Những xu hướng hot nhất ngành F&B năm 2018, các nhà đầu tư không thể bỏ qua

14/09/2017 10:16 AM | Kinh doanh

Có rất nhiều lý do để các công ty khởi nghiệp trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng trưởng mạnh trong năm tới.

Không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư trên thị trường. Rốt cuộc, ai cũng phải ăn để sống. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây có một số quan điểm cho rằng đầu tư mở nhà hàng rất rủi ro, ngay cả đối với những nhà đầu tư lâu năm.

Thực tế lại chứng minh điều ngược lại, có rất nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn xa và muốn nhảy vào ngành dịch vụ béo bở này. Sau đây là 8 lý do cho thấy các startup về thực phẩm và dịch vụ ăn uống ngày sẽ càng trở nên phổ biến vào năm 2018.

1. Nhiều người quan tâm tới sức khỏe hơn trước

Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe đã nhận được nhiều sự quan tâm và phát triển nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là khi công chúng đã ý thức được sự nguy hiểm của việc tăng cân và các bệnh về tim mạch. Đó là động lực để mọi người tìm đến thực phẩm sạch và từ đó ra đời các startup về F&B.

Các startup cung cấp bữa ăn sẵn như FlexPro Meals ở Mỹ hay Fresh Deli ở Việt Nam giúp khách hàng lập một chế độ ăn kiêng và sau đó giao bữa ăn được chuẩn bị theo nhu cầu của họ hàng ngày. Đây là một cách thuận tiện để có chế độ ăn lành mạnh và cải thiện lối sống của mọi người. Nhiều khách hàng đang dần tìm tới những startup như vậy để được tư vấn ăn cái gì và ăn khi nào.

2. Nhiều người muốn nấu ăn ngon, nhưng phải nhanh

Cuộc sống ngày càng bận rộn và số người có thể tự nấu ăn tại nhà ngày càng giảm. Điển hình ở Mỹ, theo thống kê năm 2014 tỷ lệ người nấu ăn tại nhà giảm mạnh, chưa tới 60% bữa ăn tối tại nhà là thực sự được nấu tại nhà. Không phải mọi người không muốn nấu ăn, mà đơn giản vì họ không có thời gian. Elements là một startup cung cấp những bữa ăn được chuẩn bị trước một phần dành cho những người bận rộn.

Với nguyên liệu được lựa chọn, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và được bảo quản bằng công nghệ sấy lạnh (hay còn gọi là sấy thăng hoa – Freeze drying), người dùng chỉ cần mở túi sản phẩm, thêm nước sôi và thưởng thức bữa tối đủ dinh dưỡng mà không cần bỏ thời gian nấu nướng. Họ có rất nhiều lựa chọn cho các bữa ăn với thành phần khác nhau.

3. Nhiều người thích sử dụng thực phẩm hữu cơ

Ngày càng nhiều người thích sử dụng thực phẩm hữu cơ và có một điều chắc chắn rằng họ sẽ tốn tiền hơn. Lấy ví dụ, trong khi một hộp trứng gà bình thường 10 quả có giá 24.000 đồng tại siêu thị thì hộp 10 quả trứng gà hữu cơ có giá tới gần 100.000 đồng.

Những startup về thực phẩm như Brandless của Mỹ đã nhận thấy điều này và đang tạo ra những sản phẩm hữu cơ đồng giá 3 USD và không phải chịu "chi phí thương hiệu" trên mỗi sản phẩm. Startup này giúp người dùng tiếp cận sản phẩm hữu cơ dễ dàng hơn và không phải quá lo ngại về vấn đề giá cả.

4. Các chuỗi nhà hàng sẽ không còn lợi thế như trước

Những thống kê mới nhất tại Mỹ cho thấy thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials – những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000) đang từ bỏ các chuỗi nhà hàng như Buffalo Wild Wings hay Applebee’s. Họ có những nhu cầu khác về ăn uống và không còn thường xuyên tới những chuỗi cửa hàng ăn này nữa. Thay vào đó, Blue Apron là một startup nhạy bén với điều này và đang phục vụ thế hệ Y những nguyên liệu họ cần cho mỗi bữa ăn theo nhu cầu của họ và điều quan trọng là các khách hàng trẻ tuổi sẽ phải tự nấu những bữa ăn cho mình.

5. Nhiều lựa chọn hơn khi gọi đồ ăn online

Từ lâu nay nhiều người đã thích những bữa ăn được « ship » tới tận nhà. Tuy nhiên, ngoài những chiếc pizza được ship tới tận cửa nhà, họ còn muốn có những lựa chọn khác. Thị trường kinh doanh đồ ăn trực tuyến trị giá 210 tỷ USD vẫn còn là miếng bánh lớn. Vì lý do đó, những startup như Munchery đã nhảy vào cuộc chơi, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với rất nhiều lựa chọn và vào bất cứ lúc nào. Pizza không còn là lựa chọn duy nhất của khách hàng khi nhắc tới đồ ăn online nữa.

6. Không ai thích phải chờ đợi

Khách hàng luôn muốn được phục vụ nhanh nhất và họ sẽ yêu cầu điều đó. Một startup thành công phải đáp ứng được nhu cầu đó của khách hàng và ngành kinh doanh nhà hàng cũng không thể là ngoại lệ. Theo thống kê mới nhất, thời gian chờ trung bình tại các cửa hàng ăn là 6,6 giờ/tuần và thời gian chờ trung bình cho một bàn ăn tới gần 30 phút.

Nhiều startup đã nhận ra phải làm sao để cắt giảm thời gian chờ cho khách hàng. Những ứng dụng mới trên điện thoại như NoWait cho phép người sử dụng có thể đăng ký xếp hàng ngay khi còn ngồi ở nhà, tránh việc phải đứng xếp hàng lâu tại một quán ăn.

7. Muốn nấu ăn ngon, phải học

Từ năm 2015 tới 2016, lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ tiêu tiền tại nhà hàng và quán bar (54,9 tỷ USD) nhiều hơn tại các cửa hàng bán thực phẩm (52,5 tỷ USD). Giới trẻ đóng góp một phần lớn vào con số này và họ đang bày tỏ trên mạng xã hội mong muốn có thể nấu ăn giỏi hơn.

Hipcooks là một startup có trụ sở ở San Diego cung cấp các khóa học nấu ăn hiện đại và thân thiện với giới trẻ, giúp họ tự nấu những bữa ăn ngon theo đúng sở thích của mình.

8. Đóng góp cho xã hội nhiều hơn

Người tiêu dùng có tâm lý muốn đóng góp cho xã hội nhiều hơn : 61% thế hệ Y quan tâm tới tương lai của trái đất và cảm thấy phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Các startup biết được tâm lý này của người tiêu dùng và đang dựa vào đó để phát triển kinh doanh.

Imperfect Produce là startup đang cung cấp những sản phẩm rau và trái cây xấu mã hoặc có khiếm khuyết tới người tiêu dùng với giá rẻ. Startup này đang giúp làm giảm thiểu việc lãng phí thực phẩm theo lời kêu gọi của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

M.T. Nguyen

Cùng chuyên mục
XEM