“Nỗi đau” của các startup: Tuyển mới, đào tạo nhân sự xong thì bị cả công ty nước ngoài lẫn doanh nghiệp lớn trong nước "câu" mất người

18/03/2019 14:39 PM | Kinh doanh

“Bài toán giữ người của startup vẫn là nỗi đau, là áp lực mà khó ai hiểu. Công ty nhỏ, tài chính ít, đa số doanh nghiệp startup phải tuyển sinh viên mới ra trường. Nhiệt huyết có nhưng đa số họ thiếu kỹ năng. Doanh nghiệp phải mất khoảng thời gian để đào tạo, nhưng khi trưởng thành, họ lại chọn cách ra đi…”.

Đó là chia sẻ của ông Lâm Hữu Khánh Phương, nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator tại buổi tọa đàm “Cách vượt qua nỗi đau của doanh nghiệp startup” do trường doanh nhân Bizlight tổ chức mới đây.

Đi làm thuê cho công ty lớn hay khởi nghiệp?

Theo ông Khánh Phương, đây vẫn là nỗi băn khoăn rất lớn của những người trẻ khởi nghiệp hiện nay. Nếu khởi nghiệp họ phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về tài chính, thị trường, nhân sự…. Mà bài toán tưởng đơn giản nhất là nhân sự lại trở thành bài toán khó nhất.

“Khi công ty nhỏ, tài chính ít, chúng ta không đủ khả năng tuyển người giỏi về làm với mức lương cao. Hầu hết, các doanh nghiệp startup tuyển sinh viên mới ra trường. Kỹ năng họ còn kém, về chúng ta đào tạo, nhưng khi đào tạo xong, họ trưởng thành thì lại nhảy sang công ty khác, doanh nghiệp startup mất nhân sự. Đó là thực tế, là nỗi đau mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay gặp phải”, ông Phương chia sẻ.

“Nỗi đau” của các startup: Tuyển mới, đào tạo nhân sự xong thì bị cả công ty nước ngoài lẫn doanh nghiệp lớn trong nước câu mất người - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm “Cách vượt qua nỗi đau của doanh nghiệp startup”

Đặc biệt, theo ông Phương, ở các doanh nghiệp startup lĩnh vực công nghệ thông tin, bài toán giữ người khó khăn hơn rất nhiều. Để tuyển được các lập trình viên, quản trị dự án giỏi và gắn bó lâu với công ty cực kỳ khó. Hầu như những người có kinh nghiệm, họ không chọn công ty startup để làm việc.

Chưa kể, ở lĩnh vực công nghệ rất nhiều công ty nước ngoài về Việt Nam, mở văn phòng. Đặc biệt các công ty Nhật họ hút nhân sự bằng lương bổng cao, đời sống vật chất tốt. Ngay cả nhân sự ở các doanh nghiệp Việt quy mô còn bị doanh nghiệp nước ngoài hút huống gì nhân sự ở các công ty startup. 

“Thực tế đang diễn ra trên thị trường hiện nay là, doanh nghiệp nước ngoài hút nhân sự của doanh nghiệp Việt lớn, còn doanh nghiệp Việt lớn lại hút nhân sự ở các công ty startup nhỏ. Cho nên, bài toán giữ người của công ty startup ngày càng khó khăn”, ông Khánh Phương nhấn mạnh.


Làm sao để giữ được nhân sự gắn bó với công ty đủ để phát triển?

Nhà sáng lập Uni Incubator cho rằng, sự phát triển của một doanh nghiệp xoay quanh 4 bài toán: Tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và con người. Thường doanh nghiệp hàng tuần phải nhìn vào các nguồn lực này để cân đối, không bị lệch pha vào một yếu tố nào cả.

Dẫu rằng, con người là yếu tố quan trọng, cần đầu tư, nhất là ở giai đoạn đầu khởi sự, nhưng nếu chúng ta đổ sự tập trung (bao gồm nguồn vốn) vào bài toán nhân sự quá lớn thì sẽ yếu đi các yếu tố còn lại. Chưa kể, chưa chắc nhân sự mình trả lương cao, tuyển vào họ đã phù hợp để xây dựng bài toán của công ty. 

“Do đó, có một nguyên lý gọi là nguyên lý giới hạn, mọi thành tố đều phải nằm trong một giới hạn nhất định, không nên lệch pha về một bên quá nhiều dẫn đến mất cân đối các nguồn lực trong doanh nghiệp”, ông Phương chia sẻ.

“Nỗi đau” của các startup: Tuyển mới, đào tạo nhân sự xong thì bị cả công ty nước ngoài lẫn doanh nghiệp lớn trong nước câu mất người - Ảnh 2.

Giữ nhân sự để đủ phát triển công ty là bài toán khó của các doanh nghiệp startup

Bày tỏ quan điểm về nguồn nhân sự trong doanh nghiệp startup, bà Phạm Lan Khanh, Nhà sáng lập FreelancerViet.vn cho rằng, khi quyết định tuyển nhân sự giỏi để tạo sự đột phá cho dự án của mình thì các nhà khởi nghiệp phải tính toán đến khả năng tài chính. Giả dụ, trong 6 tháng mình muốn dự án ra được kết quả kinh doanh, cần thuê một nhân sự giỏi về làm, thì xem khả năng chi trả có đủ không. Nếu có thì nên làm.

Ngoài ra, doanh nghiệp startup xem xét xem mình có đang gặp áp lực về thời gian không, chẳng hạn sản phẩm này bắt buộc phải ra mắt vào giai đoạn nào, gấp không. Nếu thực sự cần gấp thì bắt buộc phải thuê nhân sự giỏi vào chạy dự án thì mới hoàn thành tiến độ. 

“Khi giải quyết bài toán nhân sự theo sự phát triển của doanh nghiệp thì nhà sáng lập cần hiểu rằng, với nhân sự không đủ năng lực sẽ không ra được kết quả liền, buộc phải bỏ tiền để thuê nhân sự giỏi nếu muốn có kết quả nhanh hơn”, bà Khanh nhấn mạnh.

TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight lấy ví dụ, ở các ngân hàng thương mại hiện nay, ở vị trí quản lý họ sẵn sàng trả 500 triệu đồng/tháng, nhưng nhân viên mới vào chỉ có 6 triệu đồng/tháng. 

“Vấn đề ở đây là nhân sự tốt ở vị trí nào, thời điểm nào là phù hợp cho sự chi trả. Công thức của bài toán nhân sự hiện nay là nhân sự phù hợp hơn là nhân sự quá giỏi. Nếu giỏi nhưng không phù hợp thì cũng không tốt cho sự phát triển của công ty. Trả lương cao nhưng hiệu quả kém thì doanh nghiệp cũng cần thay đổi. Đặc biệt ở các doanh nghiệp startup, thời điểm dựa vào vòng đời của sản phẩm, hiệu quả kinh doanh vẫn phải đặt lên hàng đầu”, ông Tín chia sẻ.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM