Những người từng nghỉ việc cuối năm, bây giờ họ thế nào?

25/11/2022 11:45 AM | Sống

Tuổi trẻ, đôi khi đúng sai không quan trọng đến vậy…

Khoảng cuối năm ngoái, tôi chính thức nghỉ việc ở một công ty truyền thông mà tôi đã làm việc được hai năm. Đáng ngạc nhiên là trong khoảng hai tháng sau đó, các biên tập viên, khách hàng, bạn bè và đồng nghiệp xung quanh tôi cũng rất nhiều người nghỉ việc. Ngay cả trong các hoạt động offline do tôi tổ chức và tham gia, tôi cũng nghe thấy các thực tập sinh than thở rằng mọi người xung quanh đều lần lượt nghỉ việc.

"Rõ ràng là cuối năm, cộng với dịch bệnh, tại sao làn sóng nghỉ việc không giảm mà lại tăng lên?".

Để trả lời câu hỏi này, tôi đã phỏng vấn hàng trăm người từ các nhóm khác nhau, và lý do rất đa dạng.

Gia đình

"Tôi vốn nghĩ ở nhà lâu sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn với bố mẹ. Trong đợt dịch bệnh, tôi phát hiện bố mẹ và mình có thể sống với nhau rất hòa thuận. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc, chuẩn bị cho kì thi công chức".

Lisa là một đồng nghiệp cũ của tôi, ở thủ đô được khoảng 3 năm, hiện tại cô ấy đã về quê bắt đầu lại mọi thứ. Vốn dĩ Lisa luôn có ý định sẽ về nhà để tham gia kỳ thi công chức, nhưng mỗi lần về nhà chưa đầy 48 giờ, kiểu gì cũng sẽ có xích mích gì đó với bố mẹ nên cô chần chừ chưa quyết đinh hẳn. Mãi cho đến khi phải ở nhà vì tình hình dịch bệnh, Lisa mới nhận ra rằng thực ra không khó để hòa thuận với bố mẹ.

Hồi học đại học, Lisa đã có nhiều quan điểm bất đồng với bố mẹ, sau khi tốt nghiệp, cô lựa chọn lên thủ đô lập nghiệp, hiếm khi mới về nhà trừ dịp lễ tết.

Trong ba năm lăn lộn ở thành phố, Lisa đã thực hiện được nhiều điều mình muốn, gian khổ có, ngọt ngào cũng không thiếu. Những ngày trưởng thành một mình, Lisa ít dành thời gian cho gia đình hơn, cả nhà dường như xa cách hơn. Những ngày lễ tết về nhà, cả nhà cũng không nói chuyện nhiều, cứ ba ngày thì kiểu gì cũng có một ngày bị mắng, mỗi năm, cứ Tết đến xuân về là cô lại đau đầu, vì vậy, cứ ở nhà không quá 7 ngày là cô lại quay trở lại thành phố.

Giai đoạn dịch bệnh, cô buộc phải ở nhà, bố mẹ cũng không thể đi làm, lúc này, Lisa mới phát hiện ra rằng thì ra, cả nhà hoàn toàn có thể hòa thuận với nhau. Sau đó, Lisa về nhà thường xuyên hơn, cô thậm chí còn chia sẻ chuyện tình cảm của mình với bố mẹ, đôi bên cùng nói về quan điểm của nhau trong chuyện tình cảm.

Khoảnh khắc đó, "tôi chợt nhận ra rằng, gia đình chính là tài sản đáng quý nhất", Lisa nói.

Chúng ta khi còn trẻ thường chưa hiểu ra được rằng gia đình là tài sản quý giá nhất, vì vậy, dù có mất đi, ta cũng chẳng có cảm giác gì, nhưng đợi tới khi mất quá nhiều rồi, ta mới hiểu thế nào là trân trọng.

Cuộc sống, không nên chỉ có công việc, vì vậy, có rất nhiều người lựa chọn nghỉ việc, đó là bởi họ bỗng nhiên nhận ra được rằng, gia đình mới là quan trọng nhất, có thể làm việc gần nhà là điều tuyệt vời nhất.

Sức khỏe

Trang là một người bạn của tôi, cô ấy làm trong ngành dược và cũng là một giám đốc dự án. Năm ngoái lúc gặp nhau, cô ấy nói rằng muốn nghỉ việc, nhưng tình cờ lại gặp được một dự án tốt nên tạm thời gác chuyện đó lại.

Sau khi dịch bệnh bớt nghiêm trọng hơn, mọi người dần dần đi làm, quay trở lại cuộc sống thường nhật, thì tôi nhận được tin nhắn của cô ấy: "Tôi không làm nữa đâu, lương tháng hàng trăm triệu cũng không làm nữa, tôi mệt quá, sức khỏe là quan trọng nhất".

Chị Lệ, một người chị làm cùng công ty năm ngoái cũng bắt đầu thường xuyên kêu đau thắt lưng, năm nay chị đi khám thì phát hiện bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng và cột sống cổ cũng có chút vấn đề. Còn trẻ như vậy mà đã gặp vấn đề về sức khỏe, chị ấy tức giận: "Mới làm có hơn hai năm, lương thì bình thường, tiền thưởng cuối năm cũng chẳng quá nhiều, chị nghĩ là chị sẽ nghỉ việc đây!".

Những người từng nghỉ việc cuối năm, bây giờ họ thế nào? - Ảnh 2.

Sức khỏe là quan trọng nhất (Ảnh: Pinterest)

Năm 2019, trong "Top 10 căn bệnh dai dẳng trên thế giới" vừa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố, thoái hóa đốt sống cổ đứng vị trí thứ hai. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã có hơn 200 triệu người bị thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng dai dẳng, nó thậm chí còn đang mở rộng từ độ tuổi trung niên và người già sang thanh niên và trung niên với tốc độ đáng báo động.

Những người trẻ kiên quyết nghỉ việc, ở một mức độ nào đó, họ cuối cùng cũng nhận ra được tầm quan trọng của một cuộc sống lành mạnh.

Vấn đề sức khỏe con người lẽ ra phải được quan tâm từ lâu, ô nhiễm môi trường và căng thẳng tinh thần đều đang bào mòn sức khỏe của giới trẻ. Dịch bệnh là hồi chuông cảnh tỉnh, chính hồi chuông báo động này đã đánh thức những người bấy lâu nay vẫn đang "đi trên dây".

Tự do

Tôi có một vài người bạn đã xin nghỉ việc hồi cuối năm ngoái để ra ngoài tự mình làm riêng.

Tất nhiên, họ đã sớm đặt cho mình một nền móng, hai năm đầu vừa đi làm vừa làm công việc phụ. Có người tự mình làm thiết kế, hoặc viết bài, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và nguồn lực hợp tác; có người thì làm dự án thương mại, tích lũy kinh nghiệm bán hàng và quan hệ, rồi đi mở studio.

Đi làm công có nghĩa là bạn đang bán sự tự do của mình, và với đồng lương cố định được trả hàng tháng và sự an ổn, người ta ít dám mạo hiểm, khó có tâm lý sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm.

Tôi đã nói chuyện với nhiều doanh nhân trong nhiều năm và nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình vì họ muốn tự do, và họ giành chiến thắng vì họ dám đứng ra giành lấy một phần tự do trong cuộc sống cho chính mình. Mặc dù đầy rủi ro, họ vẫn có thể đạt được điều mình thực sự muốn.

Bạn thực sự cho rằng không mạo hiểm thì sẽ không nguy hiểm ư?

Những người từng nghỉ việc cuối năm, bây giờ họ thế nào? - Ảnh 3.

Tự do là do chính mình quyết định, đừng giao cho công ty (Ảnh: Pinterest)

Xã hội hiện đại đang thay đổi từng ngày với tốc độ không thể tưởng tượng nổi. Bạn tự tin đến mức nào về khả năng của mình? Công ty của bạn có đủ khả năng cải thiện nghịch cảnh không? Bạn biết bao nhiêu về mức trần của ngành?

10 năm trước, chúng ta không thể tưởng tượng được Nokia, công ty dẫn đầu về điện thoại di động, lại bị thay thế bởi Apple, một nhà sản xuất máy tính, và 10 năm sau, chúng ta cũng không thể dự đoán rằng thể thao điện tử và livestream sẽ trở thành một ngành công nghiệp.

Càng mất nhiều tự do, người ta càng ít biết xã hội có thể thay đổi nhanh như thế nào.

Tất nhiên, ngay cả khi một số người biết rằng xã hội đang thay đổi nhanh chóng và sự phát triển của ngành là một bí ẩn, họ vẫn không chủ động thay đổi. Phần lớn chúng ta đều có một thói quen, đó là phàn nàn về hiện trạng ngày hôm nay, nhưng vẫn thức dậy vào sáng mai với trục cuộc sống giống như ngày hôm qua.

Không ai có thể đoán trước được tương lai, nhưng thay vì đặt khóa vận mệnh của bạn trong công ty, sẽ tốt hơn nếu bạn nắm lấy nó trong tay của chính mình. Mặc dù có rủi ro nhưng đây mới là sự tự do thực sự, và tự do thì luôn là một khối tài sản khổng lồ.

Khủng hoảng là bước ngoặt tốt nhất

Bản chất của con người là tìm kiếm sự ổn định. Nhưng gần đây tôi đọc một cuốn sách mới và khá đồng ý với những gì được viết trong cuốn sách đó.

Cuốn sách đề cập tới hai câu chuyện, một trong số đó là câu chuyện của hai người đàn ông. Hai người này vài năm trước đã xuất bản một cuốn sách, một người kinh doanh homestay, một người kinh doanh studio chụp ảnh, họ không đi làm công mà kiếm sống dựa vào sở thích của bản thân. Nhưng trong đợt dịch bệnh này, họ gặp phải một cuộc khủng hoảng chưa từng có, và họ suy sụp đến mức sắp phải bán nhà.

Sau đó, họ thử làm các khóa học trực tuyến dạy chụp ảnh và mở một homestay, ban đầu, họ chỉ mong đợi khoảng 5.000 người đăng ký khóa học, nhưng số lượng người đăng kí thực tế đã tăng hơn gấp ba lần - 18.000 người.

Trong cuộc khủng hoảng, họ không những không bị nuốt chửng mà còn tìm thấy cho mình những cơ hội kinh doanh mới.

Những người từng nghỉ việc cuối năm, bây giờ họ thế nào? - Ảnh 4.

Không ai mong muốn khủng hoảng nhưng đôi khi đó lại là bước ngoặt theo hướng tốt hơn (Ảnh: Pinterest)

Một câu chuyện khác là về một bộ phim tài liệu - "Undercover Billionaire". Bộ phim kể về một tỷ phú 55 tuổi được ê-kíp chương trình cử đến một thành phố xa lạ để chứng minh rằng việc khởi nghiệp không phụ thuộc vào tuổi tác, xuất thân hay số tiền rủng rỉnh, anh chỉ có đúng một chiếc điện thoại di động nhưng không có danh sách liên hệ, một chiếc ô tô đã qua sử dụng và 100 đô la. Anh ấy sẽ sống ở thành phố xa lạ này trong 90 ngày và xây dựng nên một công việc kinh doanh trị giá 1 triệu USD, và tất nhiên là anh ấy đã thành công.

Khi mọi người không có gì, họ có sức sáng tạo lớn nhất. Suy nghĩ cố hữu của mọi người là trong xã hội này, bạn cần phải có tiền, quan hệ, kinh nghiệm và nhiều thứ để bắt đầu làm bất cứ điều gì, nhưng thực tế, khi bạn có tiền, quan hệ và kinh nghiệm, bạn chưa chắc đã dám mạo hiểm, bởi lẽ, đơn giản thôi, con người ta ai cũng thích nhàn hạ.

Khi bạn cảm thấy mình không có cái gì, đó là lúc bạn có được nó. Khủng hoảng chính là bước ngoặt lớn nhất.

Lời kết

Lisa sau khi xin nghỉ việc và về quê, khoảng thời gian ở nhà ôn thi công chức, cô ấy đã đọc sách rất nghiêm túc: "Nếu không có quyết định này, có lẽ tôi đã không biết rằng mình có thể dậy sớm như vậy để đọc sách. Ngoài ra, nếu không nghỉ việc, tôi không biết rằng mình hoàn toàn có thể có được một mức lương rất cao trên thị trường việc làm".

Những người bạn nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe đã hồi phục cơ thể trong vài tháng qua, cảm xúc của họ dường như ổn định hơn và những bài đăng trên trang cá nhân bắt đầu trở nên hài hước hơn. Họ vẫn chưa đi làm, một người đã đầu tư vào một quỹ khá có tiếng và có thu nhập hàng tháng tốt, một người đã trở thành người dẫn chương trình. Về việc họ kiếm được bao nhiêu tiền, nó là một bí ẩn.

Những người bạn nghỉ việc để kinh doanh riêng vẫn đang gặp khó khăn bởi chưa cân bằng được giữa công việc và nghỉ ngơi. Họ đi ngủ muộn hơn, thu nhập cũng không ổn định nhưng họ không thấy mình bi quan.

Lựa chọn của họ không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng tôi nghĩ họ dũng cảm. Mặc dù con đường phía trước đầy rủi ro, nhưng họ đã sống một cuộc sống khác, đó cũng là một kiểu giàu có.

Tuổi trẻ, lối thoát duy nhất là thử và phạm sai lầm để tìm ra nhiều khả năng hơn.

Tuổi trẻ, đôi khi đúng sai không quan trọng đến vậy…

Nguồn: QQ

Theo Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM