Nikkei: Giới trẻ Hàn ngày càng lười, thích giàu nhanh nhờ chứng khoán
"Liệu tôi có muốn trở thành tổng giám đốc không ư? Nói thật tôi chẳng muốn phí cuộc đời cho một trò chơi đấu đá toàn những lão già", một nhà quản lý 37 tuổi cho một công ty lớn ở Hàn Quốc giấu tên nói.
Theo hãng tin Nikkei Asian Review, văn hóa lao động cần cù giúp nền kinh tế Hàn Quốc bùng nổ trong quá khứ đang phai nhạt dần. Giờ đây giới trẻ Hàn Quốc chú trọng nhiều hơn đến cân bằng cuộc sống thay vì chỉ tập trung vào sự nghiệp.
Như một hệ quả tất yếu, phong cách làm việc đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của cấp dưới nếu muốn được thăng chức hay tăng lương trong các doanh nghiệp Hàn Quốc giờ đây đang mất dần tác dụng.
Chán làm giám đốc
"Liệu tôi có muốn trở thành tổng giám đốc không ư? Nói thật tôi chẳng muốn phí cuộc đời cho một trò chơi đấu đá toàn những lão già", một nhà quản lý 37 tuổi cho một công ty lớn ở Hàn Quốc giấu tên nói.
Khi người đàn ông này gia nhập công ty vào cuối thập niên 2000, anh đã ước mơ trở thành tổng giám đốc điều hành của doanh nghiệp dựa vào tài năng bản thân. Thế như ngày qua ngày, những cuộc đấu đá và văn hóa làm việc gò bó tại Hàn Quốc đã khiến vị giám đốc này thay đổi suy nghĩ.
"Liệu việc cố trở thành giám đốc có hạnh phúc hay không? Tôi cho rằng chả đáng tý nào", vị quản lý này cho biết.
Trong xã hội Hàn Quốc, việc trở thành nhà quản lý vốn là mục tiêu chung của nhiều người khi vị trí đó giúp họ có mức lương rất cao, được thưởng xe hơi sang trọng và đi chơi golf cùng những lãnh đạo khác. Tuy nhiên để đổi lại, những giám đốc này sẽ phải làm việc vất vả hơn nữa nếu muốn tồn tại trong doanh nghiệp.
Phần lớn những giám đốc đi lên theo con đường này sẽ phải làm việc cật lực trong ít nhất 1 năm và chẳng trụ nổi nếu không có thành tích nổi bật. Hệ quả là dù lên chức nhưng họ càng phải làm việc vất vả hơn, hy sinh thời gian cho gia đình cùng sức khỏe.
Trong quá khứ, phần lớn lao động Hàn Quốc sẽ nghỉ hưu nếu họ không thể lên chức quản lý khi đã gần 50 tuổi. Việc phải làm dưới quyền những nhân viên kém tuổi hơn khiến các lao động già này cảm thấy bị tổn thương. Hơn nữa, việc bị giao ít nhiệm vụ hơn cũng khiến họ không thoải mái khi làm việc cùng lớp trẻ.
Tuy vậy thời gian gần đây, ngày càng nhiều lao động Hàn cảm thấy thoải mái nếu không thể trở thành quản lý. Rất nhiều người Hàn Quốc hiện cảm thấy việc trở thành một nhân viên bình thường đến khi nghỉ hưu hoàn toàn chấp nhận được dù họ có phải nghe lệnh của người trẻ hơn mình hay không.
Đặc biệt, xu thế này đang lan rộng trong tầng lớp lao động trẻ ngoài 20 tuổi. Rất nhiều nhân viên trẻ tại Hàn cảm thấy áp lực khi họ làm xong nhiệm vụ được giao và định về đúng giờ nhưng bị các đồng nghiệp lớn tuổi ghen ghét vì dám về trước. Việc phải đi theo các sếp ăn nhậu vui chơi đến tận đêm cũng khiến các lao động trẻ không thoải mái. Họ thích được dành thời gian cho những sở thích riêng của mình hơn.
Thích về sớm
Theo một khảo sát của trang môi giới việc làm Saramin, khoảng 44% lao động Hàn ngày nay muốn được tách rời khỏi tập thể và chủ động hạn chế giao tiếp tại văn phòng để có thời gian riêng cho bản thân. Nếu phân loại theo tuổi, khoảng 50% số nhân viên ngoài 30 và 44% lao động ngoài 20 có quan điểm trên. Riêng đối với những người ngoài 50, con số chỉ là 29%.
Ngoài ra, khảo sát của Saramin cũng cho thấy 78% số lao động Hàn muốn rời công sở khi nhiệm vụ hoàn thành để dành thời gian cho bản thân. Trái ngược lại chỉ khoảng 20% số nhân viên Hàn cảm thấy không hòa đồng cùng công ty khiến họ bị thiệt, ví dụ như không nhận được các thông tin quan trọng lúc cần thiết.
Bất chấp những tranh cãi, khoảng 90% số người trả lời khảo sát của Saramin cho biết họ sẽ tiếp tục hạn chế giao tiếp tại công sở sau khi đã đi theo con đường này.
Sự thay đổi trong văn hóa làm việc đang tạo nên những tranh cãi lớn giữa thế hệ lao động trẻ và tầng lớp nhân viên lớn tuổi hơn. Báo cáo của Văn phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), khoảng 67% số lao động ngoài 50 cho biết họ có thể hy sinh nhiều thứ vì công ty. Thế nhưng con số này chỉ vào khoảng 35% ở các nhân viên ngoài 20 tuổi và 34% ở các lao động ngoài 30.
Ngoài ra, khoảng 43% số lao động ngoài 50 cho biết ở lại làm việc muộn là điều bắt buộc nếu muốn kết quả tốt trong khi tỷ lệ này chỉ là 27% ở nhóm nhân viên ngoài 20-30 tuổi.
Như một hệ quả tất yếu, phần lớn những lao động ngoài 40-50 tuổi đều than phiên lớp trẻ ngày nay nói nhiều về cân bằng cuộc sống nhưng chẳng thấy làm việc nhiều mà chỉ thấy chơi hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân.
Muốn giàu nhanh nhờ chứng khoán
Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ Hàn ngày nay từ bỏ văn hóa làm việc chăm chỉ, trung thành với công ty là do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Hàn đang chậm lại, qua đó gia tăng những lo ngại về tương lai.
"Tôi không nghĩ công ty mình sẽ tiếp tục tăng trưởng như vậy và chẳng có gì đảm bảo tôi có thể làm việc đến hết đời. Bởi vậy tôi cần tìm cách xây dựng sự nghiệp mà không phải dựa dẫm vào công ty nữa", một cựu quản lý 37 tuổi giấu tên nói với tờ Nikkei.
Như một hệ quả tất yếu, giới trẻ Hàn giờ đây tìm đến những kênh đầu tư như chứng khoán để làm giàu nhanh. Theo luật sư Jang Hye Young, số tài khoản chơi chứng khoán tại Hàn Quốc đã tăng thêm 4,59 triệu trong khoảng cuối năm 2019 đến cuối tháng 8/2020. Trong đó, khoảng 2,46 triệu tài khoản thuộc về những người ngoài 20 tuổi.
Đáng lưu ý hơn, số dự nợ của những tài khoản chứng khoán sở hữu bởi người Hàn ngoài 20 tuổi cũng đã tăng 134% trong cùng kỳ, một con số vô cùng cao so với những tài khoản sở hữu bởi độ tuổi khác.
"Giới trẻ Hàn ngoài 20 tuổi đang vay tiền chơi chứng khoán với một mức độ đáng báo động", luật sư Jang cảnh báo.
Việc giới trẻ Hàn Quốc tìm kiếm những kênh đầu tư làm giàu nhanh như chứng khoán cũng dễ hiểu khi cơ hội việc làm ngày càng khó khăn trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, giá cả thì ngày một đắt đỏ. Tại thủ đô Seoul, giá một căn hộ bình quân đã tăng 50% trong vòng 3 năm qua kể từ khi Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền, đạt mức 1 tỷ Won, tương đương 870.000 USD.
Đây là số tiền mà một nhân viên bình thường chẳng thể nào mua nổi với đồng lương ít ỏi. Do đó giới trẻ ngày nay hướng đến việc đầu tư chứng khoán để có tiền mua nhà hoặc tiền nghỉ hưu.
Sự thay đổi trong văn hóa làm việc đã khiến nhiều công ty buộc phải thay đổi. Khảo sát của Saramin cho thấy giới trẻ Hàn ngày nay muốn các sếp là những người có tính cách tốt thay vì kiểu khắc nghiệt. Điều này khác hoàn toàn với thế hệ lớn tuổi khi họ kỳ vọng sếp của mình là những người tài năng bất chấp tính cách có xấu đến mức nào.
Đáp lại sự thay đổi trên, nhiều tổng giám đốc của các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) đang dần thay đổi khi xuất hiện trước công chúng với trang phục thoải mái hơn. Họ không đeo cà vạt và đối xử với nhân viên như những người bạn thay vì coi họ chỉ là cấp dưới.
Trước đây những tổng giám đốc các tập đoàn thường được đối xử khác hẳn và có quyền ra lệnh cho cấp dưới. Thế nhưng với sự thay đổi của giới trẻ Hàn, văn hóa này sẽ không thu hút được nhân tài hoặc giữ được họ và điều đó khiến các tập đoàn buộc phải thay đổi để thích nghi.