Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn!

02/08/2020 14:37 PM | Sống

Sống trong phòng cho đến năm 16 tuổi, học thuộc lòng từng cuốn sách và chưa bao giờ ăn bắp cải - đây là một trong những điều kỳ lạ khi trở thành Sa hoàng Nga.

Sứ giả từ điện Kremlin ở Moscow sẽ được gửi tới khắp các thị trấn trên toàn nước Nga. Tiền và đồ dùng sẽ được quyên góp cho các nhà thờ và tu viện dưới danh nghĩa Sa hoàng. Những người phạm tội nhẹ sẽ được ân xá.

Cùng lúc đó, quan chức các địa phương nhanh chóng chuẩn bị ngựa để tới Moscow tặng quà.

Đây là những gì sẽ diễn ra khi một đứa trẻ chào đời trong gia đình hoàng tộc Nga. Tuy nhiên, việc nuôi dạy một đứa trẻ sẽ thừa kế ngai vàng không phải là chuyện dễ dàng gì.

Cả tuổi thơ bị giới hạn trong điện Kremlin

Cả con trai và con gái của Sa hoàng Nga sẽ phải sống trong khu vực dành riêng cho phụ nữ trong cung điện, được giám sát bởi một đội ngũ các nhũ mẫu, bảo mẫu và hầu gái.

Người mẹ - Hoàng hậu Nga - có thể thoải mái chơi đùa với con cái mình tùy thích, nhưng việc nuôi con, thay tã giấy, cho con ăn, ru con ngủ lại là bổn phận của người hầu.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 1.

Phòng riêng của Hoàng hậu Nga trong cung điện hoàng gia. (Ảnh: Legion Media)


Những đứa trẻ hoàng gia này sẽ phải ở riêng cho tới khi tròn 5 tuổi, bởi các Sa hoàng Nga rất mê tín và lo ngại ma thuật đen.

Như nhà sử học Vera Bokova viết trong cuốn sách "Thời thơ ấu trong ngôi nhà của Sa hoàng", bà đỡ nhận nuôi đứa trẻ sẽ là một trong những người hầu cận quan trọng nhất sẽ chăm sóc cho đứa trẻ: người này sẽ nắm rõ tình hình sức khỏe của đứa trẻ; khi bác sĩ vắng mặt, bà sẽ chịu trách nhiệm chính về các vấn đề y tế và cả những vấn đề về ma thuật.

Bà đỡ còn phải đảm bảo ánh trăng không chiếu vào nôi (để đứa trẻ có giấc ngủ ngon) và bảo vệ đứa trẻ khỏi quỷ dữ: bà phải đảm bảo không ai được nhìn thấy đứa trẻ lúc đang ngủ, bôi nhọ nồi sau tai đứa trẻ và rắc muối xung quanh đầu đứa trẻ mỗi ngày.

Cho tới khi đứa trẻ được 5 tuổi, chỉ họ hàng thân thiết và người hầu mới được phép nhìn những đứa trẻ hoàng gia này.

Nếu chúng phải đến nhà thờ, người hầu sẽ mang theo rèm bằng len để che hai bên. Con cái của Sa hoàng đi bằng xe ngựa có cửa sổ che rèm, chơi trong sân riêng đóng kín cửa.

Tuy nhiên, những đứa trẻ này vẫn có bạn chơi cùng: con cái của các gia đình quý tộc - những người được phép chơi với Sa hoàng tương lai.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 2.

Tranh vẽ Peter Đại đế khi còn nhỏ.


Các Sa hoàng nhỏ tuổi: Mập mạp và chậm chạp

Các Sa hoàng Nga không bao giờ ăn bắp cải. Đây được coi là "thức ăn của nông dân", và trên thực tế, đây cũng là món phổ biến nhất trên bàn ăn của nông dân nước Nga.

Trong khi đó, món bắp cải muối lại chứa một lượng lớn vitamin C rất cần thiết cho sức khỏe.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi những Sa hoàng đầu tiên của triều đại Romanov lại bị bệnh scurvy (một chứng bệnh do thiếu vitamin C gây ra, với các triệu chứng như sưng và chảy máu lợi, vết thương chậm lành).

Tuy nhiên, con cái của Sa hoàng được phép ăn uống thoải mái. Khi đứa trẻ bắt đầu khóc, nó sẽ ngay lập tức nhận được rất nhiều bánh, kẹo, hạt…

Các hoàng tử và công chúa này được cho ăn 5 lần/ngày, giữa các bữa chính là vô vàn các bữa ăn vặt.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 3.

Alexey Alexeevich (1654-1670)


Đây chính là lý do mà các Sa hoàng Nga đều khá mập mạp. Người Nga còn quan niệm rằng những cuộc trò chuyện nghiêm khắc, khắt khe sẽ làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ con.

Do đó, bảo mẫu chỉ có thể sử dụng giọng điệu ngọt ngào, nhỏ nhẹ để lấy lòng các tiểu chủ nhân. Dĩ nhiên là những đứa trẻ này chẳng bao giờ bị phạt, chỉ bị nhắc nhở.

Tuy nhiên, trẻ con chỉ là trẻ con; mọi đứa trẻ đều thích đồ chơi. Ngay cả người trưởng thành cũng sẽ phải ghen tị với đống đồ chơi mà con cái Sa hoàng có khi còn nhỏ.

Nhà đồ chơi, con xoay, cờ vua, cờ caro, đồ chơi máy móc của châu Âu (hộp nhạc, chim vặn dây cót…) và các nhạc cụ (từ cây kèn đơn giản cho đến đàn clavichord tinh xảo).

Trong phòng của các hoàng tử còn có chỗ riêng đựng đồ chơi quân sự: cung và tên, rìu, dao, súng lục, pháo, đao và gươm.

Hình minh họa từ cuốn sách "Cuộc đời của Peter Đại đế" của Pyotr Krekshin, mô tả Peter đang chỉ huy đội quân của mình khi còn bé. (Ảnh: Sputnik)

Món đồ chơi hoành tráng nhất mà mọi hoàng tử Nga đều có là con ngựa đồ chơi. Peter Đại đế lúc còn bé đã được tặng cả một cỗ xe ngựa thu nhỏ được kéo bởi 4 chú ngựa con.

Thay vì sử dụng binh lính đồ chơi, ông để những người hầu có hình dáng thấp bé ăn mặc như lính hoàng gia, trông không khác gì một đội quân nhỏ.

Cha của Peter - Sa hoàng Alexis - thuở nhỏ cũng rất được chiều: ông giải trí bằng cách xem người lớn đánh nhau gấu hoặc xem các chú hề hoàng gia biểu diễn. Năm 7 tuổi, ông đã học chơi cờ, và năm 8 tuổi, ông đã biết bắn cung.

Các bài tập quân sự trên sẽ trở thành một phần của cuộc sống khi những đứa trẻ hoàng gia được chuyển từ khu vực dành cho phụ nữ sang phòng riêng của mình.

Những hình phạt ghê sợ đang chờ đợi các Sa hoàng tương lai

Sau 5 tuổi, các công chúa Nga sẽ phải dành cả đời trong khuê phòng và hiếm khi rời khỏi nơi này. Tuy nhiên, các hoàng tử lại có một cuộc sống hoàn toàn khác.

Các bảo mẫu và hầu gái sẽ ngừng việc chăm sóc và những bé trai này sẽ sống ở khu vực dành riêng cho đàn ông trong cung, dưới sự giám sát của gia sư - thường là một quý tộc quyền lực và được kính trọng.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 4.

Sách Thánh Vịnh vào thế kỷ 17.


Nhiệm vụ của gia sư là dạy hoàng tử các đọc, viết, cưỡi ngựa và cư xử như một quý tộc. Các Sa hoàng Nga phải hành xử để không ai có thể xem thường họ.

Vì thế, ngay từ nhỏ, các hoàng tử đã phải học cách đi đứng và di chuyển chậm rãi, quyền quý, không vội vàng.

Gia sư sẽ là những người duy nhất được trừng phạt những đứa trẻ hoàng gia này. Vào thời bấy giờ, việc nuôi dạy được dựa theo văn chương Cơ đốc giáo, chẳng hạn như St. John Chrysostom viết: "Hình phạt ghê sợ đang chờ đợi những đứa trẻ không chịu nghe lời cha mẹ chúng".

Roi làm từ gỗ bạch dương sẽ được dùng để đánh đòn những đứa trẻ không chịu học hành, lười biếng và không nghe lời. Đây là một sự thay đổi phũ phàng so với những lời âu yếm, dịu dàng trước đó từ các nhũ mẫu và hầu gái.

Vậy con cái Sa hoàng sẽ học gì? Chỉ một vài học sinh thời nay có thể theo kịp chương trình học ngày xưa của các Sa hoàng nhỏ tuổi.

Phương pháp chính là học thuộc lòng.

Khi đứa trẻ bắt đầu biết đọc, nó sẽ phải học thuộc các trích đoạn trong các tác phẩm tôn giáo: sách Thánh Vịnh (150 bài thánh ca), sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ (những lời cầu nguyện và cách hành lễ mỗi ngày), sách Công vụ Tông đồ, Kinh Tân Ước.

Ngoài ra còn có tập hợp các bài thánh ca khác nhau.

Vì thế, các Sa hoàng nhỏ tuổi có khả năng đọc sách khá ấn tượng. Khi lên 8 tuổi, chúng sẽ học viết, sau đó được dạy cách đọc các ghi chép và hát thánh ca trong vòng 2-3 năm tiếp theo.

Khi tròn 16 tuổi, hoàng tử sẽ được coi là người trưởng thành và việc tìm kiếm cô dâu bắt đầu.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 5.

Sách ký hiệu giai điệu để dạy hát phụng sự vào thế kỷ 17.


Phương pháp giáo dục này thực sự có ích hay không?

Con cái của Sa hoàng được nuôi dạy như những nhà thần học kiêm chiến binh nhỏ tuổi. Chúng sẽ trở thành những nhà chỉ huy quân sự và tham gia vào các buổi thảo luận tôn giáo.

Tuy nhiên, đây chưa hẳn là những gì mà một Sa hoàng cần có.

Các Sa hoàng nhỏ tuổi không được dạy về kinh tế, ngoại ngữ, chiến lược quân sự và rất nhiều thứ khác cần thiết trong một thế giới không ngừng thay đổi.

Kết quả là, phương pháp nuôi dạy "truyền thống" này được chấm dứt vào giữa thế kỷ 17. Sa hoàng Alexis - cha của Peter Đại đế - chính là vị Sa hoàng đầu tiên cải cách phương pháp giáo dục cho con cái mình theo kiểu châu Âu.

Con trai cả của ông - Alexei Alexeyevich (1654-1670) - đã được dạy tiếng Latin, đại số, hình học, thiên văn học và thậm chí cả thơ ca.

 Những nguyên tắc kỳ lạ của gia đình hoàng tộc Nga tiết lộ việc nuôi dạy người thừa kế ngai vàng không đơn giản: Cả tuổi thơ bị giới hạn! - Ảnh 6.

Hình minh họa từ cuốn sách "Cuộc đời của Peter Đại đế" của Pyotr Krekshin, mô tả Nikita Zotov đang dạy Peter Đại đế về công sự và các vấn đề quân sự. (Ảnh: Sputnik)


Tuy nhiên, Peter còn được tiếp thu nhiều kiến thức hơn. Ông cũng học thánh ca và Kinh Tân Ước - nhưng ông luôn được làm điều mình muốn.

Vì thế, vào năm 12 tuổi, Peter đã ra lệnh cho mang các máy móc và thiết bị khác nhau đến cung điện.

Lao động thể chất khi ấy bị coi là "không phù hợp" với Sa hoàng - nhưng Peter Đại đế đã học được cách khắc đá, in và làm sách, khắc gỗ và lái thuyền.

Một kỷ nguyên mới đã đến - kỷ nguyên mà ngay cả Sa hoàng cũng cần biết một số nghiệp vụ.

Dưới triều đại của Peter Đại đế, những luật lệ hoàng gia cũ chỉ còn được giữ nguyên trong khu vực dành riêng cho phụ nữ, rồi dần dần bị dẹp bỏ vào giữa thế kỷ 18.

(Theo Russian Beyond)


Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM