Những nữ doanh nhân trẻ biến điều "khó thể" thành "có thể"

09/03/2019 15:30 PM | Kinh doanh

Ba nữ doanh nhân trẻ này với quyết tâm học hỏi và biết tận dụng lợi thế công nghệ đã chinh phục được ước mơ của mình.

Đằng sau sự thành công, dám nghĩ dám làm của họ còn là những đóng góp cho cộng đồng. Họ là niềm cảm hứng cho nhiều bạn gái trẻ biến điều tưởng chừng "khó thể" thành "có thể".

Nguyễn Thị Hương Liên - I love Asia Tour

Những nữ doanh nhân trẻ biến điều khó thể thành có thể - Ảnh 1.

Chọn dịch vụ du lịch bằng xe máy quanh thành phố Huế và Hội An, I Love Asia Tour muốn giới thiệu cho khách về cuộc sống, văn hóa cũng như cảnh quan các địa phương tại Việt Nam thông qua các "lady-biker" (phụ nữ lái xe máy) đã nhanh chóng thu hút khách du lịch. Sau 5 năm, I love Asia Tour đã có 5 chi nhánh (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hội An) và một chi nhánh mới mở tại Luang Prabang (Lào).

* Với số vốn chỉ có 100 USD, động lực nào khiến chị tự tin thành lập I love Asia Tour?

- Khi còn là sinh viên năm thứ 3, với vốn ngoại ngữ sẵn có, tôi mong muốn làm một điều gì đó vừa để nâng cao khả năng ngoại ngữ vừa đóng góp cho cộng đồng. Từng làm phục vụ cho nhà hàng Tây và đi tour du lịch bằng xe máy, tôi rất ấn tượng với mô hình tour guide bằng xe máy. Bản thân cũng có một tình yêu đặc biệt với Huế, tôi muốn ai đến với Huế cũng sẽ nói "I love Huế" nên quyết định tổ chức mô hình tour du lịch với tên gọi I love Hue Tour.

Càng làm, tôi càng yêu thích công việc và thấy đây là một mô hình rất tốt nên phát triển thành  mô hình kinh doanh . Năm 2017, I love Hue Tour  chính thức trở thành doanh nghiệp và tôi cũng  chính thức có những ý tưởng phát triển cho doanh nghiệp riêng mình.

* Khó khăn về nhân sự ban đầu chị đã giải quyết như thế nào?

- Tháng 2/2017, I love Hue Tour ra mắt tại Hội An rất đơn giản với 5 lady-biker, tự lái xe, tự ra chợ mua áo "I love Hội An". Bất ngờ là ngay sau khi ra mắt thì nhận được ngay booking của khách. Tôi nghĩ công ty như một cái cây, rễ tốt thì cây sẽ tồn tại. Với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, muốn có rễ tốt thì phải chăm chút từng việc nhỏ nhất.

Về công tác nhân sự, tôi đã tham gia rất nhiều nhóm Facebook của các trường đại học, các bạn sinh viên nữ, để đăng tuyển dụng, phỏng vấn qua Skype hoặc Mesenger và tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình kinh doanh của mình. Để kết nối hoạt động của I love Hue Tour trên phạm vi cả nước, tôi tiếp tục  ra mắt tại Hà Nội, TP.HCM và  quyết định lấy tên mới là "I love Vietnam Tour". Hiện tại, I love Vietnam Tour đã có hơn 100 lady biker tại 5 chi nhánh trên toàn quốc.

* Có mâu thuẫn không khi I love Vietnam Tour đang rất cần vốn để mở rộng kinh doanh nhưng khi có nhà đầu tư đề nghị rót vốn, chị lại từ chối?

- Đầu năm 2018, có hai nhà đầu tư Úc đánh giá cao mô hình của I love Hue Tour và đề nghị đầu tư 11.000USD để mở rộng thị trường cho I love Vietnam Tour ra nước ngoài. Nhưng tôi từ chối vì muốn làm từng bước một. Và cũng từ đó, ý tưởng về I love Asia Tour bắt đầu hình thành.

Năm 2018, tôi tham dự diễn đàn về Woman leadership tại Lào và quyết định chọn Luang Pabrang (Lào) để mở chi nhánh, đưa I love Vietnam Tour bước ra thế giới. Tại Lào, tôi có cơ hội học hỏi về những nền văn hóa khác nhau, về con người, kinh nghiệm làm hợp đồng và các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, con đường kinh doanh ở đây không bằng phẳng. Tôi đã từng gặp khó khăn trong việc phân tích các điều kiện hợp đồng với các đối tác mình muốn nhượng quyền, vì mô hình của họ không đúng với những giá trị và tầm nhìn của tôi về I love Asia Tour.

Thời điểm đó, tôi từng nghĩ sẽ nhượng quyền thương hiệu cho một người bản xứ, người hiểu và truyền tải được tinh thần của nước Lào, nhưng có nhiều điều không mong muốn đã xảy ra. Đối tác tôi chọn đã có 20 năm hoạt động trên thị trường và rất khó để thay đổi bộ máy làm việc của họ. Lúc đó, tôi rất buồn và hoang mang vì mình dành nhiều tình yêu với mô hình kinh doanh này.

Tôi đã hỏi nhiều thầy hướng dẫn và nhận lời khuyên: "Bạn là linh hồn của mô hình kinh doanh này. Nếu bạn muốn giữ nguyên những giá trị đó thì bạn phải làm từ đầu". Trong thời gian qua Malaysia tham gia hội nghị của Harvard, tôi suy nghĩ và quyết định tự mình làm mọi thứ. Sau 6 tháng kể từ ngày ra mắt tại Lào, tôi bắt đầu xây dựng lại chương trình kinh doanh và nhận được booking, đã có 15 lady biker tại địa phương với trên dưới chục booking tour/ tháng.

* Phụ nữ kinh doanh thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, chị đã đối mặt trước những rào cản gì và đã vượt qua như thế nào?

- Có những lúc không có thời gian cho chính mình, với vị trí CEO, dẫn dắt một công ty, tôi cảm thấy nhiều áp lực. Nhiều lúc nghĩ, mình có thể làm cho công ty khác với mức thu nhập cao và sau đó về với gia đình, không phải suy nghĩ gì. Nhưng đứng đầu một doanh nghiệp, vừa nghĩ chuyện kinh doanh, vừa lo nhân sự, lại đau đáu làm sao kết nối với những lady biker ở tỉnh thành khác... khiến tôi mất rất nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, thấy nhiều công ty không đối xử tốt với các bạn trẻ mới ra trường, tôi muốn tạo một môi trường có tính nhân văn cho các bạn, nên kiên nhẫn và sẵn sàng đào tạo họ thành những lady biker lành nghề. Với một người làm kinh doanh, thử thách, bất trắc có thể đến bât cứ lúc nào và lúc đó, người lãnh đạo phải là người đi tìm giải pháp chứ không thể buông xuôi, bỏ cuộc dễ dàng.

Công ty càng lớn thì trách nhiệm đảm bảo cuộc sống nhân viên càng nặng nề. Năm 2018, công ty bị hack mất 10.000USD trong tài khoản online. Lúc đó, câu hỏi đầu tiên trong đầu tôi là: "Làm thế nào để trả tiền cho nhân viên tháng này đây?". Ngay sau đó câu trả lời "nếu  mình gục ngã thì nhân viên sẽ gục ngã" đã giúp tôi bật dậy và vượt qua.

* Tham gia nhiều diễn đàn doanh nghiệp do nữ doanh nhân lãnh đạo, chị đánh giá thế nào về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thời kỳ hiện nay?

- Doanh nghiệp nữ lãnh đạo có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều lợi thế. Nữ giới cởi mở, chia sẻ và hỗ trợ nhau nhiều hơn so với nam giới. Trong thời đại công nghệ tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp, trong khi phần lớn nữ giới lại không nhạy về công nghệ nên bước đầu chậm chân. Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là cơ hội để  chị em học hỏi, cập nhật và nâng cao kiến thức.

Bản thân tôi, nhờ công nghệ, tôi cũng làm được nhiều thứ, ví dụ thông qua Facebook, tôi đã tuyển dụng được đội ngũ nhân sự cho I love Asia Tour, xây dựng website để ra mắt dịch vụ. Ngoài ra còn nhờ các công cụ khác như Google để chạy marketing. Nhờ công nghệ mà I love Asia Tour được đưa lên tầm cỡ quốc tế. Nhờ vậy, năm 2017, chúng tôi đã đạt gần 550 tour. Năm 2018 là 868 tour. Mục tiêu trong năm 2019, số tour sẽ tăng lên gấp đôi là 1500 tour. Hiện chúng tôi có 5 chi nhánh ở Việt Nam (Huế, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM) và 1 chi nhánh ở Lào.

Nguyễn Thị Nha Trang - Trung tâm Can thiệp sớm An

Những nữ doanh nhân trẻ biến điều khó thể thành có thể - Ảnh 2.

Với mong muốn giúp đỡ những trẻ em và gia đình trẻ em mắc bệnh tự kỷ hoặc có vấn đề rối loạn giác quan, Nguyễn Thị Nha Trang đã thành lập Trung tâm Can thiệp sớm An và các khóa học của An.

Trang chia sẻ: "Tại Việt Nam, tự kỷ vẫn được xem là căn bệnh nhạy cảm và nhận được cái nhìn không tích cực từ xã hội. Các gia đình có trẻ em tự kỷ cũng vì vậy mà thường không cởi mở để tìm cách chạy chữa căn bệnh cho con em mình. Do vậy, việc tiếp cận và cung cấp những kiến thức cần thiết cho bố mẹ có con tự kỷ là một điều không hề đơn giản".

* Biết vậy, tại sao chị vẫn thành lập Trung tâm Can thiệp sớm AN?

- Cũng vì thấy sự thiếu cởi mở của nhiều gia đình, trong khi nhu cầu trẻ tự kỷ được giáo dục, rèn luyện thật sự cần thiết nên tôi quyết thành lập An với mong muốn xây dựng một trung tâm bài bản và chuyên nghiệp trong ngành giáo dục đặc biệt này.

* Tâm huyết của chị chắc hẳn phải có sự khác biệt và sự khác biệt luôn đi cùng thách thức?

- Đúng vậy. Cách tiếp cận của An rất khác biệt so với các trung tâm ở thời điểm hiện tại. Trong khi các trung tâm nhận học sinh dạy theo giờ theo ca, thì An nhận học sinh ít nhất nửa ngày hoặc cả ngày. An có tỷ lệ giáo viên cao hơn, gần như 1:1, nghĩa là 1 giáo viên kèm 1 học sinh. Hai yếu tố này vừa là điểm mạnh vừa là khó khăn với An, bởi nhiều phụ huynh không hiểu và chỉ muốn tìm chỗ cho con học theo giờ.

Điểm mạnh của chúng tôi còn là một quy trình can thiệp tăng cường, ứng dụng các can thiệp có kiểm chứng khoa học, đảm bảo học sinh được can thiệp đủ thời lượng/ tuần (25 - 40 giờ) và cường độ can thiệp tăng cường trong toàn bộ thời gian can thiệp (nhờ tỷ lệ giáo viên cao).

Mô hình này chi phí cao hơn các mô hình khác và lợi nhuận cực kỳ thấp. Một trong những khó khăn tiếp theo là sự nhận thức và đồng hành của phụ huynh. Can thiệp sớm cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với gia đình, nhưng không phải cha mẹ nào cũng kiên trì dạy con. Họ thiếu kiến thức và kỹ năng, một vài gia đình "khoán" hết cho cô giáo và nghĩ là sẽ chi trả cho mọi khoản.

Một khó khăn nữa là trình độ giáo viên và sự gắn bó lâu dài của đội ngũ. An đã trải qua 2 lần thay đổi, có đợt giáo viên nghỉ rất nhiều. Nhiều lúc tôi mất niềm tin và muốn dừng lại. Nhưng rồi lại nghĩ, người được đào tạo như mình ở trong nước chẳng nhiều; mình lại bỏ cuộc bỏ nghề, vừa mất công đi học, vừa không giúp được người cần giúp. Vì vậy, tôi lại đi tiếp, mặc dù hiện tại cũng chưa hết khó khăn. Sức mạnh để tôi tiếp tục nhờ có những đồng nghiệp rất tốt tại An, có bạn đã đi được với tôi 5 - 6 năm.

* Bài học chị tâm niệm khi theo đuổi dự án An?

- Phải hết sức kiên định để theo đuổi mục đích đến cùng. Có những lúc An được hỏi mua. Song, tôi quyết không bán, mà biến An thành đối tác của họ. Làm việc bằng sự tử tế cũng là một kinh nghiệm, bởi chỉ bằng sự nghiêm túc và tử tế thì mới nhận được sự yêu quý của đồng nghiệp, sự tôn trọng của phụ huynh. Kết quả trong năm 2018, kinh doanh An tăng trưởng 30%, số lượng học viên tăng 70%, số lượng lớp học tăng 55% so với năm 2017.

Sắp tới, tôi sẽ đầu tư học thêm các chương trình chuyên biệt cho bé tự kỷ như PLAY project- một chương trình can thiệp có kiểm chứng khoa học tại Mỹ về chơi dành cho bé tự kỷ; chương trình Brain Gym, chương trình Balavisx tập trung vào sự thăng bằng, thị giác, thính giác cho trẻ tự kỷ...

* Chị đã ứng dụng công nghệ như thế nào trong việc tiếp cận An với cộng đồng?

- Với một doanh nghiệp nhỏ và vừa như An, việc ứng dụng công nghệ rất quan trọng vì nó tiết kiệm được chi phí quảng bá, marketing. Tôi đã dùng Facebook để giao tiếp với mọi người. Trên Facebook có các nhóm cha mẹ, nhà chuyên môn, giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Tôi tham gia những nhóm này và gửi các thông tin về các lớp học của An vào các nhóm. Tôi cũng sử dụng phần phân tích dữ liệu của trang Trung tâm An - nghiên cứu, ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục để chọn giờ, chọn đối tượng hay theo dõi trang...  Nhờ vậy, số lượng followers, số lượng like và tương tác tăng rõ rệt.

Trần Thanh Huyền - Founder & CEO True Juice

Những nữ doanh nhân trẻ biến điều khó thể thành có thể - Ảnh 3.

Được xem là một hình mẫu lối sống tích cực và khỏe mạnh bằng những bài tập Yoga và những chai nước ép nguyên chất, Trần Thanh Huyền - Founder & CEO của thương hiệu nước ép nguyên chất True Juice đã tạo ra cộng đồng juicing với gần 4.000 thành viên.

* Làm thế nào trong thời gian ngắn chị đã xây dựng được cộng đồng juicing với số lượng đông đảo như vậy?

- Hiện nay, phụ nữ đang có xu hướng bước vào con đường kinh doanh có sự hỗ trợ công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người lại  cho rằng, phụ nữ thường "chậm" hơn nam giới trong việc nắm bắt công nghệ. Và quan điểm của tôi, người biết tận dụng công nghệ sẽ càng có lợi thế. Thực tế, toàn bộ nền tảng vận hành quản trị của True Juice là hệ thống công nghệ được xây dựng chuyên biệt cho phép chúng tôi quản lý dịch vụ và mô hình cốt lõi.

Cụ thể, trang  blog juicylife.vn xuất phát điểm chỉ là nơi tôi chia sẻ những công thức, kiến thức và đam mê về juice cho mọi người hoàn toàn phi lợi nhuận. Dù chỉ chưa đầy 3 năm nhưng lượng bạn đọc đã tăng lên ổn định. Đây là nơi những người yêu juice có thể tìm thấy vô số thông tin khách quan và chuyên sâu về juice. Ngoài ra chúng tôi còn có group FB Juicing &Yoga lovers cho hơn 8.000 phụ nữ khắp mọi miền hàng ngày chia sẻ những cốc juice sắc màu bổ dưỡng.

* Ý tưởng thành lập True Juice từ đâu, thưa chị?

- Sau thời gian có nhiều băn khoăn trong cuộc sống, tôi tìm thấy juice và yoga, bỗng thấy sự chuyển biến trong con người tôi. Qua chia sẻ niềm đam mê của mình với những điều tốt đẹp do juice và yoga mang lại, tôi đã nhận được sự ủng hộ của mọi người. Chính sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mọi người khi tiếp cận với juice và yoga là động lực cho tôi quyết định khởi sự True Juice.

* Từ ý tưởng đến thực hiện là một khoảng cách, có khi nào chị muốn từ bỏ True Juice chưa?

- Bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào cũng phải trải qua vô vàn những thử thách để có thể khẳng định sự tồn tại. Từ một người chưa từng kinh doanh và không có chuyên môn trong lĩnh vực F&B đầy thử thách, True Juice là con đường để tôi học hỏi vươn lên và tác động mạnh mẽ đến mọi người. True Juice đã có những giai đoạn thực sự khó khăn khi nhân lực sút giảm, team biến động, tài chính khó khăn... nhưng chúng tôi may mắn vẫn có những người bạn, những nhân viên cốt lõi luôn đồng hành, sẻ chia. Vì thế, chưa bao giờ tôi có ý tưởng từ bỏ True Juice.

* Kinh nghiệm của chị qua những thất bại và cả thành công?

- Nghiên cứu mọi thứ thật kỹ, nhưng hành động thật nhanh. Cẩn thận, nhưng đôi lúc cũng phải nghe theo bản năng, can đảm chấp nhận rủi ro và tiến ra ngoài vùng an toàn của mình.

Theo Lữ Ý Nhi

Cùng chuyên mục
XEM