Những thợ săn trả nợ rừng xanh

30/01/2021 16:45 PM | Xã hội

Làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có 3 người đàn ông dân tộc Ba Na rất đặc biệt. Trước kia họ là lâm tặc kiêm thợ săn khét tiếng một vùng, giờ chính họ cả ngày trèo núi, dùng chính kỹ năng ấy gỡ từng cái bẫy, lan toả tinh thần bảo vệ cánh rừng.

 Những thợ săn trả nợ rừng xanh - Ảnh 1.

Ông Djưng giới thiệu về đàn hươu trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang bảo vệ

Mưu sinh mù quáng

Từ thành phố Pleiku (Gia Lai) đến làng Đê Kjiêng gần 100km. Nơi đây lạnh hơn vùng khác do Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (417,8 km2) được ví như chiếc “tủ lạnh” khổng lồ bên cạnh. Không khí trong lành sẽ in sâu trong ký ức bất cứ ai đến ngôi làng được bao quanh bởi đồi núi này.

Như nhiều bản vùng sâu khác, người dân làng Đê Kjiêng bao đời sống dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp. Không ngoại lệ, ông Djưng (53 tuổi), Chưn (44 tuổi) và A Mưm (41 tuổi) trở thành những thợ săn khét tiếng và chưa bao giờ họ vào rừng đặt bẫy mà phải về tay trắng.

Ông Djưng kể, ngày xưa, từ làng Đê Kjiêng ra trung tâm huyện rất khó khăn, nên từ nhỏ bản thân ông và đám bạn chỉ biết tìm thú vui duy nhất là vào rừng bắt chim, nhặt nấm. Lớn lên, chàng thanh niên Djưng đi săn cả tuần trong rừng với những người anh, người chú để bắt bò tót, nai, lợn rừng. Có lẽ thế nên mỗi con suối, cánh rừng ở Kon Ka Kinh đều in dấu chân Djưng.

Lấy vợ và sinh được 4 người con, gánh nặng đè lên đôi vai ông nhiều hơn. Có lần đi săn, ông nhịn đói cả ngày trời theo dấu chân thú, quyết không chịu về tay không.

“Mình biết quy luật trong tập tính của con thú, thời điểm nào nó ra suối uống nước, giờ nào nó đi kiếm ăn và nơi nào chúng thích ngủ. Mình đặt bẫy là bắt được chân con thú ngay. Bắt được con thỏ để ăn, săn được con lợn hay bò sẽ bán lấy tiền đưa vợ mua gạo”, ông Djưng chia sẻ.

 Những thợ săn trả nợ rừng xanh - Ảnh 2.

Anh A Mưm và những chiếc bẫy do mình gỡ

Còn với ông Chưn, ngoài làm thợ săn ông “kiêm” lâm tặc. Để trang trải cuộc sống, mỗi khi vào rừng săn thú, ông Chưn thường “kết hợp” đốn trộm gỗ để bán.

“Có lần đi săn, mình thấy lợn con kêu eng éc, chim non chết khô trên tổ vì chim mẹ đã bị ná cao su bắn chết; có khi mổ nai mẹ đang mang bầu. Xót lắm nhưng giờ biết làm sao? Đói mà! Phải bắt con thú, đốn cây rừng để bán thôi, nếu không vợ con mình không có cái ăn, cái mặc”, ông Chưn giãi bày.

Tiếp lời, anh A Mưm ngại ngùng tự nhận trước đây bản thân là thợ săn giỏi nhất vùng. Nhắc đến thợ săn A Mưm ai cũng nể bởi biệt tài bắt chước bất kỳ tiếng con thú rừng nào. Bởi vậy, khi thú rừng hú lên anh Mưm sẽ “giao tiếp” lại để xác định vị trí. Theo anh A Mưm, bao đời nay ông cha sống dựa vào rừng, bản thân từ nhỏ được truyền lại kỹ năng săn bắt ấy, nên sử dụng kỹ năng đó để mưu sinh.

Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) cho biết, trước kia những cán bộ của trung tâm khốn khổ tìm gỡ những cái bẫy của ông Djưng, Chưn, A Mưm. Ông Thụ nói rằng, rất ám ảnh khi biết tin những “trai làng” trên vào rừng, bởi theo bước chân họ là thú, cây rừng bị xâm hại.

Trái tim thức tỉnh

Nhiều năm trước, một vị tiến sĩ đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tìm Voọc Chà vá chân xám để nghiên cứu trong một dự án bảo vệ linh trưởng quý hiếm. Vị tiến sĩ này cần người dẫn đường, ông Djưng là người đầu tiên mà dân làng Đê Kjiêng nghĩ đến và chỉ tới nhà.

Thời điểm đó, ông Djưng nổi tiếng khắp vùng với tài săn bắn. Chỉ cần ngửi mùi nước tiểu, phân, người thợ săn này biết đàn Voọc đã ở chỗ đó trong thời gian bao lâu, và phán đoán chính xác loài linh trưởng này sẽ ngủ ở đâu. Từ đây, ông Djưng giúp vị tiến sĩ kia có những nghiên cứu đắt giá về loài Voọc Chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

“Vị tiến sĩ ấy sức khoẻ yếu, lúc đầu tôi còn bĩu môi nghĩ ông ấy chỉ đi đến chân núi sẽ phải quay về thôi, ai ngờ ông quyết tâm ở rừng nhiều ngày để tìm hiểu loài Voọc quý này. Những ngày ở rừng ấy, tiến sĩ giải thích cho tôi giá trị của rừng và các loài động vật.

Sau đó tiến sĩ mời tôi ra Đà Nẵng giúp xây dựng khu nghiên cứu, bảo vệ loài Vọc Chà vá chân xám. Trái tim tôi đã thức tỉnh từ đây nhưng cũng chưa thể bỏ nghề vì không biết kiếm việc gì để thay thế”, ông Djưng nói.

Chính thời gian này (2019), Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh) đã ngỏ ý và nhận ông Djưng và Chưn làm việc. Công việc chính cả hai được giao là phục vụ hoạt động du lịch sinh thái; vào rừng phát hiện những thắng cảnh đẹp, vị trí mới để trung tâm mở tua cho du khách được trải nghiệm cảm giác, ăn uống ở trong rừng.

Trong chuyến đi cùng khách du lịch, cả hai sẽ chia sẻ những kỹ năng sinh tồn ở rừng cho du khách.

Đặc biệt, ông Djưng và Chưn còn đảm nhiệm việc lên rừng gỡ bẫy thú trong rừng. Ông Djưng cho biết: “Không ai thích bắt con thú cả, chỉ vì cuộc sống vất vả nên phải cắn răng để làm. Giờ tôi sẽ chuộc lỗi với rừng bằng cách giải thích, tuyên truyền cho những thợ săn hãy tìm công việc khác làm, thay vì lầm lũi trong rừng, có khi lỡ dại dính vòng lao lý do bẫy thú hay phá rừng trái phép lại khổ vợ con”.

Còn anh A Mưm hiện làm nhân viên ở Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh). Những năm qua, bàn tay anh Mưm đã chai sạn để gỡ hàng ngàn chiếc bẫy trong rừng Kon Ka Kinh. Anh Mưm so sánh rằng, cảm giác bắt thú khiến anh day dứt, còn việc giải cứu động vật dính bẫy thức tỉnh anh, giúp anh thấy mình sống có ý nghĩa hơn.

Ông Đinh Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng nhận xét: “Ông Djưng và Chưn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hai ông chỉ cần nhìn qua một cánh rừng là biết chỗ nào có bẫy và gỡ đi ngay. Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để những cán bộ này toàn tâm toàn ý bảo vệ rừng và thú hoang”.

Tiền Lê

Cùng chuyên mục
XEM