Những quốc gia sản xuất được hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày ít người biết tới

30/01/2019 09:22 AM | Xã hội

Ba nhà cung cấp dầu thô nổi tiếng thế giới bao gồm Nga, Ả Rập Saudi và Mỹ. Bên cạnh những cái tên nổi trội này, gần 100 quốc gia khai thác trữ lượng dầu trong lãnh thổ của họ. Dưới đây là 8 cái tên thú vị nhưng ít được biết đến về khả năng sản xuất dầu thô.

Barbados (1000 thùng dầu/ngày)

Bằng chứng về dầu mỏ gần bờ biển ở hòn đảo nhỏ bé (chỉ rộng gần 430 km2) xuất hiện từ thời thuộc địa, dù cho vào thế kỉ 18, việc khai thác chủ yếu được thực hiện nhờ đào hố thủ công và tìm kiếm xung quanh để phát hiện ra những vũng dầu thô.

Giếng khoan đầu tiên xuất hiện vào những năm 1890s, thuộc quyền sở hữu của Công ty Dầu khí West Indies, và chẳng mấy chốc, con số này đã tăng vọt lên 240 giếng khai thác được khoan ở độ sâu tứ 610m đến hơn 1.800m. Hầu hết các cuộc thăm dò trữ lượng dầu Bajan tập trung ở làng Woodbourne, gần sân bay quốc tế, dù sản lượng đang giảm dần.

New Zealand (35.574 thùng/ngày)

Ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ ở New Zealand chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế quốc gia (2,5 tỷ NZD tương đương 1% GDP). Trong chiến dịch tranh cử của mình, thủ tướng Jacinda Ardern đã đặt ra mục tiêu giảm thải khí nhà kính của đất nước xuống mức 0% vào năm 2050.

Hàng loạt các sáng kiến đã được đưa ra nhằm hỗ trợ mục tiêu này, từ kế hoạch trồng 100 triệu cây đến đặt giới hạn cho các giấy phép khai thác dầu mới (hiện có 31 giấy phép vẫn còn hiệu lực, trong đó 27 giếng khoan đang hoạt động). Đề xuất của bà Ardern sẽ xóa sổ ngày công nghiệp khai thác dầu thô khi giấy phép cuối cùng hết hạn vào năm 2030, tuy nhiên chính phủ của bà cho biết từng trường hợp cụ thể có thể được xem xét.

Argentina (510.650 thùng/ngày)

Những quốc gia sản xuất được hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày ít người biết tới - Ảnh 1.

Venezuela có thể nổi tiếng là quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu ở Nam Mỹ, nhưng Argentina chính là đối thủ đáng gờm mà ít người lường tới. Argentina là nơi có trữ lượng dầu diệp thạch lớn thứ 4 trên thế giới. Nếu tổng thống Argentina Maricio Marcri thực hiện kế hoạch của ông trong lĩnh vực năng lượng, thì dầu mỏ có thể đưa đất nước này ra khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm.

Ông Macri đã đạt được thỏa thuận hợp tác công-tư để cạnh tranh với công ty dầu mỏ quốc doanh YPF, từ lâu đã năm giữ độc quyền. Tổng thống Argentina cho rằng con đường khai thác dầu mỏ nên được thực hiện thông qua quan hệ hợp tác công-tư. Vì vậy, vào cuối năm nay, Shell, Equinor (tiền thân là Statoil) và các công ty lớn khác sẽ đấu thầu quyền khai thác ngoài khơi mới.

Hà Lan (18.087 thùng/ngày)

Hà Lan thực tế nổi tiếng về kinh doanh dầu mỏ nhờ tên tuổi của các công ty như Royal Dutch Shell, tập đoàn lớn thứ 6 trên thế giới. Nhưng quốc gia Tây Âu này cũng có lịch sử sản xuất dầu thô, chủ yếu tập trung ở Drenthe, nơi van Gogh đã sống và làm việc. Chính BPM đã thăm dò dầu mỏ ở đây vào những năm 1930s, trước khi quá trình sản xuất bắt đầu trong thập kỷ tiếp theo. Khai thác dầu mỏ kéo dài đến tận năm 1996, khi chi phí khai thác cao đã buộc mọi hoạt động phải dừng lại.

Những tiến bộ công nghệ gần đây, đặc biệt là bơm hơi nước vào dầu trong chất nền để làm dầu lỏng hơn và dễ chiết xuất hơn, tái khởi động ngành khai thác dầu mỏ ở Hà Lan.

Bahrain (50.000 thùng/ngày)

Những quốc gia sản xuất được hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày ít người biết tới - Ảnh 2.

Nhà địa chất học người Anh-New Zealand, Thiếu tá Frank Holmes, được biết đến với tên gọi khác là Abu Naft hay Cha đẻ của dầu mỏ ở Bahrain, sau khi ông đạt được nhượng quyền khai thác dầu ở quốc gia này vào những năm 1920s. Và ông đã tìm thấy dầu mỏ ngay sau đó.

Trước khi Holmes thăm dò được dầu mỏ, quốc đảo ở Trung Đông này nổi tiếng với nghề lặn lấy ngọc trai. Nhờ nhà địa chất học người Anh-New Zealand, Bahrain đã trở thành quốc gia sản xuất dầu đầu tiên ở vùng vịnh.

Vương quốc này có trữ lượng dầu ở cả trên bờ và ngoài khơi – trong một khu vực được chia sẻ với Ả Rập Saudi – nhưng từ lâu chỉ là một quốc gia sản xuất nhỏ, từ chối tham gia vào liên minh OPEC.

Ngành công nghiệp khai thác dầu ở Bahrain có dấu hiệu hồi xuân, khi một nguồn dự trữ dầu mỏ được phát hiện ra ở ngoài khơi bờ biển phía tây. Các chuyên gia đang đánh giá xem bao nhiêu lượng dầu có thể được khai thác thông qua phương pháp fracking. Họ cho rằng nguồn dự trữ này sẽ sản xuất ít nhất 80 tỷ thùng, và do đó đưa Bahrain lên một thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng sản xuất dầu mỏ toàn cầu.

Hi Lạp (3.172 thùng/ngày)

Hi Lạp là nhà sản xuất dầu…oliu lớn thứ 3 trên thế giới, 350.000 tấn/năm, gấp 1,5 lần lượng dầu thô được khai thác hàng năm ở quốc gia này. Lượng dầu thô ít ỏi này không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, buộc chính phủ Hi Lạp phải nhập khẩu 60% nhu cầu từ Nga.

Điều này có thể thay đổi nếu báo cáo thăm dò ban đầu chính xác. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy có ít nhất 3 tỷ thùng dầu dưới biển Ionia và xung quanh đảo Crete. Phát hiện đầy hứa hẹn này không chỉ giúp Hi Lạp giảm phụ thuộc dầu mỏ vào Nga, mà còn mở ra con đường phát triển kinh tế mới cho quốc gia còn đang ngập chìm trong nợ nần này.

Thái Lan (257.525 thùng/ngày)

Sản xuất dầu mỏ ở Thái Lan còn khá mới mẻ, từ những năm 1980s, dù quốc gia này nhập khẩu hơn ½ lượng tiêu thụ hàng ngày. Hầu hết sản lượng dầu tới từ các mỏ rải rác trên Vịnh Thái Lan. Công ty dầu mỏ quốc doanh, PTT, cũng là một ông lớn trong ngành năng lượng nội địa và quốc tế, và cũng là công ty Thái Lan duy nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500.

Pháp (16.418 thùng/ngày)

Những quốc gia sản xuất được hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày ít người biết tới - Ảnh 3.

Khai thác dầu mỏ từng là một ngành công nghiệp thống trị ở tỉnh Alsace, đạt đỉnh điểm vào những năm 1920s khi hơn 650 giếng khoan hoạt động tại đây. Tuy nhiên, dấu tích còn sót lại của hoạt động khai thác dầu ở đây giờ chỉ còn là một chiếc xe tải rỉ sét và một vài máy bơm cũ ở Bảo tàng Dầu mỏ Pháp ở Merkwiller-Pechelbronn.

Chính việc phát hiện ra trữ lượng dầu dồi dào ở Sahara (hồi còn là thuộc địa của Pháp) vào những năm 1960s đã đặt dấu chấm hết cho sự bùng nổ khai thác dầu ở Alsace. Và có lẽ, tình hình trong lĩnh vực này ở Pháp sẽ tiếp tục đi xuống sau khi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố vào tháng 12 rằng tất cả các hoạt động khai thác dầu và khí tự nhiên sẽ bị coi là bất hợp pháp trên lãnh thổ của quốc gia này vào năm 2040.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM