Nói ra rả hàng tiếng đồng hồ không ra đơn, ngành livestream bán hàng "bão hoà"?

17/10/2023 09:15 AM | Kinh doanh

Tại Trung Quốc, thời kỳ đại dịch COVID-19 khiến cho người người, nhà nhà bị giãn cách, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng trong đó có cả việc mua sắm.

Thời điểm năm 2020 chính vì thế đã trở thành năm đỉnh cao của ngành livestream bán hàng- khi mà ước tính có tới một nửa số người dùng Internet tại Trung Quốc đều đổ về mua sắm trên các trang livestream.

Tuy nhiên, sự bùng nổ đó cũng đi kèm với những thách thức. Đó là sự bão hoà của thị trường, khi có quá nhiều người trẻ cùng nhảy vào tìm kiếm cơ hội từ thị trường này cũng như thử thách trong việc xây dựng lòng tin giữa người bán và người mua.

Có rất nhiều số liệu cho thấy sức hút của ngành livestream bán hàng, nhất là khi trong thời kỳ đại dịch có một số KOL, người có tầm ảnh hưởng đã có những thành tích chốt đơn rất ấn tượng- như kiếm tiền tỷ từ một phiên bán hàng, hay là livestream một tiếng ra được một lượng đơn hàng lớn. Nhưng không phải ai livestream cũng đều thành ngôi sao bán hàng. Bên cạnh những người thu nhập cao, là rất nhiều người nói khô cổ không ra đơn.

Tại Trung Quốc, hàng triệu người trẻ mới ra trường đã gia nhập đội ngũ người bán hàng livestream trên các nền tảng như Taobao, Tmall hay Douyin. Năm 2020, số livestreamer bán hàng trên mạng tại nước này tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2019 và con số này vẫn tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây.

Chính vì thế thị trường cũng dần trở nên cạnh tranh hơn, nếu không muốn nói là có nguy cơ bão hoà.

Chia sẻ với trang tin Rest of world, một số người bán hàng livestream tại Trung Quốc nói rằng họ đang rơi vào tình trạng livestream nói ra rả hàng tiếng đồng hồ nhưng không ra đơn hàng, hoặc số mắt xem quá ít, vỏn vẹn có vài người. Với quá nhiều người chơi trên một sân chơi như vậy, làm thế nào để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm không hề đơn giản.

Chị Shi Jianing, người bán hàng livestream, cho biết: "Đâu phải cứ rao bán là có người mua đâu. Giữa tôi và khách hàng bị ngăn cách bởi một màn hình, nên việc tạo lòng tin là rất khó. Bạn phải nói chuyện sao cho khách cảm thấy như đang trò chuyện với một người bạn thân. Niềm tin phải được xây dựng từ từ chứ không hề dễ dàng".

Cộng với việc, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm khiến người tiêu dùng nước này cũng cân nhắc kĩ lưỡng trước khi mở ví mua hàng trên mạng. Theo tập đoàn khảo sát số liệu iiMedia, thu nhập của những livestreamer đã giảm hơn 1/3 trong vòng 1 năm qua. Từ mức trung bình khoảng 1,300 USD xuống còn quanh mốc 1000 USD một tháng. Để cắt giảm chi phí, ngoài việc cắt giảm lương của người bán hàng livestream, các công ty thương mại điện tử còn bắt đầu thử nghiệm người bán hàng bằng A.I. Những nhân vật mà khách hàng có thể tuỳ chọn, tuỳ chỉnh này được tạo ra với chi phí dự kiến thấp hơn thuê người thật rất nhiều.

Dẫu vậy, vẫn có những người tình nguyện đến nghề livestream bởi nghĩ đây là sự lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại - khi mà thị trường việc làm đang khá khó khăn tại quốc gia tỷ dân.

Theo Như Anh

Cùng chuyên mục
XEM