Ninh Thuận sắp thành trung tâm năng lượng sạch

11/10/2018 08:00 AM | Xã hội

Ninh Thuận xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với tiềm năng về nắng - gió, Ninh Thuận đã và đang thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời (ĐMT). Giấc mơ Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đang dần trở thành hiện thực.

Hàng loạt dự án đã triển khai

Trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030) đã được Bộ Công Thương phê duyệt, hiện toàn tỉnh có 16 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương khảo sát, trong đó 12 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng công suất gần 745 MW.

 Ninh Thuận sắp thành trung tâm năng lượng sạch  - Ảnh 1.

Nhà máy Điện gió Đầm Nại đã hoàn thành giai đoạn 1, đang gấp rút xây dựng để hoàn thành giai đoạn 2 vào cuối năm 2018

Ngoài ra còn có 27 dự án ĐMT được Thủ tướng, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam. Như vậy, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện gió, ĐMT ở Ninh Thuận xấp xỉ 4.400 MW. "Đây là con số biết nói, dẫn đầu cả nước về năng lượng tái tạo" - ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phấn khởi.

Dự án ĐMT CMX Renewable Energy có công suất 168 MW, tổng vốn đầu tư lên đến trên 4.300 tỉ đồng đã được khởi công xây dựng tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn vào tháng 6. Ông Peter Jang, Tổng Giám đốc Công ty CMX Renewable Energy Việt Nam, cho biết khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 68.000 MWh/năm. Theo tiến độ cam kết, nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm trong tháng 4-2019.

Tại huyện Ninh Sơn còn một dự án ĐMT khác là Nhà máy ĐMT Mỹ Sơn 1 của Công ty CP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, có công suất 50 MW đã được khởi công vào tháng 5-2018. Ông Cao Mộng Bảo - Giám đốc điều hành dự án - cho biết công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để chậm nhất đến tháng 6-2019, nhà máy sẽ hoàn thành, chính thức phát điện hòa lưới điện quốc gia.

Về điện gió, hiện có 4 dự án dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành, phát điện thương mại. Trong đó, Nhà máy Điện gió Đầm Nại xây dựng tại 2 huyện Ninh Hải, Thuận Bắc có công suất 40 MW, đã hoàn thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018, với 3 turbin gió (công suất 6 MW). Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, cung cấp khoảng 110 triệu KWh điện cho lưới điện quốc gia. Đây được xem là "dự án tiên phong" của ngành năng lượng sạch mà tỉnh Ninh Thuận đang hướng đến.

Ngoài ra, có 3 dự án điện gió khác cũng dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2018 gồm: Nhà máy Điện gió Mũi Dinh, công suất 37,6 MW ở huyện Thuận Nam; Nhà máy Điện gió Trung Nam, công suất 105 MW; Nhà máy Điện gió Công Hải 1, công suất 40,5 MW - đều ở huyện Thuận Bắc.

Theo ông Trần Đức Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện gió Trung Nam, với tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo điện của Ninh Thuận, việc các doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện gió, ĐMT tại địa phương này là hướng đi đúng.

Chính phủ ưu tiên hỗ trợ Ninh Thuận

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu khẳng định năng lượng sạch là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Theo ông Hậu, hiện Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia, như đầu tư ngân sách để xây dựng hạ tầng truyền tải, tạo điều kiện đấu nối lưới điện khi các nhà máy ĐMT, điện gió hoạt động; chuyển giao công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân lực đủ trình độ để phát triển ngành năng lượng tái tạo.

"Các dự án ĐMT, điện gió cần quỹ đất rất lớn nên Chính phủ đã cho dừng titan, dành diện tích đất để quy hoạch xây dựng các nhà máy điện. Hiện Ninh Thuận đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam xây dựng đề án Trung tâm Năng lượng tái tạo để trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở phát triển ngành năng lượng này" - ông Hậu thông tin.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, hiện các doanh nghiệp đầu tư nhà máy ĐMT ở Ninh Thuận đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp phát điện trước tháng 6-2019, nhằm hưởng mức giá 9,35 cent/KWh mà Thủ tướng đã phê duyệt. "Nếu quá thời điểm nói trên, các nhà đầu tư phải tham gia đấu giá bán điện theo chủ trương của Chính phủ" - lãnh đạo sở này cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét nâng giá mua điện gió ở mức hợp lý, cũng như có các chính sách ưu đãi cao nhất để khuyến khích nhà đầu tư.

Tiềm năng "trời cho"

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Ninh Thuận có lượng gió lớn nhất nước. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng, tập trung ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, với tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/giây. Lượng gió thổi đều suốt 10 tháng/năm, đảm bảo cho turbin gió phát điện ổn định.

Ninh Thuận cũng là địa phương khô hạn, nắng nóng gay gắt nhất Việt Nam. Theo bản đồ bức xạ mặt trời của Meteonorm, nguồn bức xạ của tỉnh này vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm. Mặt khác, sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao, là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời. Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2.837,8 giờ/năm, cao nhất trong cả nước (so với Cam Ranh 2.663,6 giờ/năm; Phan Thiết 2.782,8 giờ/năm).

Theo Lê Trường

Cùng chuyên mục
XEM