Những người nuôi mộng tỷ phú trầm hương

04/04/2021 13:00 PM | Kinh doanh

Bước qua bên kia con dốc cuộc đời, không ít người trồng dó bầu vẫn ôm mộng thành tỷ phú từ trầm hương. Thời gian cứ tàn nhẫn trôi qua, giấc mơ mãi chưa trở thành hiện thực...?

Trèo đèo lội suối

Ông Hồ Văn Đơn (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã có hơn 20 năm “ôm mộng” tỷ phú trầm hương. Khi chưa bước vào tuổi 40, ông Đơn đã rong ruổi khắp các chốn núi rừng của Trà Bồng, trèo lên đỉnh Cà Đam để “săn” dó bầu.

“Thời đó toàn đi bộ nhưng vẫn trèo đèo, lội suối, đêm ngày lùng sục trên rừng rậm, núi cao để kiếm dó bầu. Mỗi đợt đi mất khoảng 3,4 ngày. Rừng thiêng, nước độc hay rắn rết gì cũng không kể, miễn là kiếm được dó bầu tự nhiên về trồng. Giống cây này mà tạo được trầm thì trở thành tỷ phú”, ông hồi tưởng.

Rồi ông Đơn cũng trồng được khoảng trăm cây dó bầu. Chăm bón, thuốc thang, bao nhiêu tâm sức ông dồn vào những cây dó với ước nguyện sớm được đổi đời. Nhiều năm trôi qua, niềm hy vọng cứ hao mòn dần khi không thấy cây nào tỏa mùi thơm như mong muốn.

Ông Đơn bước ra khu vườn trước nhà, ngồi mân mê bộ rễ đã trồi lên mặt đất của một thân cây to, trầm ngâm: “Năm ngoái, người ta tới mua 42 cây với giá 42 triệu đồng nhưng không bán. Mấy cây này đều trên 20 năm tuổi. Họ mua là để bơm thuốc vào cho cây tạo dầu, từ dầu đó sẽ thành trầm hương. Họ mua với giá rẻ, bơm dầu thành công thì bán giá cao gấp trăm lần. Mình nghĩ bán cây chẳng được bao nhiêu tiền, rồi cũng tiêu hết nên cứ để lại, biết đâu? Rồi đợt bão lớn năm ngoái, cây đổ gần hết, giờ còn một ít thôi”.

Hồi phong trào trồng dó bầu mới rộ lên, ông Đơn nghĩ chỉ tầm chục năm sau sẽ thu hoạch. Giờ đã ngoài 60 tuổi, ông thất vọng vì chưa thấy trầm đâu, mà bán số cây đã lớn khỏe cho thương lái thì lại tiếc. “Trong số cây này, chỉ cần 1 cây tạo được dầu là mình lời to, ít thì vài trăm triệu, nhiều thì tiền tỷ. Giờ già yếu rồi, đời ông chắc không được hưởng, thì thôi cứ để đó, sau này con cháu sẽ hưởng”, ông Đơn chép miệng.

Đục lỗ, đổ mật ong

Ông Hồ Văn Lĩnh (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) được biết đến là người “kỳ cựu” trong trồng dó bầu. Ông Lĩnh mang ra một bọc nilon lớn, trong đó là những mẩu gỗ vụn nhiều kích cỡ. Lựa một mẩu nhỏ, ông châm lửa đốt rồi nói: “Đây là thân của cây dó bầu vừa tạo dầu từ việc khoan lỗ dụ kiến, nó còn non nên mềm và dễ mục, mùi thơm cũng nhẹ nữa. Nhưng dẫu sao vẫn có hy vọng...”.

Vườn nhà ông Lĩnh hiện có chừng trăm cây dó bầu ngoài 20 năm tuổi. Năm 1999, ông cũng trồng chừng này cây nhưng bị bão xô đổ gần hết, phải gầy lại. “Trồng cái giống này là trồng cái hy vọng đổi đời. Hồi đó khăn gói ra tận tỉnh khác để làm thuê ở nơi trồng dó bầu tạo trầm, rồi thằng con trai bị bệnh nên phải về... Nếu làm lâu, có khi mình biết thêm nhiều bí kíp hay”, ông Lĩnh kể.

Cách đây 3 năm, thương lái tới hỏi mua cây để bơm hóa chất tạo dầu nhưng ông lắc đầu từ chối. Không đành lòng bán đi bao nhiêu tâm sức, hy vọng suốt mấy chục năm qua với giá rẻ bèo là 1 triệu đồng mỗi cây, ông Lĩnh thuê thợ về khoan các lỗ trên thân dó bầu. “Cái lỗ này kiến nó chui vào ở thì sẽ tạo dầu. Mật ong bình thường không dám uống vì tiếc tiền, thế mà lại mua về đổ trong mấy cái lỗ này để dụ kiến, nhưng cũng chẳng thấy đâu”, ông cười buồn.

Dứt lời, ông Lĩnh đi phăm phăm về phía cuối vườn, chỉ vào thân cây dó khá to, chừng một người ôm rồi nói: “Thấy mấy cái lỗ này không, nó là tự nhiên chứ không phải khoan đâu. Nó là cây tui hy vọng nhất trong cái vườn này”.

 Những người nuôi mộng tỷ phú trầm hương - Ảnh 1.

Ông Hồ Tấn Lĩnh đặt nhiều hy vọng vào cây dó bầu có các lỗ hình thành tự nhiên trên thân

Giấc mộng dở dang

Hơn 20 năm trước, câu chuyện về những người thợ rừng bỗng chốc thành tỷ phú vì tìm được trầm lan truyền khắp nơi, mê hoặc bao trai tráng vào rừng tìm trầm với hy vọng đổi đời. Khi nguồn trầm hương, kỳ nam... tự nhiên trong rừng đã cạn kiệt, nhiều người tìm cách tạo trầm hương bằng cách tiêm axit, chế phẩm sinh học vào cây dó bầu tự trồng. Các công ty bán giống kịp nhìn thấy thời cơ ở giấc mơ đổi đời của người dân cũng rầm rộ vào cuộc. Phong trào trồng dó bầu cứ thế lan rộng thêm. Hơn 2 thập kỷ trôi qua, giấc mơ vẫn còn dang dở. Người còn nuôi hy vọng, người đã chán nản buông xuôi.Giấc mộng dở dang

15 năm trước, ông Hồ Thanh On (thôn Đông, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) chỉ ngoài tuổi 30 đã quyết tâm đổi đời và đặt cược vào “canh bạc” lớn. Một người bà con làm công nhân cho trại giống dó bầu ở Bình Phước mách nước ông về “bí quyết” để thành tỷ phú. Thế là ông mua hạt ươm 5.000 cây dó bầu, bán cho hàng xóm 4.000 cây, riêng ông giữ lại 1.000 cây trong vườn nhà, trên rẫy. “Với chừng đó cây dó, 10 năm sau bán mỗi cây 10 triệu thì được 10 tỷ”, người đàn ông này nhẩm tính. Thế nhưng, trồng được vài năm thì cây chết hàng loạt, cây sống mòn mỏi chờ người mua.

Cách đây 3 năm, ông mới bán được 116 cây dó với giá 55 triệu đồng cho tư thương ở Đà Nẵng. Họ khoan đục lỗ cho thuốc vào cấy, nhưng giờ vẫn chưa tạo được trầm hương. Giấc mộng tỷ phú tan dần theo năm tháng, ông On vẫn sống trong ngôi nhà cũ kỹ lọt giữa vườn dó bầu xác xơ. Bão số 9 năm ngoái làm nhiều cây dó ngã xuống mái nhà gây hư hỏng, nhưng bốn tháng qua ông không buồn sửa lại.

Còn ông Hồ Văn Chân (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn) cũng đã tiêu tan hy vọng đổi đời nhờ trầm hương. “Ở đây chỉ toàn thấy bán cây chứ chưa từng thấy tạo được trầm. Mãi không thấy trầm đâu, lại thêm gió bão nên cây đổ ngã hết. Thế là tôi chặt bỏ luôn, cái vườn trồng dó, cũng mới vừa thuê xe san phẳng”, ông chia sẻ.

 Những người nuôi mộng tỷ phú trầm hương - Ảnh 2.

Nhiều cây dó bầu bị đổ ngã, hư hỏng do bão lớn

Trong khi đó, vẫn chưa nguôi hy vọng, ông Hồ Tấn Lĩnh (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn) lại chắc nịch: “Ở xứ này, người ta luôn nói rằng: nhất ngà voi, nhì trầm hương. Cây dó còn đó thì hy vọng còn đó, mình đã đợi quá nửa cuộc đời thì đợi thêm nữa cũng có gì đâu...”.

Khi giấc mơ chưa trở thành hiện thực, hàng ngày ông Lĩnh và vợ vẫn phải nặng gánh mưu sinh. Ngoài nương rẫy, ông còn đào ao nuôi cá và trồng thêm nhiều loại cây khác trong vườn nhà. Cuộc sống kham khổ nhưng chưa bao giờ ông có ý định “bán lúa non” niềm hy vọng của mình.

Theo ông Đinh Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, vài chục năm trước, phong trào trồng dó bầu phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp các xã miền núi. “Tại Trà Sơn, tất cả các thôn đều trồng dó bầu, nhưng sau một thời gian thấy không hiệu quả nên nhiều người chặt bỏ để chuyển sang trồng keo. Một số ít thì bán rẻ cho doanh nghiệp”, ông Phong nói.

Vài thập kỷ đã trôi qua, thời gian vô tình đến tàn nhẫn. Lứa trai tráng giờ đã lưng còng tóc bạc, giấc mơ ngày nào vẫn chưa thành hiện thực. Có người vẫn đeo đuổi, có người đã chán chường? nhưng câu chuyện về trầm hương ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn chưa kết thúc.

Đỗ Quyên

Cùng chuyên mục
XEM