Những thách thức của bất động sản xanh

19/07/2018 15:03 PM | Kinh doanh

Tại Hội nghị “Phát triển BĐS bền vững 2018 – chiến lược xanh” tổ chức sáng 19/7 tại Tp.HCM, các sở ban ngành, chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đã chỉ ra những quan ngại về tác động giữa việc phát triển BĐS với vấn đề đô thị và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa. Sức khỏe con người. Xu hướng phát triển công trình xanh được xem là giải pháp cho thực trạng này.

Thực trạng xâm hại môi trường tự nhiên trong phát triển các dự án BĐS

Theo các chuyên gia, BĐS luôn đối mặt với thách thức cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ môi trường sống. Quá trình phát triển hạ tầng du lịch ở các thành phố như Đà Lạt, Sapa… là minh chứng rõ ràng với nhiều khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc không được bảo tồn đúng mực. Từ đó, các yếu tố bản sắc có nguy cơ mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả nhà nước và tư nhân.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hoạt động xây dựng và phát triển dự án đầu tư BĐS là mộ trong những tác nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Trên toàn thế giới, các công trình chiếm 1/3 tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần ¼ tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch. Khi xây dựng công trình, việc san, lấp, đào, đắp, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên để sản xuất vật liệu xây dựng cũng như lượng chất thải rắn ra môi trường. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường thực vật tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn…

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất đối với môi trường tự nhiên, đô thị xanh hiện nay là sự xâm hại trong phát triển các dự án BĐS, điều này đang diễn biến rất nghiêm trọng. Quá trình phát triển du lịch ở các thành phố như Đà Lạt, Sapa… là minh chứng rõ ràng với những khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn đúng mực. Từ những thành phố có chức năng nghĩ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn thì các khu vực này đang trở thành thành phố buôn bán xô bồ, bị bê tông hóa trên diện rộng. "Yếu tố bản sắc có nguy cơ bị mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả nhà nước và tư nhân", ông Chính nhấn mạnh.

Khuyến khích phát triển công trình xanh

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Hoàng Tùng - Phó giám đốc sở quy hoạch Kiến Trúc Tp.HCM cho rằng, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án xanh hướng đến một đô thị văn minh, bền vững.

Theo ông Tùng, công trình xanh là xu hướng tất yếu và đang phát triển rất mạnh mẽ trong khu vực và thế giới, khi đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng, vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, sức khỏe con người…

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cũng cho rằng, một trong ba tiêu chí ưu tiên của khách hàng khi chọn mua BĐS là cảnh quan môi trường sống, bao gồm như cây xanh, an toàn, an ninh, tiện ích, quản lý. "Đối với BĐS nghỉ dưỡng thì yếu tố xanh càng được đặt lên hàng đầu. Xanh veefe cảnh quan, về thiên nhiên, môi trường tự nhiên, xanh về sự quản lý con người", ông Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam còn gặp những thách thức đáng kể. Hiện tại số lượng công trình xanh chỉ khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như trong quá trình thiết kế, thi công sau 10 năm khởi sướng. Mặc dù Việt Nam đã tham gia vào thị trường xanh từ khá lâu nhưng tốc độ phát triển cực kỳ chậm.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập kiêm giám đốc GreenViet chỉ ra 3 lý do dẫn đến thực trạng công trình xanh tại Việt Nam thua xa các nước ngoài khu vực là bởi: Chi phí cao; chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ. "Để nâng cao số lượng công trình xanh thì chủ đầu tư cần mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn xanh vào công trình dự án, song song đó cần sự hỗ trợ ưu đãi từ phía chính phủ", ông Quang nhấn mạnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM