Những quán ăn vắng khách, các con phố mua sắm không bóng người ở Trung Quốc thời hậu Covid-19

09/04/2020 08:17 AM | Kinh doanh

Dịch Covid-19 dường như tác động tới ngành dịch vụ tại Trung Quốc sâu và lâu hơn dự kiến.

Việc phong tỏa các khu đô thị của Trung Quốc đã bắt đầu được giảm bớt nhưng hình ảnh đường phố vắng người, các cửa hàng bỏ hoang ở thủ đô Bắc Kinh vẫn hiện hữu thường trực trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tác động của đại dịch virus corona đến ngành dịch vụ tại đây có thể sâu và lâu hơn dự kiến.

Nhiều nhà hàng, quán cà phê và quán rượu vẫn đóng cửa, mọi người vẫn trong trạng thái cảnh giác cao nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Trong số những cửa hàng được mở cửa trở lại gần đây, số lượng khách đến được ghi nhận đều không đáng kể.

Con phố mua sắm Wangfujing thường đông đúc nay vắng bóng người, chỉ có một vài người mua sắm qua lại nơi này. Các cửa hàng Apple được mở lại cũng cho thấy hình ảnh số lượng nhân viên còn nhiều hơn số người tiêu dùng ra vào nơi đây, tất cả vẫn đều đeo khẩu trang trong suốt khoảng thời gian ra ngoài. Các cửa hàng dọc theo khu vực dành cho người đi bộ đều đóng cửa trước khi mặt trời lặn, nhiều cửa hàng thậm chí vẫn chưa mở cửa trở lại.

Trong khu ẩm thực ở trung tâm thành phố, chỉ có một ít người ra ngoài ăn trong khung giờ cao điểm của bữa trưa, mỗi người chỉ giới hạn ở bàn nhỏ của mình để duy trì “khoảng cách an toàn xã hội”.

Những quán ăn vắng khách, các con phố mua sắm không bóng người ở Trung Quốc thời hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Chỉ số (PMI) của tháng trước là 43.0, với con số dưới 50, điều này có nghĩa là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đang bị thu hẹp.

Chỉ số (PMI) của tháng trước là 43,0, với con số dưới 50, điều này có nghĩa là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đang bị thu hẹp. “Hiện tại có quá ít người. Chúng tôi chỉ bán khoảng một trăm bát mì, chỉ bằng một nửa so với mức bình thường”, một người bán hàng rong ở Bắc Kinh, người cũng đã cắt giảm nhiều món ăn trong thực đơn của mình cho biết.

Một cửa hàng sách ở trung tâm thành phố đã tổ chức lễ khai trương chính thức sau khi bị đóng cửa kéo dài hai tháng rưỡi. Nhưng cửa hàng cũng chỉ ghi nhận bốn khách hàng vào buổi sáng, một trong số đó là phóng viên đưa tin. Tất cả bốn người được yêu cầu phải trải qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể và ghi lại chi tiết liên lạc cá nhân của họ trước khi bước vào.

Các nhân viên ngành dịch vụ cho biết tình hình này thực sự căng thẳng và họ lo lắng diễn biến này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. “Tôi chưa bao giờ thấy KFC trông như thế này, phòng ăn gần như trống không”, một nhân viên của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở Wangfujing cho biết.

Một người bán tạp hóa ở chợ thực phẩm gần đó liên tục lắc đầu khi nói về sự sụt giảm hành khách, nhưng bên cạnh đó cô vẫn cảm thấy may mắn vì có thể quay lại Bắc Kinh từ quê nhà trước khi yêu cầu kiểm dịch bắt buộc 14 ngày được áp dụng từ 14/2.

Tình trạng này không bị hạn chế ở Bắc Kinh. Kể từ khi chính phủ Trung Quốc mở cửa trở lại khoảng 500 rạp chiếu phim trên toàn quốc vào tháng 3, mỗi rạp chỉ thu hút trung bình hai khách hàng mỗi ngày.

Những quán ăn vắng khách, các con phố mua sắm không bóng người ở Trung Quốc thời hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Kể từ khi chính phủ Trung Quốc mở cửa trở lại khoảng 500 rạp chiếu phim trên toàn quốc vào tháng 3, mỗi rạp chỉ thu hút trung bình hai khách hàng mỗi ngày.

Giờ đây, nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp kiểm soát trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng mới của các bệnh nhiễm trùng, nỗi sợ hãi tương tự khiến mọi người ở nhà thay vì đến những địa điểm đã mở cửa trở lại.

Thượng Hải đã đóng cửa các điểm du lịch trong khi Tứ Xuyên đóng cửa các phòng karaoke. Rạp chiếu phim cũng đã đóng cửa trên toàn quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm Hàng Châu vào chủ nhật tuần trước rằng Trung Quốc phải cảnh giác. “Nếu bạn muốn xem một bộ phim, thay vì đến rạp chiếu phim, bạn có thể xem nó trực tuyến”, chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Ngành dịch vụ chiếm 60% nền kinh tế Trung Quốc và giải quyết phần lớn việc làm. Sự chậm chạp của việc phục hồi ngành dịch vụ đang tạo áp lực rất lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tại thời điểm này các đơn hàng xuất khẩu đang có nhu cầu cao.

Liang Zhonghua, nhà phân tích vĩ mô chính của Zhongtai Securities, nhận định rằng chỉ riêng tiêu dùng bị thiệt hại của Trung Quốc có thể kéo tăng trưởng của nền kinh tế xuống 4,5% trong quý II. “Nỗi sợ của người dân về dịch bệnh vẫn chưa kết thúc”, Liang cho biết.

Ở Bắc Kinh, tất cả khách du lịch vào thành phố đều phải trải qua kiểm dịch 14 ngày, trong khi các nơi tụ tập đông người hoàn toàn bị cấm.

Các biện pháp ngăn chặn đã khiến nhiều công nhân từ các thành phố khác chưa thể quay trở lại với công việc của họ. Nhiều người dân địa phương vẫn chọn cách làm việc tại nhà, mặc dù chính quyền đã cố gắng khuyến khích mọi người ra ngoài và tiêu tiền nhiều hơn.

Những quán ăn vắng khách, các con phố mua sắm không bóng người ở Trung Quốc thời hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Vào ngày 1/4, lưu lượng giao thông trên hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh khoảng 3,05 triệu hành khách mỗi ngày, chưa bằng một phần ba số liệu ghi nhận một năm trước.

Vào ngày 1/4, lưu lượng giao thông trên hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh khoảng 3,05 triệu hành khách mỗi ngày, chưa bằng một phần ba số liệu ghi nhận một năm trước. Dữ liệu chính phủ cũng cho thấy lưu lượng xe hơi vẫn còn ít hơn khoảng 15% so với năm ngoái. Việc phong tỏa kéo dài gần hai tháng đã thay đổi hành vi tiêu dùng của cư dân Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã chuyển sang nấu ăn tại nhà để cắt giảm chi tiêu.

“Tôi sẽ tiếp tục nấu ăn cho mình, ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường, nó vẫn tốt cho sức khỏe và rẻ hơn rất nhiều”, một luật sư ở Bắc Kinh chia sẻ. Ảnh hưởng của sự thay đổi hành vi này khiến doanh số bán lẻ giảm 17,9% trong hai tháng đầu năm, mức giảm này vẫn tốt hơn mức giảm 20,5% trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp Bắc Kinh đã cùng nhau phát hành phiếu mua hàng trị giá 150 triệu nhân dân tệ để thu hút khách hàng kể từ ngày 18/3. Nhưng với những khó khăn kinh tế hơn trước mắt, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang cố gắng chịu đựng đợi cơn bão qua đi.

Những quán ăn vắng khách, các con phố mua sắm không bóng người ở Trung Quốc thời hậu Covid-19 - Ảnh 5.

Thắng Duy

Cùng chuyên mục
XEM