Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ?

11/11/2018 09:01 AM | Sống

Bởi vì đôi khi từ bỏ là một cách để thành công.

Chẳng biết từ lúc nào, “từ bỏ" dường như đã trở thành một tính từ mang tính chất tiêu cực. Những gì chúng ta hình dung khi nhắc về cụm từ này thường mang cảm giác buông xuôi, bất lực và có chút gì đó không đành lòng.

Hơi phũ một chút, hãy chấp nhận một điều rằng, “từ bỏ" sẽ là một trạng thái mà bạn nên sẵn sàng tư tưởng để tiếp nhận ngay từ khi bắt đầu một vấn đề nào đó. Bạn biết đấy, trên đời này không có điều gì là dễ dàng. Hàng tá khó khăn chất chồng trước mắt. Bạn sẽ phải chiến đấu với sự hoài nghi về ngoại cảnh, về người đồng hành và cả chính bản thân.

Người ta hay bảo “vạn sự khởi đầu nan" như một cách khuyến khích để chúng ta kiên định với lựa chọn của mình, nhỡ đâu tróc vảy nằm gai chán rồi, thành công sẽ tới? Ai biết được đời sẽ có mấy chữ ngờ - cho đến khi họ thử. “Từ bỏ" ở những bối cảnh thế này sẽ không hay cho lắm.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 1.

Ở một vài trường hợp khác, nếu như không tìm được sự khả thi, liệu chúng ta có nên tiếp tục cứng đầu không từ bỏ? Nếu như tôi, hay bạn, cố gắng kiên trì một việc gì đấy mà chẳng nhìn thấy sự tiến triển? Nếu như bạn mãi cứ phóng xe trên một con đường mà dần dà bạn chẳng còn chút nhiệt huyết với nơi bạn đang hướng tới, sự kiên trì ở đây có còn là hợp lý?

Vậy làm cách nào để bản thân bạn hiểu đâu là lúc phải buông bỏ, chấp nhận thất bại của bản thân?

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 2.

Năm 1973, hai cậu bé lớp 7 tại Long Island (Mỹ) gặp nhau trong lớp thể dục. Không lâu sau đó, chúng trở thành đôi bạn thân. Tình bạn này tiến triển dần cho tới khi cả hai cậu bé đã trở thành học sinh lớp 12 và đăng ký vào những trường Đại học khác nhau cho tương lai.

Ben Cohen trở thành sinh viên Đại học Colgate rồi dành 2 năm làm thêm trên một chiếc xe bán kem. Tới năm 2, Ben bỏ học, trở về quê nhà Long Island, làm một vài công việc khác nhau song song với việc học ngành Thủ công mỹ nghệ ở nhiều trường Đại học khác nhau. Giai đoạn này, Ben Cohen đã từng làm một thu ngân, một nhân viên giao hàng, một người dọn vệ sinh sàn nhà, một lái xe taxi, một bảo vệ và thậm chí là một giám sát viên.

Còn về phần cậu bạn còn lại, Jerry Greenfield lại là một sinh viên siêng năng cần cù. Sau 12 năm đèn sách, Jerry đăng ký một khoá học Y tế tại Cao đẳng Oberlin. Trùng hợp thay, Jerry Greenfield cũng “sắm" cho mình một việc làm thêm liên quan đến kem: nhân viên xúc kem cho sinh viên tại căng tin.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 3.

Ben Cohen và Jerry Greenfield.


Sau khi tốt nghiệp, anh bạn Jerry đăng ký tiếp vào trường Y và rất không may đã bị từ chối tận hai lần. Anh trở về New York - nơi anh và Ben Cohen cùng chung nhau một căn hộ. Lúc này, anh bạn thân của Jerry đang là một kỹ thuật viên phòng nghiên cứu. Jerry tiếp tục “chày cối" nộp hồ sơ vào trường Y, sau đó tiếp tục bị từ chối không thương tiếc.

Ngã ngựa quá nhiều lần, Jerry chuyển đến sống tại Bắc Carolina, trở về công việc nhân viên kỹ thuật phòng nghiên cứu. Vài năm sau, anh lại khăn gói quả mướp tới Saratoga Springs, New York, tụ hội với Ben Cohen một lần nữa. Lần này, họ nghiên cứu sẽ cùng làm với nhau một thứ gì đó.

Vốn cả hai người bạn thân này đều có máu kinh doanh. Và cả hai đều từng có kinh nghiệm với món kem trong quá trình làm thêm thời còn sinh viên. Sau khi cùng trải qua khoá học làm kem trị giá 5 USD, thêm khoản vốn 12 nghìn USD nữa, họ quyết định mở một cửa hàng bán kem.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 4.

Dự án chung của hai cậu bạn thân cuối cùng thành công xuất sắc. Ben&Jerry sau này dần trở thành một trong các nhãn hiệu kem nổi tiếng trên thế giới nổi danh với các hương vị truyền thống, bên cạnh sữa chua dẻo và kem Sorbet. Nhưng làm sao để họ biết rằng chung nhau chung vốn mở một tiệm kem lại là quyết định đúng đắn? Và làm cách nào để họ cứ mãi kiên định với quyết định của bản thân mà không vấp phải giai đoạn muốn từ bỏ?

Câu trả lời ở đây là: Họ đã từng từ bỏ rất nhiều thứ, trước khi không từ bỏ dự án kem.

Đấy, nghe thì đơn giản đến không ngờ. Làm nhiều rồi, thất bại nhiều rồi thì sẽ biết lúc nào nên từ bỏ, lúc nào nên tiếp tục, đúng không? Tuy nhiên, cái chính là bạn có đủ dũng khí để bỏ đi cái gì không ra được kết quả?

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 5.

Mở một tiệm kem chỉ sau một khoá học và chục nghìn USD làm vốn nghe chừng thật đơn gỉan. Nhưng biết được bản thân cần cái gì, không cần quá tập trung vào lĩnh vực nào đâu phải đơn giản. Khi bắt đầu vận hành dự án kinh doanh, Ben và Jerry vẫn có nhiều sựa lựa chọn khác không phải tự bươn mình đấy chứ, chẳng qua họ lựa chọn không theo đuổi.

Lấy ví dụ, nếu cửa hàng kem gặp phải thua lỗ, bạn có lẽ sẽ mắc ở ngã tư đường nơi bạn phân vân không thể biết liệu sau cơn mưa trời có đổ nắng, sau sự khó khăn này lời lãi có đổ về được không. Nếu như bạn cứ tiếp tục đâm đầu vào nộp hồ sơ rồi gặp sự từ chối, bản thân bạn sẽ phải đặt dấu hỏi về năng lực bản thân. Nếu như bạn tụt hậu phía sau những người bắt đầu học tập kỹ năng ở cùng thời điểm với bạn, bạn sẽ tự mình nghi ngờ không biết tài năng của mình ẩn dật ở nơi đâu.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 6.

Giả như bạn không chắc chắn về điều gì, hoặc không yên tâm về điều mà mình đang theo đuổi, thử đánh giá 3 yếu tố sau xem.

    1. Bạn không tìm thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm"

Khi bạn không thấy việc mình làm có bất kỳ tiến triển tốt nào, hoặc bạn mắc kẹt trong những con số cùng một tá vấn đề đang tiếp cận, có lẽ đây là lúc bạn nên xem xét từ bỏ. Lấy ví dụ nhé, bạn cứ mãi rơi vào một cuộc cãi vã với bạn đời, đó là lúc bạn nên từ bỏ vì có vẻ tư tưởng của hai bạn không cùng hệ với nhau. Hay khi bạn làm cả 3 năm rồi, cứ đến kỳ review tăng lương là bạn bị bỏ qua mặc cho bạn cảm thấy mình đã nỗ lực rất nhiều, bạn nên từ bỏ đi, nỗ lực của bạn không đựơc ghi nhận đâu.

Một điều khá thú vị trong câu chuyện Ben&Jerry là Ben Cohen mắc một số chứng bệnh khiến ông không thể nếm vị hay ngửi mùi. Làm trong ngành công nghiệp thực phẩm nhưng lại mất khả năng nếm thử, đó rõ ràng là một thiệt thòi với Ben. Để bù đắp lại thiếu sót ấy, ông cho những miếng đồ ăn kèm vào trong hũ kem để thưởng thức được từng lớp hương vị. Về sau, chính những thứ “lổn nhổn" trong hũ kem đó đã trở thành thương hiệu của riêng Ben&Jerry.

Thật không dễ để tưởng tượng bạn sẽ làm được gì khi kinh doanh thực phẩm mà không thể ngửi được mùi hương sản phẩm. Nhưng Cohen đã xoay sở thành công để biến điểm yếu của anh trở thành ưu điểm. Bạn thấy đấy, đây chính là điểm khác nhau giữa một “trở ngại tạm thời" và “trở ngại vĩnh cửu".

Với “trở ngại tạm thời", bạn có thể gặp nhiều trở ngại, nhưng vẫn sẽ có nhiều ngóc ngách bạn có thể dò ra để “đi đường vòng" qua chúng. May cho cái tiệm kem, ngoài Cohen ra còn có Jerry - anh này hoàn toàn bình thường với chức năng hít ngửi.

Trong khi đó, “trở ngại vĩnh cửu" xuất hiện khi bạn đối ngại với những vấn đề dường như không có lối thoát. Mọi thứ rất mù mờ và sự trì trệ tăng dần theo thời gian khi bạn chưa tìm ra giải pháp. Có lẽ bạn sẽ muốn mãi theo đuổi một ngành nghề nào đó bạn yêu thích khi bản thân không đủ điều kiện sức khoẻ và khả năng thành công cứ mãi tụt lùi theo thời gian - khi bạn đã ngày càng lớn tuổi và không thể thâu nạp thêm nhiều kiến thức, cũng như chịu đựng sự ngược đãi bản thân đến từ chính các quyết định của mình.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 7.

Ở trường hợp của Jerrry Greenfield, ông bị trường Y từ chối đến lần thứ 3. Rất khó để nói rằng trong tương lai liệu có một điều kỳ diệu nào đó đưa hồ sơ của ông tới phòng dữ liệu sinh viên chính thức hay không, nhưng Jerry biết ông đã chịu đựng thất bại đủ rồi, đến lúc phải tiếp tục cuộc hành trình khác.

2. Khi nỗi đau còn đáng sợ hơn cả phần thưởng

Nếu như cứ cứng đầu làm cái việc khiến thể chất lẫn tinh thần của bạn đều bị ảnh hưởng tiêu cực, bạn nên biết cách lùi lại và đánh giá nó đi. Gồng gánh mãi nỗi đau trong khoảng thời gian dài chỉ khiến nỗi đau trở nên ngày càng kinh khủng và đến một ngày nào đó, nó sẽ nuốt chửng tâm hồn bạn.

Làm thế nào để chính bản thân bạn phân biệt được đâu là nỗi đau đến từ việc bị ép uổng làm nhiều điều bạn không thích, và đâu là nỗi đau sinh ra từ sự bất mãn khi bạn cứ mãi làm một việc mà chẳng có thành công?

Bạn có biết đến Margaret Atwood - nữ tác giả của cuốn tiểu thuyết lừng lẫy The Handmaid's Tale (Chuyện người tuỳ nữ) mà sau này đã được chuyển thể thành TV series ăn khách ở thời điểm hiện tại chứ?

Margaret Atwood mắc bệnh về xương sống - hậu quả của việc gắn bó với bàn giấy cùng máy đánh chữ suốt cả một đời để cho ra 13 cuốn tiểu thuyết tâm đắc. Bởi Margaret nhìn thấu được thành tựu đến từ nghề viết lách, bà quyết định trả giá bằng chính sức khoẻ của bản thân. Và đúng như bà dự đoán, hàng loạt tiểu thuyết của bà trở thành biểu tượng văn học thế giới, bản thân bà cũng thu về nhiều giải thưởng tôn vinh thành tựu - dù cho mục đích viết của bà không phải là các giải thưởng.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 8.

Đây có lẽ chính là điều khác biệt. Ở Margaret có một sự “nhìn trước tiềm năng", vậy nên bà quyết định tự mình trả giá để gặt hái thành công lớn hơn. Tuy nhiên nếu ở trường hợp bạn, máu, mồ hôi cùng nước mắt đã phải rơi, nhưng trên nền cát sa mạc, chẳng có một dấu hiệu cho thấy ốc đảo đang ở trước mắt, bạn nên thuê một chú lạc đà rồi tìm đường khác khẩn trương. Hãy hỏi bản thân, phần thưởng mà bạn mong muốn có xứng đáng với sự kiệt quệ bạn đang phải trải qua? Một cuộc đổi chác mà thế lỗ thuộc về bạn là cuộc đổi chác không hề khôn ngoan.

Thường thì chúng ta bị ngập ngừng khi phải từ bỏ là do nỗi sợ đối với cái gọi là “tiếc nuối nỗ lực bản thân". Khi thời gian trôi qua, năng lượng, tài nguyên mà chúng ta đầu tư vào một dự án càng nhiều, các khó khăn sẽ ngày càng chồng chất. Đây là lý do vì sao bạn nên thử nghiệm, theo dõi và lấy ý kiến từ nhiều người về cái bạn đang theo đuổi trước khi bỏ ra quá nhiều tiền vào nó.

3. Bạn quyết định “chầy cối" vì bản thân bạn cũng chẳng có lựa chọn nào khác

Có rất nhiều lý do khiến ta cứ mãi lưu luyến một chỗ, một trong các lý do lớn nhất là sự hoài nghi về thế giới quan của chính bản thân bạn. Bạn cảm thấy ngoài lựa chọn mình đang theo đuổi, chẳng còn cái gì ở ngoài kia nữa. Đây là một tư tưởng vô cùng sai lầm, tôi nói cho bạn biết.

Đóng cửa bản thân với các lựa chọn mới luôn dễ dàng hơn việc thoát khỏi một quy trình đã được bồi đắp qua thời gian. Ai dám mạnh dạn giơ tay nói rằng mình có khả năng phá vỡ một thói quen?

Trải nghiệm một thói quen lặp đi lặp lại mang tới cho bạn cảm giác an toàn, quen thuộc; đồng thời càng làm bạn trở nên bảo thủ với những điều lạ lẫm. Quyển lịch thì cứ xé, ngày này qua tháng nọ, chẳng còn sự lựa chọn nào hiện hữu trước mắt bạn trừ cái bạn đang cứng đầu lao vào như một con thiêu thân. Lấy ví dụ rất đơn giản thôi, ở quán phở bò, người ta cho bạn 5 sự lựa chọn lặp đi lặp lại mỗi ngày, thế đã bao giờ bạn hỏi sự lựa chọn thứ 6 chưa? Biết đâu họ có đấy mà không nói với bạn thôi.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 9.

Chúng ta có xu hướng thích ứng với những gì mình thấy. Có thể đó không phải là món mà bạn muốn ăn, nhưng tiện, không phiền bên nhà hàng và cũng vừa khẩu vị với bản thân. Nhưng nó chỉ dừng lại ở tiện mà thôi. Tôi không đánh giá đây là điều xáu, nhưng thi thoảng chúng ta nên thay đổi cho một ngày tươi mới chứ, phải không?

Điều quan trọng hơn, một trí óc bị cùn dần theo thời gian chỉ dẫn đến những ngõ cụt và lối mòn. Đó có thể là hy sinh cả tuổi thanh xuân với một công việc chẳng có lên cũng chẳng có xuống, hoặc cố theo đuổi một ý tưởng không có khả năng vút bay. Như Ben Cohen và Jerry Greenfield, họ quyết định cùng chuyển đến một thành phố khác, bắt cặp với nhau để có dũng khí cùng theo đuổi dự án kinh doanh kem.

4. Khi lối đi hiện tại không tương đồng với giá trị bản thân bạn

Trước khi Ben&Jerry ra đời, Ben Cohen từng là một tài xế taxi và là một thợ thủ công ế khách; còn Jerry Greenfield bận rộn trong dao kéo cùng những bộ não động vật ở phòng thí nghiệm. Chẳng ai trong số họ có hứng thú với những gì họ đang làm.

Mãi đến khi gặp được nhau, họ mới bàn bạc, kết luận rồi đi đến phương án cả hai cùng thấy thích thú. Rõ ràng việc kinh doanh từ lâu đã là mơ ước của hai người, xuất phát từ sở thích ăn uống, cả hai lăn vào một dự án kinh doanh ngành hàng thực phẩm.

Cặp đôi cho thấy họ đều có sự thú vị nhất định trong khiếu hài hước. Lần đầu tiên gặp gỡ trong phòng thể dục, huấn luyện viên đã phải gào lên vì hai ông học sinh chạy không nổi 1 dặm trong vòng 7 phút. Hình phạt chính là phải tiếp tuc cố gắng cho đến khi thành công thì thôi.

Cohen khi đó đã nói rằng: “Thầy ơi, nếu như em không thể hoàn thành quãng chạy dưới 7 phút ở lần cố gắng đầu tiên thì lấy đâu ra cơ sở bảo em có thể thành công ở lần thử kế tiếp?”.

Cũng nhờ tư tưởng này, cặp bạn thân muốn doanh nghiệp của họ cũng phải mang tinh thần vui vẻ tự do như thế. Tới sau này, Ben&Jerry đã trở thành hình mẫu trong vấn đề cạnh tranh lành mạnh và xử lý môi trường.

Có rất nhiều lý do khiến ta đi đến quyết định làm cái gì đó. Đôi lúc, chính sức ép xã hội ảnh hưởng đến cách chúng ta chọn mục tiêu để theo đuổi. Vài lần khác, chúng ta muốn thoả mãn nguyện vọng của người khác bằng cách bước trên con đường họ chọn cho chúng ta. Rất có thể, việc Greenfield cứ mãi nộp hồ sơ vào trường Y là do mong muốn từ gia đình chứ không phải bản thân ông muốn như thế.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 10.

Phải mất rất nhiều thời gian để chính bản thân bạn có thể biết được mình đánh giá cao yếu tố gì. Bạn có thể đánh giá cao sự độc lập, sức sáng tạo hay khả năng hướng ngoại hoạt bát. Có khả năng bạn vẫn đang trong quá trình tự “lọc list" của mình, nhưng đến khi bạn thật sự tìm ra các yếu tố ấy, như Ben Cohen và Jerry Greenfield, các tiêu chuẩn sẽ hiện hữu thật rõ ràng.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 11.

Quyết định bỏ tất cả để bắt đầu lại từ đầu không hề là dễ dàng. Thậm chí biết lúc nào nên từ bỏ và làm sao để chấp nhận lại càng khó khăn gấp bội.

Đôi lúc bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn việc mình đang làm, nhưng bạn cần phải từ bỏ sự mong muốn của bản thân. Như Ben&Jerry không hề đặt ra mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu, họ chỉ bán kem thôi. Nhưng như một con bướm, vận may đậu trên vai bạn lúc bạn không ngờ tới nhất.

Đôi lúc, bạn không cần phải từ bỏ các mong muốn của bản thân, nhưng bạn cần phải từ bỏ cách mà bạn tiếp cận đích đến. Đâu phải cứ mất khướu giác là bạn không mở được hàng ăn? Bạn vẫn có thể đi đường vòng bằng cách thu nạp thêm một nhân vật có thể bù đắp khiếm khuyết ấy.

Đôi lúc nữa, bạn sẽ đi lạc đường. Như Ben và Jerry đi lạc vào cabin xe taxi hay phòng thí nghiệm. Những công việc ấy chả mang lại lợi ích nào dính dáng đến cửa hàng kem. Chỉ là bạn có những “lần nháp" để biết nên làm gì sau này.

Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục khám phá, tiếp tục điều chỉnh bản thân rồi học cách từ bỏ điều gì đó, cơ hội thành công sẽ đến với bạn đấy.

Nói mãi về sự cố gắng rồi, vậy bao giờ thì chúng ta nên từ bỏ? - Ảnh 12.

Theo Agent P-Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM