Niềm vui 'chia 5 xẻ 7': Lợi nhuận gần 7 tỷ USD, công ty này phải gánh nợ cho một thành phố nghèo nhất nhì Trung Quốc

03/08/2021 08:37 AM | Kinh doanh

Hãng sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc đã trở thành "vị cứu tinh tài chính" đối với tỉnh phía nam quốc gia này, nơi họ đặt trụ sở. Quý Châu Mao Đài đã mang về cho chính quyền địa phương Quý Châu hàng tỷ USD, nhờ giá cổ phiếu tăng vọt.

Các phiên bản bạch tửu cao cấp của Quý Châu Mao Đài đã trở thành một biểu tượng mang tính địa vị tại Trung Quốc. Nhờ đó, công ty này đang là nhà sản xuất rượu giá trị nhất thế giới, với vốn hoá khoảng 326 tỷ USD, theo FactSet.

Theo đó, sự phát triển của công ty này chính là một "món quà" cho Quý Châu. Họ là một doanh nghiệp đóng góp thuế rất lớn tại địa phương này. Hơn nữa, phần lớn sự hậu thuẫn đến từ công ty mẹ thuộc sở hữu nhà nước, chưa niêm yết của Mao Đài là Tập đoàn Mao Đài Quý Châu. Nhờ sự thành công của Mao Đài, tập đoàn này có khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng địa phương như sân bay, đường sắt và đường cao tốc.

Susan Chu - nhà phân tích tín dụng tại S&P 500 Global Ratings, cho biết Mao Đài đã trở thành động lực tài chính cho Quý Châu. Bà nói, khu vực này đang gặp khó khăn với khối nợ lớn và tình trạng thu nhập thấp, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ trung ương. Chu nhận định: "Mao Đài là một ‘chiếc gậy’ ma thuật cho tỉnh này."

Niềm vui chia 5 xẻ 7: Lợi nhuận gần 7 tỷ USD, công ty này phải gánh nợ cho một thành phố nghèo nhất nhì Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn biến vượt trội của cổ phiếu Mao Đài trong 5 năm qua.

Bà nêu chi tiết, tổng cộng, các doanh nghiệp phi tài chính thuộc sở hữu nhà nước ở Quý Châu ghi nhận tỷ lệ nợ/EBITA là 5,7 lần. Con số này sẽ lên tới 20 lần nếu không bao gồm Mao Đài.

Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất và mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc. Theo S&P, GDP bình quân đầu người tại địa phương này chỉ đạt hơn 7.000 USD vào năm ngoái, chưa bằng 1/3 của Bắc Kinh. Khoản nợ được cam kết một phần bằng tiền thế (tax-supported debt) của Quý Châu là là tương đương 112% GDP, cao thứ 3 trong số các tỉnh của Trung Quốc.

Cuối năm 2019 và 2020, công ty mẹ của Mao Đài đã có 2 đợt trao 4% cổ phần cho một công ty đầu tư của chính phủ. Quý I năm nay, công ty trên đã bán bớt khoảng 3,5% cổ phần. Theo ước tính của Wall Street Journal, số cổ phần trên mang về khoảng 12,3 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty sở hữu 4% cổ phần này lại không tiết lộ về mục đích bán cổ phiếu.

Vì có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, nên đôi khi những ưu tiên của tỉnh Quý Châu lại mâu thuẫn với các cổ đông của Mao Đài. Tháng 2, công ty này đã huỷ bỏ kế hoạch quyên góp cho địa phương khi các nhà đầu tư cá nhân phản đối. Họ dự kiến chi 820 triệu CNY (126 triệu USD) cho 4 dự án gồm 1 nhà máy xử lý nước thải và 1 dự án xây dựng đường tại đây.

Shen Zhifeng - nhà phân tích tại UOB Kay Hian, nhận định sự thay đổi quyết định chứng tỏ rằng Mao Đài đã lắng nghe nhà đầu tư. Ông nói: "Điều này cho thấy ban lãnh đạo sẽ xem xét cẩn thận phản ứng của thị trường. Khoản chi này sẽ không lớn đối với một công ty có lợi nhuận ròng 6,8 tỷ USD vào năm ngoái, trên doanh thu 12,2 tỷ USD."

Niềm vui chia 5 xẻ 7: Lợi nhuận gần 7 tỷ USD, công ty này phải gánh nợ cho một thành phố nghèo nhất nhì Trung Quốc - Ảnh 2.

Nợ được cam kết một phần bằng tiền thế (tax-supported debt)/GDP của các địa phương.

Tuy nhiên, theo Euan McLeish - nhà phân tích tại Stanford C. Bernstein, Mao Đài vẫn hỗ trợ địa phương này theo cách khác. Ví dụ, 2 năm trước, họ bán dòng sản phẩm chất lượng cao Mao Đài Phi Thiên cho một doanh nghiệp bán hàng được chỉ định bởi công ty mẹ, với mức giá gốc 969 CNY, thay vì 1.400 CNY như bán trực tiếp. Hành động này đã bị phản đối kịch liệt.

Cuối cùng, Mao Đài phải giới hạn doanh thu hàng năm cho mảng này chỉ ở mức 5% tài sản ròng, vẫn cao hơn mức mà công ty phải xin ý kiến cổ đông để phê duyệt.

McLeish nhận định: "Một số lo ngại rằng động thái này là nhằm chuyển lợi nhuận từ công ty niêm yết này sang công ty mẹ do nhà nước sở hữu, bởi sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán tại nhà máy và giá bán lẻ. Ước tính, 40% lợi nhuận đã bị thất thoát."

Ông nói thêm, chính quyền địa phương cũng khuyến khích công ty bán sản phẩm cho các nhà phân phối trong tỉnh, thay vì tìm kiếm những bên phù hợp với lượng tiêu thụ trên cả nước. Ngoài ra, Mao Đài còn đóng góp lớn vào những hoạt động như nâng cấp đường xá và từ thiện. McLeish cho hay: "Việc chia sẻ ‘niềm vui’ ở Quý Châu gặp rất nhiều áp lực."

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM