Những sự kiện kinh doanh quốc tế nổi bật trong năm 2018

25/12/2018 08:12 AM | Kinh doanh

Năm 2018 sắp kết thúc với nhiều sự kiện kinh doanh quốc tế đáng chú ý. Dưới đây là 6 sự kiện được cho là nổi bật nhất.

1. Startup lớn nhất thế giới Uber lao đao: Rút lui khỏi toàn bộ khu vực ĐNÁ, liên tiếp rò rỉ thông tin thua lỗ

Khoảng giữa năm 2017, thông tin về việc nhà sáng lập Uber Travis Kalanick bị "đá" khỏi công ty do chính mình sáng lập đã gây xôn xao trên khắp thế giới. Cuối cùng sau những lời đồn đoán cùng những biểu hiện yếu kém của công ty, Travis thừa nhận mình sẽ rút lui khỏi Uber với số tiền lên tới 1,4 tỷ USD qua việc bán 1 lượng cổ phần tại Uber cho Softbank.

Khoảng 2 tháng sau, Uber tuyên bố họ có CEO mới. Cái tên không xa lạ trong giới kinh doanh, CEO đương nhiệm của Expedia Dara Khosrowshahi là người được "chọn mặt gửi vàng". Tưởng rằng giông bão sẽ qua nhưng qua năm 2018 tình hình Uber vẫn không khiến mọi người "bớt lo" hơn.

Tháng 5/2018, Uber đã đạt được thoả thuận bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ cạnh tranh Grab.

Theo thoả thuận này, mảng hoạt động trong lĩnh vực gọi xe Uber cũng như Uber Eats tại toàn khu vực Đông Nam Á sẽ được bán cho Grab để đối lấy từ 25 - 30% cổ phần ở công ty sau sáp nhập.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều thông tin rò rỉ cho thấy công ty này liên tiếp thua lỗ nhiều tỷ USD. Trong báo cáo mới nhất, Uber cho biết doanh thu trong quý 3 của năm 2018 đạt 2,95 tỷ USD, thua lỗ ở mức 1,07 USD, tăng so với con số 891 triệu USD vào quý trước đó. Điểm sáng duy nhất trong báo cáo của Uber là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats.

Năm 2019 tới sẽ diễn tiến thế nào với Uber sẽ còn cần thời gian trả lời. Tuy nhiên công ty này vừa mới tiết lộ rằng họ đã nộp hồ sơ xin IPO và sẽ sớm xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán trong năm tới. Đây được cho là sự kiện hết sức đáng mong chờ bởi công ty này hiện đang được định giá tới 72 tỷ USD – là startup lớn nhất nhì thế giới.

2. Facebook vướng loạt bê bối

Suốt trong năm vừa qua, Facebook liên tục trải qua những bê bối không ngừng nghỉ.

Đầu năm 2018, bê bối lớn nhất của Facebook là cuộc điều tra vào việc người Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Năm 2017, mạng xã hội tuyên bố tìm ra bằng chứng Nga lợi dụng nền tảng để mua quảng cáo chính trị. Dù vậy, câu hỏi Facebook biết về hành động của Nga từ khi nào và đã hành động đủ nhanh hay chưa vẫn còn bỏ ngỏ. Năm nay, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, Facebook đã gỡ bỏ hơn 100 tài khoản có thể liên hệ với một tổ chức của Nga.

Tháng 3/2018, Facebook đối diện bê bối mới khi Thời báo New York và The Guardian tiết lộ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng bị một hãng cố vấn chính trị có tên Cambridge Analytica thâu tóm. Bê bối làm dấy lên lo ngại về việc Facebook bảo vệ dữ liệu họ thu thập được từ người dùng ra sao. Mọi chuyện còn tệ hơn khi Facebook mất gần 3 năm mới cảnh báo cho họ biết về việc lạm dụng dữ liệu. Làn sóng chỉ trích khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội.

Những sự kiện kinh doanh quốc tế nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 1.

Tiếp đến, mùa hè năm nay, Facebook cùng giới công nghệ chặn Alex Jones khỏi nền tảng vì vi phạm quy định liên quan đến phát ngôn thù địch và nội dung bạo lực. Jones bị công kích vì truyền bá các câu chuyện sai sự thật. Lệnh cấm khiến người dùng nghi ngờ Facebook kiểm duyệt các tiếng nói đối nghịch nhưng công ty bác bỏ điều này.

Facebook tiếp tục bị phản đối vào tháng 9 sau khi tiết lộ lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Hacker khai thác đoạn mã trong tính năng View As để đánh cắp thông tin cá nhân của 29 triệu tài khoản, bao gồm số điện thoại, sinh nhật, quê quán.

Đến tháng 11, tờ New York Times xuất bản bài báo điều tra hơn 5.000 chữ về cách các lãnh đạo công ty phản ứng trước một loạt bê bối. Sự kiện này như "đổ thêm dầu vào lửa" đối với Facebook vốn đã có một năm 2018 đáng quên. Facebook đang cố tạo dựng lại lòng tin với hơn 2 tỷ người dùng, đồng thời đối mặt với khả năng bị quản lý chặt hơn từ nhà lập pháp.

Trước hàng loạt bê bối không hồi kết, các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích hối thúc Mark Zuckerberg phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều đó và cách tốt nhất là anh ta nên từ chức. 

Đáng tiếc, điều này gần như sẽ không xảy ra. Zuckerberg kiểm soát 60% cổ phiếu biểu quyết của Facebook nên anh không thể bị đuổi khỏi công ty. Trả lời CNN hôm 21/11, Mark khẳng định mình không có kế hoạch từ chức Chủ tịch. Anh cũng nói rằng COO Sandberg cũng sẽ không đi đâu cả. Anh bảo vệ bản thân khi nói: "Khi điều hành công ty có hàng chục ngàn người, sẽ có những người làm những việc mà tôi còn không biết về nó bên trong công ty".

3. Elon Musk vạ miệng: Muốn biến Tesla thành công ty tư nhân

Vẫn biết Elon Musk là một CEO "thoáng" và khá dễ dãi, cởi mở trong việc chia sẻ trên mạng xã hội cả những vấn đề liên quan tới cá nhân và công việc. Tuy nhiên, chính thói quen này đã đẩy không chỉ ông mà cả Tesla vào tình thế không thể khốn khổ hơn trong năm 2018.

Vào tháng 9, CEO của Tesla - Elon Musk đăng tải trên Twitter cá nhân nói rằng: "Đang cân nhắc việc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với mức 420 USD/cổ phiếu, đã tìm được nguồn vốn". Không lâu sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đâm đơn kiện Musk, cáo buộc ông đưa thông tin sai lệch qua các dòng đăng tải Twitter của mình và nghi ngờ ông làm vậy để gây ấn tượng với bạn gái. Nằm trong thỏa thuận dàn xếp vụ việc này, Musk bị yêu cầu nộp cho SEC 20 triệu USD tiền phạt và từ chức chủ tịch Tesla.

Những sự kiện kinh doanh quốc tế nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 2.

Vẫn "chứng nào tật ấy", Elon Musk lại tiếp tục thoải mái chia sẻ về việc ông đã phải ngủ ở nhà máy, làm việc 80 giờ mỗi tuần rồi lập cả một dây chuyền sản xuất dưới lều, tìm mọi cách để Tesla có thể đáp ứng mục tiêu sản xuất Model 3. Những điều đó khiến các nhà đầu tư hoang mang hơn bao giờ hết. Họ lo ngại về sức khỏe tinh thần không đủ đáp ứng yêu cầu điều hành công ty của Musk rồi mục tiêu sản xuất thường xuyên không hoàn thành khiến giá cổ phiếu Tesla lao dốc không phanh – thấp nhất là vào thời điểm tháng 10 chỉ ở mức 250,56 USD/cổ phiếu.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 9, tờ Bloomberg thống kê được rằng đã có tổng cộng 42 lãnh đạo Tesla rời công ty riêng trong năm 2018 dù năm nay vẫn chưa kết thúc. Nếu tính trong 12 tháng qua, con số này thậm chí tăng lên tới 59 người. Công ty từng tuyên bố sa thải ít nhất 9% lực lượng lao động vào tháng 6 – cùng thời gian có 13 lãnh đạo rời công ty.

Dẫu vậy, thời điểm cuối năm Tesla đón nhận một vài tin vui khiến cổ phiếu hồi phục tới 45% sau đợt giảm đỉnh điểm tháng 10. Năm 2019 phía trước sẽ ra sao với Tesla sẽ còn là một dấu hỏi lớn nhưng nhiều chuyên gia nhận định chỉ cần CEO Elon Musk "bớt mồm bớt miệng" trên Twitter là công ty đã có thể yên ổn được phần nào.

4. Nước Mỹ có công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trong lịch sử

Sau phiên giao dịch ngày 3/8/2018, Apple chính thức trở thành công ty đại chúng đầu tiên của nước Mỹ vượt qua mốc giá trị 1.000 tỷ USD.

Cụ thể, nhà sản xuất iPhone đạt được mức giá trị khổng lồ này khi cổ phiếu của họ vượt qua mốc giá 207,04 USD/1 cổ phiếu. Như vậy, kỷ lục giá cổ phiếu cao nhất mọi thời đại của họ đạt mốc mới là 208,38 USD. Tổng cả năm nay, cổ phiếu Apple đã tăng tới 20%.

Dù một vài người cho rằng Apple cần sản phẩm mới để tiếp tục duy trì doanh thu và lợi nhuận tốt nhưng Apple vẫn dễ dàng cán mốc giá trị 1.000 tỷ USD nhờ doanh số mạnh của iPhone 8 và iPhone X đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, mảng dịch vụ cũng mang về nguồn tiền không nhỏ cho công ty này.

Hiện tại, phố Wall nhận định rằng Apple sẽ tiếp tục còn tiến xa hơn nữa. 13 chuyên gia phân tích đang đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu này là trên 225 USD. Riêng 1 chuyên gia lạc quan nhất còn đặt mức giá mục tiêu ở mức 275 USD/1 cổ phiếu, nếu như vậy, giá trị Apple sẽ ở mức 1,3 nghìn tỷ USD.

5. Năm của những vụ bắt bớ: CEO JD và CFO Huawei, CEO Nissan

Năm 2018 chứng kiến những vụ bắt giữ lãnh đạo cấp cao của nhiều tập đoàn đặc biệt đáng chú ý. 

Khởi động là thông tin CEO hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc là Liu Quiangdong bị cảnh sát Mỹ bắt giam vào lúc 11 giờ 32 phút ngày 31/8 và được thả vào lúc 4 giờ 05 phút ngày 1/9 (giờ Mỹ). CEO Liu bị bắt giữ vì cáo buộc có hành động sai trái liên quan tới tình dục trong một chuyến công tác tại Mỹ và chính quyền địa phương đang điều tra vụ việc.

Phía JD.com hiển nhiên chối bỏ mọi cáo buộc liên quan tới CEO Liu và khẳng định ông này vô tội. Thời điểm đó, cảnh sát Mỹ khẳng định sẽ điều tra đến cùng và đưa vụ việc ra ánh sáng. Nhưng trong một động thái đầy bất ngờ, những ngày cuối năm 2018, phía công tố viên Mỹ đã tuyên bố CEO Liu sẽ không bị kết tội do thiếu chứng cứ. 

Đây là một thông tin đặc biệt đáng mừng đối với JD.com bởi thời điểm thông tin kèm hình ảnh CEO của họ trong chiếc áo tù nhân màu vàng lan truyền trên mạng, giá cổ phiếu đã giảm nặng nề. Một khi ông Liu được tuyên bố vô tội, hoạt động kinh doanh của công ty có thể trở lại bình thường.

Đầu tháng 12, một thông tin còn chấn động hơn là việc bà Mạnh Vãn Chu – CFO đồng thời là con gái nhà sáng lập tập đoàn Trung Quốc Huawei bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ do nghi ngờ liên quan tới những giao dịch với Iran, mặc cho lệnh cấm vận của Mỹ.

Trải qua 3 phiên điều trần căng thẳng, tới ngày 12/12 bà Mạnh được tòa án Canada chấp nhận cho tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD kèm theo chịu sự giám sát của ít nhất 5 người và chiếc vòng theo dõi ở chân. 

Những sự kiện kinh doanh quốc tế nổi bật trong năm 2018 - Ảnh 3.

Hiện tại bà Mạnh đang bị giam lỏng trong một căn nhà ở Canada tuy nhiên các chuyên gia đều nhận định quyết định đồng ý cho bảo lãnh kể trên chỉ là bước đầu tiên trong một quy trình pháp lý lâu dài tại Canada và cuối cùng có thể kết thúc bằng việc bà Mạnh bị dẫn độ về Mỹ. Tờ Bloomberg nhận định nếu tình huống bị dẫn độ xảy ra, sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để hoàn tất.

Không được may mắn như 2 người kể trên, CEO Nissan là Carlos Ghosn lại phải trải qua Giáng sinh 2018 trong tù. Trước đó, ông Ghosn bị phía công tố viên Nhật Bản cáo buộc vi phạm luật giao dịch tài chính, không khai báo trung thực về mức lương tại tập đoàn và bị bắt giữ tại Nhật. 

Hiện tại không chỉ phía toàn án, bản thân Nissan và Renault – những doanh nghiệp mà ông Ghosn lãnh đạo đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm của ông này. Chính vì vậy, năm 2019 có lẽ sẽ không mấy sáng sủa với ông Ghosn nếu ông này chính thức bị tuyên án.

6. Trade war, nhiều công ty bỏ Trung Quốc sang Việt Nam

Năm 2018 chứng kiến căng thẳng thương mại leo thang chưa từng có giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Trump liên tục tuyên bố áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ai cũng sợ hãi, thị trường chứng khoán lao dốc, các nhà sản xuất thì tức tốc đi tìm cho mình phương án né thuế. Và giữa mớ hỗn độn đó, Việt Nam bất ngờ nổi lên như một địa điểm lý tưởng để các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.

"Chiến thanh thương mại sẽ còn kéo dài", CEO Shigenobu Nagamori của Nidec ngậm ngùi thừa nhận và tiết lộ đang tìm cách chuyển nhà máy sang nước khác ngoài Trung Quốc nhưng không tiết lộ địa điểm cụ thể.

CEO Brooks Running Jim Weber thì tuyên bố vào cuối tháng 10 rằng ông đang cân nhắc chuyển một vài hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do lo ngại bùng nổ chiến tranh thương mại có thể đẩy thuế nhập khẩu lên mức 45% .

Nhìn chung, năm 2019 rất có thể những tuyên bố kể trên sẽ được hiện thực hóa và không ai hết, Việt Nam chính là người được hưởng lợi nhiều nhất!

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM