Nikkei: Dệt may và điện tử, ngành nào còn chỗ để doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam?

02/07/2019 17:27 PM | Xã hội

Hầu hết các công ty đang hoạt động ngành dệt may sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Họ nên đi đâu nếu rời khỏi Việt Nam?

Chiến tranh thương mại có thể sẽ gián tiếp đẩy chi phí lao động ở Việt Nam tăng lên, do các công ty công nghệ như Apple, Samsung, LG đang tìm cách chuyển các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điều đó đã khiến các nhà sản xuất hàng may mặc tỏ ra lo ngại và trì hoãn việc mở rộng ở Việt Nam.

Việt Nam hiện đang là điểm sản xuất lớn nhất của nhiều công ty như Nike, Adidas, Uniqlo và H&M. Nhưng khi các nhà cung cấp linh kiện và thiết bị cho Apple, Dell, Google và Amazon tìm kiếm địa điểm sản xuất mới, để tránh thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, sự cạnh tranh về bất động sản và lao động địa phương dự kiến ​​sẽ nóng lên.

Makalot Industrial, nhà sản xuất hàng đầu cho GAP, Walmart, Zara và H&M, cho biết họ sẽ trì hoãn kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

"Ngày càng có nhiều công ty đến Việt Nam. Trong tương lai gần, chúng tôi thấy trước được sự thiếu hụt lao động và thậm chí là cạnh tranh khốc liệt trong việc tuyển dụng nhân viên ở đó", Chủ tịch kiêm CEO Makalot Frank Chou nói với Nikkei Asian Review. "Đối với ngành may mặc, thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam có thể đã trôi qua, và các công ty sẽ phải thích nghi với một môi trường khắc nghiệt hơn".

Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn nhất của Makalot, chiếm 37% công suất. Nhưng ông Chou cho biết công ty sẽ tập trung vào việc mở rộng mạnh hơn ở Indonesia, nơi ông hy vọng sẽ trở thành cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Makalot trong ba đến năm năm tới.

Eclat Textile, nhà sản xuất đồ thể thao lớn nhất Đài Loan với các khách hàng như Nike, Under Armor và Lululemon cũng sẽ ngừng việc mở rộng tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Roger Lo nói với Nikkei Asian Review.

Ông Lo cho biết công ty sẽ tìm điểm đến khác để mở rộng trong tương lai, nhưng không nêu rõ nơi nào. "Từ năm nay, chúng tôi không có kế hoạch bổ sung năng lực cho cơ sở Việt Nam và vẫn đang tìm kiếm các quốc gia khác để đầu tư thêm", ông nói.

Hiện tại, phần lớn chuỗi sản xuất của Eclat được đặt tại Đài Loan và Việt Nam. Nhờ dân số 95 triệu người và vị trí địa lý gần với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Việt Nam từ lâu đã là điểm đến phổ biến của các công ty dệt và giày với hy vọng tìm kiếm chi phí sản xuất thấp hơn và lực lượng lao động trẻ bên ngoài Trung Quốc.

Makalot hiện chỉ còn 4% sản lượng tại Trung Quốc, trong khi Eclat Textile đã đóng cửa nhà máy Trung Quốc cuối cùng vào cuối năm 2016. Pou Chen, nhà sản xuất giày hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng đã tăng quy mô sản xuất Trung Quốc trong những năm qua, từ 29 % trong năm 2014 lên 13% trong quý đầu tiên của năm 2019 về tổng số lô hàng.

Mức lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng trong 10 năm qua từ 1 triệu VND (43 USD) một tháng lên 4,18 triệu VND mỗi tháng trong năm 2019, nhưng con số này vẫn thấp hơn Trung Quốc.

Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tăng lương hơn 10% mỗi năm. Hầu hết các công ty nước ngoài đã trả cao hơn nhiều so với mức lương cơ bản, trong khi tổng lương cũng bao gồm bảo hiểm cũng như các lợi ích và tiền thưởng khác của nhân viên.

Người phát ngôn của Pou Chen, đế chế giày thể thao đứng sau Nike, Adidas và hầu hết các thương hiệu quốc tế nổi tiếng khác, nói với Nikkei rằng chi phí đất đai ở Việt Nam đang tăng lên hàng năm và không có dấu hiệu giảm trở lại.

"Về lâu dài, chúng tôi không nghĩ còn nhiều chỗ để có thể phát triển thêm ở Việt Nam và nhân viên của chúng tôi ở đó để tiếp tục phát triển." Trong cả năm 2018, Pou Chen đã sản xuất 46% trong tổng số 326 triệu đôi giày tại Việt Nam. Con số đó đã giảm xuống 43% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2019. Tại Indonesia, sản lượng đã tăng từ 37% năm ngoái lên 41% trong quý đầu năm nay.

"Điều đó không có nghĩa là chúng tôi cần phải chuyển đến một nơi khác ngoài Việt Nam, điều này là phi thực tế, nhưng có nghĩa là chúng tôi phải tự chuyển đổi sang tự động hóa để giảm sử dụng lao động trong thời gian dài để duy trì khả năng cạnh tranh" - đại diện Pou Chen nói

Một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất giày khác của Đài Loan, đã đầu tư vào Việt Nam hơn 20 năm, đã bày tỏ ý kiến ​​tương tự: "Chúng tôi thực sự hơi lo lắng rằng việc các công ty công nghệ đổ dồn đến Việt Nam có thể làm tăng chi phí tuyển dụng và khiến chúng tôi khó tuyển dụng lao động".

Campuchia, Indonesia và nhiều các quốc gia khác có mức lương thấp hơn Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng lao động nói chung, hiệu quả làm việc và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất mặc dù chi phí lao động tăng ít nhất 10% mỗi năm theo quy định. "Chi phí đang tăng lên. Nhưng chúng tôi có thể đầu tư vào tự động hóa, quản lý tốt hơn để tăng hiệu quả sản xuất. Không dễ để tìm được công nhân hiệu quả ở nơi khác".

Karen Ma, một nhà phân tích chuyên về các thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp có trụ sở tại Hsinchu nói: "Hầu hết các công ty đang hoạt động ngành dệt may sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Họ nên đi đâu nếu rời khỏi Việt Nam? Hiện tại, không có nhiều những lựa chọn cho họ vì Lào và Indonesia vẫn chưa đạt đến trình độ như Việt Nam về cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động".

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM