Những yếu tố này sẽ khiến nhà đầu tư chấp nhận đặt cược cả “núi tiền” vào startup

25/11/2016 14:17 PM | Kinh doanh

Các nhà đầu tư thường là những người có tiền, có kinh nghiệm. Để rót tiền vào một công ty nào đó, ắt hẳn họ phải nhìn thấy ở đó một đội ngũ tiềm năng, một mô hình kinh doanh tốt và cả vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp đó.

Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt được đầu tư vốn từ quỹ nước ngoài. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Điều hành của Công ty An luật tại buổi chia sẻ với chủ đề "Làm sao để thoát chết khỏi lỗ hổng pháp lý" tại TP HCM sáng 25/11, để nhà đầu tư có ý định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải có những yếu tố sau.

Đầu tiên là đội ngũ của công ty.

Theo bà Quỳnh Như, đội ngũ của công ty còn có sức mạnh hơn cả ý tưởng kinh doanh. Có thể, dự án sẽ thành công hoặc thất bại không như mong muốn. Tuy nhiên, nếu có một đội ngũ tốt, dự án kể cả không thành công cũng sẽ giữ lại được một vài giá trị nào đó. Con người là yếu tố rất quan trọng và nhà đầu tư rất quan tâm.

Thứ nữa là mô hình kinh doanh.

Đây chắc chắc là yếu tố mà nhà đầu tư rất quan tâm. Mô hình kinh doanh đó có ổn không, có tiềm năng phát triển hay không.

Trong thương vụ mới đây, quỹ Standard Chartered hẳn đã nhìn thấy tiềm năng của dịch vụ giải trí dành cho trẻ ở Việt Nam và đầu tư 40 triệu USD vào tiNiWorld. Mức sống ngày càng cao và nhiều gia đình không tiếc tiền để con vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, số lượng trẻ em ở Việt Nam rất lớn. Thế nên, Standard Chartered đã không ngại đầu tư tiền vào “mỏ vàng” này.

Pháp lý là yếu tố mà các nhà đầu tư rất quan tâm.

Họ sẽ tìm hiểu xem, trong công ty có xảy ra vấn đề gì về pháp lý không, có xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong nội bộ hay không, rồi các mâu thuẫn pháp lý có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác, sau hợp tác.

“Nhà đầu tư có nhiều tiền, có kinh nghiệm và tìm hiểu rất kỹ về đối tác. Họ có lý do để đầu tư vào công ty này hay công ty kia”, luật sư Như nói.

Theo bà Như, các công ty nhận vốn thường non nớt hơn so với các nhà đầu tư. Vậy nên, theo bà, nếu vấn đề gì chưa rõ thì cần phải hỏi rõ để thông tin minh bạch. Không nhân nhượng và chỉ ký khi nào nắm rõ thông tin. Mọi lưu ý cần được thể hiện qua hợp đồng. Nếu có trường hợp tranh chấp xảy ra, thì tranh chấp sẽ được xử lý căn cứ vào hợp đồng. Không ai có thể kiểm soát được rủi ro nhưng cố gắng để giảm thiểu rủi ro.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM