Những quan niệm sai lầm về tiền bạc phổ biến: Nợ nào cũng ‘xấu’, thuê nhà là ‘ném tiền qua cửa sổ’

08/02/2021 10:26 AM | Kinh doanh

Chúng ta thường được khuyên nên tránh nợ nần bằng mọi giá. Tuy nhiên, vẫn có thứ gọi là "nợ tốt".

Khi nói đến quản lý tiền, chúng ta có thể đã nghe rất nhiều quy tắc và lời khuyên khác nhau. "Tiêu ít hơn số tiền kiếm được", "Bắt đầu tiết kiệm sớm để nghỉ hữu" hay "Tuân thủ nghiêm ngặt ngân sách"… là ba trong số đó. Mặc dù vậy, vẫn có không ít quan niệm sai lầm về tiền bạc.

Dưới đây là những quan niệm như vậy:

Nợ nào cũng là xấu

Thông thường, chúng ta được khuyên nên tránh nợ nần bằng mọi giá. Tuy nhiên, vẫn có thứ gọi là "nợ tốt" – những khoản có lãi suất thấp và có thể giúp bạn xây dựng tài sản theo thời gian.

Trên thực tế, đó là những thứ sẽ mang lại giá trị trong tương lai như nợ sinh viên hay nợ mua nhà. Trong khi đó, nợ xấu – ví dụ như thẻ tín dụng lãi suất cao, có thể nhanh chóng đưa bạn vào tình trạng tài chính không ổn định.

Những quan niệm sai lầm về tiền bạc phổ biến: Nợ nào cũng ‘xấu’, thuê nhà là ‘ném tiền qua cửa sổ’ - Ảnh 1.

Nợ thẻ tín dụng còn tồi tệ hơn việc đầu tư không có lãi.

Michael Resnick, nhà hoạch định tài chính và cố vấn quản lý tài sản cấp cao tại GCG Financial cho biết: "Nợ thẻ tín dụng là một trong những điều nguy hiểm nhất. Nó thậm chí còn tệ hơn đầu tư thua lỗ hoặc cất tiền trong nhà".

Thuê nhà giống như ném tiền qua cửa sổ

Việc mua nhà có thể giúp xây dựng sự giàu có nếu bạn kỳ vọng nó tăng giá theo thời gian. Thế nhưng cách này không phải lúc nào cũng có ý nghĩa về mặt tài chính

Trina Patel, nhà quản lý tư vấn tài chính tại ứng dụng quản lý tiền Albert cho biết: "Mua nhà có thể là một khoản đầu tư tuyệt vời trong dài hạn, nhưng nó không nhất thiết phải phù hợp với tất cả mọi người".

Quá trình mua nhà đi kèm với nhiều chi phí, bao gồm tiền trả trước cũng như các chi phí chuyển nhượng, thuế bất động sản, bảo hiểm và sửa chữa. Với những người chỉ có kế hoạch sinh sống ở một nơi trong vài năm, thuê nhà sẽ là lựa chọn có lợi về tài chính hơn. Resnick nói: "Tại sao phải mạo hiểm mất tiền vào bất động sản trong ngắn hạn, chưa kể đến chi phí giao dịch?".

Bạn sẽ tiêu ít tiền hơn khi nghỉ hưu

Nhiều người cho rằng mình sẽ không cần tiết kiệm nữa bởi các khoản trả góp đã xong hết hoặc chỉ đơn giản là bạn sẽ chi tiêu ít hơn khi không đi làm hàng ngày. Tuy nhiên đó lại là quan niệm sai lầm.

Đối với một bộ phận nhất định, cuộc sống khi nghỉ hưu của họ còn tốn kém hơn so với trước đây. Chad Chase, quản lý trưởng dịch vụ khách hàng tại Garrett Investment Advisors, cho biết: "Một số khách hàng của chúng tôi chi tiêu nhiều tiền hơn khi nghỉ hưu vì cuối cùng họ cũng có thời gian để đi du lịch, mua nhà hoặc muốn giúp tài trợ cho việc học đại học của cháu mình".

Những quan niệm sai lầm về tiền bạc phổ biến: Nợ nào cũng ‘xấu’, thuê nhà là ‘ném tiền qua cửa sổ’ - Ảnh 2.

Tiền bạc là chủ đề cấm kỵ

Nhiều người cho rằng tiền bạc là chủ đề cấm kỵ. Dù vậy, thẳng thắn về vấn đề này sẽ giúp quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả hơn, đặc biệt là khi bạn đã lập gia đình và có con.

Patel nói: "Nếu bạn có con, hãy dạy chúng sớm nhất có thể về cách quản lý tiền bạc".

Ngoài ra, bàn về vấn đề này với đồng nghiệp và bạn bè cũng có thể có lợi, nếu bạn biết cách khéo léo tiếp cận vấn đề. Chia sẻ mức lương (chính xác hoặc khoảng lương nếu bạn ngại) với đồng nghiệp sẽ giúp bạn nhận ra sự khác biệt. Từ đó, bạn có động lực hoặc truyền động lực để thu hẹp sự chênh lệch đó. Trong khi đó, trò chuyện về các bí kíp lập ngân sách hay tiết kiệm với bạn bè có thể giúp bạn cảm thấy đỡ cô độc hơn trong quá trình này.

Patel nói: "Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau khi nói về tiền bạc. Nếu chỉ giữ cho riêng mình, bạn sẽ không biết mình chưa biết điều gì hoặc những gì bạn có thể làm".

Nguồn: CNN

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM