơ thể những con vật.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM